Tôn giáo tháng 6/2022: Bộ Ngoại giao Mỹ: Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập bị công an tra tấn

Thêm nhiều quy định hà khắc về tôn giáo đang được chính quyền xem xét thông qua.

Tôn giáo tháng 6/2022: Bộ Ngoại giao Mỹ: Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập bị công an tra tấn
Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021 (trái). Ảnh: AP. Chính quyền tỉnh Tuyên Quang trấn áp tín đồ đạo Dương Văn Mình vào tháng 12/2021. Ảnh: RFA. Minh họa: Luật Khoa.

[Bàn tay chính quyền]

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021: Nhiều tín đồ Việt Nam nói bị công an tra tấn

Đầu tháng 6/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2021, trong đó có chương về Việt Nam. Theo báo cáo này, nhiều tín đồ từ các nhóm tôn giáo chưa đăng ký cho biết họ đã bị công an đánh đập, tra tấn. [1]

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố phúc trình tự do tôn giáo năm 2021 vào ngày 2/6/2022. Ảnh: AP.

Báo cáo nhắc đến một số trường hợp nổi cộm:

  • Vào ngày 12/12/2021, trong khi tham dự đám tang của nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, 36 người H'mong theo đạo này đã bị chính quyền cưỡng bức đi cách ly y tế với lý do dịch COVID-19.

    Một số tín đồ trong nhóm này nói với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ đã bị công an thẩm vấn nhiều giờ đồng hồ. Các tín đồ kể rằng công an đã uy hiếp, tra tấn, đánh đập để buộc họ từ bỏ đạo Dương Văn Mình. Một số người khác cho biết họ bị giam giữ và đánh đập ngay tại các đồn công an của huyện Hàm Yên. Một số thành viên khác nói họ đã bị công an tra tấn cho đến khi chịu nhận tội và ký các giấy tờ từ bỏ đạo Dương Văn Mình, nếu không thì sẽ bị tăng thời gian cách ly y tế.
  • Tại Đắk Lắk, vào tháng 7/2021, 21 người, trong đó có nhiều người theo đạo Tin Lành, đã bị giam giữ trong hai ngày liên tiếp. Ít nhất một người trong số đó nói rằng đã bị công đánh đập, đe dọa giết chết. Một số tín đồ cho biết công an nói rằng việc tìm hiểu quyền của họ trong Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo là bất hợp pháp. Công an đã đe dọa họ phải bỏ đạo hoặc chuyển vào sinh hoạt các nhóm có đăng ký với chính quyền. Nhiều tín đồ trong nhóm này từng tham gia tập huấn về xã hội dân sự do một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ tổ chức.
  • Vào tháng 9/2021, công an bắt giữ ba lãnh đạo đạo Cao Đài độc lập để thẩm vấn về các hoạt động tôn giáo. Một số tín đồ cho biết chính quyền đã sách nhiễu nhằm ngăn họ tham gia các sự kiện quốc tế, trong đó có hội nghị trực tuyến về tự do tôn giáo tại Đông Nam Á vào tháng 12/2021.

Ngoài hành động bắt bớ, đánh đập các tín đồ, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp trấn áp mềm như không cấp đăng ký thường trú, từ chối thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình. Các tín đồ khác theo Phong trào Ngũ Tuần ở tỉnh Điện Biên, Tin Lành Baptist ở tỉnh Thanh Hóa, Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên cũng cho biết họ bị chính quyền cản trở khi tiếp cận các chính sách phúc lợi xã hội.

Chính quyền không chỉ thẳng tay trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập mà còn siết chặt các tôn giáo chính thống.

Giáo hội Công giáo Việt Nam cho biết chính quyền không còn công nhận các giáo họ như trước đây. Thay vào đó, giáo hội phải nộp hồ sơ đầy đủ để thành lập giáo xứ, tức là tổ chức tôn giáo trực thuộc. Thủ tục này rất tốn công sức và thời gian. Một cách khác là đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho giáo họ. Thủ tục này đơn giản hơn, nhưng sẽ hạn chế đáng kể các hoạt động tôn giáo.

Một số giám mục Công giáo cũng báo cáo rằng chính quyền một số tỉnh gây khó khăn trong việc cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La.

Phản ánh trên của Giáo hội Công giáo cho thấy các quy định về quản lý tôn giáo hiện nay vẫn tiếp tục bị áp dụng một cách mơ hồ. Chính quyền có thể tùy tiện diễn giải các thủ tục nhằm hạn chế các hoạt động tôn giáo.

Vào ngày công bố báo cáo, 2/6/2022, Ngoại trưởng Mỹ đã lên án Việt Nam về việc sách nhiễu tín đồ tôn giáo thuộc các nhóm không đăng ký. [2]

Như mọi năm, truyền thông của chính quyền Việt Nam đã phản bác báo cáo. Báo Công an Nhân dân khẳng định báo cáo năm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ thiếu khách quan, phiến diện. [3]

Sửa đổi nghị định thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo: Tổ chức tôn giáo có thể bị chính quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động

Đầu tháng 6/2022, Ban Tôn giáo Chính phủ đã công bố dự thảo thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP thi hành một số điều Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [4] Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam sẽ bị thắt chặt hơn bao giờ hết nếu dự thảo được thông qua.

Dự thảo này có ba quy định mới cho phép chính quyền gia tăng kiểm soát, trấn áp các hoạt động tôn giáo có đăng ký:

  1. Chính quyền trung ương, cấp tỉnh có quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Điều 13 của dự thảo cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc cơ quan quản lý tôn giáo trung ương (ví dụ như Ban Tôn giáo Chính phủ) ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của tổ chức tôn giáo nếu vi phạm nghiêm trọng Khoản 4 hoặc Khoản 5 của Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016. [5]

Trong khi đó, phạm vi của Khoản 4 và Khoản 5 thuộc Điều 5 của bộ luật này vừa rộng vừa mơ hồ. Chính quyền có thể dễ dàng tùy tiện diễn giải để trấn áp các tổ chức tôn giáo.

Khoản 4 nghiêm cấm hoạt động tôn giáo có tính chất (1) xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; (2) xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; (3) cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; (4) chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Còn Khoản 5 nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Theo dự thảo, tổ chức tôn giáo có thể bị đình chỉ toàn bộ hoạt động không quá hai năm. Tuy nhiên, nếu không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ hoạt động thì sẽ bị chính quyền giải thể.

Dự thảo cũng không định nghĩa như thế nào được gọi là “vi phạm nghiêm trọng”.

Điều luật này nếu được thông qua sẽ khiến các tổ chức tôn giáo phải tự kiểm duyệt các hoạt động của mình so với trước đây trong một phạm vi mà họ không biết đâu là giới hạn.

Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tổ chức ngày 7/6/2022. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

2. Chính quyền trung ương có quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo

Điều 17 của dự thảo quy định cơ sở đào tạo tôn giáo cũng có thể bị đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng khoản 4, khoản 5, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương, ví dụ như Ban Tôn giáo Chính phủ.

Thời hạn đình chỉ hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo không quá 02 năm. Cơ sở đào tạo tôn giáo cũng có thể bị chính quyền giải thể nếu không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

3. Muốn sinh hoạt tôn giáo trực tuyến cũng phải xin phép chính quyền

Điều 28 của dự thảo quy định “hoạt động tôn giáo đã thông báo hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận” khi chuyển sang hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến thì cần thông báo bằng văn bản cho chính quyền.

Còn đối với “hoạt động tôn giáo chưa thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”, khi chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến thì phải thực hiện các thủ tục xin cấp phép hoạt động theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và nghị định này.

Dự thảo không quy định cụ thể về nội dung cần thông báo cho chính quyền khi tổ chức tôn giáo chuyển sang hình thức trực tuyến.

Ở một số nơi, chính quyền địa phương đang bắt buộc tổ chức tôn giáo phải đề trình các sự kiện tôn giáo diễn ra trong năm để được phê duyệt trước khi tổ chức. Điều 28 của dự thảo sẽ tạo thêm gánh nặng và góp phần cản trở quyền tự do sinh hoạt tôn giáo.

Ngoài ba nội dung trên, dự thảo cũng quy định rõ điều kiện để cấp phép cho người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam khi muốn sinh hoạt tôn giáo tập trung. Hiện nay, người nước ngoài muốn sinh hoạt tôn giáo tập trung phải được ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt trong thời hạn lên đến 30 ngày. [6]

Điểm sáng duy nhất của dự thảo này là quy định Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đảm bảo kinh sách tại các cơ sở giam giữ.

Công bố Dự thảo nghị định đầu tiên về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Tháng 6/2022, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã công bố Dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo này nếu được thông qua sẽ trở thành văn bản quy định việc xử phạt hành chính đầu tiên trong lĩnh vực tôn giáo. [7]

Dự thảo gồm 4 chương, 51 điều, quy định cụ thể về các hình thức xử phạt hành chính khi vi phạm các quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016. Đối tượng xử phạt chính là các tổ chức, cơ sở tôn giáo. Mức độ hình phạt trải rộng từ phạt tiền, xin lỗi công khai, đình chỉ hoạt động cho đến buộc giải thể tổ chức tôn giáo.

Đáng chú ý, dự thảo cho phép chính quyền can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của tổ chức tôn giáo có hành vi vi phạm, như buộc hủy bỏ việc thuyên chuyển chức sắc, buộc hủy bỏ kết quả bổ nhiệm, suy cử, bầu cử. Họ cũng có quyền buộc dừng cuộc lễ khi đang diễn ra. Những việc này được gọi là “biện pháp khắc phục hậu quả”.

Chính quyền cũng sẽ buộc các tổ chức đào tạo tôn giáo phải dạy hai môn học lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam. Theo quy định hiện tại, hai môn học này phải được dạy theo sách do Ban Tôn giáo Chính phủ biên soạn. [8]

Mức phạt tiền tối đa cho việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là 30 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu đồng đối với tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khi đó, Luật Xử lý Vi phạm Hành chính sửa đổi năm 2020 quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực tôn giáo là 30 triệu đồng. [9]

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được thông qua vào năm 2016 và có hiệu lực vào năm 2018. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành, chính quyền vẫn chưa quy định mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong bộ luật.

Bộ luật này đã liên tục bị các tổ chức quốc tế chỉ trích từ khi còn là dự thảo vì nó cho phép chính quyền can thiệp nội bộ, kiểm soát khắc nghiệt các tổ chức tôn giáo.

Tháng 11/2020, Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã phải hoãn tổ chức Đại Hội đồng Giáo phẩm lần thứ X. Quyết định này được đưa ra khi Ban Tôn giáo Chính phủ đòi xem và phê duyệt danh sách ứng cử viên trước khi bầu cử, theo Điều 34 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [10]

Hoãn xét xử vụ án Tịnh Thất Bồng Lai

Ngày 30/6/2022, TAND huyện Đức Hòa đã tuyên bố hoãn phiên tòa xét xử 6 thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai với lý do vắng mặt nhiều nhân chứng quan trọng.

Quang cảnh bên trong phiên tòa ngày 30/6/2022. Ảnh: VietnamNet.

Đây là đề nghị của các luật sư bào chữa. [11] Theo đó, các khiếu nại của luật sư liên quan đến một số hành vi tố tụng của tòa án chưa được giải quyết, các luật sư không đủ thời gian chuẩn bị cho việc bào chữa do chỉ được thông báo trước đó bảy ngày, và chỉ được tiếp cận các chứng cứ, dữ liệu điện tử trước ngày xét xử hai ngày.

Mặt khác, ngày 28/6, các luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập thêm 11 người khác cho buổi xét xử nhưng chưa được phản hồi. Các luật sư cho rằng có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền truy tố đối với kiểm sát viên cấp tỉnh.

Sau khi nghe các đề nghị từ phía các luật sư và kiểm sát viên, TAND huyện Đức Hòa đã quyết định hoãn và dời phiên xét xử sang ngày 20/7/2022.

Theo ghi chép phiên tòa được các luật sư công bố, lực lượng an ninh được bố trí dày đặc trong phiên tòa, cùng hàng chục kiểm sát viên được bố trí ngồi ghế dự khán. Báo Tuổi Trẻ cho biết phóng viên không được tham dự trực tiếp phiên tòa mà phải theo dõi qua màn hình TV. [12]

Bốn thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai bị bắt giữ vào đầu tháng 1/2022. Đến tháng 5/2022, Công an tỉnh Long An bắt giữ thêm hai người khác để cùng truy tố tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng do báo chí trích dẫn, các bị cáo đã thành lập cơ sở Phật giáo không có đăng ký. Từ năm 2019 đến năm 2021, các thành viên đã đăng nhiều video bị cáo buộc là xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm Thượng tọa Thích Nhật Từ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. [13] Có 5 video và 1 bài viết trên mạng xã hội bị cho là vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự. [14]

Điều 331, trước đây là Điều 258, thường được chính quyền sử dụng để hình sự hóa việc thực hành quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt.

Năm 2014, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đã lên án về tính mơ hồ của Điều 258: “Ngay cả các thành viên của một tòa án địa phương cấp tỉnh và Tòa án Nhân dân Tối cao [của Việt Nam] cũng không thể làm rõ ý nghĩa của thuật ngữ ‘lợi dụng’ và không xác định được những hành vi nào sẽ cấu thành vi phạm pháp luật”. [15]

Đọc thêm: Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: Rốt cuộc họ phạm tội gì?

An Giang: Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tiếp tục bị chính quyền cản trở trong ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật giáo Hòa Hảo

Vào ngày 15/6/2022, chính quyền tỉnh An Giang tiếp tục cản trở các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cử hành lễ kỷ niệm Ngày Đức thầy khai sáng Phật giáo Hòa Hảo.

Cụ thể, vào lúc 8 giờ sáng ngày 14/6/2022, công an và các lực lượng an ninh địa phương đã lập hai chốt kiểm soát ở hai đầu đường dẫn vào trụ sở giáo hội tại xã Long An, huyện Chợ Mới. [16] Cũng giống như các năm trước, mục đích của chính quyền vẫn là kiểm soát nhằm ngăn cản các thành viên tham dự lễ kỷ niệm.

Hai chốt kiểm soát dẫn vào trụ sở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy vào ngày 14/6/2022. Ảnh: Facebook Lê Quang Hiển.

Trong khi đó, vào ngày 16/6, Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, tổ chức Phật giáo Hòa Hảo duy nhất được chính quyền cho phép thành lập, đã tổ chức suôn sẻ lễ kỷ niệm với sự góp mặt của chính quyền địa phương cùng đông đảo các chức sắc, tín đồ. [17]

Nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy liên tục bị chính quyền cản trở khi cử hành các ngày lễ tưởng niệm. Vào ngày 26/3/2022, chính quyền cũng đã cản trở họ cử hành lễ tưởng niệm Ngày Đức Thầy vắng mặt. [18]

Đọc thêm: Lịch sử thăng trầm và đầy bi kịch của Phật giáo Hòa Hảo

[Tôn giáo 360 độ]

Tổ chức Khmer Krom gửi thư đến Chính phủ Việt Nam: Yêu cầu được quyền thành lập tổ chức Phật giáo độc lập

Ngày 2/6/2022, Liên đoàn Khmer-Kampuchea Krom (KKF) đã gửi 9 yêu cầu đến chính phủ Việt Nam về việc đảm bảo nhân quyền cho người Khmer ở khu vực Nam Bộ, Việt Nam. Trong đó, yêu cầu cho phép thành lập tổ chức Phật giáo Theravada độc lập khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [19]

Theo giới thiệu, KKF là tổ chức vận động nhân quyền cho người Khmer Krom sống chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam cho rằng đây là tổ chức kích động, chống chính quyền. [20]

Ngoài đề nghị được quyền thành lập tổ chức Phật giáo độc lập, KKF còn kêu gọi cho phép tiếng Khmer được dạy ở các trường học công lập; được quyền gọi thôn, làng của mình bằng tiếng Khmer; thành lập tổ chức nhân quyền, công đoàn của người Khmer; có quyền được hưởng bồi thường về đất đai; đảm bảo quyền tự do biểu đạt; tự do thành lập tổ chức truyền thông bằng tiếng Khmer, v.v.

Thư gửi đến Chính phủ Việt Nam được đăng công khai trên website của KKF. Ảnh chụp màn hình.

Theo Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người Khmer, trong đó có khoảng 1 triệu người sinh sống ở khu vực nông thôn. [21] Người Khmer có truyền thống theo Phật giáo Theravada hay còn gọi là Phật giáo Nam truyền. Do đó, các nhà sư có uy tín đáng kể đối với đồng bào người Khmer.

Hiện nay, các nhà sư người Khmer ở Nam bộ là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều nhà sư trong số này đã gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nhà sư Khmer khác tại Nam Bộ vẫn có quan điểm bất đồng với chính quyền Việt Nam về các chính sách tôn giáo, nhân quyền. Những nhà sư này trở thành mục tiêu trấn áp của chính quyền.

Tháng 2/2020, Công an huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã thẩm vấn, tịch thu hộ chiếu một nhà sư Khmer có quốc tịch Campuchia tên là Seun Ty, 36 tuổi. Công an cáo buộc nhà sư này vi phạm Luật An ninh mạng do chia sẻ một bài phỏng vấn đại điện của KKF lên Facebook cá nhân. [22]

Nhiều nhà sư người Khmer đã bị buộc phải hoàn tục do thể hiện các quan điểm bất đồng với chính quyền Việt Nam. [23] Một số nhà sư bị chính quyền Việt Nam kết án tù vì chống chính quyền. Năm 2007, một nhà sư Khmer bị tuyên án 1 năm tù giam vì tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. [24] Đến năm 2009, Việt Nam đã trả tự do cho bốn nhà sư người Khmer bị tuyên án từ 2 đến 4 năm tù giam vì tham gia biểu tình vào năm 2007. [25]

[Tôn giáo mới]

Thừa Thiên - Huế: Nhất Quán Đạo bị ngăn chặn

Vào ngày 1/6/2022, Công an xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã ngăn chặn một nhóm người sinh hoạt Nhất Quán Đạo. [26]

Theo đó, một hộ gia đình tại đây đã mời tám người từ các tỉnh, thành khác đến nhà để được tư vấn về việc tổ chức thờ cúng tại gia của Nhất Quán Đạo.

Công an cho biết chủ hộ bắt đầu tham gia Nhất Quán Đạo khi sinh sống ở Đà Nẵng và tiếp tục theo tôn giáo này khi chuyển về sống tại địa phương. Hình thức sinh hoạt là tu tại gia, liên lạc với các tín đồ khác qua điện thoại, mạng xã hội.

Công an đã bắt nhóm tám người ký giấy cam kết không tái diễn hoạt động này và yêu cầu họ rời khỏi địa phương. Đối với hộ gia đình mời những người này đến nhà, công an cho biết sẽ xử lý sau theo quy định pháp luật. Các tài liệu sinh hoạt tôn giáo của nhóm cũng bị chính quyền tịch thu.

Một vài người trong số tám người bị Công an xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngăn chặn sinh hoạt Nhất Quán Đạo. Ảnh: VTC News.

Nhất Quán Đạo (phiên âm tiếng Anh là Yiguandao), là một tôn giáo nổi trội ở Trung Quốc vào thế kỷ 19. Nhất Quán Đạo có truyền thống dung hợp Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo cùng với hai tôn giáo từ phương Tây là Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. [27]

Từ những năm 1950, Nhất Quán Đạo bị cấm ở Trung Quốc. Nhóm nòng cốt chuyển sang gây dựng hoạt động ở Đài Loan dưới sự đàn áp của Quốc Dân Đảng và các nhóm Phật giáo. Đến năm 1987, Viện Lập pháp Đài Loan đã công nhận Nhất Quán Đạo là tôn giáo hợp pháp. Từ những năm 2000, Trung Quốc đã thôi dán nhãn Nhất Quán Đạo là tà đạo, và ngầm cho phép tôn giáo này hoạt động.

Ngoài Đài Loan và Trung Quốc, Nhất Quán Đạo cũng được truyền sang các nước khác như Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực châu Âu và Bắc Mỹ cũng có nhiều cộng đồng tôn giáo này. Nhất Quán Đạo có xu hướng truyền giáo vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng Hoa kiều. [28]

Tại Việt Nam, Nhất Quán Đạo vẫn chưa được công nhận là tôn giáo. Tuy nhiên, các nhóm tín đồ vẫn hoạt động kín đáo. Thông tin về Nhất Quán Đạo được phổ biến trên các mạng xã hội.

Đọc thêm:

Thế nào là “tà đạo”? 4 vấn đề về các tôn giáo mới chính quyền không muốn bạn biết

Ban Tôn giáo Chính phủ thừa nhận mặt tích cực của tôn giáo mới

Tỉnh Tuyên Quang: “Vận động” 70 hộ từ bỏ tà đạo Dương Văn Mình

Thông tấn xã Việt Nam dẫn tin từ chính quyền xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022 có 70 hộ dân đã được “vận động từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. [29]

Tuy nhiên, vẫn còn 49% người H'mong ở xã này theo đạo Dương Văn Mình. Xã Hùng Lợi có 1.673 hộ dân, khoảng 45% số hộ là người H'mong.

Một buổi làm việc được cho là vận động người dân xã Hùng Lợi từ bỏ đạo Dương Văn Mình. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

Chính quyền xã cho biết đầu năm 2022 họ đã thành lập tám nhóm công tác với thành phần là công an xã, lực lượng an ninh, cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn. Các nhóm này đến nhà để “tuyên truyền, vận động" các hộ dân từ bỏ đạo Dương Văn Mình.

Tuyên Quang là tỉnh kiên quyết trấn áp đạo Dương Văn Mình trong nhiều năm qua.

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khi các tỉnh khác như Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng đã ngừng tháo gỡ các nhà tang lễ của đạo Dương Văn Mình, chính quyền tỉnh Tuyên Quang vẫn tiếp tục phá hủy những ngôi nhà này. [30]

Đọc thêm: Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an?


Chú thích

1. U.S. Department of State. (2022, June 2). 2021 Report on International Religious Freedom: Vietnam. https://www.state.gov/reports/2021-report-on-international-religious-freedom/vietnam/

2. VOA Tiếng Việt. (2022, June 3). Ngoại trưởng Mỹ lên án chính quyền Việt Nam sách nhiễu tín đồ tôn giáo thuộc nhóm chưa đăng ký. https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-len-an-chinh-quyen-vietnam-sach-nhieu-tin-do-ton-giao-chua-dang-ky/6601738.html

3. Công an Nhân dân. (2022, June 13). Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng luôn được đảm bảo ở Việt Nam. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/quyen-tu-do-ton-giao-tin-nguong-luon-duoc-dam-bao-o-viet-nam-i656888/

4. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, June 1). Dự thảo 2 Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. http://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/01_06_2022/du-thao-2-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-mot-so-dieu-va-bien-phap-thi-hanh-luat-tin-nguong-ton-giao-2022-06-01-14-26-57.pdf

5. Quốc hội. (2016). Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Luật Việt Nam. https://luatvietnam.vn/chinh-sach/luat-tin-nguong-ton-giao-2016-111021-d1.html

6. Bộ Nội vụ. (2018). Thủ tục đề nghị sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cử trú hợp pháp tại Việt Nam. https://moha.gov.vn/danh-muc/thu-tuc-de-nghi-sinh-hoat-ton-giao-tap-trung-cua-nguoi-nuoc-ngoai-cu-tru-hop-phap-tai-viet-nam-37908.html

7. Xem [6].

8. Thái Thanh. (2021, June 10). Ban Tôn giáo Chính phủ lấn sân trong việc đào tạo chức sắc tôn giáo. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/06/ban-ton-giao-chinh-phu-lan-san-trong-viec-dao-tao-chuc-sac-ton-giao/

9. Quốc hội. (2020). Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-31-VBHN-VPQH-2020-Luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-469837.aspx

10. Luật Khoa. (2020b, December 21). Tôn giáo tháng 11/2020: Tổng giáo phận Sài Gòn kiện chính quyền TP. Hồ Chí Minh. https://www.luatkhoa.org/2020/12/ton-giao-thang-11-2020-tong-giao-phan-sai-gon-kien-chinh-quyen-tp-ho-chi-minh/

11. Luật sư Đặng Đình Mạnh. (2022, July 1). Bút ký phiên tòa vụ án Thiền am [1]. https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02FSPytMYWu4qQABZgD5ENHZVJWrCJ8P3yybXLUWXZZako9KLBEkiKLe5zdkJbo8D8l

12. Tuổi Trẻ. (2022, June 30). Hoãn phiên xét xử sơ thẩm vụ “tịnh thất Bồng Lai.” https://tuoitre.vn/hoan-phien-xet-xu-so-tham-vu-tinh-that-bong-lai-20220630081245398.htm

13. Xem [11].

14. VOV. (2022, June 21). Tòa án triệu tập 8 cán bộ công an tới phiên xét xử vụ “Tịnh Thất Bồng Lai.” https://web.archive.org/web/20220702085333/https://vov.vn/phap-luat/vu-an/toa-an-trieu-tap-8-can-bo-cong-an-toi-phien-xet-xu-vu-tinh-that-bong-lai-post951690.vov

15. OHCHR. (2014). Completed visits, country: Vietnam in 2014. https://www.ohchr.org/en/special-procedures/sr-religion-or-belief/country-visits-and-reports

16. Facebook Lê Quang Hiển. (2022, June 14), https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3263700417284822&id=100009346885694

17. Công Mạo (TTXVN/Vietnam+). (2022, June 16). Kỷ niệm 83 năm Ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo | Xã hội | Vietnam+ (VietnamPlus). VietnamPlus. https://www.vietnamplus.vn/ky-niem-83-nam-ngay-khai-sang-dao-phat-giao-hoa-hao/798085.vnp

18. Thái Thanh. (2022, April 22). Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2022/04/ton-giao-thang-3-2022-chinh-quyen-tong-ket-30-nam-kiem-soat-dao-cao-dai/

19. Khmers Kampuchea-Krom Federation. (2022, June 2). Remembrance Day: Open Letter to the Government of the Socialist Republic of Vietnam. https://khmerkrom.org/remembrance-day-open-letter-to-the-government-of-the-socialist-republic-of-vietnam/

20. Nhân dân. (2012, July 24). LHQ bác đơn của KKF xin hưởng quy chế tư vấn với ECOSOC. https://nhandan.vn/lhq-bac-don-cua-kkf-xin-huong-quy-che-tu-van-voi-ecosoc-post393546.html

21. Tổng cục Thống kê. (2019). Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. http://tongdieutradanso.vn/uploads/data/6/files/files/2_%20Bieu%20so%20lieu%20va%20phu%20luc%20(duyet%20gui%20in).pdf

22. Luật Khoa. (2020b, September 19). Tôn giáo tháng Tám: Bốn cách thức trấn áp các tổ chức tôn giáo hay gặp nhất. https://www.luatkhoa.org/2020/09/ton-giao-thang-tam-bon-cach-thuc-tran-ap-cac-to-chuc-ton-giao-hay-gap-nhat/

23. RFA. (2022, February 22). Chính quyền tỉnh Sóc Trăng buộc 5 vị sư người dân tộc Khmer hoàn tục. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/5BudishMonksToReturnToSecularLife_NBinh-20070222.html

24. RFA. (2022b, November 9). Nhà sư gốc Khmer Tim Sakhorn bị kết án một năm tù ở Việt Nam. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/KhmerKromMissingMonkProsecutedInVn_NBinh-20071109.html

25. RFA. (2009, January 22). Việt Nam trả tự do cho 4 nhà sư Khmer Krom. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-released-4-Khmer-Krom-monks-01222009150105.html

26. VTC News. (2022, June 1). Ngăn chặn nhóm người tụ tập sinh hoạt “đạo lạ” trái phép ở Thừa Thiên - Huế. https://vtc.vn/ngan-chan-nhom-nguoi-tu-tap-sinh-hoat-dao-la-trai-phep-o-thua-thien-hue-ar679981.html

27. World Religions & Spirituality Project. (2017). Yiguandao. https://wrldrels.org/2017/12/02/yiguandao/

28. Xem [27].

29. Thông tấn xã Việt Nam. (2022, June 10). Tuyên Quang: Kiên quyết xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. https://www.vietnamplus.vn/tuyen-quang-kien-quyet-xoa-bo-to-chuc-bat-hop-phap-duong-van-minh/797207.vnp

30. Xem [1]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.