Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nghiệp vụ điều tra cho phép đánh vào tâm lý nghi phạm, chứ không cho phép đánh vào mặt họ.
“Do thời điểm đó dịch bệnh phức tạp, lực lượng công an phải xử lý tố giác tội phạm nên không thể chờ. Còn việc nắm tóc giật là quá trình sử dụng ‘nghiệp vụ điều tra’, đâu phải lúc nào người phạm tội cũng nhận tội.”
(Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Tân, Vĩnh Long, ngày 26/11/2021)
***
Lời của vị đại diện viện kiểm sát có thể được bình chọn là câu nói ấn tượng nhất, và cũng có tính đại diện nhất cho tình trạng tư pháp Việt Nam hiện tại. Một vụ án cướp tài sản tưởng chừng đơn giản tại Vĩnh Long hé mở cánh cửa để chúng ta nhìn vào lối tư duy của các cơ quan tư pháp Việt Nam, vốn đang mặc định rằng: cơ quan tư pháp “làm càn” trong quá trình điều tra thì cũng không sao cả. [1]
Từ việc đánh, tát bị can nhằm ép khai đúng ý cơ quan điều tra đến hỏi cung sai khung giờ và không có người giám hộ đối với trẻ vị thành niên, các sai phạm này đều là chấp nhận được - theo lời của cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong việc giám sát hoạt động tư pháp.
Tư duy nói trên có lẽ là một phiên bản cấp thấp của “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, một câu kết luận khét tiếng từ Tòa án Nhân dân Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải mà Luật Khoa đã có dịp phân tích nhiều lần. [2] [3]
Nghiệp vụ điều tra (hay đúng hơn trong trường hợp này là nghiệp vụ hỏi cung) tương đương với thuật ngữ “interrogation techniques” trong tiếng Anh. Hiểu một cách đơn giản, cơ quan điều tra ở nước nào thì cũng cần lời khai của bị can - bị cáo, và để ra được lời khai thì ai cũng phải dùng đến nhiều biện pháp khác nhau.
Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra hay các cơ quan tư pháp khác nói về “nghiệp vụ điều tra” được cho phép, họ thường nói về các kỹ thuật/ nghệ thuật đánh vào tâm lý của nghi phạm, bị can, bị cáo - chứ không phải những cách đánh vào mặt của họ.
Trong quyển sách “The psychology of interrogations and confessions: a handbook” xuất bản năm 2003, tác giả Gisli H. Gudjonsson tìm và ghi nhận lại hàng loạt hướng dẫn nghiệp vụ hỏi cung được cảnh sát trên thế giới sử dụng. [4] Dù có hơi hướng thao túng (manipulative) và lừa dối (deceptive), chúng vẫn nằm trong phạm vi phi bạo lực mà pháp luật các quốc gia cho phép. Một số nghiệp vụ có thể kể đến:
Mặt dù đều là các biện pháp hoàn toàn không đi ngược lại giá trị đạo đức lẫn nguyên tắc pháp luật phổ quát, những nghiệp vụ điều tra nói trên không phải là không gây ra tranh cãi.
Năm 1992, lực lượng chấp pháp Vương quốc Anh dùng cảnh sát chìm dẫn dụ và từ đó bắt sai người giết hại Rachel Nickell (chiến dịch thường được biết đến với tên gọi Operation Edzell). Từ vụ việc này, cảnh sát Anh buộc phải đánh giá lại cái gọi là nghiệp vụ của mình. [5] Kể từ đó, các kỹ thuật với mục tiêu trích xuất lời nhận tội từ nghi phạm như dẫn dụ và sử dụng “mồi” để nghi phạm thừa nhận hay thực hiện hành vi tội phạm (thường gọi là “honey trapping” - bẫy mật ong) hoặc dùng vũ lực ép buộc, dù trong lúc các cảnh sát đang hoạt động chìm, đều bị xem là bất hợp pháp.
Rất nhiều tác giả khác chỉ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng của các nghiệp vụ hỏi cung, dù chúng không hề sử dụng đến bạo lực, đòn roi.
Ví dụ, tác giả Patrick McDonald trong quyển “Make 'Em Talk!: Principles of Military Interrogation” (1993) chỉ ra một vấn đề chung của việc tước đoạt hoàn toàn tự do của nghi phạm:
“Nếu đối tượng bị đặt hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của bạn, bạn có thể dễ dàng làm hao mòn tinh thần và thể chất của họ, từ đó khiến họ dễ bị thao túng và vâng lời hơn. Cách đơn giản nhất để làm suy nhược một người là hạn chế lượng dinh dưỡng họ được phép nạp vào cơ thể [...]” [6]
Trong một quyển hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, hỏi cung lừng danh được biết đến với tên gọi “Reid Technique” (đã được Luật Khoa giới thiệu sơ lược), [7] bản thân nhóm tác giả gồm Inbau, Reid and Buckley (phiên bản xuất bản năm 2001) cũng phải đưa ra tuyên bố đạo đức rằng:
“Để tránh mọi hiểu lầm, chúng tôi muốn làm rõ rằng chúng tôi phản đối việc áp dụng tất cả các phương pháp ‘thẩm vấn cấp độ ba’ (third-degree interrogation - ND). [8] Chúng tôi phản đối mọi kỹ thuật thẩm vấn có thể làm người vô tội buộc phải nhận là mình thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, chúng tôi chống lại mọi biện pháp thẩm vấn sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay viện dẫn đến những lời hứa khoan hồng [...]” [9]
Như vậy, có thể khẳng định, cái gọi là “nghiệp vụ điều tra” hay “kỹ thuật thẩm vấn” đúng nghĩa thường được xem là một nghệ thuật thao túng thông tin và cảm xúc nhằm trích xuất được điều mà các điều tra viên và cảnh sát không thể tìm thấy thông qua hiện trường vụ án hay kết luận từ các bằng chứng mà họ có. Và ngay cả trong những trường hợp này, thách thức về mặt đạo đức đối với các biện pháp nói trên vẫn bị đặt ra.
Tóm lại, không có loại nghiệp vụ hay kỹ thuật nào bao gồm việc đánh hay tát nghi phạm cho đến khi họ khai đúng ý mình - đó là những hành vi tra tấn. Việc đại diện viện kiểm sát tại Vĩnh Long xem đánh người là một “nghiệp vụ điều tra” đang bình thường hóa những sai phạm tố tụng nghiêm trọng - điều có lẽ đang trở thành bình thường thật sự trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
Chú thích
1. Tuổi Trẻ Online. (2021, November 26). Vụ án ở Vĩnh Long: Nắm tóc giật lúc lấy cung là sử dụng 'nghiệp vụ điều tra'. TUOI TRE ONLINE. https://web.archive.org/web/20211126152407/https://tuoitre.vn/vu-an-o-vinh-long-nam-toc-giat-luc-lay-cung-la-su-dung-nghiep-vu-dieu-tra-20211126183940259.htm
2. Đức Minh. (2020, May 7). Vụ Hồ Duy Hải: Làm rõ những sai sót tố tụng. PLO. https://web.archive.org/web/20210509180923/https://plo.vn/phap-luat/vu-ho-duy-hai-lam-ro-nhung-sai-sot-to-tung-911030.html
3. Tổng hợp các bài viết về vụ Hồ Duy Hải trên Luật Khoa: https://www.luatkhoa.org/tag/ho-duy-hai/
4. Gudjonsson, G. H. (2003). The psychology of interrogations and confessions: A handbook. Wiley.
5. Craven, N. (2021, August 6). Police officer who tried to seduce Rachel Nickell murder suspect into confession has new life. Mail Online. Retrieved 2021, from https://www.dailymail.co.uk/news/article-9869269/Police-officer-tried-seduce-Rachel-Nickell-murder-suspect-confession-new-life.html
6. McDonald, P. (1993) Make 'em talk! : principles of military interrogation. Boulder, Colo.: Paladin Press.
7. Võ Văn Quản. (2020, November 27). Lời nhận tội và tư pháp hình sự. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/05/loi-nhan-toi-va-tu-phap-hinh-su/
8. Chúng ta sẽ có dịp bàn đến khái niệm này trong một bài viết khác.
9. Inbau, F. E., 1909-1998, & Reid, J. E. (2001). Criminal interrogation and confessions. Williams and Wilkins Co.