Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một tương lai khác rất có thể sẽ bắt đầu từ việc hiểu về tiến trình bầu cử hiện tại.
Còn chưa đầy ba tháng nữa, toàn dân sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Bất kể bạn là ai, bất kể bạn sống ở đâu, miễn là công dân có quốc tịch Việt Nam và đủ 18 tuổi, bạn sẽ được phát phiếu bầu.
Bạn có thể đang nghĩ rằng mình không cần hiểu về bầu cử ở Việt Nam, vì chỉ một đảng chính trị được bầu thì chẳng có ý nghĩa gì. Hãy nghĩ lại.
Bạn biết điều đó, thế giới cũng biết điều đó. Tuy nhiên, hiểu về việc làm thiếu ý nghĩa của mình vẫn còn hơn là làm nó trong vô thức. Một tương lai khác của bầu cử Việt Nam rất có thể sẽ bắt đầu từ việc hiểu về tiến trình bầu cử hiện tại.
12 mốc thời gian quan trọng sau đây sẽ giải thích về tiến trình bầu cử phức tạp của Việt Nam. Bất cứ cử tri nào cũng nên xem qua những mốc thời gian này để không phải tự hỏi “tôi là ai, đây là đâu” vào ngày 23/5/2021.
***
Trước Tết, có thể bạn đã nghe loa phường phát ra rả về việc thành lập các ủy ban này. Có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã thì có bấy nhiêu ủy ban bầu cử. Những ủy ban này sẽ tổ chức kiêm giám sát cuộc bầu cử ở chính địa phương mình.
Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cho người dân bầu ra đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh. Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bầu ra đại biểu HĐND cùng cấp.
Hồ sơ ứng cử viên sẽ được các ủy ban này xử lý. Riêng hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội của các cán bộ trung ương sẽ được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xử lý.
Những người tự ứng cử sẽ khá thất vọng, vì dường như không có thành viên độc lập nào (khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền) được bố trí trong các ủy ban này. Người đứng đầu các ủy ban này thường là các bí thư, phó bí thư đảng ủy ở các tỉnh, thành (xem ví dụ về thành viên ủy ban bầu cử cấp tỉnh của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên).
Ở những đất nước dân chủ, các đảng phái chính trị sẽ không thể biết đảng của mình được bao nhiêu ghế khi tranh cử. Còn ở Việt Nam, người ta có thể biết cả xuất thân của những người sẽ được “cơ cấu” ngồi vào ghế ở Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến xong cơ cấu đại biểu của Quốc hội mới, đồng thời hướng dẫn các tỉnh xây dựng cơ cấu HĐND các cấp ở tỉnh mình. Sẽ có 500 đại biểu Quốc hội được bầu, gồm 207 đại biểu đang làm việc ở trung ương và 293 đại biểu ở các địa phương. Danh sách có thể xem chi tiết tại đây.
Đây cũng chính là số ghế dự kiến mà Quốc hội sẽ dành ra cho người của các các cơ quan đảng, chính quyền, công an, quân đội, các tổ chức đoàn thể… Những người này được gọi là “người được giới thiệu” ứng cử. Tổng cộng có 427/500 ghế thuộc diện này. Các ghế dự kiến này sẽ được thông qua ở kỳ hiệp thương thứ nhất.
Riêng số ghế của ứng cử viên tự do thì không hề được nhà nước định sẵn. Họ sẽ nằm trong số 73 đại biểu do các tỉnh, thành đề xuất. Nghịch lý là đảng, các cơ quan nhà nước, sở ban ngành cấp tỉnh cũng có thể sẽ có phần trong 73 ghế này.
Đối với nhiều người, “hiệp thương” có lẽ là thuật ngữ xa lạ nhất trong bầu cử ở Việt Nam. Hiểu nôm na, đây là hoạt động thống nhất quyết định giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức thành viên có liên quan đến ứng cử viên. MTTQ và các tổ chức thành viên được xem là nơi đại diện cho các thành phần của xã hội.
Những hội nghị hiệp thương này do MTTQ cùng với các tổ chức thành viên thực hiện. Hội nghị hiệp thương được tổ chức ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.
MTTQ là cơ quan quan trọng trong cuộc bầu cử ở Việt Nam. Cơ quan này sẽ phải đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra đúng như kỳ vọng của đảng và chính quyền, đúng cơ cấu, đúng thành phần ứng cử viên. Đây cũng là cơ quan được trao quyền giám sát bầu cử.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ thỏa thuận về số lượng “người được giới thiệu” ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Đến thời điểm hiện tại, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã được tổ chức xong ở cấp trung ương và địa phương. Các địa phương cũng đã công bố số lượng “người được giới thiệu” ứng cử.
Chẳng hạn, tỉnh Bình Định đã xác định sẽ giới thiệu 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội, gồm có ba người ở cấp trung ương về ứng cử, và 10 người còn lại của địa phương. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định đã được trung ương quy định là sẽ có bảy ĐBQH được bầu, ba đại biểu cấp trung ương và bốn đại biểu cấp địa phương.
Điều này có nghĩa là ba ứng cử viên từ trung ương chắc chắn sẽ đắc cử, chỉ còn 10 ứng cử viên địa phương tự cạnh tranh lẫn nhau để giành bốn suất. Cơ quan của 10 người này cũng đã được định sẵn, bao gồm lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, tổ chức đoàn thể. Không có cơ cấu cho người tự ứng cử.
Sau lần hiệp thương thứ nhất, dự kiến số lượng, thành phần ứng cử viên ĐBQH của các địa phương sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất.
Trung ương và các tỉnh, thành sẽ căn cứ trên sự điều chỉnh này để tiến hành chọn người cụ thể ở địa phương mình ra ứng cử ĐBQH.
Đối với ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp, thường trực HĐND các cấp sẽ điều chỉnh số lượng, cơ cấu “người được giới thiệu” ứng cử.
Người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp có khoảng ba tuần để nộp hồ sơ ứng cử.
Trong khoảng thời gian này, các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, quân đội, công an… sẽ giới thiệu cán bộ của cơ quan mình ra ứng cử và tổ chức lấy ý kiến cử tri tại nơi cán bộ đó làm việc.
Ở bước này, người tự ứng cử chỉ nộp hồ sơ. Ủy ban bầu cử tại địa phương tương ứng sẽ xem xét hồ sơ có hợp lệ hay không.
Hội nghị này sẽ được tổ chức để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, bao gồm “người được giới thiệu” và người tự ứng cử (nếu có).
Sau lần hiệp thương thứ hai, hội nghị cử tri sẽ được tổ chức để lấy ý kiến về ứng cử viên tại nơi người đó cư trú. Đối với người tự ứng cử, còn phải lấy thêm ý kiến cử tri tại nơi làm việc.
Trong khoảng thời gian này, bạn có thể sẽ được mời đến hội nghị cử tri để nhận xét về người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Bạn có thể đến, hoặc không. Tuy nhiên, hội nghị này chỉ được tiến hành nếu có trên 55 cử tri (đối với những khu vực có trên 100 cử tri), hoặc ít nhất 50% cử tri tham gia (nếu khu vực đó dưới 100 cử tri). Nếu số cử tri không đúng quy định, bạn có thể yêu cầu dừng hội nghị.
Đối với ứng cử viên tự do, ngoài hội nghị cử tri nơi cư trú, còn cần tổ chức lấy ý kiến cử tri về họ tại nơi làm việc.
Nếu bạn là công dân Việt Nam, đủ tuổi bầu cử, tên của bạn sẽ xuất hiện trong danh sách cử tri. Danh sách này được niêm yết tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã và khu vực bỏ phiếu. Bạn sẽ được phát phiếu cử tri. Người tạm trú dưới 12 tháng ở địa phương nào thì (có thể) sẽ có tên trong danh sách cử tri ở địa phương đó.
Người không được bỏ phiếu là người bị tòa án tước quyền bầu cử, tử tù đang chờ ngày thi hành án, người đang thụ án tù nhưng không được hưởng án treo.
Hội nghị này được tổ chức để chốt danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp dựa trên kết quả của hội nghị cử tri.
Đối với “người được giới thiệu” ứng cử ĐBQH thì hội nghị còn phải căn cứ vào sự điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (lần điều chỉnh thứ hai – ngay sau khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai có kết quả).
Những ứng cử viên vượt qua hội nghị hiệp thương lần thứ ba là những người mà bạn sẽ bỏ phiếu bầu. Danh sách của những người này sẽ được công bố chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ công bố ứng cử viên chính thức tranh cử ĐBQH. Ủy ban bầu cử các cấp sẽ công bố ứng cử viên chính thức tranh cử đại biểu HĐND ở cấp của mình.
Trong khoảng thời gian này, nếu là cử tri, bạn có thể sẽ được mời đến dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Đây là hội nghị mà người ứng cử sẽ thuyết phục bạn bầu cho họ. Mỗi ứng cử viên sẽ đọc chương trình vận động tranh cử của mình.
Ngoài hội nghị tiếp xúc cử tri, bạn cũng có thể sẽ nghe đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí đưa tin về những người ứng cử. Đây là hoạt động tranh cử duy nhất được cho phép thực hiện bên cạnh hội nghị tiếp xúc cử tri.
Đây là ngày mà chiếc loa phường hoạt động hăng hái nhất, bạn cũng có thể sẽ thấy nhiều người đổ đến các điểm bầu cử, truyền hình cũng sẽ thông tin dồn dập về bầu cử. Một số nơi hẻo lánh, cử tri đi lại khó khăn thì bầu cử có thể diễn ra sớm hơn.
Bỏ phiếu là một quyền, có đi bỏ phiếu hay không là quyền của bạn. Tuy nhiên, tuyệt đối đừng bỏ phiếu hộ, hoặc để ai đó bỏ phiếu hộ cho bạn. Bạn có quyền bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.
Những ai không thể đến được phòng bỏ phiếu như người khuyết tật, người già, người đang điều trị tại bệnh viện thì tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu đến nơi của người đó.
Bạn vừa đọc xong tiến trình bầu cử của Việt Nam. Dễ thấy, đó là một tiến trình đầy phức tạp và quanh co, với sự ưu tiên gần như tuyệt đối dành cho cán bộ đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể thuộc nhà nước. Dù muốn hay không, đây cũng là tiến trình bầu cử đang diễn ra.
Nếu bạn muốn thấy một tiến trình công bằng hơn trong tương lai, hãy lên tiếng. Bạn có thể gửi các ý kiến của mình về hộp thư bbt@luatkhoa.org, hoặc chia sẻ với chúng tôi trong nhóm Cộng đồng Luật Khoa trên Facebook. Ban biên tập Luật Khoa sẽ lựa chọn những ý kiến thích hợp để đăng tải.