Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Chuyện về một tôn giáo mới bị chính quyền tấn công suốt hơn 30 năm qua.
Ở miền núi phía Bắc Việt Nam, hàng nghìn người H’mong theo đạo Dương Văn Mình đã bỏ phong tục làm lễ tang dài bảy ngày vô cùng tốn kém, chuyển sang chôn cất người chết trong một ngày đêm.
Nếu bạn nghĩ sự thay đổi này sẽ giúp họ tiết kiệm rất nhiều thì bạn đã lầm. Chính quyền đã khiến nghi thức mới này tốn kém nhiều hơn với những án tù, các cuộc bố ráp, giam giữ tùy tiện, và hành động phá hủy các nhà tang lễ. Người khởi xướng nghi thức này - Dương Văn Mình - trở thành nhân vật bị chính quyền các tỉnh Đông Bắc căm ghét.
Tháng 6/2013, Ban Tôn giáo Chính phủ gửi văn bản đến các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, và Thái Nguyên, đề nghị xử lý các hoạt động của “tổ chức Dương Văn Mình”. [1] Năm tháng sau, nhiều tín đồ theo đạo này đã bị bắt giữ.
Năm 2014, ít nhất sáu tín đồ theo đạo Dương Văn Mình ở hai tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang đã bị tuyên hàng chục tháng tù giam theo Điều 258, Bộ Luật Hình sự 2013 (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). [2] [3]
Theo các báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế của chính phủ Mỹ, ít nhất 60 nhà tang lễ của người H’mong theo đạo Dương Văn Mình từ năm 2013 đến năm 2020 đã bị công an phá hủy. [4]
Hơn 30 năm qua, công an từ cấp tỉnh đến cấp bộ tuyên bố đạo Dương Văn Mình làm người dân chống đối chính sách nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa gạt người dân. [5] [6] Đến tháng 3/2021, một thiếu tướng quân đội người H'mong đã lật ngược cáo buộc này trước Quốc hội.
Ngày 26/3/2021, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phát biểu trước Quốc hội rằng lực lượng công an, chính quyền địa phương đã kết luận vội vàng về đạo Dương Văn Mình. [7] Ông Cò là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.
“Xin nói thật với các đồng chí là cái tổ chức Dương văn Mình là do sức ép của cái phong tục lạc hậu nên ông ấy đã bỏ phong tục tập quán cũ, ông ấy làm tập quán mới, vẫn là phong tục của người H’mong thôi... Người chết không quá 24 tiếng đồng hồ, không uống rượu chè, không mổ trâu, mổ bò, và người ta chỉ làm ma có một lần thôi, sau đó là mang đi chôn, chôn chặt, không thờ cúng sau này nữa”, ông Cò phát biểu.
Thiếu tướng Cò cho rằng chỉ vì lễ tang kiểu mới không có khèn, không có trống mà chính quyền địa phương cho Dương Văn Mình là tổ chức bất hợp pháp, mê tín dị đoan, rồi gây ra những xô xát với người H’mong.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cường, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định nghi thức thờ cúng của đạo Dương Văn Mình giúp người H'mong đỡ tốn kém, tiết kiệm thời gian cho những sự kiện quan trọng. [8]
Những lời giải thích và phân tích như trên về đạo Dương Văn Mình chưa bao giờ được báo chí, chính quyền địa phương nhắc đến. Thay vào đó, các khẳng định như đinh đóng cột về sự xấu xa của đạo này lại được tuyên truyền rộng rãi.
Năm 1989, Dương Văn Mình, một người H'mong 28 tuổi nói với vợ rằng ông được Chúa Trời linh kiến cho biết ông là con trai út của người. [9] Sau đó, ông nói với những người H'mong khác rằng Chúa Trời nói rằng tục cúng ma tốn kém của người H'mong phải kết thúc. Ông chính là người được Chúa cử để hướng dẫn người dân bỏ tục cúng ma; nhưng nhiệm vụ chỉ kéo dài trong ba tháng, sau thời gian đó ông lại trở thành người bình thường.
Ông Dương Văn Mình dựng lên một nhà tang lễ vào những năm 1990 để mọi người đến cầu nguyện Chúa và cử hành lễ tang theo nghi thức mới. Cùng năm 1990, ông bị bắt và tuyên án tù 5 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân và tuyên truyền mê tín dị đoan.
Bản án ấy đã đeo bám suốt cuộc đời của Dương Văn Mình và những ai nghe theo lời hướng dẫn của ông về cải cách phong tục truyền thống.
Ở miền núi, người H’mong theo đạo này bị đánh đập, đe dọa, giam giữ tùy tiện. Ở miền xuôi, người dân tin theo những lời tuyên truyền thiếu chính xác của báo chí, chính quyền. Tuyên truyền khác với thực tế và lời của những người trong cuộc như thế nào?
Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc năm 2012 cho rằng đạo Dương Văn Mình làm “bản sắc văn hóa bị mai một, nếp sống, phong tục tập quán truyền thống của dòng họ, cộng đồng bị xáo trộn”. [10] Thực tế, việc bỏ lễ ma chay truyền thống đã diễn ra từ những năm 1980 khi nhiều người H'mong chuyển sang đạo Tin Lành.
Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, [11] người H'mong theo đạo Tin Lành chỉ tin vào Chúa Trời, không tham gia các lễ hội truyền thống. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn phổ biến giữa người theo và không theo đạo Tin Lành. Theo ước tính của nhà nước, số người H'mong theo đạo Tin Lành vào năm 2004 là 105.000 người. [12]
Báo chí cho rằng đạo Dương Văn Mình tuyên truyền về tận thế vào năm 2000, [13] thu tiền của các tín đồ, dùng sức mạnh siêu nhiên để chữa bệnh cho các tín đồ. [14] Các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình đã phủ nhận các cáo buộc này.
Theo phỏng vấn của tổ chức nhân quyền VETO vào năm 2014, các tín đồ đạo Dương Văn Mình chưa bao giờ nghe về lời tuyên truyền ngày tận thế mà báo chí gán cho ông Mình. [15] Họ cho rằng ông Mình chỉ nói về việc bỏ cúng ma, bỏ lễ ma chay truyền thống, cũng không có việc ông Mình ép buộc họ cung cấp tiền bạc. Ông Mình cũng không chữa bệnh cho họ mà khuyến khích tín đồ nên đến bệnh viện để chữa bệnh.
Trong một bài phát thanh vào năm 2020 của Cục Phát thanh Công an Nhân dân, phóng viên và một trung tá công an huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho rằng việc đạo Dương Văn Mình cầu nguyện với con ve, con cóc, con chim én bằng gỗ là mê tín dị đoan. [16] Thực tế, cúng bái linh vật là phong tục, tín ngưỡng phổ biến trong xã hội Việt Nam, ví dụ như cúng bái các con vật như hổ hay cá voi là tín ngưỡng phổ biến của người Kinh.
“Dùng tôn giáo để hoạt động chính trị” là cáo buộc nặng nề nhất đối với các sắc tộc, không chỉ với người H'mong mà còn đối với người Thượng ở Tây Nguyên. Cáo buộc này đã trở nên phổ biến đến mức bạn có thể thấy nó được ghép với bất kỳ nhóm tôn giáo mới nào tại Việt Nam.
Chính quyền thường áp đặt cáo buộc trên theo kiểu “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, bỏ qua thực tế là bức tranh tôn giáo của một cộng đồng sắc tộc rất đa dạng.
Đối với người H'mong, một số nhà nghiên cứu cho rằng chính quyền nhầm lẫn hay đánh đồng giữa hoạt động tôn giáo tự phát với hoạt động chính trị.
Một bài báo của An ninh Thủ đô cho rằng đạo Dương Văn Mình là “cái rơi rớt” của Vàng Chứ - một phong trào theo Thiên Chúa mà hệ thống tuyên truyền của chính quyền cho là lợi dụng để thành lập “Vương quốc Mông". [17] [18]
Giáo sư James Lewis, thuộc Đại học Bethel, bang Minnesota, Hoa Kỳ nói với RFA rằng các văn bản mà ông đọc được từ chính quyền trung ương cho thấy các cán bộ Việt Nam đã nhầm lẫn từ “Vàng Chứ" (trong tiếng H'mong có nghĩa là vua, ông Trời, chúa Trời) với nghĩa chính trị là thành lập “Vương quốc Mông”. [19] Thực tế, ông cho biết phong trào theo Thiên Chúa của người H'mong không có nghĩa chính trị, ly khai hay thành lập khu tự trị.
Tiến sĩ Seb Rumsby, thuộc Đại học Warwick, Vương quốc Anh cũng đặt nghi vấn về việc nhà nước Việt Nam tuyên truyền một cách nhầm lẫn giữa đạo Dương Văn Mình và Vàng Chứ. [20]
Hơn 30 năm qua, chính quyền, báo chí thường xuyên cáo buộc mà không đưa ra bằng chứng xác đáng về việc đạo Dương Văn Mình kích động quần chúng chống phá nhà nước.
Từ một cuộc khiếu nại tập thể của gần 100 người H'mong tại Hà Nội vào năm 2013 vì quá sợ bị công an đàn áp, [21] báo An ninh Thủ đô cho rằng đạo Dương Văn Mình đã kích động tín đồ chống chính sách nhà nước. [22]
Vào năm 2014, tín đồ Hoàng Văn Sang bị tuyên án 18 tháng tù giam theo Điều 258, Bộ luật Hình sự, chỉ vì nhận tiền quyên góp của người dân để xây dựng một nhà tang lễ. [23] Ông bị cho là làm ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước vì có những tín đồ đã không nhận lúa giống, không cho trẻ em đi học cũng như không nhận tiền hỗ trợ học phí và tiền ăn trưa. Theo luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa cho ông Sang, bà con cho rằng họ hành động như vậy không phải do ông Sang mà để phản kháng lại việc chính quyền liên tiếp tuyên truyền trên loa nói xấu người H'mong theo đạo Dương Văn Mình.
Báo cáo vào năm 2012 của Ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng tín đồ đạo Dương Văn Mình có kết nối với các phần tử xấu để thành lập “Vương quốc Mông”. [24] Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về sự kết nối này hay các kế hoạch chống phá cụ thể.
Theo bản phát thanh của Cục Phát thanh Công an Nhân dân, có khoảng 8.000 người theo đạo Dương Văn Mình vào năm 2020, [25] nằm rải rác ở các tỉnh và chiếm chưa đến 1% tổng số người H'mong và nằm rải rác ở các tỉnh. [26] Với số lượng tín đồ rất ít và phân tán như vậy, khó có thể nói họ tập hợp lực lượng để chống phá nhà nước.
Một nghiên cứu được dịch sang tiếng Việt của giáo sư nhân học xã hội Jean Michaud, thuộc Đại học Laval, Canada cho rằng người H'mong ở vùng cao Việt Nam không gắn bản sắc của họ với một lãnh thổ hay một nhà nước nhất định, họ cũng không nuôi dưỡng truyền thuyết về việc sẽ trở lại vùng đất cội nguồn của mình. [27]
Cán bộ “dỏm” là nguyên nhân chính cho các thất bại về quản lý nhà nước đối với khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua.
Các cuộc nổi dậy của người dân bị chính quyền địa phương cáo buộc là do nước ngoài kích động. Thực tế, một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính của các rắc rối ở vùng cao xuất phát từ cán bộ chính quyền.
Nghiên cứu năm 1998 của Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo chỉ ra rằng các quan niệm sai lệch và việc cán bộ tiếp nhận các thông tin không đúng là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng ở vùng cao. [28]
Nhiều thập niên qua, khả năng nhận thức, năng lực quản lý của cán bộ ở khu vực miền núi vẫn còn là vấn đề thường xuyên bị chỉ trích.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Đức, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, cho rằng các rắc rối ở miền núi phía Bắc về đạo Tin Lành và các tôn giáo mới một phần là do tốc độ cán bộ thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng - quy định về cấp phép sinh hoạt đạo Tin Lành - chậm nhất cả nước. [29]
Giáo sư James Lewis cho rằng vụ việc tụ tập của người H'mong vì tin đồn Chúa Trời (Vàng Chứ) xuất hiện vào năm 2011 có một phần trách nhiệm của chính quyền.
“Chính phủ chặn mọi ngả đường khiến người Hmong không thể tiếp cận được với việc giảng dạy thần học”, giáo sư James Lewis nói với đài RFA vào năm 2014. [30]
Trung tá công an Ma Quốc Huy, Đội trưởng đội An ninh thuộc Công an huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thừa nhận trên báo Dân tộc vào năm 2019 rằng một số cán bộ “đấu tranh” với đạo Dương Văn Mình không nói được tiếng Mông và không hiểu sâu về phong tục của dân tộc này. [31]
Các cáo buộc của chính quyền đối với các sắc tộc vùng cao thường không được xác minh kịp thời. Nguyên nhân là chính quyền không cho phép các nhà báo, nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ được tiếp cận khu vực này một cách tự do. Việc này đặt ra nghi ngờ rằng chính quyền đang cố gắng che đậy cho những cáo buộc thiếu chính xác của họ đối với các vấn đề tôn giáo và sắc tộc.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói trước Quốc hội riêng về đạo Dương Văn Mình nhưng đồng thời cũng khắc họa chân dung của những cán bộ dỏm: “Báo cáo các đồng chí, cũng chỉ vì phong tục này [cúng ma] quá lạc hậu mà đồng bào không thể chịu nổi cho nên mới đi theo đạo Tin Lành, rồi theo các đạo phái khác cũng chỉ vì cái đấy, trách nhiệm là đảng, nhà nước thì rất lo lắng mà cấp dưới thì rất bình thản, chỉ thích thành tích thôi, có khi không có cũng vẽ ra”. [32]
Chú thích
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2013, June 7). V/v Tổ chức Dương Văn Mình. https://backan.gov.vn/VanBanMoi/f438c9e19469cfd9/Van%20ban%20sao%20luc%20223%20(CV%20518).pdf
2. RFA. (2014, July 30). Thêm 3 người H’mong bị kết án tù vì Điều 258. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/3-hmong-put-on-trial-07302014051554.html
3. RFA. (2014, March 20). Hai người H’mong bị kết án 36 tháng tù giam. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hmong-sentan-ttl-36mon-03202014080257.html.
RFA. (2014, March 14). Phiên tòa xử ông Hoàng Văn Sang, dân tộc H’Mông theo đạo Dương Văn Mình. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tria-hmong-nw-fune-ri-03142014083229.html
4. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. (n.d.). Các báo cáo chính thức. https://vn.usembassy.gov/vi/our-relationship-vi/official-reports-vi/
5. Công an tỉnh Tuyên Quang. (2019, October 31). Công an Tuyên Quang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. http://congantuyenquang.vn/tintuc/hoat_dong_cong_an_tinh/4734-cong_an_tuyen_quang_day_manh_tuyen_truyen_pho_bien_giao_duc_phap_luat_trong_vung_dong_bao_dan_toc_th
6. Báo Thái Nguyên. (2018, May 9). Đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng: Chỉ rõ bản chất để hành động (Kỳ 3). https://baothainguyen.vn/tin-tuc/an-ninh-trat-tu/chi-ro-ban-chat-de-hanh-dong-ky-3-254323-46246.html
7. VTV4. (2021, March 27). Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò ý kiến về cán bộ thiếu trách nhiệm, không sâu sát tình hình người dân. Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=J6oBDCEsqBI
8. Lý Luận Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (2020, November 23). Về các hiện tượng tôn giáo mới ở vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3310-ve-cac-hien-tuong-ton-giao-moi-o-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-phia-bac-nuoc-ta-hien-nay.html
9. VETO! (2014, August). The 25-year persecution of the Hmong’s Duong Van Minh Religion. http://veto-network.org/veto-content/uploads/2014/12/VN_PersecutionDuongVanMinhReligion-VETO_ReportEN-1.pdf
10. Ban chỉ đạo Tây Bắc. (2012, April 25). Thông báo kết luận, Hội nghị triển khai các giải pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ đối với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn một số tỉnh Tây Bắc. VETO! https://veto-network.org/veto-content/uploads/2014/12/Document-1-120425-Communiqu%C3%A9-of-SteeringCommittee-NorthWestRegion.pdf
11. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. (2019). Tín ngưỡng của người H’mông. https://www.vass.gov.vn/tap-chi-vien-han-lam/tin-nguong-cua-nguoi-hmong-o-viet-nam-13
12. Lý Luận Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (2015, December 21). Đạo tin lành ở người H’Mông Tây Bắc nước ta. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/1231-dao-tin-lanh-o-nguoi-h%E2%80%99mong-tay-bac-nuoc-ta.html
13. Tiền Phong. (2014, July 11). Lật tẩy kẻ dùng tà đạo mê hoặc người dân chống phá Nhà nước. https://tienphong.vn/lat-tay-ke-dung-ta-dao-me-hoac-nguoi-dan-chong-pha-nha-nuoc-post704648.tpo
14. Phát thanh CAND, Cục truyền thông CAND. (2020). Hồ sơ tác phẩm dự thi Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XIV – 2020, Sự thật đằng sau tín ngưỡng bất hợp pháp Dương Văn Mình. https://lhpt.vov.vn/lib/ftp/antq/2127_Su%20that%20dang%20sau%20tin%20nguong%20bat%20hop%20phap%20Duong%20Van%20Minh.pdf
15. VETO! (2014, August). The 25-year persecution of the Hmong’s Duong Van Minh Religion. http://veto-network.org/veto-content/uploads/2014/12/VN_PersecutionDuongVanMinhReligion-VETO_ReportEN-1.pdf
16. Phát thanh CAND, Cục truyền thông CAND. (2020). Hồ sơ tác phẩm dự thi Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XIV – 2020, Sự thật đằng sau tín ngưỡng bất hợp pháp Dương Văn Mình. https://lhpt.vov.vn/lib/ftp/antq/2127_Su%20that%20dang%20sau%20tin%20nguong%20bat%20hop%20phap%20Duong%20Van%20Minh.pdf
17. An ninh Thủ đô. (2021, November 3). Đừng để thù nghịch lấp đầy lý trí. https://anninhthudo.vn/dung-de-thu-nghich-lap-day-ly-tri-post184585.antd
18. Tạp chí Tuyên Giáo. (2011, May 9). Sự thật về cái gọi “Đạo Vàng Chứ” ở Điện Biên. https://tuyengiao.vn/dien-dan/su-that-ve-cai-goi-dao-vang-chu-o-dien-bien-31579
19. RFA. (2011, May 13). Cuộc biểu tình của người H’mong: Vàng Chứ là gì? https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-is-vang-chu-vh-05132011171704.html
20. Seb Rumsby. (2018, November 16). Rumours, sects and rallies: the ethnic politics of recent Hmong Millenarian movements in Vietnam’s highlands. Taylor and Francis Online. https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/03066150.2018.1525362
21. VietInfo. (2013, October 26). Người dân tộc H’Mông phản đối chính quyền đàn áp. http://vietinfo.eu/tin-viet-nam/nguoi-dan-toc-h%E2%80%99mong-phan-doi-chinh-quyen-dan-ap.html
22. Xem [17]
23. RFA. (2014, March 14). Phiên tòa xử ông Hoàng Văn Sang, dân tộc H’Mông theo đạo Dương Văn Mình. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tria-hmong-nw-fune-ri-03142014083229.html
24. Xem [10]
25. Xem [16]
26. Tổng cục Thống kê. (2020, October 17). Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/11/ket-qua-toan-bo-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/
27. Jean Michaud. (2020). Nghiên cứu về kinh tế và bản sắc của người H’mông ở Việt Nam. Trang 103. Faculté Des Sciences Sociales, Université Laval. https://www.fss.ulaval.ca/sites/fss.ulaval.ca/files/fss/anthropologie/professeurs/Michaud-Hanoi-2020%20Hmong%20in%20VN.pdf
28. Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo. (1998, November). The Development Crisis in Vietnam’s Mountains. Trang 5. University of Hawai’i at Manoa. https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/bitstream/10125/19958/1/SR006.pdf
29. Xem 8.
30. RFA. (2011, May 13). Cuộc biểu tình của người H’mong: Vàng Chứ là gì? https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-is-vang-chu-vh-05132011171704.html
31. Dân tộc và Phát triển. (2019, September 10). Yên Sơn (Tuyên Quang): Ngăn chặn tà đạo xâm nhập vùng DTTS. https://baodantoc.vn/yen-son-tuyen-quang-ngan-chan-ta-dao-xam-nhap-vung-dtts-44723.htm
32. VTV4. (2021, March 27). Đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò ý kiến về cán bộ thiếu trách nhiệm, không sâu sát tình hình người dân. Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=J6oBDCEsqBI