Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Trong tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm, của rẻ không được phép là của ôi.
Các hoạt động tiêm chủng ngừa COVID-19 đã và đang tiếp tục diễn ra khắp thế giới.
Có những quốc gia thành công rực rỡ như Israel.
Vương quốc Anh đang trên đà tiêm chủng theo lượng lớn với tỉ lệ ấn tượng: 19 trên 100 công dân đã được tiêm chủng.
Hoa Kỳ, với thiệt hại nhân mạng khổng lồ vì bệnh dịch, cũng đã thành công trong việc chuẩn bị hơn 200 triệu liều vaccine cho dân số vừa hơn 300 triệu. Hiện nay, quá trình tiêm chủng cũng đang được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đàm phán xong việc nhập khẩu khoảng 60 triệu liều vaccine trong năm 2021, trên tổng số 150 triệu liều cần cho cả nước. Trong số này, có 30 triệu liều nhập khẩu từ công ty AstraZeneca. 200.000 liều vaccine AstraZeneca đầu tiên dự kiến về đến Việt Nam vào ngày 23/2.
Việc tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 như thế nào đã bắt đầu dẫn đến một số thảo luận lẫn phản biện. Bài viết “Xã hội hóa vaccine” của doanh nhân Đinh Hồng Kỳ trên VNExpress khiến một số nhà quan sát phải đặt câu hỏi về mục tiêu bảo vệ người dân và vai trò của nhà nước trong các hoạt động tiêm chủng công cộng.
Các thảo luận này thường bỏ qua khung pháp lý của Việt Nam, nơi thể hiện rõ nhất cam kết của nhà nước Việt Nam đối với hoạt động phòng chống dịch cho quốc dân. Dưới đây là một số nguyên tắc pháp lý chủ yếu mà chính phủ sẽ phải tuân thủ khi thực hiện chương trình tiêm chủng.
Là một người cánh hữu và ủng hộ tự do thị trường, người viết vẫn phải thừa nhận rằng thị trường vaccine phòng chống dịch COVID-19 không phải là một nơi lý tưởng để áp dụng lý thuyết “bàn tay vô hình”.
Tình hình kinh tế ảm đạm, đời sống người dân bị đẩy vào tình thế khốn khó, và nguồn cung vaccine có màu sắc độc quyền xuyên quốc gia là những yếu tố khiến người ta phải chất vấn các lời kêu gọi “xã hội hóa” vaccine chống COVID-19 trong tương lai ngắn hạn.
Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, có thể an tâm rằng pháp luật Việt Nam đã khẳng định tiêm chủng phòng chống dịch bệnh nói chung là “hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch”.
Định nghĩa này được ghi nhận trong Nghị định 104/2016/NĐ-CP (Nghị định 104) quy định chi tiết về các hoạt động tiêm chủng. Đây là nghị định có thẩm quyền nhất hiện nay về vấn đề tiêm chủng, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã được ban hành năm 2007.
Cơ quan chức năng sẽ cần phải làm rõ khái niệm “những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm” và “người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch”, đặc biệt trong bối cảnh của dịch COVID-19.
Tuy vậy, việc định nghĩa lại cũng không thể biến quyền tiếp cận vaccine trở thành dịch vụ có trả phí. Có thể tham khảo cách Vương quốc Anh phân loại và tiêm chủng cuốn chiếu các đối tượng công dân, đặc biệt khi Việt Nam đặt mua vaccine từ quốc gia này.
Dù thành công trong phòng chống dịch tại Việt Nam là công sức của toàn bộ hệ thống chính trị với sự tham gia của cả quân đội lẫn lực lượng công an, hoạt động tiêm chủng phòng chống dịch vẫn là chuyên môn của ngành y tế dự phòng. Đây là cơ hội để tăng cường năng lực và kinh nghiệm của Bộ Y tế – một cơ quan dân sự.
Vai trò chủ đạo của Bộ Y tế trong hoạt động tiêm chủng phòng dịch được ghi nhận rất rõ trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong Nghị định 104 lẫn Thông tư 34/2018/TT-BYT (Thông tư 34) liên quan đến hoạt động tiêm chủng.
Vấn đề là trên thực tế, Bộ Y tế có vẻ đang bị bỏ ngoài lề trong công cuộc phát triển vaccine.
Tình hình hiện tại đặt ra một câu hỏi: Vì sao hoạt động nghiên cứu, phát triển và điều chế vaccine lại được giao cho công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (thuộc Bộ Quốc phòng), mà không phải là một viện nghiên cứu có uy tín quốc tế về y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh?
Người ta có thể đưa ra nhiều lý do, nhưng có một thực tế là quá nhiều thủ tục và hoạt động dân sự đang do giới tướng lĩnh Việt Nam chi phối, cả công an lẫn quân đội.
Từ cư trú, hộ khẩu, thẻ căn cước đến giấy tờ xe cộ, con dấu; từ an ninh mạng đến quản lý trật tự địa phương, và mới đây là cả tuyên giáo – tất cả đều nằm trong quyền quản lý của các tướng.
Nếu ngay cả trong lĩnh vực y tế mà các cơ quan dân sự cũng phải lùi bước trước các cơ quan quân đội, chúng ta đang tạo điều kiện cho một nhà nước thu nhỏ bên trong giới quân đội, công an. Từ đó, họ sẽ có khả năng, thẩm quyền và kinh nghiệm vượt trội các cơ quan dân cử ở bất kỳ phương diện quản lý nào. Đó là điều đáng lo ngại đối với nguyên tắc “dân quản quân”.
Tổ chức tiêm chủng công cộng và miễn phí không có nghĩa là tiêm chủng một cách bừa bãi.
Theo quy định của Thông tư 34, khi tổ chức buổi tiêm chủng riêng đối với một loại dịch bệnh nhất định (như COVID-19) thì số lượng không được vượt quá 100 người tại mỗi điểm tiêm chủng trong một buổi.
Tại mỗi điểm tiêm chủng, các cơ quan nhà nước cũng phải bố trí đủ nhân viên y tế để thực hiện khám sàng lọc. Đối với dịch cúm như COVID-19 thì khám sàng lọc rõ ràng là điều bắt buộc. Đi kèm với đó là các vấn đề liên quan đến diện tích, cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Ngoài ra, thông tư này cũng khẳng định nguyên tắc một chiều trong tiêm chủng để bảo đảm an toàn theo thứ tự: Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra và ghi nhận tai biến sau khi tiêm chủng cũng là nhóm quy định đặc biệt quan trọng trong Nghị định 104 lẫn Thông tư 34. Theo quy định của Điều 15, Nghị định 104, nếu chương trình tiêm chủng phòng dịch khiến người được tiêm có di chứng dẫn đến khuyết tật, hoặc thậm chí tử vong, trách nhiệm bồi thường của nhà nước sẽ được kích hoạt.
Pháp luật Việt Nam cũng chỉ rõ trách nhiệm tổ chức tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà ở các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, không được phép hạ tiêu chuẩn tiêm chủng ở các vùng này vì lý do khó tiếp cận.
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19” (viết tắt là COVAX). COVAX là sáng kiến hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine, dự kiến cung cấp miễn phí cho Việt Nam từ 4 – 8 triệu liều vaccine trong quý I năm 2021.
Theo quy định của cơ chế này, Việt Nam cần đảm bảo ưu tiên tiêm chủng trước hết cho ba nhóm đối tượng có rủi ro cao. Đó là các nhân viên y tế, người cao tuổi, và những người có sức khỏe yếu.