Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Bi kịch của giáo xứ Hiếu Đạo bắt đầu từ đêm Giáng sinh năm 1975.
Vào những buổi sáng Chủ nhật giữa thập niên 1980, có hai tù nhân vừa đi vừa nói chuyện trong sân trại cải tạo Gia Trung. Hai người cứ đi được mấy bước thì dừng lại nói chuyện với những tù nhân khác. Cứ như vậy, họ đi từ đầu sân đến cuối sân, rồi quay trở về đầu sân.
Đó không phải là những buổi trò chuyện bình thường. Hai tù nhân đó, một người là Linh mục Giuse Trần Sơn Nam, người còn lại là thầy giáo – sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa Mai Văn Doanh. Và bằng cách trò chuyện như vậy, hai người đã lén cử hành thánh lễ cho các tù nhân.
Vị linh mục và viên sĩ quan ấy đã từng làm việc cùng nhau trong những năm 1970. Khi đó, viên sĩ quan đi dạy trường tư thục Minh Đức tại thị xã Pleiku, nơi vị linh mục làm hiệu trưởng cho đến năm 1975.
Sau tháng 4/1975, học sinh trường Minh Đức bước vào học kỳ cuối cùng của mình trước khi ngôi trường bị chính quyền tịch biên.
Khi trường Minh Đức bị chính quyền tịch thu vào tháng 9/1975, Linh mục Nam được cử về làm chánh xứ Giáo xứ Hiếu Đạo.
Chưa đầy một năm sau, nhà thờ Hiếu Đạo cũng bị tịch biên và trở thành Nhà thiếu nhi tỉnh Gia Lai. Mọi chuyện bắt đầu từ đêm Giáng sinh năm 1975.
Vào đêm Giáng sinh năm 1975, chính quyền bất ngờ thông báo giáo xứ Hiếu Đạo không được tổ chức thánh lễ như các giáo xứ khác.
“Đêm đó cả ba nhà thờ Thăng Thiên, Đức An, Thánh Tâm (tại Pleiku) đều quyết định không cử hành lễ đêm để ‘hiệp thông’ với anh chị em Hiếu Đạo”, Linh mục Micae Hoàng Đức Oanh kể.
Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn.
Theo ông Mai Văn Doanh, mấy tháng sau đó có người tố Linh mục Nam từng là sĩ quan của chế độ cũ nên chính quyền đã cho người đến bắt ông vào đêm 7/6/1976.
Linh mục Nam đã phải đi cải tạo 12 năm nhưng bản án tịch thu nhà thờ Hiếu Đạo vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Theo trang tin Công giáo Truyền thông Thái Hà, nhà thờ Hiếu Đạo bị tịch thu vì chính quyền cho rằng Linh mục Nam làm tuyên úy quân đội nên nhà thờ cũng thuộc về quân đội.
Tuyên úy là chức vụ dành cho những người làm nhiệm vụ nâng đỡ tinh thần cho các quân nhân miền Nam, có tuyên úy Công giáo, Phật giáo và Tin Lành.
Cũng theo Truyền thông Thái Hà, sau khi nhà thờ bị tịch thu, giáo dân Hiếu Đạo nào đứng ra làm chứng là nhà thờ không phải do quân đội xây dựng thì cũng bị đưa đi cải tạo.
Năm 2003, Linh mục Hoàng Đức Oanh trở thành giám mục Giáo phận Kontum. Ông đã đàm phán với chính quyền về nhà thờ Hiếu Đạo trong suốt 12 năm tại chức nhưng không có kết quả.
Năm 2006, Linh mục Nam đã viết lại vắn tắt vụ việc ông bị bắt đi cải tạo và nhà thờ bị tịch thu. Ông ghi rằng một số ghế của nhà thờ vẫn còn được thấy ở “Thành đội Pleiku”, cây đàn lớn của nhà thờ vẫn đang được Phòng Văn hóa – Thông tin sử dụng, ba quả chuông vẫn còn ở dưới hầm của nhà thờ. Ba năm sau, Linh mục Nam qua đời.
Năm 2007, Giám mục Hoàng Đức Oanh cho biết chính quyền tỉnh Gia Lai xác định “nhà thờ Hiếu Đạo là cơ sở thờ phượng của Giáo hội, do Giáo hội xây dựng”. Dù vậy nhưng chính quyền tỉnh này vẫn không chịu trả lại.
Những năm qua, Linh mục Hoàng Đức Oanh lúc làm giám mục cũng như lúc nghỉ hưu đều gửi thư động viên giáo dân Hiếu Đạo về ngôi nhà thờ đã mất.
Năm nay, trong bức thư gửi đến giáo dân Hiếu Đạo vài ngày trước lễ Giáng sinh, Linh mục Oanh viết: “Nhà thờ Đồng Tiến thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn đã từng là nhà thờ quân đội trực thuộc Nha tuyên úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa, kinh phí hoàn toàn do quân đội đóng góp mà không bị nhà cầm quyền mới tịch thu! Còn nhà thờ Hiếu Đạo của anh chị em, được dựng nên với kinh phí hoàn toàn do anh chị em đóng góp, mà vẫn bị tịch thu, thật là oan uổng đến mức nào”.
45 năm qua, giáo dân Hiếu Đạo đã giữ gìn đức tin dù không có cha xứ. Đây có lẽ là giáo xứ không có nhà thờ duy nhất ở Việt Nam.
Đêm nay, sẽ có những giáo dân Hiếu Đạo đi qua ngôi nhà thờ cũ của mình để dự lễ ở những thánh đường khác, và sẽ không quên rằng nhà nước còn nợ họ một nhà thờ.