Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Có những lựa chọn có ý nghĩa hơn là việc ngồi yên không làm gì.
Ngày mai, 23/5, là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Đó chắc chắn sẽ không phải là “ngày hội toàn dân” như các thông điệp tuyên truyền của chính quyền. Lý do rất giản dị: không có “lễ hội” nào mà người dân bị cưỡng ép phải đến dự. [1]
Đó cũng sẽ không phải là hoạt động bầu cử có ý nghĩa với phần lớn người dân. Làm thế nào có thể lựa chọn khi tuyệt đại đa số cử tri đều chưa từng gặp mặt, chưa từng nghe giọng nói, và thậm chí chưa từng biết đến sự tồn tại của những cái tên ứng viên được dán trên các bảng thông báo vô hồn?
Nhưng gần như chắc chắn sẽ có rất nhiều người đi bầu. Có thể thực tế không đến mức ngất ngưởng như con số lý tưởng trên 90% mà chính quyền thường công bố, nhưng phần lớn sẽ chọn “làm cho xong việc”. [2]
Giống như các cuộc bầu cử trước đây, không ít người phản đối bằng cách tẩy chay và kêu gọi người khác cùng tẩy chay.
Vào thời điểm hiện tại, người viết không tin rằng đó là phương thức đấu tranh hiệu quả.
Trước hết, phải khẳng định, đi bầu hay không hoàn toàn là quyền tự do quyết định của mỗi người.
Không ai có bất kỳ tư cách đạo đức lẫn luật pháp nào để bắt buộc người khác phải tham gia bỏ phiếu (có những ngoại lệ như nước Úc, nơi bầu cử theo luật là nghĩa vụ của công dân – nhưng trước khi so sánh, cần ghi nhớ Úc không theo chế độ độc đảng cai trị). [3]
Vì vậy, ở Việt Nam, một người hoàn toàn có quyền tẩy chay bầu cử. Đó là lựa chọn cá nhân chính đáng và hợp pháp.
Câu hỏi đặt ra là, với những ai mong muốn góp sức xây dựng một tương lai dân chủ tốt đẹp hơn cho Việt Nam, đây có phải là lựa chọn hiệu quả?
Không có dấu hiệu gì cho thấy nó có tác dụng.
Cách thức tổ chức bầu cử hiện tại của chính quyền – tuyên truyền một chiều, kiểm duyệt thông tin, đặt áp lực chỉ tiêu xuống từng tổ dân phố – khiến cái giá phải trả cho việc tẩy chay cao hơn nhiều so với động tác gạch xóa đại rồi nhét vào thùng phiếu.
Một bên là những xung đột căng thẳng và tranh cãi kéo dài nhưng vô nghĩa với cán bộ địa phương, hàng xóm, thậm chí là người nhà, một bên là vài chục phút, hay nhiều nơi chỉ mất vài phút làm thao tác thủ tục đơn giản – dễ thấy lựa chọn nào sẽ được người dân ưu tiên.
Văn hóa Á Đông của người Việt Nam chưa bao giờ coi trọng những “con cừu đen lạc loài” (nonconformist). Dưới thể chế toàn trị, điều này lại càng đậm nét.
Trong hoàn cảnh đó, việc kêu gọi và mong muốn có một phong trào tẩy chay bầu cử là chuyện phi thực tế, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Ngay cả trong trường hợp có thể thuyết phục thành công người khác tẩy chay bầu cử, câu hỏi tiếp theo sẽ là lựa chọn này có tác dụng gì?
Trong điều kiện lý tưởng, nếu có đủ số lượng người tẩy chay, cuộc bầu cử sẽ trở nên vô hiệu.
Nhưng ta hãy chấp nhận thực tế là vào thời điểm hiện tại, đây là chuyện sẽ không xảy ra ở Việt Nam.
Hành động tẩy chay vì vậy sẽ chỉ có ý nghĩa thể hiện sự phản đối. Nhưng đó có phải là chuyện mới?
Thể chế hiện tại không được lòng dân là sự thật mà ai cũng biết, kể cả nhà cầm quyền. Nếu tin tưởng vào điều ngược lại, chính quyền đã đường hoàng tổ chức bầu cử tự do công khai, trải thảm mời người dân thẳng thắn góp ý cũng như tạo điều kiện cho báo chí độc lập được tự do hoạt động.
Tẩy chay trong trường hợp này giống như xác nhận một chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Thật khó để nghĩ ra một thay đổi tích cực nào được tạo ra từ nó.
Nhiều người xem tẩy chay là một hành động bất tuân dân sự (civil disobedience). Bất tuân dân sự là cách thức phản kháng của người dân chống lại bất công, thường là những bất công đến từ thể chế. [4] Đó là hình thức đấu tranh văn minh của nhân loại, thay vì phải dùng đến “bạo lực cách mạng” như nhiều quan niệm cũ.
Nhưng bất tuân dân sự không chỉ có tẩy chay.
Theo nghĩa đơn giản nhất, tẩy chay là lựa chọn không làm một điều gì đó.
Bất tuân dân sự trong khi đó là một hình thức đấu tranh chính trị. Mà đã đấu tranh thì cần nhiều nỗ lực hơn là việc không làm một thứ gì.
Trong một bài viết trước đây, Luật Khoa từng trích dẫn một nghiên cứu về hoạt động tẩy chay. [5] Ngoài khái niệm “boycott” (tẩy chay) quen thuộc, bài viết còn giới thiệu về “buycott” – hình thức phản kháng ngược với tẩy chay.
Nếu “boycott” là chủ động né tránh một sản phẩm hay tổ chức, thì “buycott” là chủ động tham gia ủng hộ. Cả hai đều được xem là “hành vi tiêu dùng có ý thức chính trị” (political consumerism).
Nghiên cứu trên chỉ ra một kết quả khảo sát đáng chú ý. Trong số những người tiêu dùng có ý thức chính trị, chỉ có 13% lựa chọn tẩy chay (boycott), đến 46% lựa chọn tham gia ủng hộ (buycott), và 41% lựa chọn cả hai hình thức phản kháng.
Đây là khảo sát dành cho người dân tại châu Âu. Con số của Việt Nam chắc chắn sẽ khác. Nhưng có nhiều lý do để tin rằng những “buycotter” tại Việt Nam – người muốn chủ động tham gia ủng hộ cho một phong trào nào đó – vừa có thực vừa có lực.
Một năm trước đây, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh từng tổ chức quyên tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh nông dân ở làng Đồng Tâm bị thiệt mạng trong trận càn quét của chính quyền. [6]
Chỉ trong hai ngày, tài khoản cá nhân của bà Hạnh đã nhận được hơn 500 triệu đồng từ gần 700 cá nhân trong nước.
Khi chính quyền phong tỏa tài khoản này, một chiến dịch gây quỹ khác được tổ chức trên trang web GoFundMe. Chỉ mất hơn một ngày, gần 500 người đã tham gia đóng góp số tiền tương đương với tài khoản đã bị khóa.
Hay như trường hợp lũ lụt tàn phá miền Trung vào cuối năm 2020 vừa qua. Chỉ trong một tuần lễ đứng ra kêu gọi, cộng đồng đã chung tay đóng góp trên 100 tỷ đồng cho ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ người dân vùng lũ. [7] Sự hào hứng và niềm tin đặt vào một cá nhân đơn lẻ tương phản rõ rệt với mối nghi ngại dành cho các cơ quan, tổ chức của chính quyền.
Những sự kiện tương tự như trên rất phổ biến và đáng để những ai thực lòng mong muốn đấu tranh cho phong trào dân chủ tại Việt Nam lưu tâm.
“Boycott” là lựa chọn đơn giản hơn nhiều so với “buycott”, nhưng luôn có những người mong muốn chủ động tham gia ủng hộ một phong trào nào đó thay vì chỉ thực hiện động tác không làm gì.
Việc có thể tham gia hành động giúp tạo ra niềm tin vào một sự thay đổi – một điều có ý nghĩa tích cực hơn nhiều so với chuyện không làm gì.
Nó góp phần “gieo niềm hy vọng, thay vì sự sợ hãi”, như tựa đề một bài viết trước đây trên Luật Khoa, bàn về sự cần thiết phải thay đổi cách thức làm truyền thông của những nhà hoạt động nhân quyền. [8]
Tóm lại, đi bầu hay không đi bầu?
Đó là lựa chọn của bạn, và bạn có toàn quyền đối với lựa chọn của chính mình.
Nếu mong muốn góp sức xây dựng một xã hội dân chủ hơn cho Việt Nam trong tương lai, theo thiển ý của người viết, bạn có nhiều lựa chọn hơn là thuần túy tẩy chay cuộc bầu cử.
Bạn có thể quan sát cách thức chính quyền tổ chức cuộc bầu cử, từ quy trình “đảng cử dân bầu”, những hình thức lấy ý kiến đến việc tổ chức bỏ phiếu và hoạt động kiểm phiếu trên thực tế. Hiểu về những cuộc bầu cử chất lượng kém và thiếu dân chủ như vậy giúp bạn biết được đâu là chỗ cần cải thiện để thật sự có được một cuộc bầu cử đúng nghĩa.
Và vì xác suất cao là bạn sẽ tham gia bỏ phiếu, bạn có thể dành thời gian lướt qua những tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên. Bạn có thể nhận ra mình muốn chọn ai – những người có chương trình hành động rập khuôn kiểu “tuyệt đối trung thành”, “học tập tư tưởng đạo đức” hay các ứng viên ít nhất biết đề cập những vấn đề người dân quan tâm.
Bạn có thể gạch bỏ tất cả ứng viên nếu không thấy ai xứng đáng để mình chọn, hoặc làm thêm động tác ghi tên những người bạn muốn đại diện cho mình.
Trong cuộc bầu cử vào năm 2001 – 2002 tại Trung Quốc, theo báo cáo, hơn 8.000 ứng viên đã được cử tri tự ghi thêm vào và đạt đủ số phiếu trúng cử. [9]
Việt Nam không có luật tương tự, nhưng không có gì ngăn cản bạn thể hiện sự ủng hộ cho một ứng viên khác ngoài danh sách những người có sẵn. Việc ghi tên những người tự ứng cử đã bị chính quyền bắt giữ trước đó sẽ là một hành động phản kháng có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện chỉ gạch hết những cái tên có sẵn. [10]
Bạn cũng có thể kêu gọi sự ủng hộ cho những ứng viên độc lập hiếm hoi còn sót lại, lên tiếng bảo vệ họ trước các cáo buộc chụp mũ và công kích từ phía những người ủng hộ chính quyền. [11] [12]
Ngay cả khi bạn nghĩ một cánh én không làm nên mùa xuân – những cá nhân ít ỏi trên sẽ không thay đổi được gì, thì việc tối thiểu bạn có thể làm là không ngồi yên nhìn những cánh én đó bị kẻ ác ném đá tấn công.
Ẩn dụ quen thuộc cánh én – mùa xuân dễ khiến người ta hiểu lầm. Sự thật là, có bao nhiêu chim én cũng không làm nên mùa xuân. Én thậm chí cũng không có nghĩa vụ phải báo hiệu mùa xuân. Nó chỉ làm việc mình muốn: bay nhảy trên bầu trời.
Bạn có thể làm như én, tìm cách để dang rộng đôi cánh trên bầu trời, hay ngồi im đứng nhìn các loài đại bàng diều hâu chiếm hết không gian.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.