Những phát ngôn ấn tượng của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg

Những phát ngôn ấn tượng của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg
Ảnh: Chang W. Lee / The New York Times.

Những phát ngôn ấn tượng của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg (1933 – 2020), người để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc tranh đấu cho quyền của phụ nữ cũng như quyền bình đẳng giới nói chung ở Hoa Kỳ.


Người bạn đời khác biệt

“Vào lúc đó, ông ấy là người con trai duy nhất thật sự quan tâm tới trí tuệ của tôi.”

Ruth Bader Ginsburg kể về ấn tượng lần đầu gặp gỡ người chồng của mình, luật sư Martin Ginsburg. Hai người gặp nhau ở trường Đại học Cornell, và kết hôn sau khi bà tốt nghiệp vào năm 1954. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài 56 năm khi ông Martin Ginsburg qua đời vào năm 2010.

Trong những ngày cuối cùng của mình, Martin Ginsburg đã để lại lời nhắn viết tay đặt cạnh giường dành cho vợ.

Ông viết, “Ruth yêu quý, em là người duy nhất anh đã yêu suốt cuộc đời, nếu không tính cha mẹ, các con và những đứa cháu của chúng ta. Anh đã luôn ngưỡng mộ và yêu em gần như ngay từ ngày đầu chúng ta gặp nhau tại trường Cornell. […] Anh thật may mắn khi được chứng kiến em bước lên đỉnh cao của ngành luật pháp!!”

Ruth Bader Ginsburg sau đó chia sẻ về hôn nhân.

“Người bạn đời thật sự quan tâm đến nhau là khi họ giúp nhau mỗi khi người kia cần được giúp. Tôi đã có một người bạn đời xem công việc của tôi cũng quan trọng như công việc của chính ông ấy. Và tôi nghĩ đó là thứ làm nên mọi sự khác biệt.”


Ý nghĩa sự khác biệt giữa nam và nữ

Trong vụ kiện “United States v. Virginia” về các đạo luật bất bình đẳng với phụ nữ do bang Virginia đặt ra, Ruth Bader Ginsburg đã giải thích trong phán quyết rằng Hiến pháp không yêu cầu mọi người phải lờ đi sự khác biệt giữa nam và nữ.

“Chúng ta đã học được cách trân trọng sự khác biệt giữa nam và nữ. Sự khác biệt đó là thứ để tán dương, không phải cái cớ để hạ thấp bất kỳ người nào hay cản trở cơ hội của bất kỳ ai.”


Bao nhiêu thẩm phán nữ là đủ?

“Thời khắc tệ nhất” là cách Ruth Bader Ginsburg mô tả quãng thời gian từ năm 2006 đến 2009, khi bà là nữ thẩm phán duy nhất trong Tòa án Tối cao của Mỹ.

“Khi người dân bước vào tòa và nhìn thấy tám người đàn ông to lớn, rồi chỉ có một phụ nữ nhỏ bé ngồi kế bên, hình ảnh đó không tạo nên một thông điệp hay ho nào dành cho công chúng.”

Bà là nữ thẩm phán thứ hai trong lịch sử làm việc tại Tòa án Tối cao.

Vào năm 2009 và 2010, lần lượt hai nữ thẩm phán khác được bổ nhiệm vào vị trí trống của Tòa án Tối cao. Hai nữ thẩm phán này đều do Tổng thống Barack Obama tiến cử.

Trong một bình luận, Ruth Bader Ginsburg nói về sự hiện diện của các thẩm phán nữ trong hệ thống Tòa án Tối cao.

“Thỉnh thoảng có người hỏi tôi, ‘Tối cao Pháp viện có bao nhiêu nữ thẩm phán là đủ?’, và khi tôi trả lời ‘Chín người’ thì ai cũng sốc. Nhưng chẳng phải có thời cả chín thẩm phán đều là đàn ông đó thôi. Không thấy ai thắc mắc gì về chuyện đó cả.”


Thẩm phán cũng biết đọc báo

Trước khi trở thành Thẩm phán Tối cao, Ruth Bader Ginsburg đã trở thành một cái tên nổi tiếng trong giới luật với việc theo đuổi và thắng kiện hàng loạt các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới trong thập niên 1970.

Trong một bài viết đăng vào năm 1997, bà giải thích phần nào lý do sự thành công của mình trong việc thuyết phục được các quan tòa.

“Điều gì giúp soi chiếu và mở rộng hiểu biết của các quan tòa? […] Các quan tòa cũng đọc báo. Họ cũng bị ảnh hưởng, không phải từ tình trạng mưa nắng của ngày hôm đó, mà là từ hơi thở của thời đại họ đang sống.”

“Các Thẩm phán Tối cao, và các thẩm phán ở những cấp thấp hơn, đều nhận thức được làn sóng thay đổi trong xã hội nước Mỹ (vào thời điểm đó). Ở bên ngoài, họ được khai sáng qua các vụ kiện và chứng cứ được trình ra trước tòa. Về tới nhà, tôi nghĩ rằng, tự họ cảm nhận thấy khát vọng vươn lên của những người phụ nữ, đặc biệt là những người con gái, cháu gái trong chính gia đình và cộng đồng của mình.”


Đối diện với ý kiến bất đồng

Bà thường nhắc lại lời khuyên của người mẹ chồng, và thêm vào trải nghiệm của chính mình.

“Trong mọi cuộc hôn nhân tốt đẹp, thỉnh thoảng bị điếc cũng là điều tốt. Làm việc ở Tòa án Tối cao cũng giống vậy.”

Bà từng chia sẻ trong một bài diễn thuyết tại Đại học Stanford.

“Khi ai đó tống ra thứ ngôn từ thiếu suy nghĩ hoặc không tử tế, tốt nhất là nên tắt đài thu sóng của mình. Phản ứng giận dữ hoặc khó chịu sẽ không giúp bạn có khả năng thuyết phục hay ho gì hơn cả.”


Quyết định của riêng người phụ nữ

Là một biểu tượng đấu tranh cho nhân quyền nói chung và quyền lợi cho người phụ nữ nói riêng, Ruth Bader Ginsburg ủng hộ mạnh mẽ quyền tự quyết của người phụ nữ trong vấn đề sinh con.

“Quyền sinh con (abortion right) (*) là thứ quan trọng bậc nhất trong cuộc đời, ảnh hưởng đến vận mệnh và phẩm giá của một người phụ nữ. Nó là quyết định của riêng mỗi người phụ nữ, do họ tự đưa ra. Khi bị nhà nước kiểm soát quyết định [sinh con], người phụ nữ bị xem như một cá nhân không có đủ tư cách để tự quyết định số phận của chính mình.”
___
(*) Abortion right thường được dịch là quyền phá thai.


Làm một người phụ nữ

Ruth Bader Ginsburg thường nhắc lại lời dặn của người mẹ, “Mẹ tôi dạy rằng phải trở thành một người phụ nữ. Với bà, điều đó có nghĩa là làm chính mình, và trở nên độc lập.”

Ruth kể lại, “Vào thập niên 1950, cha mẹ đều muốn con gái của mình gặp chàng hoàng tử trong mộng, kết hôn và rồi sống hạnh phúc suốt đời. Mẹ tôi nói rằng nếu gặp được chàng hoàng tử cũng tốt, nhưng bà luôn nhấn mạnh ‘phải tự lo cho chính mình’. Phải đứng được trên đôi chân của mình.”


Tạo ra sự thay đổi

Ruth Bader Ginsburg chia sẻ những kinh nghiệm về sự nghiệp cho thế hệ trẻ.

“Tôi bảo với các học trò của mình tại trường luật, nếu bạn trở thành luật sư và làm việc của mình, bạn sẽ có kỹ năng – không khác gì mấy một thợ sửa ống nước. Nhưng nếu bạn muốn trở thành một người theo nghề thật sự, bạn sẽ làm những việc nằm ngoài trí tưởng tượng của mình, những việc mà sẽ giúp cho cuộc sống của những người kém may mắn hơn bạn trở nên dễ chịu hơn một chút.”

“Những thay đổi thật sự, và bền lâu, đều diễn ra từng bước, từng bước một.”

“Hãy tranh đấu cho những điều bạn quan tâm, nhưng làm sao cho những người khác cũng sẽ tham gia cùng.”


“Tôi phản đối”

Trong sự nghiệp làm thẩm phán, Ruth Bader Ginsburg rất nhiều lần thuộc về phe thiểu số trong các phán quyết. Nhưng điều đó không khiến bà chùn bước. Ngược lại rất nhiều các quan điểm phản đối sắc sảo mà bà đưa ra trong những phán quyết của Tòa án Tối cao đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận, thậm chí còn dẫn đến những thay đổi trong luật pháp.

Các quan điểm của bà nêu ra, cho dù là phản đối, cũng đều được người khác trân trọng tiếp nhận.

từng nói, “Bạn có thể lắc đầu mà không cần phải đối đầu” (You can disagree without being disagreeable)

Ruth Bader Ginsburg nhận xét về vai trò của các quan điểm phản đối (dissents) trong những phán quyết.

“Ý kiến phản đối là thứ được nhắm đến thì tương lai. Nó không phải chỉ đơn giản là những phát biểu kiểu ‘Các anh sai rồi còn tôi sẽ làm thế này’. Các ý kiến bất đồng tốt nhất đều trở thành quan điểm được đưa vào trong phán quyết của tòa, và sau này đều dần dần trở thành quan điểm của đa số. Và đó chính là điều mà những người nêu ra ý kiến phản đối hy vọng: rằng họ không viết cho ngày hôm nay, mà để cho một ngày mai khác biệt.”

Vào năm 2016, một quyển sách minh họa dành cho trẻ em giới thiệu về sự nghiệp của Ruth Bader Ginsburg được xuất bản.

“Tôi phản đối” (I dissent) là tựa đề và cũng là thông điệp của quyển sách.

***

Đọc thêm: Ruth Bader Ginsburg: Vị thẩm phán biểu tượng cho quyền bình đẳng giới của Hoa Kỳ

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.