Bốn mùa Phật Đản không thể quên

Từng có mùa Phật Đản ảm đạm hơn cả những năm COVID.

Bốn mùa Phật Đản không thể quên

Ngày Phật Đản là ngày quan trọng nhất của tín đồ nhà Phật. Vào những ngày này, tăng ni, Phật tử không chỉ kỷ niệm cuộc đời của Đức Phật mà còn biểu dương sức ảnh hưởng của Phật giáo.

Đại lễ năm nay chìm trong một bầu không khí im lìm do dịch COVID-19 tái bùng phát. Các hoạt động, nghi lễ được rút gọn đến mức tối thiểu.

Dù vậy, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại từng có mùa Phật Đản còn ảm đạm hơn như thế. Ngược lại, cũng có những mùa lễ sôi động và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Đó là những ngày Phật Đản nào?

Phật Đản năm 1951: Lần đầu tiên Phật giáo thống nhất

Ngay trước thềm Phật Đản năm 1951, đại diện của sáu hội Phật giáo lớn ở ba miền đã mở ra một trang sử cho Phật giáo Việt Nam: Thống nhất các hội Phật giáo.

Theo học giả Nguyễn Quốc Tuấn, trước thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam sinh hoạt theo kiểu tổ đình và sơn môn. Ví dụ như Tổ đình Từ Hiếu ở Huế thuộc thiền phái (sơn môn) Lâm Tế. [1]

Đến những năm 1930, Phật giáo đi theo mô hình có tính tổ chức hơn, tương tự như Công giáo. Các hội Phật giáo lần lượt ra đời như Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ, Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Sơn môn Tăng già Trung Việt, Hội Phật học Việt Nam Trung Việt, v.v.

Vào lúc này, thực dân Pháp vẫn cai trị Việt Nam, chinh chiến liên miên. Nhiều Phật tử đã gia nhập các tổ chức kháng chiến.

Trong Việt Nam Phật giáo Sử luận, tác giả Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh) cho rằng việc các hội Phật giáo thống nhất một phần là do nhu cầu thành lập một tổ chức mạnh mẽ, nhằm tranh đấu cho độc lập quốc gia, dù vẫn tuyên bố phi chính trị. [2]

Lý do cấp thiết hơn là Phật giáo Việt Nam khi đó gia nhập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists). Hiến chương của hội này yêu cầu các quốc gia thành viên phải có trung tâm điểm Phật giáo địa phương. [3]

Các tăng sĩ, cư sĩ tham gia hội nghị thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 5/1951. Ảnh: Thư viện Gia đình Phật tử.

Chiều ngày 9/5/1951, sáu hội phật giáo của ba miền, bao gồm bên tăng sĩ và bên cư sĩ đã thông qua mục đích, hệ thống tổ chức, thành lập Tổng hội Phật giáo.

Ngày Phật Đản năm 1951, Hòa thượng Thích Tố Liên đã treo lá cờ ngũ sắc lần đầu tiên tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Phật Đản năm 1957: Miền Nam bỏ ngày nghỉ Phật Đản, Phật giáo miền Bắc chìm trong tăm tối

Sau Hiệp định Geneva (1954), Phật giáo miền Nam có thêm 209.132 tín đồ và nhiều tăng ni di cư di từ miền Bắc. [4] Chính quyền mới ở miền Bắc đã áp dụng chính sách hạn chế tôn giáo.

Hoạt động tôn giáo vốn đang sôi nổi ở miền Bắc bất thình lình xơ cứng lại. Các tờ báo Phật giáo bị đình bản, số lượng chùa và tu sĩ bị thu hẹp, tự do hiệp hội và tu tập bị hạn chế tối đa, các học viện không có học tăng mới.

Theo Thiền sư Nhất Hạnh, chính quyền miền Bắc đã chủ ý thành lập Hội Phật Giáo Thống nhất và bãi bỏ các hội đoàn phật giáo khác được thành lập từ năm 1949. [5]

Ở miền Nam, Phật giáo vẫn giữ được uy lực nhờ sức ảnh hưởng đối với công chúng cùng với chính sách tự do tôn giáo. Tuy vậy, cũng có những rắc rối đã xảy ra.

Vào tháng 1/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra Dụ số 4 quy định về các ngày lễ quốc gia, trong đó bỏ ngày Phật Đản khỏi danh sách những ngày lễ được nghỉ có lương. Tu sĩ, phật tử lập tức phản ứng.

Các hội Phật giáo miền Nam khi ấy đã liên tục ra kháng thư về quyết định trên. Vào tháng 3/1957, Hòa thượng Thích Thiện Minh đã ký điện văn đại diện cho 565 đơn vị của Tổng Hội đồng Phật giáo Trung Phần yêu cầu Tổng hội Phật giáo Việt Nam can thiệp với chính phủ về việc bỏ ngày Phật Đản trong lịch nghỉ lễ quốc gia. [6]

Ngày 19/3/1957, Chủ tịch Quốc hội gửi điện cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nêu ý kiến cần cho các công sở, trường học nghỉ ngày Phật Đản.

Lễ Phật Đản năm 1957 được tu sĩ, phật tử cố ý tổ chức rầm rộ để tỏ ý phản đối quyết định của chính phủ. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, lễ Phật Đản năm ấy lớn bằng mười lần mọi năm. Một năm sau, chính phủ đưa ngày Phật Đản trở lại ngày nghỉ lễ quốc gia. [7]

Phật Đản năm 1963: Máu đổ ở Huế

Vào năm 1963, các Phật tử tại Huế cũng như những nơi khác hân hoan đón ngày Phật Đản. Nhà nhà treo cờ Phật giáo, chùa chiền trưng đèn kết hoa, dựng huyền môn, lễ đài rất trang trọng. [8] Không ai ngờ rằng Phật giáo miền Nam đang đứng trước một tai ương.

Hai ngày trước lễ Phật Đản, ngày 6/5/1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm phát công điện ra Huế yêu cầu tất cả tôn giáo không treo giáo kỳ ở nơi công cộng, mặt tiền tư gia. Cảnh sát ở Huế hôm sau đi khắp nơi hạ cờ Phật giáo.

Công điện trên làm các nhà sư, Phật tử tại Huế phẫn nộ. Họ hiểu rằng công điện cố tình nhắm vào Phật giáo nhằm giảm quy mô của lễ Phật Đản.

Diễu hành ngày Phật Đản tại Huế nhanh chóng trở thành một cuộc biểu tình phản đối chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền.

Theo Tuệ Giác, tối ngày Phật Đản (8/5/1963), chính quyền không cho Đài phát thanh Huế đưa tin về ngày Phật Đản như thường lệ. Đám đông Phật tử đã tụ tập biểu tình tại đài phát thanh. Chính quyền đưa lính bảo an đến bảo vệ đài. Một cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra khiến tám người chết, bốn người bị thương. [9]

Sau ngày Phật Đản năm 1963 là ngày tưởng niệm các nạn nhân ở Huế. Phật giáo sôi sục. Huế và Sài Gòn bất ổn sau những cuộc đàm phán bất thành giữa chính phủ và cộng đồng Phật giáo về những sự kiện tại Huế, và về chính sách tôn giáo bất công.

Một trong những cách thức hoạt động trong phong trào Phật giáo năm 1963 là tọa kháng trước cảnh sát, quân nhân. Ảnh: Newsfront.

Phật giáo miền Nam đã tổ chức một phong trào đấu tranh bất bạo động với chính quyền. Nổi bật trong cuộc đấu tranh này là sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức thiêu thân giữa đường phố Sài Gòn, khiến thế giới kinh ngạc. Còn có nhiều cuộc tự thiêu khác xảy ra sau đó.

Kết quả của cuộc tranh đấu là chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Phật giáo đoàn kết hơn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không chỉ với sự đồng lòng của tăng sĩ mà còn nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của giới Phật tử.

Sau 1975: Những mùa Phật Đản im lìm

Sau ngày 30/4/1975, chính quyền mới thiết lập một cuộc cải tạo xã hội khổng lồ. Phật giáo không phải là ngoại lệ. Nhiều ngôi chùa được lệnh không treo cờ Phật giáo, không mở cửa đón Phật tử.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ăn mừng chiến thắng miền Nam ngày 15/5/1975. Từ trái qua: Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đức Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, Trần Văn Trà. Ảnh: Philippe Buffon.

Một Phật tử nói với hãng tin Copley News Service năm 1979 rằng Phật tử ở Cần Thơ chỉ được đi chùa mỗi tháng một lần. [10] Chùa Dược Sư ở tỉnh này được yêu cầu đóng cửa, hạ cờ Phật giáo, khiến 12 tăng, ni thuộc chùa này tự thiêu để đòi tự do tôn giáo. [11]

Ở Sài Gòn, chùa Ấn Quang, trung tâm của phong trào Phật giáo đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, chỉ mở cửa cho Phật tử thắp nhang hai tháng một lần. [12]

Ngay sau 30/4/1975, các nhà sư thân cách mạng thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM nhằm sàng lọc các nhà sư, thiết lập một giáo hội trung thành với chính quyền. [13]

Năm 1977, chính quyền tịch thu cô nhi viện Phật giáo Quách Thị Trang, bố ráp chùa Ấn Quang.

Sau cuộc bố ráp chùa Ấn Quang, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Phó Hiệu trưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, vượt biên đến Pháp. Ông tố cáo với báo chí rằng chính quyền không cho tổ chức ngày Phật Đản như một ngày lễ quốc gia, tượng Phật bị đập phá, hàng trăm ngôi chùa bị tịch thu, hàng trăm tăng, ni bị bắt giữ. [14]

Nỗ lực duy trì việc xem ngày Phật Đản là ngày lễ quốc gia đã thất bại ngay sau ngày 30/4/1975. Ngày này vẫn được xem là một ngày lễ quốc gia quan trọng tại một số nước Đông Nam Á.

Tài liệu tham khảo

1.  Nguyễn Quốc Tuấn (chủ nhiệm) (2006). Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỉ XX. Đề tài Khoa học cấp Bộ. Hà Nội 2006, tr. 44., được dẫn trong Lê Tâm Đắc. (2012, February 22). Hoà Thượng Thích Tố Liên Với Sự Thành Lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Năm 1951. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a14652/hoa-thuong-thich-to-lien-voi-su-thanh-lap-tong-hoi-phat-giao-viet-nam-nam-1951

2.  Nguyễn Lang. (2004). Việt Nam Phật giáo Sử Luận, chương XXXI. Tu Viện Quảng Đức. https://www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/17vnpgsuluan3-31.html

3. Lê Tâm Đắc. (2012, February 22). Hoà Thượng Thích Tố Liên Với Sự Thành Lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Năm 1951. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a14652/hoa-thuong-thich-to-lien-voi-su-thanh-lap-tong-hoi-phat-giao-viet-nam-nam-1951

4.  Peter Hansen (2009). “Bac Di Cu: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic, 1954–1959”, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 4, No. 3, pp. 173 -211, (bản dịch của Nghiên cứu Quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2014/05/06/bac-di-cu/, 6/5/2014).

5.  Xem 2.

6.  Hội Phật giáo Việt Nam. (1957). Phật giáo Việt Nam: Vol. Nguyệt san số 7, trang 63. Hội Phật giáo Việt Nam.

7.  Thích Nhất Hạnh. (2004). Việt Nam Phật giáo Sử Luận, chương XXXVII. Tu Viện Quảng Đức. https://www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/17vnpgsuluan3-37.html

8.  Quốc Oai. (1963). Phật giáo Tranh đấu sử. Nhà xuất bản Tân Văn.

9.  Tuệ Giác. (1964). Việt nam Phật giáo tranh đấu sử. Tân Văn.

10.  Copley News Service. (1979, August 28). The Boat People tell of the end of freedom. The Press Democrat via Newspaper.Com. https://www.newspapers.com/image/295654184/?terms=Hoa%2BHao

11.  Trần Phương. (2020a, March 8). Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng. Luật Khoa. https://www.luatkhoa.org/2020/03/mien-nam-sau-30-4-1975-khi-cac-nha-su-vo-mong/

12.  Xem 11.

13.  Thích Huệ Thông. (2021, March 17). Kỳ 2: Sự ra đời của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM. Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo. https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8440

14.  Xem 11.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.