Tự do ngôn luận – Kỳ 3 và hết: Khá Bẩn và Khá Bệnh có phải là đối tượng của luật pháp?

Tranh minh họa: The Economist.
Tranh minh họa: The Economist.

Kỳ 1: Đừng mơ tuyệt đối và đừng sợ vô đối
Kỳ 2: Liệu bạn có bao giờ thấy hai chữ “địt mẹ” trên mặt báo?


Sự kiện Duy Mạnh có vẻ là một đối tượng quá hoàn hảo, thích hợp để luật pháp ra tay “dạy dỗ”. Nhân vật này vừa có thừa những phát ngôn tục tĩu, lại vừa có những tư duy xem thường xúc phạm phụ nữ, bị tính dục ám ảnh, thậm chí là có dấu hiệu dùng ngôn từ nhục mạ tấn công người khác.

Nhưng luật pháp có phải công cụ thích hợp để chấn chỉnh những Khá Bẩn và Khá Bệnh này?

Loay hoay trị Bẩn

Tạm dùng chữ “Bẩn” ở đây để gọi những từ tục tĩu, hay chính xác hơn là việc sử dụng bừa bãi những từ tục tĩu đó, ta thử lược qua cách hệ thống luật pháp Mỹ xử lý các ngôn từ/ biểu đạt tục tĩu như thế nào.

Trong quyển sách “Fuck”, giáo sư luật Chistopher Fairman chỉ ra rằng trong lịch sử, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã không ít lần loay hoay với các phán quyết trái ngược để xử lý những hành vi/ biểu đạt tục tĩu.

Vấn đề đầu tiên nằm ở việc không có một định nghĩa rõ ràng nào về “tục tĩu” được đưa ra. Thay vào đó, các từ “tục tĩu” (obscenity), “báng bổ” (profanity), “dâm đãng” (lewd)… được dùng lẫn lộn để định nghĩa cho nhau.

Thẩm phán Potter Stewart của Tòa Tối cao trong vụ án Jacobellis v. Ohio (1964) từng bất lực trong việc đưa ra định nghĩa về “tục tĩu”, chỉ có thể tuyên bố “tôi thấy nó là tôi biết” (I know it when I see it).

Việc không có định nghĩa tiêu chuẩn rõ ràng khiến các phán quyết/ án lệ của tòa án trở nên chồng chéo và bất nhất.

Án lệ Chaplinsky v. New Hampshire (1942) xác định việc dùng các ngôn từ thô tục có thể bị khép tội “ngôn từ công kích” (fighting words), khi Chaplinsky bị xem là có tội vì đã gọi một cảnh sát trưởng là “tay phát-xít khốn kiếp” (damned fascist). Nhưng trong án lệ Brown v. Oklahoma vào năm 1972, nhân vật kiện cáo dùng ngôn từ nhục mạ nặng hơn dành cho cảnh sát, “địt mẹ đồ cảnh sát con heo phát xít” (motherfucking fascist pig cops), lại thoát tội.

Án lệ Regina v. Hicklin (1868) của Anh lại là cơ sở trong một thời gian dài để người Mỹ xác định các sản phẩm sách báo “tục tĩu” cần phải cấm. Đây là một dạng “văn tự ngục”, khi bất kỳ tác phẩm nào cũng đều có thể bị quy tội chỉ dựa vào một đoạn văn, câu chữ hay từ ngữ bị đánh giá là không thích hợp. Việc nó áp dụng tiêu chuẩn tác động đến “người dễ bị ảnh hưởng nhất” (most susceptible person) cũng khiến tự do ngôn luận thiếu đất sống, khi mọi biểu đạt đều có thể tìm ra “nạn nhân bất kỳ” để từ đó ra lệnh cấm.

Đến năm 1957, thông qua án lệ Roth v. United States, Mỹ mới đưa ra tiêu chuẩn mới cho việc xác định một sản phẩm biểu đạt có tục tĩu hay không: dựa trên chủ đề chính (dominant theme) thay vì một đoạn văn hay câu chữ tách rời, và xem xét tác động đến một người bình thường (average person) thay vì người dễ bị ảnh hưởng nhất.

Án lệ tiếp theo Memoirs v. Massachusetts (1966) đặt ra tiêu chuẩn ba bước để xác định nội dung tục tĩu, chỉ để vài năm sau đó, trong án lệ Miller v. California (1973), các thẩm phán lại nhận định tiêu chuẩn đó quá cứng nhắc cần thay đổi.

Tiêu chuẩn mới trong án lệ Miller, được áp dụng rộng rãi cho tới ngày nay, yêu cầu xác định (1) người bình thường đọc sản phẩm đó có cảm thấy bị kích thích nhục dục, (2) sản phẩm có mô tả một cách rõ ràng phản cảm các hành vi tính dục và (3) sản phẩm, xét về tổng thể, thiếu các giá trị nghiêm túc về mặt văn học, nghệ thuật, chính trị hay khoa học.

Ngoài việc dùng tiêu chuẩn “ngôn từ công kích” hay “nội dung tục tĩu”, các từ không đẹp còn có thể bị khép tội theo tiêu chuẩn “khiếm nhã” (indecency) như trong phán quyết FCC v. Pacifica Foundation vào năm 1978, khi Tòa án Tối cao chấp thuận yêu cầu của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), cho phép FCC áp đặt chế tài và xử phạt những cơ quan truyền thông phát các nội dung bị đánh giá là “khiếm nhã”.

Đây là phán quyết gây nhiều tranh cãi, xét theo tiêu chuẩn xử lý tiền hậu bất nhất của FCC đối với các nhà đài, khi cấm nội dung này nhưng lại cho phép cùng một nội dung khác.

Vất vả trị Bệnh

Việc luật pháp loay hoay trị những thứ Bẩn (tục tĩu) là điều có thể hiểu được. Dùng ba thước đo phổ biến để giới hạn tự do ngôn luận (Nguyên tắc Gây hại, Nguyên tắc Xúc phạm, và Dựa vào các giá trị dân chủ) thì rất khó để chứng minh những ngôn từ tục tĩu là đối tượng vi phạm, trừ phi cố tình áp đặt.

Ngay cả với những trường hợp Bệnh (từ tạm dùng để gọi tư duy xem thường phụ nữ), luật pháp cũng không có vẻ gì là công cụ toàn năng.

Trong những loại Bệnh nhất, khiêu dâm (pornography) có thể được xem là đại diện tiêu biểu. Tuyệt đại đa số những người tham gia trong lĩnh vực này là phụ nữ. Và dưới con mắt của đa số, các hành vi biểu đạt từ loại hình hoạt động này đều có vấn đề, hoặc gây hại đến phụ nữ, hoặc phản cảm với người xem, hoặc trái với giá trị bình đẳng của xã hội, khi nhiều bộ phim khiêu dâm thường xuyên mô tả phụ nữ thuần túy là những vật thể làm tình (sexual objects) và thích thú khi bị hành hạ.

Nhưng bất chấp bị phản đối, khiêu dâm vẫn phát triển mạnh mẽ. Luật pháp không thể chế tài những hành vi biểu đạt này nếu thiếu chứng cứ xác thực. Và trên thực tế, không hề dễ chứng minh rằng những hành vi biểu đạt đó gây hại đến những người phụ nữ tham gia, rằng họ không chủ động lựa chọn, và việc lĩnh vực khiêu dâm phát triển trong suốt vài thập niên qua khiến quyền lợi của phụ nữ nói chung bị xâm hại (thực tế quyền lợi của phụ nữ trong nhiều thập niên qua đạt được nhiều tiến bộ hơn so với quá khứ, và điều này có vẻ không liên quan gì đến hoạt động khiêu dâm).

Tất nhiên khiêu dâm – ở đây cần phân rõ khiêu dâm thuần túy (pornography) và các loại hình biểu đạt gợi dục (erotica) – vẫn là một hệ quả phái sinh tiêu cực của xã hội. Bằng chứng là rất hiếm người phụ nữ nào tham gia loại hình này cảm thấy tự hào về việc mình làm.

Nhưng giải quyết khía cạnh tiêu cực đó không thể (chỉ) trông chờ vào luật pháp.

Sức đề kháng của xã hội

Nếu không làm theo,
“Anh sẽ bị con lừa đụ!
Vợ anh sẽ bị con lừa đụ!
Con trai anh sẽ đụ vợ anh!”

Những câu vừa tục tĩu, xúc phạm lại đầy tính công kích này không phải là lời nói đầu đường chợ búa.

Theo Christopher Fairman trong quyển “Fuck”, nó là một phần nằm trong các văn bản pháp luật của Ai Cập vào giai đoạn thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thời kỳ Đế chế thứ 23 của Ai Cập. Đi kèm với đoạn văn trên còn là hình ảnh năm chiếc dương vật thẳng đứng, minh họa thêm cho sức nặng của “lời thề”.

Từ những lời tục tĩu trong văn bản quy phạm của nhà nước, đến những lời thề trang trọng của các công chức ngày nay, xã hội loài người đã tiến một bước rất dài.

Truyện Kiều của Nguyễn Du, kể từ khi ra đời và bị đánh giá là một “dâm thư”, cho đến lúc trở thành kiệt tác văn học của dân tộc, cũng đã chứng kiến một bước tiến dài của xã hội Việt Nam.

Sự phát triển và tiến hóa của ngôn ngữ là một tấm gương phản ánh bước tiến của xã hội. Mà chủ thể quyết định sự phát triển của ngôn ngữ lại không phải là nhà nước hay luật pháp, nó là mỗi cá nhân.

Ngôn ngữ là một trong những công cụ dân chủ nhất mà loài người từng sở hữu. Tự do ngôn luận vì vậy cũng là một trong những thứ quyền lực có giá trị nhất mà con người nắm giữ được.

Mọi thứ quyền lực đều đi kèm với giới hạn. Quyền lực càng lớn, giới hạn càng phải chặt chẽ. Giới hạn cho quyền tự do ngôn luận đặt ở đâu phải là kết quả của những cuộc thảo luận công khai cởi mở.

Và cho dù nó là kết luận của tập thể, như lời của John Stuart Mill, người ta cũng không thể nhân danh tập thể để áp đặt cho một người, vì điều đó cũng phi lý ngang với việc một người đó tự cho mình cái quyền áp đặt lên tập thể.

Quay lại vụ việc Duy Mạnh. Sự thật là nếu anh ta không có người hâm mộ, nếu những phát ngôn tục tĩu đó không có hàng ngàn lượt tương tác trên Facebook, chúng ta đã không phí tâm để ý nhân vật này.

Chúng ta lắc đầu khi thấy những thứ “bẩn” và “bệnh” như vậy mà lại được quá nhiều người tung hê. Nhưng liệu việc gây áp lực dùng luật pháp để bịt miệng anh ta có giải quyết được vấn đề, hay chỉ đơn giản khiến chúng ta hả hê nhất thời “ít nhất cũng có người trị được nó”?!

Những người hâm mộ đông đảo đó vẫn sẽ tồn tại. Thần tượng này mất đi, họ lại sẽ tìm ra ngay một thần tượng khác đắp vào.

Sự tồn tại của họ là vấn đề xã hội. Luật pháp không giải quyết được cội rễ vấn đề của xã hội. Ngược lại việc lạm dụng luật pháp sẽ dẫn đến tình trạng “cái dốc trơn tuột” (slippery slope), khi mà bàn tay của chính quyền ngày càng phình to siết chặt chi phối mọi hoạt động của xã hội.

Chỉ có mỗi người, thông qua hành vi và sự thay đổi của chính mình, mới là nguồn cung cấp sức đề kháng tốt nhất cho cơ-thể-xã-hội chống lại những thứ tiêu cực.

Và chúng ta khó có thể góp sức đề kháng cho xã hội, một khi chúng ta còn chưa tăng sức đề kháng cá nhân.

Sức đề kháng của bản thân chỉ có thể có được khi vượt qua được những nỗi sợ hãi: sợ ngu dốt, sợ cường quyền, sợ những thứ cấm kỵ vô cớ, sợ những mặt xấu của xã hội, và sợ phải nhúng tay tự mình giải quyết những thứ xấu đó.


Đọc thêm:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.