Bốn lý do tôi quan tâm đến tôn giáo, dù không theo đạo nào

Tôi từng nghĩ rằng tôn giáo chẳng liên quan gì đến cuộc sống của mình.

Bốn lý do tôi quan tâm đến tôn giáo, dù không theo đạo nào
Ảnh: RedsVN.

Năm tôi học lớp Sáu, mẹ kể cho tôi về một người họ hàng nào đó theo đạo Cao Đài. Lúc đó, tôi chỉ biết có hai tôn giáo là đạo Phật và đạo Thiên Chúa, qua những ngôi chùa và các nhà thờ trong thị xã. Thế nên đạo Cao Đài là một tôn giáo hoàn toàn xa lạ.

Tôi hỏi mẹ, đó là đạo gì. Bà chấm một chút nước vào đầu ngón tay rồi vẽ lên mặt bàn một con mắt. Bà nói, đạo đó thờ một con mắt, gọi là thiên nhãn.

Mẹ tôi còn nói về một đạo khác tên là Hòa Hảo, đạo đó chỉ thờ một tấm bảng gỗ sơn màu nâu đỏ mà thôi. Đôi khi mẹ tôi lại nhắc về một người dì đã lấy chồng rồi theo đạo Thiên Chúa.

Đó là những bài học đầu tiên của tôi về tôn giáo. Hầu như chúng tôi không được dạy khái quát về tôn giáo trong trường học. Chúng tôi hiểu về tôn giáo từ những người xung quanh mình.

Ba mẹ tôi đều không có đức tin tôn giáo mạnh mẽ, và tôi cũng vậy. Tôi từng tự hỏi vì sao lại cần quan tâm đến các tôn giáo, vì chúng có vẻ chẳng liên quan gì đến cuộc sống của tôi. Quan điểm này đã hoàn toàn thay đổi khi tôi bắt đầu tìm hiểu về lịch sử và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Có bốn điều tôi muốn chia sẻ cùng bạn.

Tôn giáo dạy tôi nhiều điều về lịch sử đất nước hơn là sách giáo khoa

Tôn giáo đã hiện diện ở Việt Nam trong một thời gian dài. Thời gian đó là hàng ngàn năm đối với đạo Phật và hơn 450 năm đối với Công giáo. Đó là chưa kể tới các tín ngưỡng khác do những người di cư Trung Hoa mang đến hay tín ngưỡng lâu đời của các tộc người bản địa ở vùng đồi núi.

Tôn giáo đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử Việt Nam. Dù đã bị vùi dập trong một thời gian dài, không một khu dân cư nào trên đất nước này lại không có dấu ấn của các tôn giáo.

Sự hiện diện của tôn giáo giúp người dân gắn kết đời sống hiện tại của họ với quá khứ một cách thật sự tự nhiên và hiệu quả.

Bạn có biết rằng những người di cư xuống miền Nam ngày xưa đã chọn những vùng đất gần các ngôi chùa để khẩn hoang? Đời sống tâm linh đã giúp họ có thêm sức mạnh chinh phục được thiên nhiên và hình thành các khu vực dân cư như ngày nay. Từ đó, các cơ sở tôn giáo đã trở thành một thành phần thiết yếu trong việc hình thành các cụm dân cư mới. Một số dự án tái định cư đã thất bại vì không hiểu yếu tố này.

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, một công trình quan trọng của đạo Cao Đài ở Việt Nam. Ảnh: RedsVN.

Nếu một lần tìm đường đến nhà thờ Phát Diệm, bạn hẳn rất sẽ ngạc nhiên bởi những ngôi nhà thờ cổ kính nối tiếp nhau cùng nằm trên một con đường. Bạn cũng sẽ tự hỏi vì sao khu vực Bắc Trung Bộ lại có những cộng đồng giáo dân đông đảo đến như vậy?

Nếu đi dọc từ miền Trung vào đến miền Nam, bạn có thể sẽ thắc mắc vì sao hình dáng của các tòa thánh Cao Đài vừa giống các ngôi chùa, lại vừa giống các nhà thờ của Công giáo.

Tất cả các câu hỏi đó đều sẽ được trả lời khi bạn tìm hiểu về các tôn giáo, và chúng sẽ mở rộng hiểu biết của bạn không chỉ về tôn giáo, mà còn về những thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Tôi cá là sẽ thú vị hơn đọc sách giáo khoa lịch sử nhiều lần.

Tôn giáo giúp vực dậy xã hội, nâng đỡ người dân trong thời điểm khủng hoảng

Bạn có biết rằng chính quyền đã không cho chúng ta biết về vai trò vực dậy xã hội đáng kể của tôn giáo sau năm 1975?

Sau khi kiểm soát miền Nam từ năm 1975, chính quyền đã áp đặt hàng loạt các biện pháp kiểm soát tôn giáo. Nhiều tôn giáo đã bị cấm hoạt động hoàn toàn, các hoạt động tâm linh từng được chấp nhận trở thành bất hợp pháp. Sau một thời gian dài kiên trì với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và bài trừ các nước tư bản, người dân Việt Nam đã kiệt quệ về kinh tế và tinh thần.

Hoạt động tâm linh, dù bị bài trừ vào lúc ấy, trở thành chiếc neo tinh thần của người dân. Họ cầu xin sự giúp đỡ từ các thế lực tâm linh trong mọi hoạt động thị trường “chợ đen”.

Bạn có thể cho rằng nhận định này khá vớ vẩn, nhưng đó là thực tế đã xảy ra ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu quốc tế đã thừa nhận vai trò đáng kể của tôn giáo đối với kinh tế hộ gia đình sau năm 1975.

Đọc thêm: Việt Nam sau 30/4/1975: “Mê tín dị đoan” trở thành “bản sắc dân tộc” như thế nào?

Khi chính quyền bắt đầu thực hiện chính sách Đổi Mới, tôn giáo tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho người dân. Họ đến các đền chùa để xin sự phù hộ cho công việc làm ăn của họ. Tôn giáo, dù là dưới hình thức tín ngưỡng dân gian hay là tôn giáo chính thức, giúp người dân tự tin hơn đối mặt với những rủi ro khi kinh doanh.

Một phụ nữ cầu nguyện tại chùa Ôn Lăng, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3/2020. Ảnh: Giang Phạm/ Luật Khoa.

Bạn có biết rằng việc thờ cúng ông bà từng bị chính quyền bài trừ sau năm 1975? Cho đến đầu những năm 1990, chính quyền đã khám phá ra rằng thờ cúng tổ tiên giúp cho đất nước không tan rã. Họ bắt đầu tuyên truyền về mối dây gắn kết tổ tiên và quê hương, chủ yếu để chiêu dụ những người đã bỏ ra nước ngoài trở về, hoặc chí ít là không quên đất nước. Và bây giờ, thờ cúng tổ tiên được xem là truyền thống của dân tộc.

Đối với người bản địa, tín ngưỡng thường chi phối cả đời sống của họ. Tín ngưỡng của các sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên đã giúp bảo vệ rừng rậm trong một thời gian rất lâu. Khi người Kinh di cư lên Tây Nguyên trong thời Việt Nam Cộng Hòa, và đặc biệt là khi chính quyền Việt Nam cấm tín ngưỡng bản địa  sau năm 1975, rừng rậm bắt đầu bị tàn phá nghiêm trọng. Hiện nay, tín ngưỡng bản địa đã hoàn toàn biến mất ở Tây Nguyên.

Về lý thuyết, pháp luật định hướng hành vi của một người. Nhưng chỉ pháp luật thôi chưa đủ, người ta vẫn dễ dàng mất phương hướng trong xã hội hiện đại. Đối với tôi, tôn giáo đã lắp vào chỗ trống mà pháp luật để lại. Niềm tin tôn giáo có thể giúp con người định hướng lại cuộc sống.

Một phần phúc lợi lớn của xã hội đến từ các tôn giáo

Bạn có biết từ sau năm 1954, khi chế độ mới tiếp quản, Giáo hội Công giáo ở miền Bắc đã không thể hoạt động như trước. Các trường học và các cơ sở khác đã bị chiếm dụng, hoạt động từ thiện hoàn toàn bị ngưng trệ. Đối với Phật giáo, các ngôi chùa chỉ còn lại các nhà sư già, đất đai của chùa bị quốc hữu hóa, sinh hoạt tôn giáo hoàn toàn bị đình trệ.

Ở miền Nam cũng rơi vào trường hợp tương tự như miền Bắc từ sau năm 1975.

Trường tư thục Phước An – Thị Nghè, một ngôi trường Công giáo bị chính quyền chiếm dụng. Ảnh: Ogden Williams Collection.

Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo mất hoàn toàn các cơ sở từ thiện, khám chữa bệnh. Toàn bộ hệ thống trường học tư thục vô cùng hoàn thiện và hoạt động hiệu quả của Công giáo và Phật giáo đã bị chính quyền chiếm dụng. Các tôn giáo như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Baha’i,… hoàn toàn bị cấm từ sau năm 1975.

Xã hội đã bị mất một phần phúc lợi lớn từ các tổ chức tôn giáo từ sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau năm 1975 ở miền Nam. Sự mất mát này là do nhà nước đã giới hạn quyền tự do tôn giáo.

Vào cuối tháng 12/2020, toàn bộ hoạt động cứu trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bị chính quyền ngăn cấm. Theo giáo hội, chính quyền cho rằng việc họ phát quà từ thiện là bất hợp pháp, vì tổ chức của họ chưa được nhà nước công nhận.

Nếu xã hội không đảm bảo quyền tự do tôn giáo thì chính nó cũng sẽ mất đi các phúc lợi từ các tổ chức tôn giáo.

Tìm hiểu tôn giáo để lưu tâm đến những người đang bị áp bức vì đức tin

Nếu du lịch đến Bangkok và có thêm một chút may mắn như tôi, bạn sẽ gặp được những người Thượng vùng Tây Nguyên đang tị nạn ở đó. Họ lẩn khuất trong số những người làm nghề phụ hồ, bán hàng rong, hay đi phụ việc ở các cửa hàng ăn. Bạn có thể sẽ khá ngạc nhiên khi biết họ phải tị nạn ở Bangkok vì bị chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo. Lúc đó, bạn chắc sẽ phải tự hỏi câu chuyện đàn áp tôn giáo mà bạn vừa nghe có thật hay không.

Ở Bangkok hiện nay có khoảng hơn 500 người Thượng đang tị nạn, bao gồm cả trẻ em, và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Rất nhiều người trong số họ cho biết chính quyền không muốn họ tự lập nhóm sinh hoạt tôn giáo, và tìm mọi cách trừng phạt họ.

Một người mô tả cảnh thất lạc con gái trên đường vượt biên từ Tây Nguyên đến Thái Lan. Ảnh: Luật Khoa.

Người Thượng là những nạn nhân tiếp nối lịch sử dài hơn 400 năm các Ki-tô hữu bị bách hại ở Việt Nam. Và không chỉ có họ. Tín đồ của các thánh thất Cao Đài độc lập, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và tín đồ của nhiều tôn giáo mới đều đang phải chịu đàn áp dưới nhiều hình thức khác nhau, chỉ vì tín ngưỡng của mình.

Những nạn nhân của việc đàn áp tôn giáo là minh chứng rõ ràng nhất về mức độ tự do tôn giáo của một đất nước. Nếu quyền tự do tôn giáo không được đảm bảo, ta lấy gì để tin rằng xã hội đó có quyền tự do tư tưởng – nền móng của một xã hội dân chủ.

Đọc thêm: 10 vấn đề tôn giáo tôn giáo năm 2020 mà chính quyền không muốn bạn biết

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.