Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Sao anh lại dám chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ?”
“Một người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam mà đi chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ chẳng khác gì chỉ trích cha mẹ mình trên mặt báo!”
Các thảo luận tại Việt Nam liên quan đến đương kim tổng thống Hoa Kỳ – ngài Donald Trump – ngày càng đi vào bế tắc. Vì là một cá nhân tìm thấy điểm chung của mình với hệ thống chính sách đối nội, đối ngoại nói chung của Đảng Cộng hòa, tôi biết rằng các tranh luận, chỉ trích của hai bên sẽ rất khó mà tìm được điểm dung hòa trong một tương lai gần.
Điều này ngày càng đặc biệt đúng khi những vấn đề sắc tộc đang bùng nổ mạnh mẽ trong nội bộ Hoa Kỳ, và thành quả chống cúm Vũ Hán dưới thời chính quyền ông Trump thì phải công nhận chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể cùng đồng ý ở một điểm chung, một nét văn hóa pháp lý đẹp cần được bảo vệ trong mọi trường hợp: quyền chỉ trích kịch liệt các lãnh đạo chính trị. Thứ quyền chỉ trích và phê phán lãnh đạo mà không phải sợ hãi bị bắt bớ, bị bỏ tù, bị đe dọa bởi chính quyền… luôn là điều mà người Việt Nam vẫn luôn mơ ước suốt hàng chục năm nay.
***
Bắt đầu từ án lệ New York Times Co. v. Sullivan (1964), vốn đã quá nhiều lần xuất hiện trên Luật Khoa, người dân Hoa Kỳ không còn phải dè chừng các án lệ “phỉ báng” (defamatory cases) truyền thống xưa cũ nữa.
Trong phán quyết này, dù New York Times có đăng tải một số chi tiết thông tin không chính xác về vị Ủy viên Cảnh sát thành phố Montgomery là ông L. B. Sullivan, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho rằng Sullivan vẫn có trách nhiệm chứng minh rằng những thông tin sai lệch trên là do sự cẩu thả có chủ đích, hoặc cố tình với mục đích xấu nhằm hạ uy tín của ông.
Còn không, vì ông đang nắm giữ tư cách của một nhân viên công quyền, Sullivan có nghĩa vụ phải hứng chịu chỉ trích từ công luận, dù cho đó có là những thông tin chưa được xác định hay không hoàn toàn chính xác.
Bằng án lệ này, chính trị gia Hoa Kỳ bị đặt vào “chiếu dưới”.
Họ chỉ có thể thắng kiện trong một vụ kiện về bôi nhọ, phỉ báng nếu họ chứng minh một cách thuyết phục trước tòa rằng những người phát tán thông tin biết trước đây đều là những thông tin sai lệch, hoặc do người phát tán cẩu thả mặc kệ tính đúng sai. Nếu không, mọi thông tin về các chính trị gia, nhân viên công quyền đều có thể được loan tải đến công chúng.
Theo lập luận của Tối cao Pháp viện, đây là cách tốt nhất để giúp công chúng giám sát những người đại diện của mình, những cá nhân thực hiện quyền lực nhà nước, và từ đó bảo toàn hình ảnh của một nhà nước minh bạch, có trách nhiệm.
Nhưng đó cũng chỉ là bước khởi đầu cho một loạt các diễn giải bảo vệ quyền chỉ trích nhân viên công quyền, mà cao nhất là tổng thống Hoa Kỳ.
Án lệ đỉnh điểm thể hiện sự yếu thế của ngay cả tổng thống Hoa Kỳ trước hệ thống tư pháp nước này và công luận là bản án Watts v. United States (1969), 5 năm sau khi vụ Sullivan làm chấn động thông luật Hoa Kỳ.
Theo đó, trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Khu tưởng niệm Washington vào năm 1966, người biểu tình có tên Robert Watts bị cáo buộc đã phát biểu trước một nhóm nhỏ như sau:
“Bọn họ luôn bảo rằng chúng ta phải được giáo dục, phải có bằng cấp tốt. Nhưng khi tôi chuẩn bị vào đại học thì bọn họ phân loại tôi vào nhóm 1-A (loại đủ tiêu chuẩn quân dịch – ND) và bắt buộc tôi trình diện khám sức khỏe vào thứ Hai tới.
Tôi sẽ không có mặt. Nếu họ thật sự bắt tôi phải cầm một khẩu súng trường, kẻ đầu tiên tôi muốn nhìn thấy là Lyndon B. Johnson.”
Một điều tra viên của lực lượng Tình báo Quân đội Hoa Kỳ nghe được bài phát biểu này. Robert Walls nhanh chóng bị bắt giữ với cáo buộc đe dọa tính mạng của Tổng thống Hoa Kỳ theo United States Code số 18, Điều 871(a), vốn cấm bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào “có dụng ý và chủ tâm… đe dọa gây hại đến tính mạng và sức khỏe của Tổng thống Liên bang Hoa Kỳ”.
Tòa trước tiên khẳng định rằng Điều 871 (a) tự thân nó không vi hiến. Quốc dân Hoa Kỳ có lợi ích chính đáng và vượt trội trong nhu cầu bảo vệ sự an toàn của tổng trưởng quốc gia, cũng như tạo mọi điều kiện để người này có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không phải đối mặt với những đe dọa liên quan đến sức khỏe hay tính mạng.
Tuy nhiên, với những đạo luật hình sự hóa ngôn luận thuần túy như thế này, Pháp viện tin rằng vụ việc phải được chiếu theo Tu Chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ về tự do ngôn luận. Một lời đe dọa tính mạng phải được phân biệt rõ với các loại hình biểu đạt được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ.
Trong trường hợp của Robert Watts, Pháp viện khẳng định chính quyền và cơ quan công tố liên bang vẫn còn phải chứng minh nội hàm và bối cảnh của lời nói mà ông này đưa ra có thật sự là một lời đe đọa hay không. Riêng đối với phe đa số đưa ra phán quyết của Pháp viện, họ cho rằng đây chỉ là lối nói cường điệu chính trị (political hyperbole) mà không có giá trị thực tế gì đối với sự an toàn của Tổng thống Hoa Kỳ.
Hình sự hóa hành vi của ông Watts, do đó, đi ngược lại với cam kết sâu sắc của nhà nước liên bang dành cho nguyên tắc tự do tranh luận liên quan đến các vấn đề công cộng – một không gian mà Hiến pháp nước này bảo đảm luôn luôn rộng mở, không giới hạn và có thể phát triển mạnh mẽ, cho dù những lời chỉ trích chính quyền có kịch liệt, châm biếm và nặng nề đến đâu đi chăng nữa.
***
Tổng thống Hoa Kỳ sẽ phải bị thay đổi mỗi bốn năm hoặc tám năm. Thứ mà những học giả, luật gia, những nhóm cấp tiến Việt Nam theo đuổi chắc chắn không phải là một lý tưởng hay sự cuốn hút cá nhân riêng lẻ của một vị lãnh đạo. Nếu chúng ta theo đuổi điều đó thật thì hóa ra không khá khẩm hơn văn hóa chính trị tại Việt Nam hiện nay là mấy.
Thứ chúng ta kỳ vọng học tập, làm quen và áp dụng tại Việt Nam, là hệ thống pháp luật, là hệ thống nhà nước tôn trọng quyền tự do cá nhân, nơi người ta có thể nói lên quan điểm của mình mà không sợ bị trừng phạt vô cớ, nơi các lãnh đạo luôn có thể bị chỉ trích thậm chí là nhiều hơn dân thường.
Phê phán Trump, hay phê phán Obama, với tôi, là một cách để người Việt Nam làm quen, và nếu có thể thì du nhập một nét văn hóa tư pháp đáng quý của Hoa Kỳ.