Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Các tôn giáo mới đối mặt với sự kiểm soát ngày càng hà khắc.
Những tin chính:
Theo báo Công an Nhân dân, Công an huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định xử phạt hành chính một phụ nữ 63 tuổi số tiền 12,5 triệu đồng vì đã phổ biến Pháp Luân Công tại một khu chợ. [1]
Cụ thể, người phụ nữ này bị buộc tội tàng trữ, phát tài liệu không có nguồn gốc hợp pháp.
Căn cứ cho việc xử phạt này là Điểm a, Khoản 3, Điều 29 của Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản: “a) Phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp hoặc phát hành trái phép xuất bản phẩm được in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam có số lượng từ 100 bản đến dưới 300 bản đối với từng tên xuất bản phẩm”. [2]
Pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào cấm người dân phổ biến các tôn giáo, tín ngưỡng mới. Tuy nhiên, nghị định trên được sử dụng rất thường xuyên để xử phạt hành chính và tịch thu tài liệu của những người tham gia, đặc biệt là các học viên của bộ môn Pháp Luân Công.
Trong một phóng sự của Truyền hình Thanh tra (cơ quan của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra), Thiếu tá Vũ Văn Hưng, trưởng công an huyện Mường Nhé đã tạo ra một định nghĩa mới về tà đạo. [3]
Thiếu tá Hưng cho rằng tà đạo là các tôn giáo “lợi dụng giáo lý, giáo luật của tôn giáo chính thống để sáng tạo ra một nhân vật mới để mục đích cuối cùng là tập hợp lực lượng, âm mưu hoạt động để thành lập ly khai, tự trị sau này”.
Cũng trong phóng sự này, Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng “tà đạo” Giê Sùa và Bà Cô Dợ làm người dân mất niềm tin vào nhà nước dẫn đến việc không nhận các hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội.
Chính quyền thường xuyên cáo buộc các tôn giáo mới lôi kéo người dân chống đối nhà nước. Đây là cáo buộc phổ biến nhắm đến các tôn giáo mới ở khu vực đồi núi miền Bắc và khu vực Tây Nguyên, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.
Đạo Dương Văn Mình là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên, một số tín đồ Dương Văn Mình cho rằng họ không chấp nhận chính sách của nhà nước là do hoạt động đàn áp quá đáng của chính quyền địa phương đối với việc sinh hoạt tôn giáo của họ. [4]
Chính quyền các tỉnh miền núi thường ép người dân từ bỏ các tôn giáo mới, buộc họ sinh hoạt trong các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã được chính quyền cấp phép.
Theo phóng sự của Truyền hình Thanh tra, tỉnh Điện Biên đang có nhiều người theo các tôn giáo mới. Trong đó, có 152 người theo Tín ngưỡng Tâm linh Hồ Chí Minh, 1 người theo Pháp môn, 64 người tập luyện Pháp Luân Công, 17 hộ dân (109 người) theo đạo Bà Cô Dợ, 17 người theo Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.
Vào giữa tháng 10/2021, các thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đã bị Công an quận Gò Vấp triệu tập để điều tra vụ án làm lây lan dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Thông tin này do Mục sư Võ Xuân Loan, đồng quản nhiệm hội thánh cung cấp cho VOA. [5]
Theo đó, tính đến ngày 13/10/2021, có 11 thành viên của hội thánh đã bị triệu tập, trong đó có hai trẻ em, một em 11 tuổi và em còn lại 13 tuổi. Hội thánh có khoảng 60 thành viên.
Vào ngày 17/10/2021, theo luật sư Đặng Đình Mạnh, Công an quận Gò Vấp đã khảo sát khu vực sinh hoạt tôn giáo tập trung của hội thánh. [6]
Hiện nay, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra. Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, sau quá trình điều tra, khả năng xấu nhất là cơ quan tố tụng có thể khởi tố bị can theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) - tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị khép vào tội này, các thành viên của hội thánh có thể bị phạt tiền 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù tối đa lên đến 12 năm. Các khả năng khác là đình chỉ vụ án hình sự, chuyển sang phạt hành chính; hoặc đình chỉ hoàn toàn vụ án.
Vào cuối tháng 5/2021, TP. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng được công bố là chuỗi lây nhiễm chính của thành phố, nhưng cơ quan chức năng không phát hiện nguồn lây nhiễm cho các thành viên của hội thánh là từ đâu.
Ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. HCM vào ngày 27/5/2021 cho biết hội thánh hoạt động hợp pháp và tuân thủ quy định giãn cách trong sinh hoạt tôn giáo của thành phố, nhưng sinh hoạt trong không gian nhỏ hẹp. [7]
Từ cuối tháng 5/2021, các thành viên hội thánh đã phải chịu áp lực khi báo chí nhà nước cáo buộc họ làm lây nhiễm dịch bệnh cho toàn thành phố.
Vào đầu tháng 6/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh đình chỉ hoạt động của hội thánh và có thể rút giấy phép hoạt động tùy theo kết quả điều tra. [8]
Vào tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch thực hiện 10 phóng sự tuyên truyền về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó tập trung vào việc chống hoạt động tà đạo tại Việt Nam. [9]
Các phóng sự này sẽ được thực hiện bằng ngân sách nhà nước và phát trên nhiều nền tảng tuyên truyền của Truyền hình Thông Tấn trong ba tháng cuối năm 2021.
Nội dung bản kế hoạch cho thấy chính quyền nhận định các hoạt động tôn giáo mới làm ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc, đời sống nhân dân, hoạt động của các tôn giáo chính thống.
Theo kế hoạch, nội dung tuyên truyền chính của các phóng sự là “đấu tranh với các hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín, trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa dân tộc, tôn giáo, đời sống nhân dân”.
Việc chính quyền tuyên truyền chống lại các tôn giáo mới là một hình thức đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hoạt động tuyên truyền về “tà đạo” nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến quan điểm của người dân về các tôn giáo mới. Trên thực tế, các tôn giáo mới đang rất khó để hoạt động công khai vì họ bị một bộ phận công chúng kỳ thị.
Kế hoạch tuyên truyền này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một lần nữa khẳng định sự can thiệp của chính quyền vào các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.
Vào ngày 15/10/2021, Bộ Nội vụ đã đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ khi sinh hoạt tôn giáo. [10]
Đề nghị này được đưa ra nhằm thực hiện nghị quyết của chính phủ về việc thích ứng với đại dịch COVID-19. Các sinh hoạt của người dân sẽ phải tuân thủ theo bốn cấp độ lây lan của dịch COVID-19. [11]
Đối với các hoạt động tôn giáo, tỉnh, thành nào có dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) sẽ được sinh hoạt tôn giáo nhưng phải tiến hành khai báo y tế qua các ứng dụng công nghệ; cấp 2 (nguy cơ trung bình) và cấp 3 (nguy cơ cao) sẽ phải hạn chế hoạt động tôn giáo tập trung đông người không cần thiết, số lượng người tối đa do UBND tỉnh quyết định; và cấp 4 (nguy cơ rất cao) sẽ phải tạm ngừng mọi hoạt động tôn giáo.
Bốn tháng qua, chính quyền ở nhiều tỉnh, thành đã yêu cầu tạm ngừng các hoạt động tôn giáo vì lý do dịch COVID-19.
Vào cuối tháng 9/2021, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã cho phép tái sinh hoạt tôn giáo tập trung nhưng giới hạn số lượng người tham gia. [12] Theo đó, tối đa 10 người được phép sinh hoạt tôn giáo tập trung. Trường hợp 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 thì số lượng tối đa cho phép là 60 người.
Đầu tháng 10/2021, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thông báo tái khởi động một phần các sinh hoạt cộng đoàn. Theo đó, thánh lễ vào ngày Chủ Nhật ở các nhà thờ sẽ được tổ chức nhiều phiên nhằm hạn chế số lượng người tham gia theo quy định của chính quyền. Người dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi được khuyến khích không tham gia sinh hoạt tôn giáo tập trung. [13]
Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cũng đã thông báo cho phép các tự viện tái sinh hoạt tôn giáo theo quy định của chính quyền thành phố. [14]
Trong thời gian qua, những hình phạt của chính quyền (khởi tố, đe dọa rút giấy phép hoạt động, v.v), và những chỉ trích, cáo buộc từ truyền thông và công chúng đối với hành vi làm lây lan dịch COVID-19 đã gieo rắc nỗi sợ hãi nơi các tổ chức tôn giáo.
Chú thích
1. Công an Nhân dân. (2021, October 23). Xử phạt người phụ nữ tán phát tài liệu về Pháp luân công. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/xu-phat-nguoi-phu-nu-tan-phat-tai-lieu-ve-phap-luan-cong-i632435/
2. Chính phủ. (2020, October 7). Nghị định 119/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. https://luatvietnam.vn/vi-pham-hanh-chinh/nghi-dinh-119-2020-phat-hanh-chinh-trong-hoat-dong-bao-chi-xuat-ban-192006-d1.html
3. Thanh Tra. (2021, October 2). Điện Biên nói không với “tà đạo.” https://thanhtra.com.vn/video/dien-bien-noi-khong-voi-ta-dao-163236.html
4. Luật Khoa. (2021, October 14). Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an? https://www.luatkhoa.org/2021/10/ai-dang-noi-doi-ban-ve-dao-duong-van-minh-bo-doi-hay-cong-an/
5. VOA. (2021, October 14). Công an triệu tập hơn chục thành viên Hội truyền giáo Phục Hưng. https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-trieu-tap-hon-chuc-thanh-vien-hoi-truyen-giao-phuc-hung/6270379.html
6. Luật sư Đặng Đình Mạnh. (2021, October 18). Thông tin về vụ án liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. FB Manh Dang. https://www.facebook.com/manhdang001/posts/5112118295471327. Ảnh chụp màn hình lưu tại: https://drive.google.com/file/d/1dFuoOdclu8ISz4WGb6pUEfply76pGaBC/view?usp=sharing
7. Báo Tuổi Trẻ. (2021d, May 27). “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” liên quan chuỗi COVID-19 mới hoạt động ra sao? https://web.archive.org/web/20210601084141/https://tuoitre.vn/hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-lien-quan-chuoi-covid-19-moi-hoat-dong-ra-sao-20210527120529383.htm
8. Báo Tuổi Trẻ (2021a, June 1). Bộ Nội vụ đề nghị TP.HCM tạm đình chỉ hoạt động của hội nhóm truyền giáo Phục Hưng. TUOI TRE ONLINE. https://web.archive.org/web/20210814104028/https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-de-nghi-tp-hcm-tam-dinh-chi-hoat-dong-cua-hoi-nhom-truyen-giao-phuc-hung-20210601100110072.htm
9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2021, October 6). Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ “Tuyên truyền về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với các hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín, trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa dân tộc, tôn giáo, đời sống nhân dân” phát sóng truyền hình và đăng tải trên các nền tảng nội dung số của Truyền hình Thông tấn (VNews), Thông tấn xã Việt Nam. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-2576-Q%C3%90-BVHTTDL-2021-thuc-hien-nhiem-vu-Tuyen-truyen-ve-hoat-dong-tin-nguong-490417.aspx
10. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, October 15). Văn bản số 5206/BNV-TGCP gửi Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/cac-to-chuc-ton-giao-tiep-tuc-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-post2mb0V9pG.html
11. Chính phủ. (2021, October 11). Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-quyet-128-NQ-CP-2021-Quy-dinh-tam-thoi-thich-ung-an-toan-linh-hoat-dich-COVID19-490931.aspx
12. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. (2021, September 30). Chỉ thị 18/CT-UBND về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Chi-thi-18-CT-UBND-2021-kiem-soat-dieu-chinh-bien-phap-phong-chong-dich-COVID19-Ho-Chi-Minh-489736.aspx
13. Tuổi Trẻ. (2021, October 2). Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn tái khởi động một phần sinh hoạt cộng đoàn. https://tuoitre.vn/toa-tong-giam-muc-sai-gon-tai-khoi-dong-mot-phan-sinh-hoat-cong-doan-20211002101055055.htm
14. Báo Thanh Niên. (2021, October 10). Chùa chiền ở TP.HCM sinh hoạt tôn giáo bình thường mới: Nơi mở cửa trở lại nhưng vắng người. Retrieved 2021, from https://thanhnien.vn/chua-chieng-o-tp-hcm-sinh-hoat-ton-giao-binh-thuong-moi-noi-mo-cua-tro-lai-nhung-vang-nguoi-post1387131.html