Australia ủng hộ Đài Loan làm quan sát viên của WHO

Một hoạt động ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO. Ảnh: AFP.
Một hoạt động ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO. Ảnh: AFP.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Australia ủng hộ Đài Loan làm quan sát viên của WHO

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Một hoạt động ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO. Ảnh: AFP.
Một hoạt động ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO. Ảnh: AFP.

Tờ Sydney Morning Herald hôm 30/4 đưa tin Australia sẽ ủng hộ Đài Loan trở lại làm quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bốn năm sau khi hòn đảo tự trị này bị khai trừ do áp lực của Bắc Kinh.

Đài Loan chỉ có thể được làm quan sát viên của WHO chứ không thể làm thành viên do Liên Hợp Quốc không công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia cho biết quyết định này không trái với chính sách ngoại giao “Một Trung Quốc” của nước này, vốn công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Hiện Australia cũng đang kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập trên quy mô quốc tế về nguồn gốc của coronavirus, khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu đi trông thấy. Một số nhà tài phiệt Australia đang phản đối chính phủ vì lo sợ ảnh hưởng tới lợi ích kinh doanh của họ với Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ lấy 546 triệu USD ngân sách quốc phòng cho NATO để xây tường biên giới với Mexico

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

TT Donald Trump thăm một hàng rào biên giới với Mexico ở California ngày 18/9/2019. Ảnh: AFP.
TT Donald Trump thăm một hàng rào biên giới với Mexico ở California ngày 18/9/2019. Ảnh: AFP.

Hôm 30/4, tờ Foreign Policy dẫn nguồn Defense News cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chuyển 546 triệu USD từ ngân sách quốc phòng cho Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) để xây bức tường biên giới với Mexico mà Tổng thống Donald Trump luôn thúc giục thực hiện.

Đây là khoản tiền dự kiến được dùng để xây cất các hạng mục quân sự của NATO ở châu Âu, trong đó hơn một nửa là để ngăn chặn một cuộc chiến tranh với Nga. Các hạng mục này bao gồm một căn cứ hải quân ở Tây Ban Nha, một trung tâm hậu cần ở Đức, và một sân bay quân sự ở Norway.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng cũng chuyển 771 triệu USD từ ngân sách dành cho NATO sang xây tường biên giới. Một phần khoản tiền này dự kiến được dùng để xây một đường tàu có khả năng vận chuyển vũ khí tới tận Ba Lan trong trường hợp Nga tấn công.

Bức tường biên giới phía Nam với Mexico là một trong những cam kết tranh cử của TT Trump.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 18:00 ngày 1/5/2020, trên thế giới đã có 3.271.961 người nhiễm coronavirus với 233.704 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, và không có trường hợp tử vong nào.

Michigan: Biểu tình có vũ trang tại tòa nhà Quốc hội bang, đòi dỡ lệnh phong tỏa

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Hàng trăm người, trong đó có một số người mang súng trường, đã biểu tình tại tòa nhà Quốc hội bang Michigan (Mỹ) phản đối gia hạn lệnh phong tỏa của Thống đốc bang này, theo Reuters.

Lệnh phong tỏa để đối phó với đại dịch COVID-19 của Michigan hết hiệu lực vào thứ Năm, 30/4 (giờ Mỹ). Thống đốc Gretchen Whitmer (Đảng Dân chủ) đã đề nghị Quốc hội bang gia hạn thêm 28 ngày nhưng không được Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát chấp thuận. Tuy vậy, Thống đốc Whitmer vẫn có quyền gia hạn phong tỏa thêm 15 ngày.

Ở bang Michigan, người dân có quyền mang súng vào tòa nhà Quốc hội. Nhiều người biểu tình mang các khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Michigan là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ trong đại dịch COVID-19, với 3.789 ca tử vong cho đến nay.

Ảnh: AFP.
Ảnh: AFP.
Ảnh: Twitter Senator Dayna Polehanki @SenPolehanki.
Ảnh: Twitter Senator Dayna Polehanki @SenPolehanki.
Ảnh: AFP.
Ảnh: AFP.

TT Trump: Trung Quốc muốn tôi thất cử

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn vào tối thứ Tư vừa qua với Reuters tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách khiến ông thất cử vào tháng 11 năm nay.

Ông Trump lên tiếng phê phán mạnh mẽ và cho rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu COVID-19. Theo thống kê của Reuters, bệnh dịch này đã khiến 60.000 người Mỹ tử vong, cộng với nền kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Donald Trump hiện phải đối mặt với nhiều chỉ trích là đã chống dịch quá chậm trễ.

Theo ông Trump, những điều này sẽ tác động tiêu cực đến chiến dịch tranh cử của ông, và đó là lý do ông đang xem xét các biện pháp xử lý Bắc Kinh. “Tôi có thể làm nhiều thứ lắm” – ông khẳng định.

Ông Trump tin rằng ngay từ đầu, phía Trung Quốc nên hành động sớm hơn để thông báo cho cả thế giới biết về dịch bệnh này.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.

“Trung Quốc sẽ làm mọi cách có thể để khiến tôi phải thua lần này” – ông tin rằng Bắc Kinh đang muốn đối thủ của mình, Joe Biden của Đảng Dân chủ, đắc cử để giảm bớt áp lực thương mại và các vấn đề khác mà ông đang thực hiện với Trung Quốc. “Trung Quốc đang cố sử dụng các chiến thuật truyền thông để biến mình thành kẻ vô tội”, ông khẳng định.

Phản hồi trước phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang cho biết: “Bầu cử tổng thống là việc nội bộ của Mỹ và chúng tôi không có hứng thú can thiệp. Chúng tôi hy vọng người dân Hoa Kỳ sẽ không lôi kéo Trung Quốc vào sự kiện bầu cử chính trị của họ”.

Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Năm, ông Geng nhắc lại Trung Quốc cũng là một trong những nạn nhân của COVID-19, chứ không phải là đồng phạm của dịch bệnh này. Ông nói thêm, việc “một số chính trị gia nào đấy” đang đẩy mọi tội lỗi lên đầu Bắc Kinh thay vì thừa nhận sự chậm trễ trong hành động và kỹ năng xử lý yếu kém trước dịch bệnh lần này, chỉ phơi bày thêm “các vấn đề của Hoa Kỳ”. Ông nhấn mạnh “Mỹ nên biết rằng, kẻ thù ở đây chính là virus, không phải Trung Quốc”.

Biden lần đầu lên tiếng về cáo buộc tấn công tình dục nhân viên cũ

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ứng cử viên Joe Biden, và bà Tara Reade vào năm 1993. Ảnh: AP.

Ông Joe Biden sẽ tham gia phỏng vấn trên chương trình “Morning Joe” của đài MSNBC  vào thứ Sáu (giờ Mỹ) để nói về việc một cựu nhân viên cáo buộc ông tấn công tình dục vào năm 1993.

Trong một số cuộc họp báo gần đây, Tara Reade, người từng làm trợ lý trong văn phòng của ông Biden tại Thượng viện Hoa Kỳ từ tháng 12/1992 đến tháng 8/1993, đã cáo buộc ông Biden ép cô vào tường và sờ soạng bên trong váy áo của cô.

Reade cho biết bà đã báo cáo về hành vi “quấy rối tình dục”, thay vì “tấn công tình dục”, với ba nhân viên phụ tá của Thượng nghị sĩ Biden vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, cựu phụ tá Marianne Baker đã nói rằng, cô không hề nhận bất cứ lời tố cáo nào về những hành động không đứng đắn trong gần 20 năm làm việc cho Biden. Cả hai người còn lại cũng trả lời báo chí là họ cũng không nhận được bất kỳ lời tố cáo nào.

Trước cáo buộc này, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ ứng viên Joe Biden. Pelosi nêu lại những chính sách mà cựu phó tổng thống Biden đã hỗ trợ cho các chiến dịch phòng tránh lạm dụng phụ nữ trong một thời gian dài.

Về phía Donald Trump, ông cũng phát biểu: “Tôi nghĩ rằng ông ấy nên lên tiếng”. “Đây có thể là một cáo buộc giả. Tôi quá quen với các cáo buộc giả rồi”.

TT Trump: Hàn Quốc đồng ý trả thêm tiền để hợp tác quốc phòng với Mỹ

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/11/2017. Ảnh: AP.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ rằng Hàn Quốc đã đồng ý trả một số tiền lớn để tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ. Ông Trump chia sẻ rằng Hàn Quốc sẽ chi ra một khoản lớn hơn số tiền họ từng trả cho Mỹ vào tháng 1/2017 – là lúc ông Trump vừa trở thành tổng thống. Tuy nhiên, ông không tiết lộ con số cụ thể.

Có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, kế thừa di sản từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Cuộc chiến này chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một hòa ước.

Mỹ nhập khẩu 50 triệu viên thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine từ Ấn Độ

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Một phụ nữ cầm lọ thuốc kí ninh ở bang Washington, Mỹ, ngày 31/3/2020. Ảnh: Reuters.
Một phụ nữ cầm lọ thuốc kí ninh ở bang Washington, Mỹ, ngày 31/3/2020. Ảnh: Reuters.

Sau khi Tổng thống Trump ủng hộ việc sử dụng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine vào cuối tháng Ba, số lượng bán ra của loại thuốc này tăng đột biến tại thị trường Mỹ. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters một đơn hàng 50 triệu viên thuốc được Ấn Độ xuất khẩu theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ.

Hydroxychloroquine là loại thuốc đang được một số bác sĩ ở Mỹ kê đơn để điều trị COVID-19. Thuốc có những tác dụng nhất định giúp điều trị các triệu chứng do coronavirus gây nên. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cục Quản lý Dược phẩm của Liên minh Châu Âu và Bộ Y tế Canada đều đã đưa ra cảnh báo về những tác dụng phụ của loại thuốc này, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, như chứng rối loạn nhịp tim.

TT Trump có thể cho cựu cố vấn Michael Flynn trở lại nội các

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ảnh: ABC News.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ảnh: ABC News.

Vào ngày thứ Năm vừa qua (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang nghĩ đến việc đưa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn trở lại nội các. “Tôi đang suy nghĩ về việc này. Tôi nghĩ ông ta là một người rất tài giỏi”, ông Trump cho biết.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump còn cho rằng lúc trước, Michael Flynn đã bị một nhóm “cảnh sát bẩn hành hạ” để đồng ý nhận tội với công tố viên.

Michael Flynn đã nhận tội khai man trong vụ việc mà Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, hiện nay Michael Flynn lại khẳng định rằng ông không hề nói dối và muốn bác bỏ văn bản nhận tội.

Vào thứ Tư, Bộ Tư pháp đã lật lại tài liệu nội bộ của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Trong đó, có một số văn bản cho thấy nhân viên FBI tranh luận về việc liệu họ có nên cảnh báo Flynn, và khi nào thì nên cảnh báo về việc Flynn có thể sẽ đối mặt với cáo buộc phạm tội hình sự. Khi đó, FBI đang chuẩn bị thẩm vấn Michael Flynn vào tháng 1/2017 về vấn đề liên quan đến Nga.

Theo ông Trump, những văn bản này cho thấy Michael Flynn là một nạn nhân của cảnh sát bẩn và ông này nên được miễn tội.

Các tiểu bang ở Mỹ có thể cần đến một nghìn tỷ đô để phục hồi sau COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký dự luật cứu trợ thứ tư, 23/4/2020. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký dự luật cứu trợ thứ tư, 23/4/2020. Ảnh: Reuters.

Thứ Năm vừa rồi, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các tiểu bang ở Mỹ có thể cần đến một nghìn tỷ USD trợ cấp trong nhiều năm để có thể phục hồi trước những ảnh hưởng nghiêm trọng do coronavirus gây nên.

“Chúng tôi không thể chi trả trọn gói cho tất cả các khoản đó, nhưng mục đích chính của chúng tôi ở đây là hướng đến việc hỗ trợ các tiểu bang vượt qua các thiệt hại mà không phải đứng trước nguy cơ sụp đổ”, bà Pelosi phát biểu. Khi được hỏi liệu các gói hỗ trợ cho địa phương có chiếm phần lớn nhất của luật cứu trợ sắp được ban hành, bà Pelosi giải đáp: “Tôi đã nhắc đến số tiền một nghìn tỷ đô, và tôi thực sự hy vọng đúng là như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những vấn đề khác mà chúng tôi cần phải giải quyết”.

Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ xem xét và suy nghĩ về gói cứu trợ này. Đảng Cộng hòa nắm đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ và ông Trump còn có quyền phủ quyết (veto) đối với các đạo luật. Tuy nhiên, ông Trump không thẳng thừng từ chối gói hỗ trợ này và cho biết Đảng Cộng hòa và ông sẽ xem xét để trao đổi với Đảng Dân chủ.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:10 ngày 1/5/2020, trên thế giới đã có 3.251.925 người nhiễm coronavirus với 233.014 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, và không có trường hợp tử vong nào.
  • Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh Quốc đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh và sẽ chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.
  • Hàn Quốc công bố không có thêm ca lây nhiễm cộng đồng nào lần đầu tiên vào ngày 30/4.
  • Đảo quốc Singapore xác nhận thêm 528 ca nhiễm mới vào thứ Năm vừa rồi, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.169 ca. Số ca tử vong đang nằm ở mức 15 ca. Bộ Y tế Singapore cho biết, 488/528 ca nhiễm mới là người lao động nước ngoài đang sống trong khu vực ký túc xá.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.