Thư cuối tuần - 09/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã đi xa, còn các meme về bà thì chẳng giúp ích được gì khi đòi công lý cho những người yếu thế.
Mấy tuần vừa rồi ở nước Mỹ, người ta xuống đường vì cái chết của hai người phụ nữ khác nhau.
Ờ New York, rất nhiều người Mỹ đã tụ họp quanh Washington Square để bày tỏ lòng tiếc thương của họ với Ruth Bader Ginsburg, vị thẩm phán 87 tuổi được coi là biểu tượng của công lý vừa qua đời.
Cách đó không xa, một đám đông khác phủ kín các con phố ở Manhattan và Brooklyn để gọi một cái tên khác: Breonna Taylor, người phụ nữ da đen 26 tuổi bị cảnh sát bắn chết tại nhà hồi tháng 3/2020. Những người biểu tình cho rằng công lý đã phớt lờ Taylor, khi toà án quyết định không kết án giết người với những viên cảnh sát ấy.
***
Ruth Bader Ginsburg (thường được gọi tắt là R.B.G) không chỉ là một vị Thẩm phán đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử, bà còn là một biểu tượng văn hoá đại chúng. R.B.G đi vào lòng của giới trẻ với danh xưng Notorious R.B.G (R.B.G Khét tiếng), lấy cảm hứng từ nghệ danh của Notorious B.I.G, một rapper.
Có cả một ngành công nghiệp giải trí ăn theo hình ảnh của Ginsburg. Từ khi bà qua đời, trang bán hàng Etsy rao bán gần 15.000 áo phông, trang sức, khẩu trang và những món đồ trang trí in khẩu hiệu “R.B.G khét tiếng”.
Rất nhiều người đã viết sách, làm phim, viết nhạc về bà. Ruth Bader Ginsburg có lẽ là thẩm phán hiếm hoi có danh tiếng không kém gì một ngôi sao giải trí với một lượng fan trung thành và đông đảo. Tờ The Nation gọi đó là một giáo phái (cult).
R.B.G bắt đầu trở thành hiện tượng trong công chúng từ năm 2013, trong vụ Shelby County kiện Holder. Với kết quả 5-4, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã quyết định loại bỏ một điều khoản bảo vệ quyền lợi của cử tri thiểu số trong Đạo luật Quyền Bầu cử Mỹ. Lúc ấy, thẩm phán Ginsburg, từ hàng ghế quan tòa, đã đọc to những lời phản đối khiến bà trở thành biểu tượng. Bà nói, “loại bỏ đi một điều khoản đã và sẽ tiếp tục giúp ngăn ngừa sự phân biệt đối xử thì cũng giống như là vứt chiếc ô của mình đi trong cơn bão vì nghĩ rằng mình sẽ không bị ướt.”
Ảnh chế (meme) của thẩm phán Ginsburg tràn ngập mạng xã hội sau đó. Trang Tumblr mang tên Notorious R.B.G ra đời và tiếp tục nuôi dưỡng làn sóng hâm mộ không ngừng tán dương bà thẩm phán lúc đó 80 tuổi như niềm hy vọng duy nhất vào công lý mà họ có.
Nhưng sự thật không phải vậy. Sự cuồng nhiệt của người hâm mộ và truyền thông dành cho RBG đã át đi vai trò của rất nhiều người khác.
Theo Mark Joseph Stern của tạp chí Slate, thẩm phán Sonia Sotomayor, người được Tổng thống Obama tiến cử năm 2009, mới là tiếng nói cấp tiến nhất trong số chín thẩm phán tối cao. Bà Sotomayor là người lên tiếng mãnh liệt và nhất quán trong các vấn đề mang tính hệ thống của ngành tư pháp hình sự Mỹ, nhưng lại ít được nhắc đến trên truyền thông.
Một người khác dường như bị bỏ quên là luật sư Pauli Murray (1910 – 1985), dù Ginsburg đã tham khảo lập luận của chính Murray để tranh biện rằng Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng (Equal Protection Clause) trong Tu chính án 14 phải được áp dụng cho phụ nữ.
Pauli Murray là người đóng vai trò nền tảng cho các chiến thắng pháp lý của Ginsburg về vấn đề bình đẳng giới.
Là trẻ mồ côi, tự học đọc từ lúc năm tuổi, Murray là người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được bằng luật từ Đại học Yale. Bà đã giúp đặt ra một số cơ sở pháp lý cho các phong trào nữ quyền và dân quyền. Tuy nhiên, khác với Ginsburg, Pauli Murray không xuất hiện trên áo phông hay móc khoá của ai.
Ginsburg đã từng trang trọng nhắc đến Pauli Murray trong một bài diễn văn đặc biệt, khẳng định rằng sự nghiệp của bà được xây dựng dựa trên các công trình của Murray. Nhưng trong bộ phim “On the Basis of Sex” (2018) tái hiện sự nghiệp của R.B.G, đạo diễn đã chỉ cho Murray xuất hiện như một nhân vật khách mời mờ nhạt.
Tên tuổi của Ginsburg dường như đã được những người sùng bái bà thổi phồng quá mức. Sự sùng bái này lại vô tình gạt ra bên rìa tiếng nói của những phụ nữ da màu, hay những người không phù hợp với các “chuẩn” như Ginsburg. Điều đó liệu có giúp gì cho sự nghiệp đấu tranh mà bà dành cả đời để theo đuổi?
Thẩm phán tối cao ở Mỹ có nhiệm kỳ suốt đời. Bà Ginsburg luôn khẳng định rằng mình sẽ tiếp tục làm việc “miễn là có thể hoàn thành công việc một cách trọn vẹn”, và điều đó khiến cho bà được ngưỡng mộ vì lòng quả cảm. Nhưng theo các tiếng nói đối lập, xét quyền lực lớn được trao cho thẩm phán và kỳ bầu cử sắp diễn ra, đặt kỳ vọng vào một người đã trải qua năm lần chữa trị ung thư là quá rủi ro cho nước Mỹ.
Khi tình trạng sức khỏe của bà thẩm phán xấu đi năm 2018, bất kỳ ai kêu gọi bà từ chức sớm và đàm phán để có một ứng viên cấp tiến trong Tối cao Pháp viện đều có thể bị cho là phân biệt giới tính hay lạm dụng quyền lực. Càng được tôn kính, Ginsburg càng không thể bị thay thế.
Ruth Bader Ginsburg đã phụng sự những giá trị công trong suốt đời mình, việc bà qua đời sẽ còn để lại niềm tiếc thương lớn. Nhưng trước mắt nước Mỹ bây giờ là viễn cảnh một Tối cao Pháp viện bảo thủ nhất từ thập niên 1930. Những phong trào sục sôi ở nước Mỹ bây giờ là Black Lives Matter, đòi quyền sống cho những người da đen – những thứ mà nếu áp tiêu chuẩn “không giận dữ” của Ginsburg vào thì hoàn toàn sai lệch.
Năm 2016, khi được hỏi về việc cầu thủ Colin Kaepernick không đứng lên khi hát quốc ca để hưởng ứng phong trào Black Lives Matter, bà Ginsburg thẳng thừng nói rằng như vậy là “bất kính” và “ngu ngốc”. Hành động của Kaepernick hàm ý phản đối nội dung phân biệt chủng tộc trong quốc ca Mỹ, sau đó đã lan ra thành một phong trào trong giới vận động viên. Bà Ginsburg sau đó đã xin lỗi, thú nhận rằng bà “hầu như không biết gì về sự việc cũng như mục đích của nó”.
Biến cố ấy được tờ Slate dẫn lại trong bài viết chỉ trích rằng R.B.G đã quá xa rời phong trào dân quyền ngày nay. Nhưng R.B.G giờ cũng đã không còn, và các meme khét tiếng được in trên áo phông của người hâm mộ bà thì chưa bao giờ giúp ích gì cho việc chấm dứt kỳ thị chủng tộc.
Biểu tượng của sự thay đổi giờ đây không thể là một thẩm phán trong “chiếc áo bất đồng chính kiến sang trọng”, The New York Times nói, mà phải là một người bình thường khi công lý không đứng về phía họ, giống như Breonna Taylor hay George Floyd. Phong trào đấu tranh tiến bộ ngày nay không còn diễn ra ở những đại sảnh quyền lực, mà có lẽ là nhiều hơn ở trên đường phố.
Mấy tuần vừa rồi ở nước Mỹ, người ta xuống đường vì cái chết của hai người phụ nữ khác nhau. Với Ruth Bader Ginsburg, họ vĩnh biệt một biểu tượng của công lý; còn với Breonna Taylor, họ khẳng định lý do để phải tiếp tục đấu tranh đòi công lý.