Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là
Các thảo luận về tự do ngôn luận và giới hạn đối với tự do ngôn luận đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong bài viết trước về hai chiều của Tự do ngôn luận và Tự do xúc phạm, dường như người viết và nhiều độc giả vẫn không tìm thấy được một điểm chung về một trần triết học hợp lý của phát ngôn xúc phạm. Và chúng ta cũng không thống nhất được sự ưu tiên tuyệt đối cần có dành cho tự do ngôn luận
Vậy với loạt bốn bài viết này, có lẽ người viết cần thay đổi cách tiếp cận.
Ai cũng có thể đồng ý rằng không có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Đó là thứ mà ngay cả John Stuart Mill, triết gia lừng danh hàng đầu về chủ nghĩa tự do và luôn bảo vệ nhiệt thành quyền tự do ngôn luận, cũng phải thừa nhận. Vậy vấn đề cuối cùng chỉ là: Trong những trường hợp cụ thể nào thì pháp luật nên can thiệp để kiểm soát quyền tự do ngôn luận? Và nếu kiểm soát thì kiểm soát như thế nào?
Loạt bốn bài này là một cẩm nang bỏ túi cho từng trường hợp để bạn đọc xem xét và cân nhắc.
Kỳ 1: Trường hợp xúc phạm, phỉ báng, và bôi nhọ
Kỳ 2: Trường hợp kích động lật đổ chính quyền
Kỳ 3: Trường hợp phát ngôn thù hận
***
Kể từ sau sự kiện ngày 11/9, chủ nghĩa khủng bố (terrorism) và các chương trình phòng chống khủng bố (counter-terrorism) trở thành một trong những từ khóa nổi bật nhất trong khoa học pháp lý toàn thế giới. Trong đó, pháp luật về quyền tự do ngôn luận là một trong những ngành luật hứng đòn nặng nề nhất.
Nói về khủng bố, Nghị quyết 49/60, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 1994 ghi nhận rằng: “Chủ nghĩa khủng bố (terrorism) bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nhưng được tính toán hoặc có chủ đích nhắm đến việc làm hoang mang, khủng hoảng tinh thần của công chúng, của một nhóm dân cư hoặc của một nhóm các cá nhân nhất định vì các mục tiêu chính trị. Các hành vi khủng bố đều không thể biện hộ được ở bất kỳ ngữ cảnh chính trị, triết học, tư tưởng, sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo nào.”
Tuy nhiên, việc đặt các ngôn luận liên quan đến khủng bố bằng pháp luật chỉ thật sự bắt lửa với sự hậu thuẫn từ Nghị quyết số 1624 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (“UNSC”), đặt trách nhiệm lên các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc phải cấm những dạng ngôn luận kích động và ủng hộ các hành vi khủng bố bằng pháp luật nội địa.
Nghe thì đơn giản và hợp lý là vậy, pháp luật liên quan đến kiểm soát ngôn luận về khủng bố nay đã trở thành một… khu rừng nhiệt đới.
Theo thống kê của Ủy hội Châu Âu (Council of Europe), chỉ riêng tại lục địa già đã có đến hàng chục thuật ngữ để định nghĩa các ngôn luận bị cấm đoán liên quan đến hành vi khủng bố.
Từ “khuyến khích khủng bố và các hành vi cực đoan” (encouragement of terrorism and extremist activities), đến “ca ngợi” (praising), “tôn vinh” (glorifying), “thương cảm” (apology of terrorism), “biện minh” (justifying) hay “xúi giục – kích động” (incitement) hành vi khủng bố, các nhà làm luật quốc nội dường như đã sử dụng hết vốn từ vựng về ngôn luận của mình để mô tả những hành vi ủng hộ khủng bố bị nghiêm cấm. Điều này dẫn đến thực tế rằng hầu hết các hành vi đều không được định nghĩa hay mô tả một cách hoàn chỉnh và minh bạch.
Ví dụ, Đạo luật Chống khủng bố 2006 (Terrorism Act 2006) tại Vương quốc Anh ghi nhận hành vi khuyến khích khủng bố là:
“…một tuyên bố có thể được hiểu bởi một số, hoặc tất cả các thành viên cộng đồng mà nó nhắm tới, là một lời cổ vũ hoặc xúi giục, dù gián tiếp hay trực tiếp, cho việc thực hiện, chuẩn bị hay lên kế hoạch thực hiện một hành vi khủng bố…”
Để hiểu chỉ một câu đơn giản này, các Tòa án Anh Quốc, theo tổng hợp của quyển sách về ngôn luận và dân khá nổi tiếng Extreme Speech and Democracy, đã phải đưa ra tổng cộng đến ba bài test:
Một là làm sao để có thể xác định một số, hoặc tất cả thành viên của một cộng đồng, sẽ hiểu một tuyên bố là ủng hộ hay kích động hành vi khủng bố?
Hai là mục tiêu của tuyên bố có nhất thiết là phải kích động một hành vi cụ thể hay không, hay miễn là nó thể hiện sự đồng cảm cho bất kỳ hành động khủng bố nào trong quá khứ, hiện đại hay hành động khủng bố nói chung?
Ba là có cần thiết phải chứng minh yếu tố chủ quan (ý định, động cơ) của người phát ngôn, người xuất bản là ủng hộ hay quảng bá cho chủ nghĩa khủng bố hay không?
Nói ngắn gọn trong trường hợp của tòa án Anh, họ sẽ cân nhắc nội dung và bối cảnh của tuyên bố để cân nhắc tác động của chúng lên một nhóm dân cư (một công việc tự thân nó đã vô cùng khó). Các tòa cũng cho rằng tuyên bố không nhất thiết phải nhắm để một hành vi nào cụ thể, miễn là nó tạo nên hình ảnh tích cực cho các hành vi khủng bố nói chung.
Riêng về mặt chủ quan của tội phạm, các luật gia Anh xác định được hai trường hợp. Thứ nhất, và rõ ràng nhất, là người đưa ra tuyên bố có chủ đích, ủng hộ hay kích động hành vi khủng bố. Thứ hai, là họ đưa ra những tuyên bố, phát ngôn nguy hiểm nhưng lại liều lĩnh, không quan tâm đến hệ quả có thể xảy ra (Reckless test).
Những rắc rối quy chuẩn pháp lý nói trên để cho bạn đọc thấy rằng phân biệt giữa những phát ngôn, bình luận, hình thức biểu đạt thông thường và việc ủng hộ các tổ chức khủng bố không hề đơn giản.
Điều này được chứng minh rõ ràng nhất trong án lệ Holder v. Humanitarian Law Project, được xét xử trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Trong vụ án này, một tổ chức quốc tế uy tín có tên gọi Humanitarian Law Project (HLP) dự định cung cấp chương trình đào tạo và giúp đỡ cho hai tổ chức bị chính phủ Hoa Kỳ liệt vào nhóm khủng bố là Partiya Karkeran Kurdistan (PKK, hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ) và Liberation Tigers of Tamil Eelam (LTTE, hoạt động ở Ấn Độ). Nhìn chung, chương trình bao gồm việc đào tạo cho các thành viên của PKK và LTTE về trình tự và thủ tục xin nhận cứu trợ sóng thần, pháp luật quốc tế và kỹ năng đàm phán hòa bình với các lực lượng chính phủ…
Trước tòa, HLP cho rằng hình thức biểu đạt của họ, mà ở đây là cung cấp và tài trợ các chương trình đào tạo cho các tổ chức khủng bố, đều mang bản chất bất bạo động và nhằm mục tiêu hỗ trợ quá trình xây dựng hòa bình trong khu vực. Do đó, họ khẳng định hình thức biểu đạt của mình phải được bảo vệ trong phạm vi của Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp Mỹ (về tự do ngôn luận).
Tối cao Pháp viện lại không đồng ý với cách nhìn đó:
“…Dù sự ủng hộ của HLP không có mục tiêu hay kết quả hỗ trợ các hoạt động khủng bố của PKK và LTTE, nó giúp cho các tổ chức này ‘rảnh tay’ và điều chuyển nguồn lực cho các hoạt động khác có thể có hệ quả bạo lực.
Không chỉ vậy, việc một tổ chức quốc tế có uy tín như HLP hỗ trợ các tổ chức khủng bố sẽ đương nhiên tạo ra tính chính danh cho các nhóm này, giúp chúng duy trì sự tồn tại, tuyển mộ và xin thêm tài trợ… tất cả những yếu tố vốn chỉ làm tăng cường sức mạnh và các hoạt động khủng bố trong tương lai.”
Như vậy, ở góc độ này, Pháp viện để lại một góc nhìn rất thú vị. Cho dù dạng biểu đạt được lan truyền không hề có mục tiêu ủng hộ hay hỗ trợ các hoạt động khủng bố, hay thậm chí là đã được cân nhắc kỹ lưỡng về hệ quả trực tiếp, dạng biểu đạt đó vẫn có thể bị nghiêm cấm nếu chúng gián tiếp tạo nên một hình ảnh thân thiện, có tính chính danh cho các tổ chức hay hoạt động khủng bố.
Cho đến hiện nay, hầu hết các quốc gia đều chọn phương án hình sự hóa loại ngôn luận tôn vinh hay ủng hộ khủng bố.
Vào năm 2004, thống kê cho thấy chỉ có ba quốc gia châu Âu là có quy định hình sự cấm việc tuyên truyền, quảng bá những thông điệp cảm thông, vinh danh hành vi khủng bố. Cho đến nay, hơn 36 quốc gia trong khu vực đã có những điều luật, hay thậm chí là đạo luật riêng, quy định và kiểm soát các vấn đề liên quan đến khủng bố và phát ngôn ủng hộ khủng bố. Và đây cũng là tình hình chung của các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật kiểm soát ngôn luận ủng hộ hay tôn vinh khủng bố khá đa dạng, và tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng độc lập tư pháp của một quốc gia.
Trong trường hợp của Hoa Kỳ hay của Vương quốc Anh, truyền thống và các án lệ thông luật khiến cho việc gán ghép hình phạt hình sự cho một hình thức biểu đạt nhất định vẫn có những yêu cầu khá cao. Lấy Anh làm ví dụ chẳng hạn, việc treo cờ của băng đảng khủng bố ISIS, hay gọi Chánh thẩm Tối cao Pháp viện là kẻ bội giáo (vì vị này lên án mạnh mẽ vụ các kẻ cực đoan tại Anh chặt đầu binh sĩ Lee Rigby), cũng vẫn khó bị liệt kê vào hành vi phát ngôn ủng hộ khủng bố.
Nhưng tại Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, Putin cùng Erdogan đã dùng các đạo luật chống khủng bố để đàn áp và đè nén tiếng nói phản kháng bên trong nội bộ hơn hàng chục năm nay.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam không có quy định cụ thể về vấn đề này. Song sự tùy tiện trong ứng xử của cơ quan chấp pháp ở Việt Nam luôn có khả năng biến các phát ngôn vô hại thành các phát ngôn nguy hiểm hay ủng hộ khủng bố chỉ trong vài lệnh khởi tố, tạm giam mà thôi.