Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Chính quyền có thể muốn quên, nhưng bạn có khả năng tạo ra ký ức của chính mình.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, hơn sáu trăm nghìn quân Trung Quốc cùng xe tăng và đại pháo tấn công vào sáu tỉnh dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Người Hà Nội nhận tin dữ qua loa phóng thanh sau một ngày.
Lúc đó vẫn là tháng Giêng. Tết Nguyên đán Kỷ Mùi 1979 trong ký ức của nhà văn Bảo Ninh là một bầu không khí giữa hai cơn bão: nửa tháng trước Tết bắt đầu cuộc chiến ở phía Tây Nam, nửa tháng sau Tết là cuộc chiến ở phía Bắc. “Dữ dội, hiểm ác, bất thần”. [1] Lệnh tổng động viên lại được phát đi. Những người lính vừa quen với thời bình nhận giấy gọi tái ngũ. Có đến hàng chục nghìn người trong số họ không có ngày về.
Quân Trung Quốc giết hại nhiều dân thường, tàn phá các tỉnh miền Bắc vốn vẫn đang phục hồi sau hàng chục năm chiến tranh liên miên. [2] Căng thẳng giữa hai nước dâng cao đến mức trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung Quốc được gọi thẳng thừng là “bọn bá quyền xâm lược”. [3] Nhưng sự mạnh dạn đó chỉ kéo dài cho đến năm 1988. Quốc hội phải ra một nghị quyết để sửa lại những dòng này, trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với quốc gia láng giềng phương Bắc. [4]
Mãi cho đến 40 năm sau cuộc chiến, những cuốn sách đầu tiên về sự kiện này mới được phép xuất hiện ở Việt Nam. Sự im lặng về cuộc chiến có lẽ sẽ còn kéo dài lâu thêm nữa nếu như các cựu chiến binh không ra sức vận động, và nếu như vào năm 2014, quan hệ Việt - Trung trên Biển Đông không trở nên căng thẳng.
40 năm sau cuộc chiến, người ta mới bắt đầu bàn về sự sơ sài của sự kiện này trong sách giáo khoa lịch sử. Cụ thể, bản in sách giáo khoa năm 2011 có 3 đoạn, 24 dòng nói về cuộc chiến; đến bản in năm 2018 chỉ còn 2 đoạn, 4 câu, 11 dòng. [5]
Cũng giống như chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, hải chiến Hoàng Sa 1974 hay trận Gạc Ma 1988, cuộc chiến chống quân Trung Quốc năm 1979 là một trong những sự kiện lịch sử hệ trọng mà hậu quả vẫn còn hiển hiện, nhưng lại không được dành vị trí tương xứng trong sách sử ở bậc phổ thông. Nhiều thế hệ học sinh đã lớn lên mà không có bất kỳ ký ức nào, lâu dần tạo nên một tình trạng tai hại gọi là hội chứng mất trí nhớ tập thể (collective amnesia). [6]
Rất may, có những người đã ra sức chế những phương thuốc tương đối chất lượng để chữa trị chứng này. Bài viết này điểm qua một số nguồn tài liệu đáng chú ý dành cho những ai không muốn mất trí nhớ.
Cuốn hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ được cho là một trong những nguồn tư liệu có thẩm quyền nhất về quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn này. Là người trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán về quan hệ giữa Việt Nam với ba cường quốc lúc bấy giờ là Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, tác giả đưa ra những dữ kiện giúp giải thích lý do Trung Quốc tấn công Việt Nam.
Ông cũng ghi chép lại các tư liệu và nhật ký công tác của mình trong hai thập niên từ 1975 - 1993, giai đoạn mà theo ông là “chứa đựng nhiều diễn biến khúc mắc tế nhị về đối ngoại. Nhất là trong quan hệ của ta với ba nước lớn, dễ bị vô tình hay cố ý làm ‘rơi rụng’ để cho lịch sử được ‘tròn trĩnh’, khiến cho việc đánh giá và rút bài học bị sai lệch”.
Như đã trình bày, vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến, nhiều công trình có giá trị tư liệu đã được cho phép ra đời trong nước. Các tác phẩm này phần lớn khai thác cuộc chiến qua lời kể của những cựu chiến binh và những nạn nhân của chiến tranh. Dù những con số thương vong của cuộc chiến vẫn còn là điều tranh cãi, thông qua lời kể của những nhân chứng lịch sử này, ta có thể cảm nhận được phần nào thảm cảnh của mùa xuân năm 1979.
Hai tác phẩm đáng chú ý:
Nếu Chiến tranh biên giới phía Bắc được gọi là cuộc chiến bị lãng quên thì biến cố “nạn Kiều” có thể được xem là góc khuất nhất của phần lịch sử bỏ quên ấy. Khi quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng vào năm 1978, hơn một triệu người gốc Hoa sống trong nước đã trở thành mối lo của chính quyền Việt Nam. Những ghi chép của nhà báo Huy Đức trong cuốn sách “Bên thắng cuộc”, quyển 1, chương 4 là những tư liệu quý giá cho thấy những chính sách mang tính kỳ thị đối với cộng đồng người Hoa lúc bấy giờ.
Họ được “khuyến khích” trở về nước, không cho tham gia vào cấp ủy. Trường học của người Hoa bị đóng cửa. Các nhà tư sản người Hoa bị tịch thu nhà cửa, tài sản. Có gia đình bị ép về Trung Quốc đến mức lâm vào cảnh đường cùng, cả nhà tự vẫn. Hàng trăm nghìn người Hoa đã rời khỏi Việt Nam trong hoảng loạn, tạo nên thảm cảnh thuyền nhân gốc Hoa với những tổn thương vẫn còn nhức nhối trong cộng đồng người Hoa đến tận bây giờ. Vụ “nạn Kiều” là một trong những lý do được Trung Quốc đưa ra để làm cớ tấn công Việt Nam vào tháng 2/1979.
Cuộc chiến năm 1979 là một sự kiện đến giờ vẫn có nhiều tranh cãi với các luồng quan điểm khác nhau. Nếu như đọc được tiếng Anh, bạn có thể tiếp cận được với nhiều nguồn tư liệu quý giá khác thông qua từ khóa “Sino - Vietnamese war” hay “China - Vietnam war 1979” - cách mà phương Tây gọi cuộc chiến này.
Có thể kể đến các bài viết công phu trên The Diplomat, như “The bitter legacy of the 1979 China - Vietnam war” của nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quang năm 2017, [8] hay một bài viết mới đăng tuần trước bàn về việc kiểm duyệt thông tin liên quan đến cuộc chiến này mang tên “Why won’t Vietnam teach the history of the Sino-Vietnamese war”. [9]
Tôi cũng muốn giới thiệu một nghiên cứu công phu vào năm 1982 của tác giả Paomin Chang, đăng trên tạp chí The China Quarterly mang tên “The Sino-Vietnamese Dispute over the Ethnic Chinese”. [10] Nếu quan tâm đến lịch sử đầy thăng trầm của người Hoa tại Việt Nam, trong đó có cuộc di tản năm 1979, nghiên cứu này chắc chắn cung cấp cho bạn nhiều dữ kiện quan trọng để có thể hình thành quan điểm của mình về vấn đề này.
Hãy đọc thêm. Việc kiểm duyệt và thao túng diễn ngôn sẽ còn tiếp diễn lâu dài đối với những sự kiện như thế này, nhưng với một chút nỗ lực, chúng ta luôn có thể trở thành những người “mang theo ký ức”. [11]
Chú thích
1. Trích từ “Mùa đông bão tố”, Bảo Ninh. Bài viết nằm trong tập bút ký “Những mùa xuân con không về”, NXB Trẻ, 2019.
2. VnExpress. (2017, February 17). Remembering Vietnam’s bloody border war with China - VnExpress International. VnExpress International – Latest News, Business, Travel and Analysis from Vietnam. https://e.vnexpress.net/news/news/remembering-vietnam-s-bloody-border-war-with-china-3542147.html
3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980. https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=1536
4. Nghị quyết về việc sửa lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 28/6/1988. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-sua-Loi-noi-dau-cua-Hien-phap-nuoc-Cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-Viet-Nam-37473.aspx
5. VnExpress. (n.d.). Cuộc chiến biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Tin nhanh VnExpress. https://web.archive.org/web/20200813094247/https://vnexpress.net/cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-se-co-vi-tri-xung-dang-trong-sach-giao-khoa-3881522.html
6. Y Chan. (2021, March 14). Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/gac-ma-loi-nhac-nho-ve-chung-mat-tri-nho-tap-the/
7. VnExpress. (2019, July 4). Biên giới 1979 trước “biển người” phương Bắc. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bien-gioi-1979-truoc-bien-nguoi-phuong-bac-3879866.html
8. The Diplomat. (2017, February 24). The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam War. https://thediplomat.com/2017/02/the-bitter-legacy-of-the-1979-china-vietnam-war/
9. Vincent, T. (2022, February 15). Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War? The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/02/why-wont-vietnam-teach-about-the-sino-vietnamese-war/
10. Chang, P. (1982). The Sino-Vietnamese Dispute over the Ethnic Chinese. The China Quarterly, 90, 195–230. http://www.jstor.org/stable/653567
11. Chữ của nhà văn Diêm Liên Khoa, trong bài “Sau COVID-19, còn điều gì nữa” (2021), bản dịch tiếng Việt của Vũ Ngọc Khuê. https://vanvn.vn/sau-covid-19-con-dieu-gi-nua-diem-lien-khoa/