Làm sao để đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền: Bạn hỏi Google, chúng tôi trả lời

Khả năng chính quyền chấp nhận hồ sơ đăng ký của bạn có thể rất khác nhau.

Làm sao để đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền: Bạn hỏi Google, chúng tôi trả lời

Bạn là một tín đồ tôn giáo. Bạn muốn mở một cơ sở sinh hoạt tôn giáo để các tín đồ gặp gỡ nhau? Điều đầu tiên bạn nghĩ đến là đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, thủ tục đăng ký có dễ hay không?

Không có câu trả lời chính xác cho băn khoăn của bạn.

Phải mất 20 năm từ năm 1975, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô mới được hoạt động trở lại. Năm 2019, phải sau 24 năm tái hoạt động, giáo hội này mới được nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. [1] Và phải đợi thêm ít nhất 5 năm nữa thì giáo hội này mới được công nhận là tổ chức tôn giáo.

Ở Tây Nguyên, một số nhóm sinh hoạt đạo Tin Lành tại tư gia gặp muôn vàn khó khăn để đăng ký hoạt động với chính quyền. Ở đồng bằng, các thánh thất Cao Đài độc lập buộc phải gia nhập lại hội thánh được chính quyền công nhận nếu muốn được hoạt động. Ở miền Tây Nam Bộ, không có tổ chức Phật giáo Hòa Hảo nào được công nhận ngoài Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

Tuy nhiên, đăng ký với chính quyền là việc làm cần thiết nếu bạn không muốn vướng vào những rắc rối chính trị. Những câu hỏi sau đây có thể giúp bạn chuẩn bị một tâm thế tốt hơn khi đăng ký hoạt động tôn giáo.

Đăng ký sinh hoạt tôn giáo có khó không?

Bạn có thể được cấp phép. Bạn cũng có thể bị từ chối, hoặc nặng hơn là sách nhiễu nếu chính quyền thấy không phù hợp, hoặc không yên tâm về hoạt động tôn giáo của bạn.

Hai văn bản pháp luật mà bạn nên đọc kỹ là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016Nghị định 162/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [2] [3]

Tôn giáo là lĩnh vực chính quyền Việt Nam cho là đặc biệt nhạy cảm. Khả năng chính quyền chấp nhận hồ sơ đăng ký của bạn có thể rất khác nhau, tùy theo tôn giáo, khu vực địa lý. Thông thường, những nơi hẻo lánh, thuộc miền núi sẽ nhạy cảm về chính trị hơn. Nếu hoạt động ở những khu vực có xảy ra tranh chấp đất đai hay xung đột sắc tộc thì hồ sơ đăng ký của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng.

Tôn giáo, tín ngưỡng nào mới được đăng ký hoạt động?

Khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo cứng nhắc trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có thể là lý do để loại hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo. Đặc biệt là khi bạn theo một tôn giáo chưa được nhà nước công nhận.

Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tín ngưỡng là niềm tin của con người qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống. Còn tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.

Dù có rất nhiều hoạt động tôn giáo xuất hiện ở Việt Nam nhưng các tôn giáo mới rất khó tìm được chỗ đứng trong mắt chính quyền.

Một nhóm tập Pháp Luân Công ở khu đô thị Ecopark, Hà Nội. Ảnh: tinhtue.org.
Một nhóm tập Pháp Luân Công ở khu đô thị Ecopark, Hà Nội. Ảnh: tinhtue.org.

Chẳng hạn, Đạo Dừa là tôn giáo dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa nhưng không thể trở thành tôn giáo sau năm 1975. Pháp Luân Công không được xem là tôn giáo vì không có giáo lý, lễ nghi, cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh. Trong khi đó, tòa án ở Canada vào năm 2015 đã ra phán quyết Pháp Luân Công là một tín ngưỡng và được pháp luật bảo vệ. [4] Pháp luật Canada cũng không đặt ra định nghĩa chính xác để xác định một niềm tin nào đó có phải là tín ngưỡng, tôn giáo hay không.

Nếu bạn theo một tôn giáo đã được chính quyền công nhận thì khả năng bạn được cấp phép đăng ký sẽ lớn hơn.

Có mấy loại hình đăng ký hoạt động tôn giáo?

Có ba loại hình đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Thứ nhất là đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (hay còn gọi là sinh hoạt tôn giáo theo điểm nhóm). Thứ hai là đăng ký để được cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo. Thứ ba là đăng ký để được công nhận là tổ chức tôn giáo.

Các loại hình đăng ký hoạt động tôn giáo khác nhau thế nào?

Điểm khác nhau cơ bản giữa ba loại hình đăng ký này là quy mô hoạt động tôn giáo.

Theo Điều 16, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, loại hình đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được áp dụng cho những tổ chức tôn giáo chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc của mình tại nơi đó, hoặc các nhóm sinh hoạt tôn giáo không trực thuộc các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, ví dụ như các nhóm theo đạo Tin Lành hoạt động độc lập.

Khi bạn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung thì hoạt động của bạn thường chỉ là thờ cúng, cầu nguyện đông người chứ không được mở lớp đào tạo chức sắc, phong phẩm, tổ chức theo kiểu giáo hội. Bạn không có tư cách pháp nhân để tham gia các giao dịch dân sự.

Với loại hình đăng ký thứ hai – cấp giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo – bạn được thực hiện nhiều hoạt động tôn giáo hơn. Bạn sẽ được tổ chức lễ hội tôn giáo, giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý, hoạt động từ thiện, bổ nhiệm, suy cử chức việc, tổ chức đại hội, v.v. theo Điều 20, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Nếu muốn nộp hồ sơ đăng ký để được công nhận là tổ chức tôn giáo – loại hình thứ ba – thì tổ chức của bạn phải có thời gian hoạt động ít nhất 5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo lớn hiện nay có thể kể đến như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, v.v.

Khi được công nhận là tổ chức tôn giáo, bạn có thể mở các cơ sở đào tạo tôn giáo, thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc, gửi các chức sắc ra nước ngoài đào tạo, v.v.

Cơ quan nào có thể cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo?

Để đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, bạn gửi hồ sơ đăng ký đến ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi dự định tổ chức sinh hoạt tôn giáo. Trong thời hạn 20 ngày, ủy ban nhân dân cấp xã, phường sẽ trả lời hồ sơ của bạn có được chấp nhận hay không, nếu không sẽ nêu rõ lý do.

Đối với hồ sơ xin cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo, ban tôn giáo tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cấp chứng nhận nếu hoạt động trong phạm vi một tỉnh. Trường hợp hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh, thành thì Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ xem xét hồ sơ của bạn.

Đối với hồ sơ xin công nhận tổ chức tôn giáo, ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ cấp chứng nhận nếu địa bàn hoạt động trong một tỉnh, còn hoạt động trên nhiều địa bàn hay cả nước thì Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ xem xét hồ sơ.

Thời hạn xem xét hồ sơ của hai loại hình này là 60 ngày.

(Các mẫu đơn đăng ký hoạt động tôn giáo có tại Nghị định 162/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo). [5]

Đăng ký hoạt động tôn giáo rồi có bị kiểm soát chặt chẽ hơn không?

Như đã nói, mức độ kiểm soát của chính quyền có thể tùy theo khu vực địa lý, tôn giáo, thành phần tín đồ, lý lịch của người đứng đầu, mức độ hợp tác với chính quyền, v.v.

Tuy nhiên, có một điều mà bạn có thể chắc chắn là bạn phải luôn báo cáo với chính quyền về những hoạt động tôn giáo, kể cả hoạt động mang tính chất rất nội bộ.

Một buổi vận động người dân không theo “tà đạo” tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ.

Trong một bài viết vào tháng 11/2020, báo VOV World, cơ quan của Đài tiếng nói Việt Nam, cho biết chính quyền kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động của những điểm nhóm cả đăng ký lẫn chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. [6] Chính quyền đã yêu cầu các nhóm đăng ký lịch trình sinh hoạt, tổ chức lễ giáo, lễ tết trước khi tiến hành.

Đối với tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo và tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo, họ phải báo cáo, xin phép chính quyền về những hoạt động được quy định theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Ví dụ như phải xin chính quyền chấp thuận cho sửa đổi hiến chương, bổ nhiệm người lãnh đạo hoạt động của các cơ sở tôn giáo (chức việc), tổ chức tôn giáo trực thuộc, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, v.v.

Chính quyền cũng có thể xen vào các hoạt động tổ chức nội bộ của bạn, như việc Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức tôn giáo chọn những thành viên lãnh đạo gắn bó với chính quyền. [7]

Lý do từ chối hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo có thể là gì?

Dù Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định rõ điều kiện đăng ký hoạt động tôn giáo theo từng loại hình, trong thực tế, chính quyền có thể dùng nhiều lý do để từ chối hoặc trì hoãn xem xét hồ sơ đăng ký. Có thể nói, việc chấp nhận hay từ chối hoàn toàn lệ thuộc về nhận định chủ quan của chính quyền.

Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết nhiều nhóm tôn giáo đã cáo buộc một số chính quyền địa phương không tuân thủ quy trình đăng ký theo luật nhằm trì hoãn, làm giảm tính chính đáng của hoạt động tôn giáo, tạo ra lý do để trấn áp các hoạt động tôn giáo của họ. [8]

Nếu hồ sơ đăng ký hoạt động tôn giáo bị từ chối, tôi có thể khiếu nại không?

Khi chính quyền từ chối cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo, bạn có quyền khiếu nại trong thời hạn 90 ngày kể từ khi có quyết định từ chối. Việc khiếu nại được thực hiện theo Luật Khiếu nại năm 2011Nghị định 75/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại. [9] [10]

Quy trình khiếu nại có thể hiểu đơn giản là bạn khiếu nại lần đầu đến người ra quyết định hành chính đó, lần hai với cấp trên của người đó. Ví dụ như bạn muốn khiếu nại quyết định từ chối cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo của ban tôn giáo tỉnh (thuộc sở nội vụ) thì khiếu nại lần đầu đến ban này, lần thứ hai đến chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu vẫn không được giải quyết, bạn có thể khởi kiện vụ án hành chính.

Đó là quy định trên giấy. Tuy nhiên, quá trình giải quyết khiếu nại hành chính đối với lĩnh vực tôn giáo không đơn giản như vậy.

Năm 2014, Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, nhận định kiến nghị của các cộng đồng tôn giáo nói chung không được cơ quan hành chính hay tòa án Việt Nam đáp lại. [11] Trong nhiều vụ việc, đơn kiến nghị bị chuyển trả về địa phương để xem xét lại, thời hạn giải quyết kéo dài, và cuối cùng rơi vào quên lãng.

Tôi có thể dùng nhà riêng làm nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung hay không?

Một trong những điều kiện để đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là giấy tờ chứng minh địa điểm hợp pháp dùng làm nơi sinh hoạt tôn giáo. [12]

Các quy định của nhà nước không nói rõ liệu nhà riêng có thể vừa là nơi ở, vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo hay không.

Trong thực tế, chính quyền không có thiện cảm với việc người dân tụ tập sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng. Năm 2019, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế ra lệnh cho công an thị trấn Sịa “phải phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý” việc người dân lấy nhà riêng làm nơi tụ tập sinh hoạt tôn giáo không đúng quy định. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng từng tuyên bố không cho phép “biến ‘gia’ thành ‘tự’”. [13]

Năm 2012, một sư cô phải gửi thư thỉnh nguyện đến UBND tỉnh Bình Định để xin chuyển ngôi nhà được thừa kế thành ngôi chùa. [14] Những người Thượng ở Tây Nguyên cũng thường xuyên gặp rắc rối nếu họ sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng.

Tài liệu tham khảo

1.  Đại Đoàn Kết. (2019, December 7). Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô: Lan tỏa đức tin từ một đời sống lành mạnh. http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giao-hoi-cac-thanh-huu-ngay-sau-cua-chua-giesu-kito-lan-toa-duc-tin-tu-mot-doi-song-lanh-manh-tintuc454129

2. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016. https://luatvietnam.vn/chinh-sach/luat-tin-nguong-ton-giao-2016-111021-d1.html

3. Nghị định 162/2017/NĐ-CP. http://vbpl.vn/bonoivu/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=127369

4.  Ontario Human Rights Commission. (2015, September 17). Policy on preventing discrimination based on creed. http://www.ohrc.on.ca/en/book/export/html/16276

5. Nghị định 162/2017/NĐ-CP. http://vbpl.vn/bonoivu/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=127369

6.  VOV World. (2020, November 20). Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-cho-nguoi-dan-o-huyen-muong-nhe-tinh-dien-bien-924036.vov

7.  Tạp chí Tổ chức Nhà nước. (2021, January 29). Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới. https://tcnn.vn/news/detail/49690/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-tin-nguong-trong-tinh-hinh-moi.html

8.  Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State. (2021, May 12). 2020 Report on International Religious Freedom: Vietnam. U.S. Department of State. https://www.state.gov/reports/2020-report-on-international-religious-freedom/vietnam/

9. Luật Khiếu nại năm 2011. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Luat-khieu-nai-2011-132446.aspx

10. Nghị định 75/2012/NĐ-CP. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-75-2012-ND-CP-huong-dan-Luat-khieu-nai-148949.aspx

11.  Tổ nghiên cứu tôn giáo. (2017, October). Đánh giá Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Khoa. https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2017/11/Bao-cao-ton-giao-1-11-2017.pdf

12.  Bộ Nội vụ. (2018, April 12). Thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. https://moha.gov.vn/danh-muc/thu-tuc-dang-ky-sinh-hoat-ton-giao-tap-trung-37952.html

13.  Báo Đồng Nai. (2017, September 8). Không được biến “gia” thành “tự.” http://baodongnai.com.vn/tintuc/201709/khong-duoc-bien-gia-thanh-tu-2841810/

14.  Giác Ngộ Online. (2012, December 16). Mong muốn “cải gia vi tự.” https://giacngo.vn/mong-muon-cai-gia-vi-tu-post16916.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.