Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Bạn có thể chưa từng biết đến sự tồn tại của họ. Đó có thể là điều chính quyền muốn.
Chính quyền Việt Nam luôn lo ngại việc các nhà hoạt động thành lập tổ chức. Đó là lý do mà nhiều nhà hoạt động sau khi thành lập hay tham gia các tổ chức đã bị chính quyền bắt giữ và tuyên án tù.
Các tổ chức tôn giáo không phải là ngoại lệ. Nhiều tổ chức tôn giáo độc lập hiện nay đang là những cái gai nhọn trong mắt chính quyền.
Cựu Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đã nhận xét về lý do chính quyền Việt Nam tấn công các tổ chức tôn giáo:
“Phía chính phủ cho rằng nếu sự độc quyền chính trị của họ bị đe dọa thì họ sẽ lập tức tấn công không thương tiếc. Nói chung, bàn tay kiểm soát đã len lỏi rất sâu vào đời sống xã hội của các cộng đồng tôn giáo”.
Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu về bốn trong bảy tổ chức tôn giáo không lọt qua được chiếc phễu thanh lọc của chính quyền. Đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Chùa Quang Minh – Phật giáo Hòa Hảo, Thánh thất Cao Đài Phú Lâm (Hiếu Xương).
Phần tiếp theo này sẽ đề cập đến ba tổ chức tôn giáo còn lại trong danh sách không may mắn đó.
5/7
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam được một nhóm nhà hoạt động tôn giáo kỳ cựu dũng cảm thành lập, với niềm tin rằng chỉ có đấu tranh mới mang lại tự do tôn giáo.
Năm 2001, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo Lê Quang Liêm, Thượng tọa Thích Chân Trí cùng những người khác đã lần lượt lập Hội đồng Liên Tôn Đoàn Kết Việt Nam và Hội đồng Liên tôn Đoàn kết Quốc hội Hải ngoại.
Việc thành lập những tổ chức này cũng đã khiến Linh mục Nguyễn Văn Lý bị tuyên án 15 năm tù giam vào tháng 10/2001. Linh mục Lý sau đó được đặc xá, nhưng ông vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo nên tiếp tục bị tuyên án tám năm tù giam vào tháng 3/2007.
Cuộc tranh đấu của Linh mục Lý gây được tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra cộng đồng quốc tế.
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết, trong những năm 2010, nhờ vào sự can thiệp của chính phủ Mỹ nên các chức sắc độc lập được tụ họp mà không bị công an sách nhiễu.
Năm 2013, những chức sắc độc lập này đã cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ, đòi cải cách chính sách tôn giáo, trong đó có đưa các kiến nghị thay đổi điều luật trong hiến pháp trong lúc chính quyền Việt Nam sửa đổi hiến pháp.
Năm 2014, Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chính thức được thành lập. Thành viên là các chức sắc tôn giáo độc lập thuộc năm tôn giáo lớn: Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành và Phật giáo Hòa Hảo.
Đến nay, Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vẫn duy trì thường xuyên các hoạt động gặp gỡ với các phái đoàn quốc tế, báo cáo các vi phạm về quyền tự do tôn giáo trong nước đến các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ nước ngoài.
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đặt trụ sở tại Chùa Giác Hoa, 15/7 Đường Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh. Bạn đọc có thể tìm hiểu về họ qua trang web: https://hdltvn.org.
6/7
Tuy quy mô của các thánh thất Cao Đài độc lập ngày càng bị thu nhỏ nhưng đến nay vẫn còn một số tín đồ kiên quyết gìn giữ thánh thất của mình. Họ không muốn quy phục các hội thánh được nhà nước công nhận. Họ cũng không quan tâm đến việc thánh thất của mình có được công nhận hay không. Họ chỉ cần được tự do sinh hoạt theo giáo lý mà họ cho là chân truyền.
Tuy nhiên, với sự tiếp tay của nhà nước, những hội thánh được công nhận thường gây áp lực và đòi tiếp quản những thánh thất độc lập này. Trong những lần xung đột như vậy, các tín đồ Cao Đài độc lập từ thánh thất tỉnh này đã sang thánh thất tỉnh khác để hỗ trợ. Ban Đại diện Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Ban Đại diện Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài hiện nay do Chánh trị sự Hứa Phi cùng những tín đồ Cao Đài độc lập khác điều hành.
Ông Hứa Phi cũng là thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam.
Những vụ việc về đàn áp các thánh thất Cao Đài độc lập được Ban Đại diện Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài thu thập thông tin và trình bày trước các nhà ngoại giao và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Bạn đọc có thể theo dõi Ban Đại diện Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài qua trang facebook: Cao Đài Bảo tồn Chánh Pháp.
7/7
Ở một vùng xa xôi thuộc Tây Nguyên, có một nhóm người bản địa đã tự thành lập hội thánh Tin Lành của mình vào năm 2006.
Và kể từ đó, nhóm người Thượng nhỏ nhưng dũng cảm này đã chịu biết bao sự áp bức của chính quyền chỉ vì muốn tự do sinh hoạt tôn giáo và bảo vệ các tín đồ của mình. Câu chuyện của họ không khác gì những giáo sĩ Công giáo đã sống chết với giáo dân của mình trong buổi đầu truyền đạo vào Việt Nam. Hội thánh đó có tên gọi là Hội thánh Tin Lành Đấng Christ.
Hội thánh cho biết những thành viên của họ thường xuyên bị chính quyền đe dọa, tước đi quyền lợi công dân, cản trở đi lại, thẩm vấn, đánh đập và giam giữ tùy tiện.
Một trong những thành viên dũng cảm đó là mục sư A Đảo. Vào năm 2016, ông bị bắt sau khi trở về Việt Nam từ một hội thảo ở Đông Timor về tự do tôn giáo. Tháng 4/2017, ông bị tuyên án 5 năm tù giam vì tội tổ chức cho người khác vượt biên trái phép. Tháng 9/2020, mục sư A Đảo được tha tù trước thời hạn. Trước đó, Đại sứ Lưu động về Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Sam Brownback đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Ngay sau khi ra tù, ông A Đảo cho biết mình bị công an đến nhà ông vào lúc 11 giờ đêm để ép ông ký giấy từ bỏ hội thánh, và các tín đồ đã không còn dám đến sinh hoạt với ông như trước nữa.
Vượt biên là một trong những cách để thoát khỏi sự đàn áp tôn giáo khắc nghiệt ở Tây Nguyên.
Một thành viên khác của hội thánh này là mục sư A Ga đã vượt biên đến Thái Lan vào năm 2013 khi không thể chịu nổi sự đàn áp của công an ở Tây Nguyên.
Mục sư A Ga là người từng đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho hội thánh của mình ở các ủy ban nhân dân xã. Nhưng sau khi ông cung cấp danh sách tín đồ, công an đã đến đe dọa họ không được theo hội thánh này. Sau thời gian tị nạn ở Thái Lan, ông A Ga đã sang Mỹ định cư.
Chính quyền Việt Nam cho biết Hội thánh Tin Lành Đấng Christ hiện nay có 27 điểm sinh hoạt nhóm ở năm tỉnh, bao gồm Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và Trà Vinh.
Hội thánh này đang đối diện với tương lai rất u tối khi chính quyền chính thức cáo buộc họ liên kết với các cựu thành viên FULRO ở nước ngoài để chống chính quyền. Có vẻ như mục tiêu trong thời gian tới của công an ở Tây Nguyên là triệt phá được hội thánh này bằng mọi giá.