Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường vì cáo buộc lạm dụng tình dục
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công trong việc thuyết phục các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel. Đây là một bước tiến ngoại giao đặc biệt quan trọng, nhất là đặt trong bối cảnh lịch sử chiến tranh, kình địch và các tranh cãi chưa bao giờ dứt giữa các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh và Israel. Liệu Trump thật sự trở thành tổng thống hòa bình nhất trong thời hiện đại của Hoa Kỳ?
Cách đặt câu hỏi không thôi có lẽ cũng đã gây ra vô vàn tranh cãi giữa những người ủng hộ Trump và những người bài Trump.
Donald Trump? Hòa bình?
Khi phong trào Black Lives Matter vẫn còn chưa chấm dứt?
Khi nền chính trị Hoa Kỳ đang chia rẽ hơn bao giờ hết, và thậm chí có thể được so sánh với thời kỳ “săn phù thủy” của McCarthy và chiến tranh Việt Nam?
Khi TT Trump bị cáo buộc là tiếp tục ăn nói hồ đồ, đi gây hấn thương mại khắp nơi?
Khi chính ông dẫn đến sự “xa mặt cách lòng” giữa Hoa Kỳ và những đồng minh thân thiết nhất trong khối NATO?
Hiển nhiên, nếu bạn tiếp cận “hòa bình” theo phương diện tính cách và nhân cách, khó có thể cho rằng Donald Trump là một người theo chủ nghĩa hòa bình.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa đen của hòa bình là không tham dự vào các cuộc chiến, không gây thêm thiệt hại nhân mạng cho binh sĩ Hoa Kỳ thì khó có thể phủ nhận Trump đang giữ rất đúng lời hứa tranh cử của mình hồi năm 2016: đưa quân đội Mỹ ra khỏi mọi rắc rối quân sự mà những người tiền nhiệm để lại.
Rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria là một canh bạc lớn. Tuy nhiên, đây lại là lời hứa tranh cử quan trọng được nhiều người ủng hộ, và Trump không muốn bỏ qua cơ hội ghi điểm có một không hai này.
Tranh chấp tại Syria là một tranh chấp vũ trang phức tạp, với sự hiện diện của nhiều thực thể phi quốc gia tham chiến (non-state actors), từ ISIS, People’s Protection Units (YPG), Syrian Democratic Forces của người Kurd hay Jaysh al Izza (Al-Izza Army). Ngoài ra, không thể không kể đến các chính phủ được cộng đồng quốc tế thừa nhận như Nga và chính phủ lâm thời Syria do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu. Đặc biệt cũng cần nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia láng giềng vốn luôn coi các đạo quân người Kurd thiện chiến là cái gai trong mắt.
Đối với những người phản đối, quyết định của Trump được xem là phi đạo đức bởi nó vứt bỏ nhóm quân sự đồng minh người Kurd lâu năm. Hành vi này còn được cho là châm dầu vào lửa, khiến cho tình hình quân sự – chính trị Trung Đông càng thêm khủng hoảng trầm trọng.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đại diện đa số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, là một trong những thành viên đảng ủng hộ Trump nhất mực. Tuy nhiên, chính ông này cũng phải cảnh báo rằng “một cuộc rút quân dồn dập” không có tính toán sẽ tạo lợi thế chính trị cho Nga, Iran, Tổng thống Bashar al-Assad và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở khu vực có tính địa chính trị quan trọng này.
Tuy nhiên, thời gian cho thấy Trump và các cố vấn của ông này không hoàn toàn sai khi rút chân khỏi “vũng bùn” xung đột ở Syria.
Aaron David Miller, nhà phân tích chính trị vùng Trung Đông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và từng phục vụ cho nhiều chính quyền do cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ lãnh đạo, nhìn nhận rằng chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ nói chung tại Syria chưa bao giờ rõ ràng trong suốt một thập kỷ qua. Chỉ riêng việc họ can dự vào khu vực này thôi đã có thể được coi là thất bại bởi họ không có mục tiêu mà cũng không có phương tiện để chiến thắng.
Theo ông, Hoa Kỳ đã thiếu cẩn trọng khi rút quân khỏi Syria, nhưng ở lại chỉ sinh ra nhiều rắc rối nguy hiểm khác. Khác với cả Obama lẫn Trump, Putin là kẻ duy nhất dám tham chiến trực tiếp vào Syria. Vậy để lại gánh nặng Syria cho người đàn ông này có lẽ lại là một phương án tốt.
Nói cho rõ, Putin đã chiến thắng cuộc nội chiến tại Syria bằng những chiến dịch tàn bạo khó tả. Lực lượng không quân Nga không kích đến mức tận diệt nhiều thành phố Syria, trong khi các đội quân thiện chiến Nga nhanh chóng áp đảo các nhóm nổi dậy.
Nhưng đó chỉ mới là sự bắt đầu.
Ngày 18 tháng Tám năm 2020, tướng cấp cao quân đội Nga Vyacheslav Gladkikh bị giết hại do một quả bom đặt ven đường, ghi nhận thương vong đầu tiên nhắm đến các lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga tại vùng đất đáng thương này. Syria rất có thể sẽ trở thành vũng lầy của Nga, như Liên Xô từng sa lầy ở Afghanistan vào thập niên 1980.
Đến lúc đó, khi mà người Nga vẫn phải tự họ loay hoay với cuộc chiến chống ISIS và củng cố, xây dựng lại chính quyền Assad, Syria đã mất đi tiếng nói và vai trò lãnh đạo của mình tại Trung Đông, nước Mỹ có thể bảo toàn lực lượng quân sự của mình mà không mất mát quá nhiều ở vùng đất chiến lược này.
Trump chọn phương án diều hâu với Iran không phải là một chuyện mới.
Ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do ông Obama ký kết với Iran.
Ông hạ lệnh ám sát tướng Qassem Soleimani, kiến trúc sư trưởng của các hoạt động quân sự ủy thác (proxy war) ngoài Iran tại Trung Đông (đặc biệt sau khi một mỏ dầu của UAE phát nổ và một tàu chở dầu của Nhật bị tấn công ngoài khơi Iran).
Trump luôn khiến giới quan sát lo lắng vào một cuộc chiến một mất một còn giữa hai quốc gia lớn.
Song chúng đã không xảy ra.
Trump rõ ràng biết cách để tránh mọi “vướng mắc quân sự” (military entanglement) với một quốc gia có thế lực như Iran, và thay vào đó, tập trung toàn lực vào các đòn phạt kinh tế, thứ mà Trump gọi là “maximum pressure”.
Hiển nhiên, phân tích thành quả (hay hệ quả) của cách Trump tiếp cận với khủng hoảng tại Iran một cách khách quan là khá khó.
Foreign Policy, ngay cả trước khi quân đội Hoa Kỳ ám sát Qassem Soleimani, đã cho rằng chính sách ngoại giao của Trump dành cho Iran là một thất bại thảm hại. Trừng phạt mọi quốc gia, công ty mua dầu từ Iran, cáo buộc Iran ngay cả khi các quốc gia bị tấn công chưa nói lời nào, theo FP, đều là những sai lầm nghiêm trọng mà chính quyền Trump vấp phải.
Tuy nhiên, những trang cánh hữu như National Review, thì lại khẳng định Trump đã làm đúng.
Họ cho rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Obama với Iran chỉ khiến cho quốc gia này có thêm thời gian và không gian để thở. Iran đã tiếp tục các chương trình làm giàu uranium mà Hoa Kỳ không có cách nào kiểm soát hay kiểm tra. Iran được nhận lại hàng tỷ Mỹ kim từ các nguồn tài sản bị đóng băng và từ đó tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến ủy thác hay các hoạt động khủng bố gây bất ổn cho Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Theo họ, không có lợi ích gì trong việc kiềm chế Iran với thỏa thuận nói trên cả.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, theo một số nhà quan sát quốc tế trung lập nhận định, những con cờ tiến thủ của Trump có vẻ như đang khiến cho UAE và các quốc gia Trung Đông cảm nhận được khả năng làm càn và sự nguy hiểm của Iran, và từ đó đẩy họ lệ thuộc hơn vào Hoa Kỳ.
Trước tiên, về mặt kinh tế, các quốc gia vùng Vịnh và kể cả nhiều quốc gia châu Âu dường như đã xiêu lòng trước chương trình phát triển kinh tế Trung Đông (mà đặc biệt là Palestine) với tên gọi Peace to Prospect (Hòa bình để Thịnh vượng). Trị giá đến hơn 50 tỷ Mỹ kim đầu tư, Trump tin rằng dự án này sẽ khiến vị thế của Hoa Kỳ nâng cao ở Trung Đông, trong khi tiền thì do các quốc gia Ả Rập và châu Âu trả.
Nhưng đây không phải là điểm dừng.
Ngoài các thành tựu kinh tế, chính sách của ông Trump với khu vực Trung Đông cũng mang lại những lợi ích ngoại giao rất lớn, mà thành quả cuối cùng là việc UAE và Bahrain chính thức công nhận Israel là một quốc gia.
Mỹ đã luôn nhắc nhở các quốc gia Ả Rập và quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh (vốn đa số theo Hồi giáo Sunni) rằng sự tồn tại của Iran (đa số theo Hồi giáo Shia) là rất nguy hiểm.
Đối với nhiều bạn đọc, thành quả này có vẻ thật quá bình thường. Nhưng đối với những chuyên gia và luật sư luật quốc tế, việc UAE, một trong những quốc gia đứng đầu của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation – OIC), chính thức thừa nhận Israel như một quốc gia là một bước tiến rất dài trong các nỗ lực ổn định Trung Đông.
Hiểu đơn giản, OIC là nguồn lực chính và là chủ thể vận động tích cực nhất trong các vấn đề như không cho phép Israel trở thành một thành viên của Liên Hiệp Quốc (UN) suốt nửa thế kỷ, là nhóm chỉ đạo âm mưu xâm lược và tiêu diệt hoàn toàn Israel vào thập niên 1960 (thường được biết đến với tên gọi Cuộc chiến Sáu ngày). Họ đồng thời đặt nền tảng cho hàng trăm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và kể cả quan điểm tham khảo của Tòa án Công lý thế giới về việc xây dựng bức tường giữa biên giới Israel và Palestine, cũng như các nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Palestine và hàng loạt các vấn đề khác.
Thỏa thuận công nhận song phương nhận được ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia Hồi giáo lớn như Ai Cập, Jordan, Oman… cũng như các quốc gia phương Tây như Đức hay Anh Quốc.
Thiếu vắng sức mạnh và số đông của OIC, các lãnh đạo chính trị lẫn các phe nhóm khủng bố thuộc Palestine sẽ ít có cơ hội đưa ra các yêu sách cực đoan như tận diệt Israel. Họ buộc phải tập trung vào việc đàm phán các phương án khả thi để bảo đảm sự tồn tại song song của cả hai nhà nước Do Thái – Hồi giáo.
Nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ đã nỗ lực hòa giải chính phủ Israel và các nhóm đấu tranh Palestine, nhưng hầu hết đều thất bại. Việc Trump chuyển sang vừa gây sức ép, vừa thuyết phục các quốc OIC, cơ quan ủng hộ và tài trợ lớn nhất cho các nhóm vũ trang Palestine, rõ ràng là một bước đi đáng ca ngợi.
Trump bắt đầu nhiệm kỳ với hàng loạt lời qua tiếng lại bằng Twitter với người đồng cấp Kim Jong Un. Thậm chí đôi khi ông còn khoe cái nút đỏ (nút công tắc hạt nhân) của mình… to đến mức nào. Người dân thế giới đã từng lo sợ phải đối mặt với thế chiến thứ ba.
Nhưng dường như mọi việc không tệ như nhiều người tưởng tượng. Nếu bỏ qua thái độ hách dịch, lời lẽ vớ vẩn, thiếu văn hóa mà Trump lẫn Un đăng đàn nói trước bàn dân thiên hạ, Trump vẫn là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thành công trong việc mở đường đối thoại với người lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Quá trình đàm phán minh bạch, lằn ranh giới hạn dành cho Triều Tiên là rõ ràng. Các kênh ngoại giao đều được sử dụng khá hiệu quả. Một cách khách quan, nếu người móc nối đàm phán là bất kỳ một chính trị gia quốc tế nào khác, người đó có lẽ đã được cộng đồng quốc tế ca ngợi.
Theo phân tích của tác giả Uri Friedman trên trang The Atlantic, một tạp chí trước nay không ưa gì ông Trump, tác giả này thừa nhận những gì Trump làm được là… không xoàng.
Bất kỳ nỗ lực đàm phán nào khiến Bắc Triều Tiên chấp nhận giải giới hạt nhân, dù là nhỏ nhất, cũng vô cùng đáng ghi nhận.
Trong khi đó, các điều kiện và mục tiêu của cuộc đàm phán cũng rất rõ ràng và có thể đạt được: Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, ngừng thử các loại tên lửa đạn đạo tầm xa; trong khi Hoa Kỳ tạm ngừng các cuộc diễn tập với quân đội Hàn Quốc trong khu vực hai quốc gia Bắc – Nam Triều. Những thỏa hiệp này vừa dễ kiểm chứng, vừa giúp Hoa Kỳ hạn chế tốc độ phát triển hạt nhân và các khí tài liên quan trong thời gian dài nhất có thể.
Tình hình, cho đến nay, vẫn ổn định.
***
Sẽ khó để nói rằng Trump là vị tổng thống có xu hướng hòa bình hay đấu tranh vì hòa bình.
Trump không làm những điều mình làm vì ông tin tưởng vào nhân quyền hay ổn định an ninh thế giới, Trump làm vì cơ bản ông tin rằng mình là một nhà đàm phán đại tài, và những “deal” mà mình đã chốt là phải kinh thiên động địa, người người thán phục. Nói không ngoa, ông làm vì bản thân, vì tuyên bố “America First” (Nước Mỹ trên hết) hơn là làm vì ông đồng cảm hay lo nghĩ gì đến an ninh của các cộng đồng chịu thiệt hại trong chiến tranh.
Nhưng cho dù vậy đi chăng nữa, Trump vẫn thể hiện tính kỷ luật khá cao khi nói đến việc đổ bộ quân đội Hoa Kỳ lên bất kỳ nơi nào trên thế giới, từ đó tránh cho người dân Mỹ một cuộc chiến mà thường họ không hề mong muốn. Đó là điều mà, bất ngờ thay, Trump làm tốt hơn cả Obama.