‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Không chỉ riêng nhà nước mới có luật. Luật còn bắt rễ rất sâu từ trong văn hóa cộng đồng.
“Legal pluralism”, tạm dịch là “đa nguyên luật”, là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của khoa học xã hội. Hiểu biết về đa nguyên luật sẽ giúp cho việc thiết kế các chính sách và chiến lược quản trị phù hợp. Trong bài viết này, tác giả dùng khái niệm đa nguyên luật để phân tích những sự xung đột của các loại luật khác nhau trong dịp Tết vừa qua, khi Việt Nam trải qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba.
Có hai cách tiếp cận cơ bản với khái niệm đa nguyên luật. Cách tiếp cận thứ nhất xuất phát từ giới nghiên cứu hàn lâm. Phương pháp nghiên cứu cũng như quá trình thu thập, phân tích dữ liệu dựa trên những nguyên tắc khoa học và đạo đức chặt chẽ. Các nghiên cứu của họ cũng ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách.
Cách tiếp cận thứ hai gắn với các tổ chức và chuyên gia quảng bá luật trong hoạt động phát triển quốc tế. Cách tiếp cận này ít trừu tượng hơn so với cách thứ nhất và gắn với các chương trình/ dự án cụ thể về cải cách pháp luật tại các nước đang phát triển.
Ban đầu, giới nghiên cứu dùng khái niệm đa nguyên luật để nghiên cứu các xã hội hậu thuộc địa, nơi quá trình thực dân hoá đã tạo ra nhiều tầng nấc khuôn mẫu ứng xử khác nhau (ví dụ: luật của phương Tây, luật của cộng đồng cư dân bản địa). Tuy nhiên, sau đó các học giả đã đồng tình rằng đa nguyên luật tồn tại ở mọi xã hội.
Theo giáo sư Sally Engle Merry, một học giả tiên phong trong lĩnh vực nhân học luật (legal anthropology), đa nguyên luật là sự tồn tại của hai hay nhiều hệ thống luật trong cùng một lĩnh vực xã hội (social field).[1]
Luật được hiểu theo nghĩa rộng là khuôn mẫu hành xử, có thể do nhà nước quy định qua quá trình lập pháp, hoặc các luật không thành văn. Các khuôn mẫu phi nhà nước thường thể hiện thực hành văn hoá, truyền thống, hoặc tôn giáo. Trong phạm vi bài viết này, các thuật ngữ: luật không thành văn, luật phi nhà nước, luật phi chính thức, chuẩn mực xã hội, phong tục, tập quán được hiểu như nhau – nghĩa là nhóm những khuôn mẫu hành xử (norms) của cộng đồng dân cư, không do nhà nước quy định.
Giáo sư K.von Benda-Beckmann, người đã nhiều năm thực hiện nghiên cứu thực địa tại Indonesia, đưa ra bằng chứng rằng các luật không thành văn không chỉ tồn tại trong quá khứ.[2]
Ở nhiều xã hội đương đại, chúng là một phần của hệ thống luật phức tạp. Chúng chi phối không chỉ các mối liên hệ họ hàng, đồng hương, mà cả vấn đề tài sản và địa vị chính trị. Với cộng đồng cư dân bản địa, phong tục, tập quán là nguồn quan trọng của danh tính văn hoá (identity).
Giáo sư Fukuyama thì chỉ ra rằng đa nguyên pháp luật là một phần của quá trình xây dựng nhà nước. Hiện tượng này luôn là một thử thách, ngay cả với các nhà nước mạnh, trong việc tạo dựng và duy trì quyền lực.
Để gợi ý cho nhà nước trong việc xây dựng chiến lược quản trị các hệ thống luật phi nhà nước, Geoffrey Swenson đã phân loại mối quan hệ giữa luật chính thức và luật phi chính thức thành bốn nhóm: (1) xung đột; (2) cạnh tranh; (3) hợp tác; và (4) bổ sung cho nhau.[3]
Ở nhóm quan hệ xung đột, luật của nhà nước và luật phi nhà nước mâu thuẫn gay gắt với nhau. Điều này thường xảy ra ở những xã hội có xung đột vũ trang (ví dụ Liberia, Afghanistan). Các nhóm xã hội thường xuyên phản kháng/ bất tuân luật của nhà nước.
Nhóm quan hệ cạnh tranh phổ biến ở những xã hội hậu thuộc địa. Các chuẩn mực xã hội cạnh tranh với luật của nhà nước thường bắt nguồn từ tập quán, truyền thống văn hóa bản địa, hoặc thực hành tôn giáo (ví dụ: Timor Leste).
Nhóm quan hệ hợp tác xảy ra ở những nơi tập quán xã hội vẫn có sự tự trị so với luật của nhà nước (ví dụ Zimbabwe).
Nhóm bốn, tức các quan hệ bổ sung cho nhau tồn tại ở các quốc gia phát triển (Mỹ, Tây Âu), nơi nhà nước đủ mạnh để bao hàm các thiết chế phi chính thức.
Swenson cũng lưu ý rằng ranh giới giữa các hệ thống luật chính thức và phi chính thức là không cố định. Một xã hội cũng có thể có nhiều hơn một nhóm các kiểu quan hệ nói trên.
Định nghĩa của Caroline Roseveare cụ thể hơn so với định nghĩa của giáo sư Sally Engle Merry. Theo đó, đa nguyên luật là sự tồn tại của nhiều nguồn luật (nhà nước và phi nhà nước) trong cùng một khu vực địa lý.
Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thì phân loại đa nguyên luật thành ba nhóm chính.
Thứ nhất là luật phi nhà nước (non-state legal orders). Luật này tồn tại song song với luật của nhà nước. Nhà nước không chính thức công nhận, nhưng cũng không trừng phạt nhóm luật này.
Thứ hai là đa nguyên luật chính thức (formal legal pluralism). Ở rất nhiều nước Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á, các cộng đồng tôn giáo hoặc thiểu số có luật riêng cho các vấn đề về gia đình, tài sản. Các luật này được nhà nước công nhận.
Thứ ba là khuôn mẫu hành xử bán chính thức (quasi-state legal orders). Tình trạng này thường tồn tại ở các nước châu Phi, nơi những người nắm quyền lực ở cộng đồng (ví dụ: người đứng đầu bộ lạc) trở thành “cán bộ” trong bộ máy nhà nước.
Cũng như lý thuyết của Swenson, mô hình của UNDP thừa nhận ranh giới không rõ ràng giữa các nhóm. Nhiều khuôn mẫu hành xử có thể cùng tồn tại trong một khu vực địa lý. Đại diện của nhà nước (ví dụ: cảnh sát, thẩm phán) có thể hợp tác không chính thức với các lãnh tụ tôn giáo hoặc chức sắc cộng đồng để chia sẻ thông tin.
Tết là một bằng chứng về sự tồn tại của đa nguyên luật ở Việt Nam. Nó là thực hành văn hóa đã tồn tại qua nhiều thế hệ, là ý niệm ảnh hưởng tới việc tổ chức đời sống xã hội, gia đình, và cá nhân.
Nói cách khác, Tết là yếu tố quan trọng của danh tính văn hóa Việt Nam. Mối quan hệ giữa nhận thức của nhà nước và cộng đồng về Tết có thể xếp vào nhóm vừa cạnh tranh vừa hợp tác theo lý thuyết của Geoffrey Swenson.
Ranh giới giữa cạnh tranh và hợp tác là không rõ ràng giữa các vùng miền hoặc nhóm dân cư khác nhau. Sự không rõ ràng này khiến cho cuộc tranh luận về bỏ hay không bỏ Tết đã kéo dài gần hai thập niên mà chưa có hồi kết.
Sự tràn lan của các lễ hội đầu xuân là ví dụ về việc nhà nước hợp tác nhưng thiếu kiểm soát phong tục. Cho tới thời điểm này, quy định cấm đốt pháo là trường hợp duy nhất luật của nhà nước thắng trong cuộc cạnh tranh với phong tục. Để thay thế cho pháo nổ, nhà nước tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới.
Tết 2021 đặc biệt hơn những Tết trước vì ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu. Sự bùng phát trở lại của COVID-19 đòi hỏi xã hội hợp tác với nhà nước để kiểm soát dịch bệnh theo nguyên lý dịch tễ học. Nhà nước đã ban hành một số quy định về phòng chống dịch, bao gồm yêu cầu với cá nhân và với hoạt động nơi công cộng. Quan sát việc thực thi các quy định này (cũng là phản ứng của xã hội với luật của nhà nước) trong dịp Tết cho thấy kết quả rất thú vị.
Đen Vâu, ca sĩ trẻ được nhiều người Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài ưa thích, đã sửa lời bài hát liên quan tới Tết của mình để phù hợp với quy định về phòng chống dịch của nhà nước. Hành động này của Đen Vâu thể hiện sự hợp tác/ thỏa hiệp giữa luật chính thức và luật phi chính thức ở không gian cộng đồng ảo (ca sĩ và khán giả kết nối với nhau nhờ công nghệ).
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của loại hình âm nhạc mang tính sáng tạo cá nhân mà Đen Vâu thực hành có biên giới nhất định. Nó tồn tại song song và dường như không giao thoa với một thực hành văn hóa khác mang tính truyền thống cộng đồng nơi các thành viên tiếp xúc trực tiếp với nhau trong không gian vật lý của đình, chùa. Nếu thực hành văn hóa với sự tham gia của công nghệ mang tính linh hoạt, dễ thỏa hiệp thì thực hành văn hoá tại đình chùa dễ đối kháng với luật của nhà nước để kiểm soát dịch COVID-19.
Tác giả có cơ hội chứng kiến màn trống hội giao thừa tại một ngôi chùa thuộc một phường nội thành Hà Nội. Trong khi chính quyền thành phố quyết định chỉ bắn pháo hoa tại công viên Thống Nhất và truyền hình trực tiếp để hạn chế đám đông, hoạt động chính thức “tụ tập đông người” tại ngôi chùa này là một ẩn số.
Tác giả cho rằng các nghi lễ giao thừa mang tính tâm linh thuộc nhóm luật phi nhà nước, theo định nghĩa của UNDP. Mối quan hệ giữa lễ giao thừa và quy định phòng chống dịch thuộc nhóm quan hệ cạnh tranh theo lý thuyết của Swenson.
Phần lớn những người tham dự lễ giao thừa không đeo khẩu trang. Một nhóm các chiến sỹ công an tới thắp hương, chuyện trò vui vẻ, và chụp ảnh với thành viên của dàn trống. Màn trống hội rộn ràng dường như khích lệ tinh thần người tham dự. Có thể thấy sự hoan hỉ, thân ái, chia sẻ giữa những người đại diện nhà nước và thành viên cộng đồng.
Vào thời điểm giao thừa, một người đàn ông lớn tuổi làm lễ cầu “quốc thái dân an” và “dịch bệnh qua mau”. Nghi lễ này có lẽ không khác nhiều với lễ tế trời đất của các vua thời xưa. Dường như với nhóm người này, niềm tin tôn giáo (thực hành truyền thống) đã mạnh hơn quy định về y tế cộng đồng của nhà nước (dựa trên cơ sở khoa học).
Do sự bùng phát của dịch tại các địa phương rất gần và ngay tại Hà Nội, ngôi chùa nói trên đã đóng cửa chỉ vài ngày sau lễ giao thừa. Ví dụ này cho thấy đa nguyên luật là thử thách lớn với chính sách y tế công cộng. Việc thực hiện quy định không thống nhất ngay tại Hà Nội cho thấy luật của nhà nước vẫn yếu hơn truyền thống trong việc quy định hành vi nơi công cộng.
Với một số nhà quan sát và tư vấn chính sách, sự thiếu vắng của một chiến lược rõ ràng, nhất quán không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý dịch bệnh mà còn gia tăng sự lộn xộn trong hành xử của người dân và sự bất định trong phát triển xã hội. Liệu đã tới lúc cộng đồng nghiên cứu luật ở Việt Nam tìm hiểu nghiêm túc về đa nguyên luật?
Chú thích:
[1] Sally Engle Merry (1988), Legal Pluralism, Law & Society Review, Vol. 22, No. 5 (1988), pp. 869-896
[2] K. Von Benda-Beckmann (2001), Folk, Indigenous, and Customary Law, International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences
[3] Geoffrey Swenson (2018), Legal Pluralism in Theory and Practice, International Studies Review 20