Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Ngày 27/5/2020, Quốc hội Việt Nam dành toàn bộ một ngày làm việc để thảo luận báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.
Trong đó, các Đại biểu Quốc hội chia sẻ lại nhiều quan điểm bức xúc và tức giận của cử tri về vấn đề này. Những số liệu còn được đưa ra dẫn chứng, mà rất đáng chú ý như thông tin: “Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP.HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)”.
Đa số chúng ta đồng tình và thấu hiểu những tác hại tâm lý, sức khỏe, cũng như sự phát triển lâu dài của trẻ em. Từ đó, thừa nhận tính nghiêm trọng của hành vi xâm hại tình dục trẻ.
Vậy nên, khi có thông tin đề xuất công nhận hình phạt “thiến hóa học” dành cho những tội phạm tình dục nghiêm trọng nhắm đến trẻ em, sự ủng hộ của công chúng nói chung là rất cao (ít ra là trên phương diện mạng xã hội và các công cụ khảo sát trực tuyến).
Rõ ràng không còn gì để bàn cãi về mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm trẻ. Nhưng phương pháp trừng phạt gọi là “thiến hóa học” lại đặt ra nhiều câu hỏi về tính pháp lý và tính hợp lý; đặc biệt quan trọng khi so sánh trong tương quan với những yêu cầu của tư pháp hình sự.
Tóm tắt chung trong nghiên cứu của Tiến sĩ Karen Harrison, Đại học West of England, Vương Quốc Anh, có tên gọi The high-risk sex offender strategy in England and Wales: is chemical castration an option, ghi nhận “thiến hóa học” (chemical castration, cũng thường được gọi tránh là pharmacotherapy (dược lý trị liệu) là việc sử dụng các loại thuốc ức chế nội tiết tố (anti-androgens) nhằm hạ thấp, hoặc đi đến loại bỏ tạm thời khả năng sản sinh testosterone ở nam giới hoặc nữ giới.
Bằng cách này, cơ quan chức năng có thể can thiệp vào ham muốn tình dục của một cá nhân. Với các hệ quả y tế đầy đủ bao gồm giảm năng lực tình dục, giảm khả năng trải nghiệm tình dục, giảm khả năng sản xuất tinh trùng, tần suất ham muốn tình dục và khoái cảm thủ dâm.
Hiệu quả và thời gian có tác dụng của thiến hóa học phụ thuộc và loại thuộc vào quá trình sử dụng. Như vậy, việc sử dụng từ “thiến” cũng không quá chính xác, bởi bản chất của quá trình sử dụng thuốc nhằm ức chế ham muốn tình dục rất khác biệt với việc loại bỏ hoàn toàn bộ phận sinh dục (surgical castration).
Câu trả lời là “tương đối”, kể cả tại các quốc gia cấp tiến Tây phương, nhưng phức tạp hơn nghĩa đen của từ “thiến hóa học”.
Trong đó, biện pháp được áp dụng một cách có quy chuẩn nhất là ở Hoa Kỳ, Bỉ, Đức, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Thụy Điển, Hungary và Italy. Các nước này chỉ sử dụng biện pháp đó đối với các tội phạm tình dục nguy hiểm tái phạm hoặc có khả năng tái phạm cao.
Cơ chế áp dụng tại mỗi quốc gia cũng rất khác biệt, với loại thuốc, quy trình sử dụng, bản chất sử dụng và loại tội danh.
Tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ như California, Florida và Montana, thiến hóa học được xem là một điều kiện bắt buộc để được mãn hạn tù đối với các tội danh xâm hại tình dục nghiêm trọng – ví dụ như cưỡng hiếp trẻ em dưới 13 tuổi.
Kể từ năm 1997 tại California, công đoạn thiến hóa học bắt đầu từ một tuần trước khi phạm nhân được trở về cộng đồng, và bị bắt buộc sử dụng trong một thời hạn nhất định.
Hoa Kỳ chọn sử dụng Medroxyprogesterone Acetate (MPA), thường được biết đến với tên gọi thương mại Depo-Provera, vốn là một loại thuốc ngừa thai. Các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ cũng chỉ sử dụng MPA như là loại giải pháp đơn lẻ sau hình phạt tù dành cho tội phạm.
Tại một số quốc gia Châu Âu khác, bao gồm cả Vương quốc Anh, các loại thuốc kiềm chế ham muốn tình dục (anti-libidinal drugs) lại được áp dụng dựa trên cơ sở đồng thuận của phạm nhân.
Thuốc thường được lựa chọn là Cyproterone Acetate (CPA), mà công chúng vẫn hay biết đến với tên gọi Androcur. Không chỉ vậy, việc chỉ định sử dụng thuốc còn đi kèm với các liệu pháp tâm lý (psychotherapy) và đánh giá y tế toàn diện.
Như vậy, kể cả khi nhiều quốc gia sử dụng biện pháp thiến hóa học đi chăng nữa, thì cách tiếp cận và bản chất của chúng cũng rất khác nhau.
Các ví dụ trên có thể cho chúng ta thấy rằng cả hai bờ Đại Tây Dương đều không quy định “thiến hóa học” là một loại hình phạt (punishment) nhằm “trừng trị” kẻ thủ ác.
Tại Hoa Kỳ, biện pháp này được áp dụng như là một cách phòng ngừa (prevention) tái phạm dành cho các tội phạm tình dục đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ấu dâm.
Tại Châu Âu, “thiến hóa học” lại mang dáng dấp của một quá trình trị liệu tự chọn (treatment) sau khi mãn hạn tù nhằm hỗ trợ tâm sinh lý người phạm tội, giúp họ vượt qua các ham muốn tình dục phi pháp. Và mỗi cách tiếp cận đều đã bị chỉ trích theo cách riêng của nó.
Cách các nhà lập pháp và cơ quan soạn thảo luật tại Việt Nam khi tiếp cận biện pháp “thiến hóa học” sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xác định tầm ảnh hưởng của biện pháp này trong hoạt động tư pháp hình sự và thi hành án.
Câu trả lời ngắn gọn là có. Nhưng hiển nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi.
Cách tiếp cận phản đối thiến hóa học có thể được giải thích ngắn gọn bằng phát biểu của Nghiên cứu viên Papang Hidayat thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), khi nói về việc áp dụng thiến hóa học tại Indonesia:
“Lạm dụng tình dục trẻ em là một hành vi khủng khiếp không thể bao biện. Nhưng việc xử tử hình, hay thiến hóa học một con người cũng không phải là công lý. Nó chỉ khiến sự tàn độc thêm chồng chất trong xã hội mà thôi”.
Ân xá Quốc tế tiếp cận vấn đề này bằng việc nhắm vào phạm vi các nguyên tắc quyền con người quốc tế. Điều này khá tương đồng với góc nhìn của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Tra tấn và các hình thức đối xử tàn tệ phi nhân tính (degrading and inhumane treatment).
Theo đó, họ cho rằng việc áp đặt “thiến hóa học” ngoài ý muốn đối với các phạm nhân ấu dâm, phạm nhân tình dục cấu thành hành vi tra tấn, đối xử phi nhân tính không cần thiết dành cho các đối tượng này.
Đây là nội dung quyền con người được bảo vệ bởi Điều 7, Công ước Liên Hiệp Quốc về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR).
Lập luận này nhằm phản đối cách tiếp cận dân túy dành cho tội phạm tình dục, mà đặc biệt là ấu dâm – vốn cho rằng nhóm người thực hiện hành vi nói trên là “hạ đẳng”, “thấp kém nhất” về mặt đạo đức và nhân tính con người.
Theo hướng lập luận, dù “thiến hóa học” không để lại hệ quả sinh học vĩnh viễn là mất hoàn toàn khả năng tình dục, tuy nhiên, nó có thể dẫn đến những hệ quả tâm lý không lường trước được, do các loại thuốc thường đẩy mạnh biểu hiện nữ hóa (feminisation) như mất giọng nam, ngực to và nhiều biến chuyển khác. Đó là chưa kể đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Hệ quả “không lường trước được”, theo những người phản đối, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tính không khả thi của “thiến hóa học” trong tư pháp hình sự, vốn phải nhắm đến mục tiêu cải tạo cụ thể.
Hay ở góc độ khác, như trong nghiên cứu có tên Suppressing human rights? A rights-based approach to the use of pharmacotherapy with sex offenders, ghi nhận áp dụng bắt buộc “thiến hóa học” đồng nghĩa với việc người phạm tội sẽ vĩnh viễn bị vi phạm đến quyền riêng tư và quyền được tôn trọng đời sống gia đình (Right for privacy and family life).
Hiểu đơn giản, người ta cho rằng bản án hình phạt tù dành cho phạm nhân cùng với các biện pháp bổ trợ như thông tin công khai đến cộng đồng cùng một khoản thời gian giám sát, theo dõi từ cơ quan chức năng, v.v. đã đủ để thử thách tội phạm.
Áp dụng bắt buộc “thiến hóa học” sẽ biến nó trở thành hình phạt thứ hai dành cho tội phạm và vi phạm nguyên tắc “Không ai có thể bị kết án hai lần vì một tội”.
Nó cũng đồng nghĩa với việc họ không thể trở lại hiện thực cuộc sống và sinh hoạt tình dục thường nhật, ảnh hưởng đến quyền lập gia đình hay sinh con đẻ cái.
Vì vậy, biện pháp này nếu áp dụng bắt buộc sẽ đi ngược lại hoàn toàn với tôn chỉ hỗ trợ người từng thực hiện hành vi phạm tội, sau khi mãn án có thể hòa nhập lại vào cộng đồng mà pháp luật hình sự luôn nhắm tới.
Nhìn chung, đối với các tội phạm tình dục và ấu dâm, các luật gia quốc tế kêu gọi việc nghiên cứu và áp dụng Bộ Quy chuẩn đối xử dành cho người thành niên phạm tội xâm hại tình dục (Standards of Care for the Treatment Of Adult Sex Offenders).
Không có gì để bàn cãi rằng “thiến hóa học” là một lựa chọn tốt hơn rất nhiều so với các hình thức triệt tiêu khả năng sinh dục khác đã từng bị áp dụng bởi hệ thống tư pháp hình sự nhiều nơi trong lịch sử.
Như chúng ta vừa nhắc đến ở phần trên, hình thức “thiến” này không để lại thiệt hại vĩnh viễn và người sử dụng thuốc có thể trở lại cuộc sống bình thường nếu ngừng sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra các loại tác dụng phụ khá nguy hiểm.
Ví dụ như trong bài viết Florida’s 1997 Chemical Castration Law: A Return To the Dark Ages của Larry Helm Spalding, thuốc MPA do Hoa Kỳ sử dụng có thể để lại khá nhiều tác dụng phụ. Từ mặt tâm lý như trầm cảm, suy nghĩ an tử, cho đến gây tăng cân, đau nửa đầu, sỏi mật, đông máu, phản ứng dị ứng, cao huyết áp, hay tiểu đường.
Trong nghiên cứu y tế của hai bác sĩ Joo Yong Lee và Kang Su Cho có tên gọi Chemical Castration for Sexual Offenders: Physicians’ Views, cả MPA, CPA hay LHRH agonists không chỉ làm giảm testosterone mà còn giảm cả estradiol. Estradiol vốn không chỉ đóng góp cho khả năng sinh lý của nam giới mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển và bảo vệ xương khớp, chức năng não, cũng như hoạt động của tim mạch.
Các chứng suy tim, loãng xương, thiếu máu và trầm cảm cũng đều là những tác dụng phụ có thể khẳng định của hoạt động “thiến hóa học”.
***
Áp dụng “thiến hóa học” là một đề xuất có thể không tồi trong bối cảnh chúng ta cần phải bảo vệ sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ em thật tốt giữa sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội và tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em tăng cao.
Như đã chứng minh ở trên, “thiến hóa học” không nên được xem là một biện pháp trừng phạt người phạm tội bởi tính tạm thời của nó.
Nhưng nếu xét về chi phí, Hàn Quốc đã phải chi đến gần 5,000 USD/một tội phạm/một năm cho công tác giám sát và chi phí thuốc thang ba tháng một lần. Người viết cho rằng đây là trở ngại lớn nhất cho việc hiện thực hóa thiến hóa học tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu xem xét “thiến hóa học” như là một biện pháp trị liệu tự nguyện (hoặc bắt buộc nhưng có giới hạn về thời gian và thử thách) thì đây quả không phải là một biện pháp tồi.
Khi đó, các tội phạm ấu dâm tái phạm hoặc có xu hướng tái phạm có thể được hỗ trợ kiểm soát ham muốn, kết hợp với các phương pháp tâm lý trị liệu khác trong một chế độ đánh giá sức khỏe toàn diện, nó có thể đóng góp phần nào cho sự an toàn của trẻ em Việt Nam.