Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cần tạo điều kiện thay vì kìm hãm tổ chức tôn giáo trong hoạt động nhân đạo.
Trong lúc người dân TP. Hồ Chí Minh thống thiết kêu gọi cứu trợ sau các biện pháp chống dịch mang tính trấn áp của chính quyền, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức một hội thảo khoa học rất liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Hội thảo khoa học với tên gọi “Cơ sở lý luận về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay” được tổ chức vào ngày 13/7/2021. Quy tụ các nhà khoa học, đại diện một số bộ, ngành và tổ chức tôn giáo, hội thảo này tập trung bàn về nguồn lực của các tổ chức tôn giáo khi tham gia vào lĩnh vực an sinh xã hội với tư cách là chủ thể độc lập. Đây có thể là một dấu hiệu đem lại hy vọng mới cho cả các tổ chức tôn giáo và người dân. [1]
“Cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch trong công tác an sinh xã hội” dành cho các tổ chức tôn giáo, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức nói tại hội thảo.
Từ việc dè chừng khu vực tư nhân trước năm 1986, chính phủ Việt Nam đã chuyển sang khuyến khích khu vực này đầu tư vào lĩnh vực an sinh xã hội. Tuy nhiên, có một khu vực khác từng có truyền thống hoạt động phúc lợi xã hội lâu đời nhưng vẫn chưa thể vượt qua sự ngờ vực của chính quyền. Đó là các tổ chức tôn giáo.
Mỗi người, với tư cách cá nhân, có thể giúp đỡ cho một số ít người khó khăn. Tuy nhiên, nếu các tổ chức tôn giáo có thể cùng tham gia, hàng triệu người sẽ được giúp đỡ. Điều này đòi hỏi nhà nước cần ban hành chính sách cởi mở trong hoạt động phúc lợi xã hội.
TP. Hồ Chí Minh từ lâu đã phải tìm lời giải cho bài toán về đáp ứng an sinh xã hội. Giờ đây, bài toán đó đã trở thành một cuộc khủng hoảng.
Theo các con số của Tổng cục Thống kê, có gần 9 triệu cư dân (số liệu năm 2019), [2] và 22,6% dân số, khoảng 2 triệu người, là lao động di cư (số liệu năm 2020) [3].
Trong khi đó, theo một nghiên cứu được Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc và Viện ASH thực hiện cách đó hơn 10 năm, vào năm 2007, TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 2 triệu người di cư đến thành phố nhưng chưa đăng ký tạm trú. [4]
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, chỉ có 40% trong số 1.002 người nhập cư được khảo sát sở hữu nhà tại thành phố. [5]
Năm 2006, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập thừa nhận hạ tầng thành phố không đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, thiếu trường học, bệnh viện, tình trạng khám chữa bệnh ở mức quá tải, v.v. [6]
Dịch vụ an sinh xã hội dành cho người nhập cư luôn kém hơn những cư dân chính thức do các chính sách có khuynh hướng hạn chế di cư (như hộ khẩu). Vào những lúc khủng hoảng, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng ưu tiên hơn cho những người có đăng ký thường trú, hoặc ít nhất là đăng ký tạm trú.
Khi gặp khủng hoảng, các tổ chức từ thiện là nơi người nghèo, người có thu nhập thấp tìm đến vì dễ tiếp cận và linh hoạt trong việc đáp ứng các nhu cầu cấp bách của người dân.
Theo báo cáo năm 2020 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, địa phương này có 38 quỹ từ thiện, xã hội hoạt động trong phạm vi toàn thành phố, 39 quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện và 296 quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã. [7]
Tuy nhiên, chênh lệch giữa năng lực của các quỹ xã hội, từ thiện này so với nhu cầu của người dân trong thực tế vẫn còn là một câu hỏi cần giải đáp một cách chi tiết.
Trong tình hình dịch bệnh hơn hai tháng qua, các phản ánh của báo chí và đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội cho thấy nhu cầu cứu trợ của người dân đang vượt quá khả năng đáp ứng của các tổ chức xã hội, từ thiện.
Từ sau năm 1975, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo bị hạn chế. Các bệnh viện, trường học có liên quan đến tôn giáo bị đặt dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của nhà nước.
Năm 2005, nhà nước thừa nhận không đủ ngân sách để chăm lo tốt hơn cho người nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn và kêu gọi xã hội hóa các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. [8]
Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo vẫn bị đặt ra ngoài chính sách xã hội hóa của nhà nước.
Trước đó, năm 2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ “giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục…”. [9]
Tuy nhiên, đến năm 2006, tổ chức tôn giáo vẫn không phải là thành phần được khuyến khích tham gia các dịch vụ ngoài công lập theo Nghị định 53/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập. [10]
Từ những năm 2000, các tổ chức tôn giáo mới được phép vận hành một số nhà trẻ. Từ năm 1975 cho đến nay, các tổ chức tôn giáo vẫn chưa được phép tham gia vào hệ thống y tế. [11]
Năm 2011, một báo cáo của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về dịch vụ xã hội cho biết khu vực phi nhà nước, phi lợi nhuận vẫn vắng bóng trong hoạt động cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục. [12]
“Việc chính phủ tỏ ra thận trọng về các động cơ và xu hướng chính trị của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện và tổ chức tôn giáo đã hạn chế phạm vi tham gia của họ. Một môi trường thuận lợi cho phép các đoàn thể phi lợi nhuận hoạt động vẫn chưa được hình thành đầy đủ: môi trường pháp lý và hành chính còn gây nhiều trở ngại”, báo cáo cho biết.
Điều 55, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 cho phép các tổ chức tôn giáo “được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. [13]
Tuy vậy, nhà nước vẫn luôn coi trọng việc kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo hơn là đảm bảo cho họ tham gia một cách có hiệu quả vào lĩnh vực này.
Điều 19, Nghị định 162/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo bắt buộc các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc mỗi lần quyên góp phải thông báo chi tiết đến chính quyền các cấp tùy theo phạm vi quyên góp. [14] Việc quyên góp trực tuyến không được nhắc đến trong nghị định này.
Ông Hồ Thế Kiện, giảng viên Khoa Luật, Học viện An Ninh Nhân dân cho rằng sự chưa rõ ràng trong việc cấp giấy phép hoạt động hoặc mở rộng địa bàn hoạt động từ thiện là khó khăn lớn nhất của các tổ chức tôn giáo. [15]
Ông Kiện cho biết các tổ chức tôn giáo hiện nay chưa được phép thành lập tổ chức riêng khi tham gia các hoạt động mang lại phúc lợi xã hội.
Đây có thể là điều đáng chú ý nhất vì các hoạt động từ thiện, nhân đạo chuyên nghiệp cần sự tham gia điều hành của những chuyên gia nằm ngoài tổ chức tôn giáo. Tại Đài Loan, tổ chức tôn giáo có thể thành lập các tổ chức phi lợi nhuận tách biệt với tổ chức tôn giáo (vẫn mang thanh thế của tôn giáo) để kêu gọi quyên góp và vận hành các bệnh viện, trường học.
Mặt khác, chính quyền Việt Nam vẫn duy trì những thủ tục phức tạp đối với các tổ chức tôn giáo trong việc nhận viện trợ nước ngoài. Những quy định này khiến các tổ chức tôn giáo nản chí khi có ý định tìm kiếm các nguồn viện trợ nước ngoài.
Điều kiện thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện còn được chính quyền nâng cấp ngày một khó khăn hơn. Năm 2007, điều kiện thành lập quỹ từ thiện không có yêu cầu về số tài sản đóng góp tối thiểu. [16] Năm 2012, quỹ phải có tổng tài sản tương đương ít nhất 5 tỷ đồng mới đủ tiêu chuẩn đăng ký hoạt động trên phạm vi cả nước, hoặc tương đương ít nhất 1 tỷ đồng để hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành. [17] Đến năm 2019, để hoạt động trên phạm vi toàn quốc, quỹ phải có tài sản tương đương 6,5 tỷ đồng; đối với phạm vi cấp tỉnh thì tối thiểu là 1,3 tỷ đồng. [18]
Nhiều năm qua, Quốc hội đã tiến rất gần đến Luật về Hội nhưng vẫn chưa thông qua được. Các hoạt động gây quỹ của các tổ chức tôn giáo không có tư cách pháp nhân rất khó phát triển và đảm bảo minh bạch về tài chính. Việc này hạn chế sự tham gia của tín đồ.
Hầu hết các nước dân chủ đều duy trì chính sách ưu tiên đối với các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn duy trì chính sách kiểm soát nghiêm ngặt, gián tiếp tước đi những phúc lợi của người dân nghèo.
Tương trợ người yếu thế, cứu tế xã hội là giá trị cốt lõi của hầu hết các tôn giáo. Việc tôn giáo tham gia vào hệ thống an sinh xã hội là chuyện phổ biến trên khắp thế giới.
Việt Nam có 16 tôn giáo được công nhận với 13,1 triệu tín đồ được thống kê chính thức. [19] Hoạt động tôn giáo trải rộng ở khắp các tỉnh, thành có thể là một lợi thế khi ứng phó với các thảm họa thiên tai, khủng hoảng vì dịch bệnh.
Nghiên cứu năm 2015 của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết niềm tin tôn giáo là một trong những động lực của người làm từ thiện tại Việt Nam, và người có đạo sẵn sàng đóng góp từ thiện với mức cao hơn người không theo đạo. [20]
Bản chất bất vụ lợi của các tổ chức tôn giáo dễ tạo được niềm tin cho công chúng khi đóng góp từ thiện. Điều quan trọng hơn cả là các tôn giáo tại Việt Nam đã có truyền thống hoạt động từ thiện, an sinh xã hội lâu đời, dễ dàng huy động được nguồn lực lớn từ công chúng.
Trường hợp của Quỹ Phật giáo Tzu Chi tại Đài Loan minh chứng cho năng lực của tôn giáo khi tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội. [21] Được thành lập từ năm 1966 với 30 thành viên, bao gồm các chức sắc và tín đồ, đến năm 2014, Tzu Chi đã trở thành một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất của Đài Loan. Không những thế, họ còn mở rộng hoạt động ra 50 quốc gia trên thế giới. Tại Đài Loan, Tzu Chi có hệ thống bệnh viện, trường học, trung tâm cứu trợ nhân đạo, cơ sở hiến tủy.
Ngoài Phật giáo, Đài Loan còn các tổ chức từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo khác. Năm 2020, chính phủ, Bộ Nội vụ nước này đã trao giải thưởng cho 169 tổ chức, hiệp hội tôn giáo tích cực hoạt động từ thiện. [22]
Trước năm 1975, các tôn giáo ở miền Nam đã rất tích cực tham gia những hoạt động phúc lợi xã hội. Trong các tôn giáo, Công giáo có vai trò đáng kể trong các hoạt động giáo dục và y tế.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, đạo Công giáo đã mở những trường học đầu tiên trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Đến năm 1942, số trường tư thục công giáo lớn nhỏ là 1.779 trường với hàng trăm nghìn học sinh, đa số là người ngoài đạo Công giáo. Về y tế, Công giáo có 58 bệnh viện, 112 phòng phát thuốc vào năm 1941-1942. Giáo hội cũng đã lập 25 nhà chăm sóc cho người già và tàn tật, 177 cô nhi viện cho 10.793 trẻ. [23]
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Caritas - mạng lưới tổ chức từ thiện Công giáo - đã chi khoảng 1,1 triệu đô-la Mỹ, 20.000 tấn lương thực cùng quần áo thuốc men, theo một thống kê vào năm 1969. Năm 1970, tổ chức này hỗ trợ 267 cô nhi viện và 69 phòng khám y tế. Số trường học Công giáo chiếm khoảng 80% tổng số trường học tư thục. [24]
Năm 1975, Phật giáo Hòa Hảo bị chế độ mới tịch thu khoảng 5.000 cơ sở thờ cúng, cơ sở xã hội như phòng khám, thư viện, trường học. Một bệnh viện và một trường đại học tại tỉnh An Giang cũng bị tịch thu. Đó là các thống kê theo báo cáo của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng năm 1998. [25]
Tại miền Nam, Phật giáo nổi bật với các hoạt động cứu trợ thiên tai. Phật giáo cũng tham gia giáo dục phục vụ, trong đó hệ thống trường Bồ Đề có 137 trường học với 58.446 học sinh Phật tử vào năm 1970. Số cơ sở bảo trợ trẻ em (cô nhi viện, ký nhi viện, v.v.) là 26 cơ sở. Về y tế, Phật giáo xây dựng 5 trạm y tế và 2 bệnh viện. [26]
Hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, đã gặp phải nhiều rào cản từ khi chế độ mới tiếp quản miền Nam vào năm 1975.
Việc các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam không được tham gia vào lĩnh vực an sinh xã hội một cách chuyên nghiệp là một bước thụt lùi dài của Việt Nam so với các nước khác.
Chú thích
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021c, July 13). Hội thảo về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ve-nguon-luc-cua-ton-giao-trong-linh-vuc-an-sinh-xa-hoi-va-tu-thien-nhan-dao-o-viet-nam-hien-nay-postQpV1M745.html
2. Trung tâm Tư liệu và Dịch vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê. (2019, October 24). TPHCM công bố kết quả sơ bộ “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.” http://tongdieutradanso.vn/tphcm-cong-bo-ket-qua-so-bo-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019.html
3. Hà Nội Mới. (2020, October 28). Chỉ 40% lao động nhập cư sở hữu nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh. http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/982068/chi-40-lao-dong-nhap-cu-so-huu-nha-o-tai-thanh-pho-ho-chi-minh
4. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. (2010, January). Thành phố Hồ Chí Minh: Những thách thức tăng trưởng. http://www.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/26503_HCM_Challenges_of_growth-VN.pdf
5. Xem [3]
6. Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (2006, June). Cơ chế ngân sách y tế cho người di cư tại thành phố Hồ Chí Minh. http://dbnd.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/73;jsessionid=54FFC3BB5F93A9D9091382EC0C4000A8?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_col_id=center-top&p_p_col_count=1&_EXT_ARTICLEVIEW_struts_action=%2Fext%2Farticleview%2Fview&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=10217&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=47413&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_i=4&_EXT_ARTICLEVIEW_curValue=1&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2F73
7. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (2020, July 4). TPHCM hiện có 373 quỹ xã hội, quỹ từ thiện đang hoạt động. https://www.thanhuytphcm.vn/tin-tuc/tphcm-hien-co-373-quy-xa-hoi-quy-tu-thien-dang-hoat-dong-1491867082
8. Chính phủ. (2005, April 18). Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/nghi-quyet-05-2005-nq-cp-day-manh-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-giao-duc-y-te-van-hoa-va-the-duc-the-thao-53043.aspx
9. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (2019, May 27). Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo. Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-cong-tac-ton-giao-3474
10. Chính phủ. (2006, May 25). Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-53-2006-ND-CP-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-co-so-cung-ung-dich-vu-ngoai-cong-lap-12126.aspx
11. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. (2020, May 29). Giáo dục đạo đức trong các trường tư thục Công giáo miền Nam. http://ubdkcgvn.org.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong/giao-duc-dao-duc-trong-cac-truong-tu-thuc-cong-giao-mien-nam-o81E013AD.html
12. Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. (2011, November). Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người, Báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011, trang 120. https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/MPP05-502-R08V-2012-10-02-09322978.pdf
13. Quốc hội. (2016, November 18). Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx
14. Chính phủ. (2017, December 30). Nghị định 162/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-162-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-tin-nguong-ton-giao-353702.aspx
15. Hồ Thế Kiện. (2021, April 5). Quy định pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Tạp Chí Công Thương. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-dinh-phap-luat-lien-quan-den-hoat-dong-tu-thien-xa-hoi-cua-cac-to-chuc-ton-giao-o-viet-nam-hien-nay-74975.htm
16. Chính phủ. (2007, September 25). Nghị định số 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ : Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-148-2007-ND-CP-to-chuc-hoat-dong-quy-xa-hoi-quy-tu-thien-56107.aspx
17. Chính phủ. (2012, April 12). Nghị định 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-30-2012-ND-CP-to-chuc-hoat-dong-quy-xa-hoi-tu-thien-137920.aspx
18. Chính phủ. (2019, November 25). Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-dinh-93-2019-ND-CP-ve-to-chuc-hoat-dong-cua-quy-xa-hoi-quy-tu-thien-398154.aspx
19. Tổng cục Thống kê. (2019). Kết quả chi tiết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. http://tongdieutradanso.vn/uploads/data/6/files/files/2_%20Bieu%20so%20lieu%20va%20phu%20luc%20(duyet%20gui%20in).pdf
20. Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường. (2015). Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện và khả năng gây quỹ của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam. http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2018/11/nhan-thuc-cua-nguoi-dan-ve-hoat-dong-tu-thien-va-kha-nang-gay-quy-cua-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-viet-nam..pdf
21. Foundation, T. C. (2021). About Tzu Chi. https://www.tzuchi.org.tw/en/index.php?option=com_content&view=article&id=96%3Aabout&catid=58%3Atzuchi&Itemid=182&lang=en
22. Ministry of the Interior, Republic of China (Taiwan). (2020, September 16). 169 Religious Groups Awarded Commendation for Charity at 2020 Religion Group Commendation Ceremony. https://www.moi.gov.tw/english/News_Content.aspx?n=7629&s=199145
23. Phạm Đình Khiêm. (1950). Hành động xã hội. An Phong.
24. Luật Khoa Tạp chí. (2020, October 5). Đóng góp của Công giáo miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. https://www.luatkhoa.org/2020/10/dong-gop-cua-cong-giao-mien-nam-duoi-che-do-viet-nam-cong-hoa/
25. Commission on Human Rights. (1998b). Report submitted by Mr. Abdelfattah Amor, Special Rapporteur, in accordance with Commission on Human Rights resolution 1998/18, Addendum Visit to Viet Nam. Vietnam Human Rights. http://vietnamhumanrights.net/english/documents/amoren.htm
26. Thích Thiện Hoa. (1971). Hình ảnh về văn hóa giáo dục, 50 năm chấn hưng Phật giáo. Quảng Đức. https://web.archive.org/web/20121116072825/http://quangduc.com/vietnam/50namchanhungpg2-02.html#_ftn2