‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Sẽ ra sao nếu ông Trump “bị loạn trí do dùng thuốc”? Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang chơi “tất tay” khởi tạo một đạo luật có vẻ để phế Trump. Và nên nhớ cuộc bầu cử chỉ còn hơn 20 ngày nữa.
Vào đúng lúc mà người ta cảm thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay không thể điên rồ hơn được nữa, thì nó lại trở nên điên rồ hơn. Hôm thứ Sáu (9/10), văn phòng của bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ra thông báo rằng bà Hạ viện sẽ thảo luận một dự luật để lập ra một hội đồng đánh giá tổng thống có còn đủ minh mẫn để cầm quyền hay không. Căn cứ của họ là Tổng thống Donald Trump, người đang phải điều trị COVID-19, liên tục có các hành động bốc đồng và xa rời thực tế đến mức đáng lo ngại.
Dự luật có tên chính thức là “Đạo luật lập Hội đồng đánh giá Khả năng thực thi Quyền lực và Trách nhiệm của Tổng thống”. Dựa trên Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, đạo luật này nhằm tạo ra một cơ quan để giúp Quốc hội “đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả, không bị ngắt quãng trong cơ quan cao nhất của nhánh hành pháp của chính quyền”.
Hiến pháp Mỹ có một điều khoản đề phòng trường hợp một tổng thống không còn đủ điều kiện điều hành đất nước (do bị đau ốm, tâm thần hoặc bị thương do ám sát, v.v.) nhưng lại không chịu giao lại quyền lực. Khoản 4, Tu chính án 25 sẽ cho phép truất quyền một tổng thống như vậy.
Cụ thể, khoản 4 Tu chính án 25 quy định rằng phó tổng thống và nội các “hoặc là một cơ quan mà Quốc hội lập ra theo luật” có quyền tuyên bố tổng thống không còn đủ khả năng lãnh đạo. Từ trước đến nay, “cơ quan do Quốc hội lập” này chưa bao giờ được tạo ra, khiến cho trách nhiệm đánh giá khả năng cầm quyền của tư lệnh quốc gia rơi vào tay của các quan chức nội các mà chính tay tổng thống lựa chọn.
“Hội đồng đánh giá Khả năng thực thi Quyền lực và Trách nhiệm của Tổng thống” chính là “cơ quan” mà bà Pelosi và phe Dân chủ muốn lập ra để làm nhiệm vụ trên. Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, tác giả của đạo luật mà bà Pelosi công bố, lý giải:
“Vì an ninh của người dân chúng ta và bảo vệ nền Cộng hòa, chúng ta cần phải lập ra một cơ quan như Tu chính án số 25 yêu cầu”, Raskin nói. “Tổng thống có thể sa thải toàn bộ nội các vì họ dám đặt ra những câu hỏi mà hàng chục triệu người Mỹ đang đặt ra trên bàn ăn tối, nhưng ông ta không thể giải tán Quốc hội hoặc một cơ quan chuyên môn mà chúng ta lập nên theo Hiến pháp”.
Theo ông này, hội đồng sẽ bao gồm các chuyên gia y tế và lãnh đạo hàng đầu đến từ cả hai đảng, những người có thể đánh giá sức khỏe tinh thần, thể chất của tổng thống, đồng thời làm việc với phó tổng thống để chuyển giao quyền lực.
Tuy vậy, điều 4 này chưa bao giờ được kích hoạt và vì thế, với một hệ thống hoạt động dựa trên tiền lệ như Mỹ, các chính trị gia sẽ còn phải tranh cãi chán chê trước khi đi đến quyết định gì. Đây cũng không phải lần đầu tiên Đảng Dân chủ muốn làm như vậy. Chính ông Raskin đã muốn lập một hội đồng tương tự năm 2017, tuy nhiên dự luật của ông chỉ dừng ở bước giới thiệu.
Hơn thế, dù lập được hội đồng độc lập để đánh giá tổng thống, thì để tuyên bố ông Trump không còn khả năng lãnh đạo phải có sự đồng ý của Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mike Pence.
Trong cuộc tranh luận mới nhất, ông Pence vẫn tỏ rõ lòng trung thành không suy suyển với ông Trump. Người điều phối cuộc tranh luận đáng ra nên hỏi ông Pence trong trường hợp ông Trump mất khả năng lãnh đạo nhưng cương quyết trụ vị thì ông có dám vì quốc gia mà đoạt quyền không. Việc đó có lẽ sẽ khiến cuộc tranh luận thú vị hơn nhiều và người ta sẽ ít chú ý hơn đến con ruồi vô duyên đậu trên đầu ông.
Cơ sự bắt đầu sau khi ông Trump thông báo bị nhiễm virus corona ngày 1/10. Chỉ sau ba ngày điều trị ở bệnh viện quân sự, trong đó có một buổi mà Trump bắt đội hộ tống lái xe ra ngoài để ông tỏ lòng cảm kích các fan “yêu nước” trung thành, Tổng thống Trump mang virus corona từ bệnh viện trở lại Nhà Trắng. Ông bỏ khẩu trang đứng ở ban công trong sự khiếp vía của các bác sĩ quan sát qua livestream và cả các nhân viên hầu cận ở Nhà Trắng. Tính đến 10/10, ổ dịch ở Nhà Trắng đã có tới khoảng 20 người nhiễm. Hàng loạt các cố vấn, quan chức và đồng minh thân cận của Trump cũng đang phải tự cách ly ở nhà.
Tuần trước, các cuộc thăm dò dư luận mà theo lời ông Trump là “fake poll” liên tục cho thấy đối thủ Joe Biden bỏ xa ông. Và vì không thể ra mặt trực tiếp với các fan hâm mộ được, ông Trump đã có màn “bão tweet” từ phòng cách ly.
Trong vòng vài giờ, ông bắn liên tục 42 tweet bằng CHỮ HOA, sau một đêm không ngủ mà có người nghi đây là cơn “roid rage” (hung hăng quá khích sau khi chích steroid). Trong liệu pháp điều trị COVID-19, các bác sĩ kê cho ông Trump dùng Dexamethasone, một loại steroid có tác dụng phụ là gây mất ngủ, hoang tưởng và biến đổi tâm trạng bất chợt.
Trong cuộc nói chuyện đầu tiên với báo chí sau khi nhập viện, ông Trump, 74 tuổi, khoe với Fox News rằng: “Tôi trở về bởi vì tôi là một mẫu vật có thể chất hoàn hảo, và tôi cực kỳ trẻ. Và vì thế tôi rất may mắn được như vậy”.
Bà Pelosi nói móc ông Trump trong cuộc họp báo hàng tuần: “Ừ thì ông tự gọi là mẫu vật, có thể tôi đồng ý với ông ta là như thế, nhưng còn trẻ? Ông ta nói ông ta còn trẻ”.
“Trump đang ở một trạng thái tâm lý bị biến đổi”, và “việc xa rời thực tế của ông ta có thể coi là hài hước nếu như nó không gây chết người”, bà nói.
Trump phản pháo lại Pelosi trên Twitter: “Nancy Điên rồ mới là người cần giám sát. Không tự dưng người ta gọi bà là Điên”. Ông Trump, người thích đặt biệt danh cho đối thủ của mình, mới là người tạo trend gọi bà Nancy là “Crazy”.
Không những thế, các quyết sách bị cáo buộc là bốc đồng của ông Trump còn khiến các nhà lập pháp lo ngại.
Trong tuần qua, ông Trump đột ngột thông báo cắt phăng đàm phán với bà Pelosi về gói cứu trợ kinh tế mới trong đại dịch “cho đến sau khi tôi thắng cử”. Động thái này đã khiến cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa sửng sốt. Nhưng chỉ vài giờ sau, chính ông Trump lại “cò cưa” với bà Pelosi rằng ông sẽ ký ngay lập tức nếu bà đồng ý chi 25 tỷ USD giải cứu ngành hàng không và 135 tỷ USD cứu quỹ lương của các doanh nghiệp nhỏ.
Hôm thứ Tư, ông Trump đăng video trong đó ông gọi việc mình bị nhiễm virus corona là “phước lành Chúa ban”. Ông cũng tuyên bố việc mình nhập viện ba ngày là không cần thiết: “Nói thật tôi không cần phải đi viện. Tôi nghĩ nó sẽ tự hết”. Ngoài ra ông còn khiến các chuyên gia y tế phải đổ mồ hôi hột khi nói: “Tôi nghĩ tôi không gây lây nhiễm một tí nào. Hãy nhớ điều này: Khi bạn bị nhiễm, bạn sẽ trở nên khỏe hơn. Và sau đó bạn miễn dịch với nó”. Ngoại trừ việc 210.000 người Mỹ (và vẫn đang tăng lên) không hề tốt hơn và cũng không miễn dịch. Họ đã chết vì dịch bệnh này.
Bà Pelosi nhận xét rằng bà đã nghe thấy nhiều người nói rằng “khi bạn dùng steroid hoặc là bị COVID-19 hoặc là cả hai, óc phán xét của bạn sẽ bị tổn hại. Nhưng, tất nhiên điều đó phải để cho các bác sĩ và nhà khoa học đánh giá, nhưng nó lạ thật. Đúng là đáng kinh ngạc”.
Nói thẳng ra, đây có thể cũng chỉ là chiêu trò của bà Pelosi và Đảng Dân chủ để hạ uy tín của Trump hơn nữa. Chính bà Pelosi cũng thừa nhận rằng làm như vậy “không phải là vì ông Trump. Ông ta sẽ phải đối mặt với phán xét của cử tri. Nhưng ông ta đã cho thấy việc cần thiết phải tạo ra cơ quan này cho các tổng thống tương lai”.
Dẫu sao bài học năm 2016 cho Đảng Dân chủ thấy không điều gì là chắc chắn, và họ cần dùng hết sạch vũ khí trong kho của mình. Đối thủ của họ là Trump, một người không ngại chơi chiêu suốt ngày. Ngoài màn “biến điểm yếu thành sức mạnh” sau khi nhiễm COVID-19 của mình, gần đây nhất chính quyền Trump còn đang “ủ mưu” để mong cứu cánh cho các chỉ số thăm dò đang tụt thê thảm của mình. Bất ngờ khi ông Trump đột ngột hứa sẽ tặng thẻ giảm giá thuốc cho người già Mỹ, các quan chức y tế của ông đang cố gắng “nhào nặn ra” một kế hoạch trị giá tới 8 tỷ USD ngay trước ngày bầu cử. Những cái thẻ giảm giá 200 USD này, kèm theo thư từ Nhà Trắng, sẽ được trả bằng tiền thuế của dân, nhưng ký tên Donald J. Trump.
Đúng là càng gần ngày bầu cử, cuộc đua tổng thống năm nay càng thú vị.