Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Vinfast chỉ là một phần của văn hóa “méc công an”.
Chỉ cách đây hơn một tháng, Luật Khoa đăng bài viết khẳng định vai trò thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa của ngành công nghiệp ô-tô nói chung, của Vinfast tại Việt Nam nói riêng, và vì sao nhãn hàng này sẽ tiếp tục được ưu đãi, bảo vệ trong tương lai như một chiến lược phát triển của chính quyền Việt Nam đương đại.
Tuần này, chủ trang Go Go TV, một khách hàng của Vinfast không hài lòng với sản phẩm Lux, đang bị hãng này cáo buộc “gây hoang mang người tiêu dùng”. Qua thông cáo, Vinfast dường như khẳng định ông Trần Văn Hoàng, người chi ra gần 1 tỷ đồng mua chiếc Lux A 2.0 của hãng, là khách hàng “không chân chính” vì ông này chỉ ra 10 lỗi của chiếc xe. Đáng chú ý hơn, ông Hoàng đã mang đi sửa chữa chính hãng 10 lần, đúng theo quy trình mà Vinfast đặt ra, song tình trạng xe vẫn không thể cải thiện.
Từ đó, Vinfast thông báo rằng họ đã đưa thông tin vụ việc lên… công an, và ẩn ý sẽ có biện pháp thích đáng để trừng phạt vị khách hàng “không chân chính” này.
Nhiều người sẽ nói Vinfast đang lợi dụng vị thế thương hiệu quốc gia, các mối quan hệ thân hữu bên trong nhà nước và từ đó dùng công an để đàn áp chính khách hàng của mình, đơn giản vì người này để lại những bình luận không có lợi cho sản phẩm của họ trên không gian Internet. Tuy nhiên, cái thói quen “méc công an” chỉ vì những ngôn luận và biểu đạt thường nhật là thứ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây.
Bài viết này mong muốn lý giải nguyên do đằng sau thứ văn hóa pháp lý phổ biến này.
Việc sử dụng quyền năng nhà nước vô hạn để đảm bảo rằng không ai nói khác, nói ngược với mình đã là một nhiễm sắc thể không thể thiếu trong chuỗi vật liệu di truyền của nhà nước Việt Nam đương đại.
Bạn phê phán quan chức tham nhũng, bạn chỉ trích một chính sách nhất định của nhà nước, bạn thách thức và đặt câu hỏi về tính độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam? Việc bị truy đuổi, bắt bớ hay tống giam được xem là các phản ứng “tiêu chuẩn” của một bộ máy nhà nước khổng lồ đối với những cá nhân đơn lẻ và thấp cổ bé họng.
Và đấy là chưa kể những người này thậm chí còn không dùng đến bất kỳ diễn ngôn cổ vũ bạo lực nào.
Những cái tên của các nhà báo độc lập bị bắt bớ gần đây như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Phạm Chí Thành, Lê Hữu Minh Tuấn… cho thấy một thượng tầng kiến trúc luôn trong tình trạng giận dữ và chủ động tìm kiếm những “kẻ thù” hoàn toàn không tương xứng với vị thế và nguồn lực mà họ có.
Nhưng điều này không có nghĩa là việc né tránh các chủ đề “nhạy cảm” sẽ giúp bạn an toàn khỏi tầm mắt cú diều của cơ quan công an.
Lấy một ví dụ gần đây, anh Nguyễn Văn Nhanh ngụ tại Trảng Bom, Đồng Nai, có một số bức xúc với bà Vũ Thị Minh Châu và bà Lương Thị Lan, lần lượt là chủ tịch và phó chủ tịch huyện này liên quan đến hoạt động khai thác tại khu vực công trình thủy lợi hồ suối Đầm.
Trong một livestream với chỉ khoảng 4.000 lượt xem, anh Nhanh chỉ trích: “Bà Vũ Thị Minh Châu là người không có đạo đức, cấp dưới bà làm mà bà không biết. Bà biết mà bà không nhắc nhở thì bà là kẻ bất tài, người độc ác…” và “... bà Lương Thị Lan… cũng là con người tàn ác lắm… nếu mà làm cán bộ không giải quyết được nỗi đau của người dân thì bà đừng làm cán bộ, xin về hưu đi…”.
Đây rõ ràng là những câu nói thuần túy xuất phát từ bức xúc thực tế của một người dân không biết (hoặc không thể) sử dụng các công cụ pháp lý, hành chính để giải quyết khúc mắc của mình đối với chính quyền.
Hệ quả của nó là gì?
Anh Nhanh nhanh chóng bị khởi tố, đối mặt với tối đa ba năm tù giam. Trong khi đó, các biên bản giám định tư pháp và biên bản điều tra đưa ra những kết luận toát mồ hôi như: “mục đích hạ thấp danh dự, uy tín, gây áp lực cho bà Châu, bà Lan cũng như UBND H.Trảng Bom để giải quyết vụ việc theo yêu cầu và nguyện vọng của Nhanh”.
Vâng, bạn đọc không đọc sai, hai video clip đạt vài nghìn lượt xem được cho là có khả năng cưỡng ép hai chức danh hành chính cao nhất huyện làm theo ý mình.
Kể ra những ví dụ tương tự về mối quan hệ xã hội giữa nhà nước – công dân thì có mà đến Tết cũng không hết.
Tính tùy tiện của chính quyền trong việc sử dụng các công cụ vũ lực để giải quyết các bất đồng ngôn luận từ lớn đến nhỏ đã tạo nên thói quen và tư duy pháp lý phổ biến rằng ai cũng có thể “méc công an” khi có ai đó nói trái ý mình. Không chỉ vậy, tư duy của chính các cơ quan điều tra từ lâu cũng đã thừa nhận rằng mình là người phân xử có thẩm quyền nhất trong các tranh chấp về ngôn luận và biểu đạt.
Tổng hòa thói quen pháp lý, tư duy pháp lý và cơ chế trao quyền bừa bãi của chính quyền đối với cơ quan công an trong các vấn đề ngôn luận đã tạo nên thứ văn hóa quái gở nói trên.
Tại Hoa Kỳ (và nhiều quốc gia khác), công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp về ngôn luận giữa các chủ thể tư với nhau chỉ gói gọn trong nhóm án lệ dân sự liên quan đến phỉ báng – bôi nhọ (defamation). Thuộc nhóm pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort law theo cách gọi của hệ thống pháp luật Thông luật), án về phỉ báng là loại án mà các cơ quan nhà nước – các cá nhân nắm giữ chức danh công quyền khó thắng nhất. Các tác giả Luật Khoa đã giải thích sơ lược vì sao đây lại là thực tế tư pháp của Hoa Kỳ thông qua bài viết 4 án lệ định hình tự do báo chí tại Hoa Kỳ, bạn đọc có thể tham khảo thêm.
Trở lại với Việt Nam, chỉ cần nhìn vào Bộ luật Hình sự thôi, cơ quan công an điều tra đã có không ít hơn bốn công cụ hoàn toàn khác biệt vừa để khóa mồm lẫn khóa thể xác của người nói vào bốn bức tường, một con số đáng kinh ngạc trong tiêu chuẩn pháp luật hình sự thế giới.
Điều 117 là điều luật đầu tiên và cũng là điều khét tiếng nhất, từng được biết đến với số 88 – biểu tượng của hai chiếc còng số tám.
Điều này ghi nhận về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, song điều luật không có bất kỳ thông tin hay chỉ dấu nào cụ thể về nội dung, loại ngôn ngữ nào và hình thức biểu đạt nào là “làm, tàng trữ hay phát tán” nhằm “chống” nhà nước Việt Nam.
Vậy nên chuyện diễn giải điều luật ra sao gần như chỉ lệ thuộc vào chính bản thân cơ quan điều ra, không hề có quy chuẩn pháp lý nào cụ thể. Chỉ cần bạn đã từng chỉ trích hay thách thức thẩm quyền của bất kỳ cơ quan nhà nước hay cơ quan đảng nào, đừng bất ngờ khi một ngày nào đó công an đến gõ cửa nhà bạn.
Nhưng 117 là một điều luật chỉ nhằm vào các phát ngôn nhắm đến chính quyền. Và không phải phát ngôn nào chỉ trích quan chức, cán bộ đảng cũng liên quan đến quyền lực công vụ của họ. Vậy Bộ luật Hình sự còn gì?
Chắc chắn phải kể đến tội danh vu khống quy định tại Điều 156.
Bất kể khi nào cơ quan điều tra muốn chứng minh với công luận rằng lập luận và thông tin của người nói là sai trái, là không có thật, tội danh này dường như chắc chắn sẽ được áp dụng.
Cuối năm 2020, giảng viên Phạm Đình Quý bị Công an Đắk Lắk bắt, đơn giản vì ông cáo buộc người khác đạo văn luận án tiến sĩ. Công an Gia Lai bắt ông tại thành phố Hồ Chí Minh lúc ông đang đi ăn với vợ sắp cưới. Ông bị di lý lên Đắk Lắk trong thời điểm gia đình không thể có mặt để giúp đỡ hay mời luật sư. Vài ngày sau, báo giới loan tin từ công an Đắk Lắk rằng ông Quý đã “cúi đầu nhận tội”.
Thật nhanh chóng và tiện lợi.
Không khó để phát hiện ra rằng Công an Đắk Lắk cất công lặn lội để bắt Phạm Đình Quý chủ yếu là vì người bị ông cáo buộc đạo văn là đương kiêm bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường, một lãnh đạo “hạt nhân” nay đã được giao chức danh tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, trong thời điểm chưa người dân nào biết mặt mũi phiếu bầu ra sao.
Nhưng như vậy là không đủ, giả sử như thông tin hay biểu đạt nhắm tới giới quan chức hay các thân hữu của họ không hề có thông tin đặc biệt để cho là giả mạo, vu khống thì sao?
Tội danh làm nhục người khác luôn sẵn sàng nghênh trận.
Quy định tại Điều 155, cấu thành của điều luật này không có bất kỳ quy định cụ thể nào. Miễn là cơ quan công an cho rằng thông tin được đưa ra đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của bất kỳ cá nhân nào trong xã hội, án tù đang chờ đón người đưa ra thông tin.
Vì sự vô định của cấu thành tội phạm này, việc anh Nhanh chỉ trích hai vị lãnh đạo huyện bằng ngôn ngữ bình dân mà chúng ta nhắc đến ở trên cũng tương đồng về độ nghiêm trọng với hành vi tung clip ảnh riêng tư của người khác lên mạng xã hội.
Ngành luật đáng lẽ phải là chặt chẽ nhất và có mức giới hạn cao nhất, nay lại trao cho giới chức công an quyền can thiệp không giới hạn vào các biểu đạt và phát ngôn thông thường nhất, bất cứ khi nào họ muốn.
Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ.
Điều 331 hội tụ đủ mọi tiêu chuẩn kép và sự tùy tiện trong pháp luật hình sự Việt Nam để tạo ra tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Là tội danh được sử dụng thường nhất chỉ sau Điều 117, Điều 331 được sử dụng để bắt giữ và điều tra một số nhà báo có tiếng như Trưởng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng Phan Bùi Bảo Thy, bốn nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch trong đó có Trương Châu Hữu Danh… cùng hằng hà sa số các cá nhân khác.
Được trang bị “vũ khí” tận răng, có thể được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, được quyền diễn giải theo mọi hướng họ có thể nghĩ tới, khó có thể trách toàn bộ cộng đồng (và giới công quyền) đều vịn vào công an để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biểu đạt và ngôn luận.
Tiếp nối điểm chúng ta vừa nhắc đến ở trên, người viết quay trở lại với vấn đề trọng tâm nhất – bản thân cơ quan tòa án.
Cần thừa nhận rằng ngay cả khi pháp luật thực định của một quốc gia hoàn toàn ngô nghê hay ngờ nghệch, thì thứ có thể giúp hệ thống tư pháp quốc gia không biến thành trò hề là tính độc lập của tòa án và chất lượng của các thẩm phán.
Pháp luật Hoa Kỳ không bao giờ là hoàn hảo. Pháp luật của các quốc gia châu Âu cũng không phải được sơn son thếp vàng. Bạn chỉ cần bỏ ra chút thời gian để hiểu được rằng pháp luật của họ cũng ngờ nghệch, dị hợm và đôi khi lạm quyền tương tự như tại Việt Nam mà thôi.
Vấn đề ở chỗ là các cơ quan tòa án luôn sẵn sàng đi ngược lại mong muốn của cơ quan điều tra nói chung và chính quyền nói riêng. Tính độc lập được thiết kế từ trước của tòa án khiến cho chúng thật sự là nơi giải quyết và dàn xếp tranh chấp thực tế, không phải là nơi để hợp pháp hóa, chính danh hóa mong muốn trước đó của cơ quan điều tra và chính quyền sở tại.
Có lẽ không có ví dụ nào rõ ràng hơn về vai trò độc lập đầy quyền lực của tòa án tại Hoa Kỳ bằng vụ Apple v. FBI từ năm 2016. Trong đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI), cơ quan điều tra hình sự quyền uy nhất của nhà nước quyền lực nhất thế giới, phải đi hầu tòa để “xin xỏ” một công ty tư nhân mở khóa thiết bị cá nhân của nghi phạm cho mình.
Tại Việt Nam, bối cảnh hoàn toàn ngược lại: quyền quyết định đã nằm sẵn trong tay cơ quan điều tra. Và thật ra cũng không cần thiết phải tách bạch giữa cơ quan điều tra hay cơ quan tòa án, khi mà cả hai đều chịu sự chi phối trực tiếp từ cơ quan hành pháp trung ương lẫn địa phương, và trên hết là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở mặt khác, các bản án liên quan đến tranh chấp ngôn luận, tranh chấp biểu đạt ở Việt Nam cũng đặc biệt thiếu chất lượng, thiếu chiều sâu và thiếu các suy luận pháp lý có ý nghĩa.
Chỉ cần thử vào trang web chính thức của Tòa án Nhân dân Tối cao để tìm vài bản án có liên quan đến các tội danh mà chúng ta liệt kê ở trên, bạn đọc có thể nhanh chóng nhận ra rằng ⅔, hay thậm chí ¾ độ dài bản án chỉ là sao chép lại hoàn toàn thông tin từ phía cơ quan điều tra như thể đó là sự thật. Phần lập luận pháp lý còn lại thì không gì khác ngoài “đúng người, đúng tội”.
***
Thứ văn hóa gọi vui là “đi méc công an” là một thứ văn hóa pháp lý vô cùng nghịch lý và gây tổn hại lớn đến sự phát triển của hệ thống tư pháp quốc gia. Tuy nhiên, cân nhắc các yếu tố nói trên, chúng là một sản phẩm được sinh ra khá tự nhiên trong môi trường các quốc gia tương tự như Việt Nam.
Nếu ngay cả việc bạn chi tiền ra để mua một món hàng mà cũng không được phép phàn nàn về nó, mà lại còn bị bắt lên cả công an để trình báo, giải thích thì tự do ngôn luận làm gì còn tồn tại để mà được “lợi dụng” trên mảnh đất này.