Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Tìm hiểu về nhu cầu quản lý tôn giáo chính đáng của các nhà nước.
Nathan là một sinh viên năm hai tại trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ.
Một ngày nọ, anh gặp Jodi, người tự nhận mình cũng là học sinh của trường. Họ bàn luận về mọi thứ trên đời: các cuộc chạy đua vũ trang, tình trạng đạo đức của xã hội hay sự bất bình đẳng toàn cầu. Thật ngạc nhiên, mọi quan điểm và góc nhìn của anh đều được Jodi ủng hộ và đồng tình.
Jodi giải thích rằng có một nhóm cộng đồng mà cô đang tham gia cũng chia sẻ những suy nghĩ giống như anh, và họ có một buổi gặp mặt ngay chiều hôm đó.
Nhóm người này đón tiếp anh như thể một thành viên thân thuộc của gia đình; mọi quan ngại về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của anh đều được nhóm bàn luận, đồng tình. Anh say sưa tham gia các trò chơi vận động, hát hò, tham gia vào các buổi trị liệu tâm lý nhóm nhỏ.
Từ khi tham gia nhóm, Nathan chỉ ngủ được tám tiếng trong suốt ba ngày cuối tuần, ăn hai bữa mỗi ngày, nhưng vô cùng hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên anh gặp được những người có cùng lối sống, cùng tư duy, cùng niềm tin và dường như cùng đích đến.
Nathan quyết định chuyển vào ở chung với nhóm người đồng đạo, bật băng nghe “giáo chủ” thuyết giảng liên hồi, ngủ ba tiếng một ngày, cùng lúc tích cực tìm kiếm và chiêu mộ thành viên mới.
Trong khi đó, mối quan hệ của anh với ba mẹ mình ngày càng tệ đi. Tất cả những mối liên hệ bạn bè trước kia đã tạo nên Nathan của “ngày xưa” cũng dần biến mất.
Quá trình “truyền đạo” hoàn tất. [1]
Các bài viết về tôn giáo xưa nay của Luật Khoa hầu hết đều chia sẻ tư duy bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Với những quy định pháp lý mơ hồ cùng những tiêu chuẩn kép của chính quyền, sẽ là bình thường khi người ta nghi ngờ thực trạng bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta nên phủ nhận khả năng lạm dụng danh nghĩa tôn giáo để xâm phạm tới các giá trị pháp lý hay quy chuẩn xã hội. Trong bối cảnh đời sống tín ngưỡng – tâm linh và các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội chưa thật sự ổn định của Việt Nam, việc những “tà đạo”, “giáo phái” luôn luôn rình rập là một khả năng hiển hiện.
Có thứ gọi là tà đạo, dị giáo hay không? Chính quyền các quốc gia trên thế giới có lo ngại chúng hay không?
Câu trả lời chắc chắn là có.
Sử dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được các mục tiêu, từ gây ảnh hưởng kinh tế, chính trị, xã hội cho đến mưu cầu lợi ích riêng, đã không còn là chuyện xa lạ tại hầu hết các quốc gia.
Một ví dụ nghiêm trọng là trường hợp giáo phái tận thế Aum Shinrikyo tại Nhật. Giáo phái này bắt đầu như là một nhóm tôn giáo kết hợp các giáo lý giữa Hindu và Phật giáo, đồng thời sử dụng các câu chuyện tận thế từ Công giáo. Việc không có những kiểm soát tiền đề về tôn giáo tại Nhật đã khiến diễn ngôn sai lệch của Aum Shinrikyo phát triển đủ mạnh, từ đó dẫn đến cuộc tấn công khủng bố chết chóc bằng chất độc thần kinh dạng lỏng trên hệ thống tàu điện ngầm Tokyo vào năm 1995. [2]
Ở dạng nhẹ hơn, chúng ta có những câu chuyện tương tự như của Nathan lúc đầu. Trong những trường hợp như vậy, Richard Delgado, một giáo sư luật thuộc trường Đại học California, Los Angeles, Mỹ (UCLA) lo ngại rằng các nhóm truyền đạo sẽ sử dụng các công cụ kiểm soát để thao túng tâm lý những người trẻ.
Vị giáo sư đưa ra đề xuất bắt buộc các nhóm giáo phái muốn truyền đạo phải có “sự đồng thuận với đầy đủ thông tin” (informed consent) từ phía người được truyền đạo trước khi bắt đầu quá trình hướng đạo (proselytizing). [3] Nói cách khác, người được truyền đạo cần phải biết trước những thông tin cần thiết như tên gọi, mục tiêu, tôn chỉ, hay các yếu tố khác liên quan đến giáo phái.
Dẫu thế nào đi chăng nữa, không nên (và không thể) tiếp cận tự do tôn giáo như một quyền trong trẻo và tốt đẹp hoàn toàn, không có khả năng bị lạm dụng hay biến tướng.
Vấn đề ở chỗ là pháp luật nên can thiệp lúc nào và can thiệp như thế nào.
Năm 1995, ngay sau khi Aum Shinrikyo (thường được gọi tắt là Aum) thực hiện hành vi khủng bố, ngoài việc khởi tố và bắt giữ các nghi phạm liên quan, chính quyền Nhật Bản tuyên bố rằng các giáo lý, việc giảng dạy và mục tiêu hoạt động của nhóm này là hành động thực hiện chiến tranh chống lại nhà nước. [4]
Áp dụng đạo luật thời kỳ Chiến tranh Lạnh khá tranh cãi có tên gọi Subversive Activities Prevention Law (Luật Phòng chống Hoạt động Lật đổ Chính quyền – 1951), chính quyền Nhật Bản tịch thu toàn bộ tài sản, giáo lý, tư liệu và các nguồn lực khác của Aum. Giáo phái này chính thức không còn được phép hoạt động. [5]
Nhiều nước trên thế giới cũng đặt Aum ngoài vòng pháp luật. Nhiều nhóm nhỏ có dính líu tới Aum bị trục xuất khỏi các quốc gia. Sau gần 30 năm, các cựu thành viên của Aum dường như không còn bất kỳ cơ hội nào để được xã hội và pháp luật chấp nhận lại.
Các quan ngại lớn nhất ở đây là khả năng phát sinh bạo động, khủng bố từ các triết lý tôn giáo cực đoan.
Tại Hoa Kỳ, cả chính quyền lẫn các nhà nghiên cứu đều thừa nhận sự nguy hiểm của các giáo phái, các nhóm dị giáo (như các nhóm thờ phụng quỷ Satan – Satanic cults).
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng niềm tin từ thập niên 1970 đến thập niên 1980, hàng ngàn giáo phái xuất hiện tại Hoa Kỳ với hơn ba triệu giáo dân, có quyền lực kinh tế lẫn chính trị không tưởng. [6]
Các nhà nghiên cứu liệt kê một số vấn đề pháp lý nghiêm trọng trong các nhóm giáo phái sùng tín Hoa Kỳ điển hình của giai đoạn này:
Tất cả những yếu tố này đều có khả năng vi phạm pháp luật ở mọi quốc gia.
***
Với những thông tin mở rộng nói trên, có lẽ cần đồng ý việc quản trị các hoạt động tôn giáo là một nhu cầu thượng tầng kiến trúc có cơ sở và chính đáng. Nhu cầu này không chỉ bảo vệ quyền lợi của nhà nước, mà trong nhiều trường hợp, bảo vệ quyền lợi của công dân, các định chế xã hội căn bản như gia đình hay đạo đức.
Vấn đề ở chỗ, chúng ta nên quản lý nó bằng công cụ nào và như thế nào.
Chú thích:
1. Craig Andrews Parton, When Courts Come Knocking at the Cult’s Door: Religious Cults and the First Amendment, 9 Hastings Comm. & Ent. L.J. 279 (1986). Available at: https://repository.uchastings.edu/hastings_comm_ent_law_journal/vol9/iss2/
2. BBC News. (2018, July 6). Aum Shinrikyo: The Japanese cult behind the Tokyo Sarin attack. https://www.bbc.com/news/world-asia-35975069
3. Xem [1]
4. MacGregor, H. E. (2019, March 5). Japan to Use Controversial Cold War Law to Disband Cult. Los Angeles Times. Retrieved 2022, from https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1995-12-15-mn-14380-story.html
5. BBC News. (2018, July 6). Aum Shinrikyo: The Japanese cult behind the Tokyo Sarin attack. Retrieved 2022, from https://www.bbc.com/news/world-asia-35975069
6. Xem [1]