Làm thế nào để không bao giờ thắng trong các cuộc tranh luận?

Bạn không đọc sai tiêu đề, và có nhiều lý do để bạn lựa chọn không thắng.

debate.tranhluan
Ảnh minh hoạ: Art of Manliness/ LK.

Dưới đây là bảy bí kíp để tranh luận không bao giờ thắng:

1. Nhường cho người khác nói

Thay vì giành phần nói đầu tiên hay tìm cách “đánh phủ đầu” để tạo ưu thế, bạn có thể lựa chọn không những để cho người khác nói, mà còn giữ yên lặng cho họ trình bày trọn vẹn đầy đủ ý.

2. Giúp người khác diễn đạt

Trong trường hợp người khác có vấn đề trong diễn đạt, nói không rõ ràng, khó nghe, khó hiểu, v.v. bạn có thể giúp họ diễn đạt lại ý theo cách đơn giản, rõ ràng và mạch lạc nhất có thể.

3. Nếu lập luận của người khác có vấn đề, hãy giúp họ sửa lại

Khi phát hiện người khác mắc lỗi lập luận, logic có vấn đề, bạn có thể chỉ ra và đề nghị sửa lại lỗi đó bằng một cách tiếp cận hoặc trình bày khác, giúp luận điểm của họ có giá trị hơn.

4. Nếu người khác chỉ ra một thứ ta chưa bao giờ biết, hãy cảm ơn

Trong quá trình trao đổi, nếu, và điều này rất thường xảy ra, người khác nêu ra một vấn đề, luận điểm, chi tiết, dữ kiện nào đó mà bạn chưa biết hoặc chưa bao giờ nghĩ tới, đừng ngại thừa nhận và cám ơn họ đã chia sẻ.

5. Dành thời gian để nghe

Thay vì tranh nhau để nói, bạn có thể dành thời gian đó tập trung nghe tất cả những điều người khác nói.

6. Để cho trí tò mò dẫn dắt

Chú ý lắng nghe và đặt câu hỏi, không phải để vặn vẹo, mà thực sự chỉ để thỏa mãn óc tò mò của mình.

7. Tìm kiếm “win-win solution”

Thay vì tìm kiếm “chiến thắng” cho mình trong một cuộc tranh luận, bạn có thể chủ động tìm giải pháp để “tất cả cùng thắng”.

***

Tới đây bạn sẽ nghĩ, dở người à, làm như mấy điều ở trên thì thua chắc. Vậy còn tranh luận làm cái quái gì nữa?!

Đúng là vậy, nếu bạn tham gia các cuộc thi tranh luận, gần như chắc chắn bạn sẽ thua nếu làm theo những điều ở trên.

Nhưng mà, thắng để làm gì?

Đó là một câu hỏi cần suy ngẫm trước khi nhảy ào vào một cuộc tranh luận nào đó.

Trong rất nhiều các quyển sách và bài viết chia sẻ những bí kíp tranh luận, chúng ta sẽ gặp những lời khẳng định rằng tranh luận là cách thức tốt nhất, thậm chí là duy nhất giúp mở mang tri thức, trau dồi kỹ năng tư duy, và đặc biệt là tìm kiếm sự thật.

Với mục tiêu đó, người ta sẽ hướng dẫn các kỹ thuật đánh phủ đầu để đối phương choáng váng, tận dụng ngay sơ hở trong diễn đạt của họ, tấn công vào điểm yếu trong lập luận, tập trung lắng nghe để tìm cách phản biện, đặt câu hỏi nhằm dẫn dắt tranh luận, và cuối cùng là tìm mọi cách để tất cả phải thừa nhận rằng “tao thắng, nó thua”.

Những kỹ xảo đó chỉ phù hợp với thứ mục tiêu nguyên thủy của tranh luận: thuyết phục người khác nghe theo mình. Đó không phải là cách làm của những người tự do muốn đi tìm chân lý.

Nếu để ham muốn chiến thắng dẫn đường, hệ quả tất yếu sẽ là bất chấp thủ đoạn, dùng mọi phương thức để đạt được mục đích.

Không ai minh họa được điều này sinh động hơn các chính trị gia.

Rất nhiều các cuộc “tranh luận” của họ thay vì cung cấp cho người xem các luận cứ mạch lạc, những phân tích chuyên sâu với logic rõ ràng, thì lại tràn ngập những câu chữ được lặp đi lặp lại, những sáo ngữ trống rỗng nhưng dễ nhớ, cùng những lời kích động cảm xúc, từ sợ hãi, căng thẳng đến giận dữ, ghét bỏ.

Đó là cách đơn giản và hiệu quả nhất để các “tranh luận gia” tìm cách thuyết phục người xem.

Nhiều nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra, con người dễ dàng bị những tác động cảm tính chi phối hơn là nghe theo những thông tin logic. Việc xử lý những dữ liệu logic đòi hỏi cái đầu phải hoạt động nhiều hơn, tốn nhiều năng lượng hơn so với việc tiếp nhận các kích thích cảm xúc. Mà não người, giống như mọi bộ phận khác của cơ thể, lại được phát triển tiến hóa theo hướng tối ưu năng lượng: thứ gì dễ thì làm, cái gì khó bỏ qua.

Kết quả là chúng ta có “cặp đôi hoàn hảo”: những người tranh luận áp dụng các thủ pháp kích thích cảm xúc đơn giản để thuyết phục những người xem luôn sẵn sàng và dễ dãi tiếp nhận nó.

Thắng kiểu đó nghe chừng cũng không vui vẻ lắm (tất nhiên trừ phi bạn là người "chết cũng phải thắng").

Rốt cuộc thì tranh luận là cái gì và vì sao cứ phải cố sống cố chết để “chiến thắng” nó? Đó là một câu chuyện dài mà người viết sẽ còn quay lại để hầu độc giả.

Ở đây, ta thử nghĩ xem nếu lựa chọn không thắng theo bảy bí kíp ở trên thì ta được cái gì?

Câu trả lời là ta sẽ được ít nhất ba thứ: sự tôn trọng, tri thức mới, và tự do.

Ta được sự tôn trọng từ những người khác, đơn giản vì đã dành cho họ một sự tôn trọng tương tự. Nhất là nếu ngay từ đầu ta không xem họ là “đối thủ” phải đánh bại, mà chỉ là “người khác” - người có ý kiến khác với mình. Một khi vừa tôn trọng ý kiến của người khác, vừa giúp họ thể hiện chính xác, rõ ràng và chặt chẽ những ý kiến đó, ta chắc chắn không tự biến mình thành “đối thủ” trong mắt họ.

Khi dành hầu hết thời gian để lắng nghe và tiếp thu những ý kiến khác biệt, kho tri thức của ta chắc chắn chỉ có tăng lên. Ngược lại, nếu trong một cuộc tranh luận mà chúng ta là người nói hết từ đầu đến cuối, và ai cũng gật gù tán đồng với mọi thứ ta nói, thì rốt cuộc "người thắng" sẽ học được thêm cái gì mới?

Cái được thứ ba, và có lẽ là cái được lớn nhất, là sự tự do. Tự do khỏi những thứ mình đã biết.

Người ta vẫn thường đòi hỏi sự tự do được thoát khỏi những ràng buộc và kiểm soát của thế giới bên ngoài. Không mấy ai tìm kiếm sự tự do được thoát khỏi những xiềng xích từ cái đầu bên trong.

Sự thật là, chẳng có thế lực nào trên đời xích một con người chặt hơn những suy nghĩ bên trong của chính họ.

Khi ta bước vào mọi cuộc trao đổi với thế giới bên ngoài mà không còn áp lực phải tranh đua, không còn ám ảnh phải chiến thắng, và không còn nỗi sợ hãi thua cuộc, ta có thể trở thành một người hoàn toàn tự do.

Ngay cả khi bị xem là thua trong các cuộc tranh luận, chúng ta vẫn luôn được những điều trên.

Nếu không đặt “chiến thắng” lên trên hết trong các cuộc tranh luận, tự khắc ta cũng sẽ không trở thành miếng mồi ngon cho những kỹ xảo dẫn dắt của người khác.

Và nhất là không trở thành nạn nhân từ những hiểu biết của chính mình.

(Vậy, nếu những cái được này là thứ bạn tìm kiếm, xin mời quay lại đầu bài để đọc một lần nữa bảy bí kíp để không bao giờ tranh luận thắng.)


Đọc thêm:

Văn hóa tranh luận và bảy tuyệt kỹ ngụy biện

Phản biện có văn hóa, khó hay dễ?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.