Tôn giáo tháng 9/2020: Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập

Tôn giáo tháng 9/2020: Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập
Ảnh minh họa: Luật Khoa.

Bản tin Tôn giáo tháng 9/2020 tập trung vào đạo Cao Đài với thông tin về việc chiếm đoạt các thánh thất Cao Đài độc lập trong mục [Bàn tay chính quyền], tám năm tín đồ Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ bị hành hung trong mục [Ngày này năm xưa], và giới thiệu các chi phái Cao Đài được hưởng đặc quyền không phải tổ chức bộ máy tôn giáo tập trung trong mục [Bạn có biết]. Mục [Tôn giáo 360 độ] mang đến thông tin về việc bắt và xử phạt những người theo học Pháp Luân Công, cùng với những tin tức khác.

Hoan nghênh độc giả góp ý và tham gia viết báo cáo cùng chúng tôi qua email: tongiao@luatkhoa.org.


Tôn giáo tháng 9/2020:

Bàn tay của chính quyền

Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập

Sau một thời gian được bình yên tu hành, các tín đồ Cao Đài gần đây lại bị sách nhiễu khi chính quyền hậu thuẫn các hội thánh Cao Đài được nhà nước công nhận đến “tiếp quản” thánh thất của họ.

Trường hợp Thánh thất Cao Đài Phú Lâm

Thánh thất Cao Đài Phú Lâm tọa lạc ở khóm 5, thị trấn Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thánh thất này được xây dựng từ năm 1964 và trùng tu năm 1999.

Phía chính quyền cho rằng ngôi thánh thất này thuộc quyền quản lý của Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, tổ chức Cao Đài lớn nhất được nhà nước công nhận vào năm 1997 hay còn gọi là “Chi phái 1997”.

Ông Chánh trị sự Thánh thất Phú Lâm Cao Văn Minh cho biết ông và những tín đồ chỉ muốn tu theo pháp môn chân truyền của mình, không chấp nhận sự lãnh đạo của Chi phái 1997.

Thánh thất Cao Đài Phú Lâm. Ảnh: Thanhthatcaodai.

Tuy nhiên, Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh cho rằng thánh thất này thuộc quyền quản lý của họ nên đã cho người đến tiếp quản với sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương.

Vụ cưỡng chiếm Thánh thất Cao Đài Phú Lâm đã xảy ra như thế nào?

Ngày 18/6/2020:

Sự kiện 1: Ông chánh trị sự Cao Văn Minh bị mời lên UBND phường Phú Đông làm việc vào buổi sáng. UBND phường đã dặn là ông nhất định phải đến vào lúc 8 giờ 30 phút, ngày 18/6/2020.

Sự kiện 2: Cán bộ địa phương và một nhóm tín đồ của Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh thừa lệnh của hội thánh này đến tiếp quản Thánh thất Phú Lâm.

Sự kiện 3: Chánh trị sự Nguyễn Hà thuộc Thánh thất Cao Đài Nhơn Lý, một thánh thất độc lập khác thuộc tỉnh Bình Định, đến hỗ trợ các đồng đạo Cao Đài Phú Lâm.

Sự kiện 4: Nhóm tín đồ Cao Đài Phú Lâm phản đối lệnh tiếp quản của hội thánh, và đã đóng cổng thánh thất. Hai bên tranh luận kịch liệt về lệnh tiếp quản thánh thất Phú Lâm.

Cảnh tín đồ Cao Đài của Chi phái 1997 đến Thánh thất Phú Lâm. Ảnh: RFA.

Ngày 28/7/2020:

Công an xã Sơn Thành Đông (tỉnh Phú Yên) mời ông Trương Minh Lễ, tín đồ của Thánh thánh Phú Lâm, đến làm việc vào ngày 30/7/2020 về việc gây rối an ninh trật tự trong ngày 18/6/2020.

Giấy mời của công an gửi cho ông Trương Minh Lễ. Ảnh: Cao Đài Bảo tồn Chánh Pháp.

Ngày 30/7/2020:

Công an xã Sơn Thành Đông (tỉnh Phú Yên) tiếp tục mời các tín đồ của Thánh thất Phú Lâm làm việc vào ngày 4/8/2020 về việc gây rối an ninh trật tự vào ngày 18/6/2020, bao gồm: ông Huỳnh Tấn Lực, bà Đoàn Thị Miễu, và bà Trần Thị Hồng.

Không có tín đồ nào của Chi phái 1997 bị công an mời làm việc vì gây rối an ninh trật tự.

Giấy mời làm việc của công an đối với các ông bà Huỳnh Tấn Lực, Đoàn Thị Miễu, và Trần Thị Hồng. Ảnh: Cao Đài Bảo tồn Chánh Pháp.

Ngày 20/8/2020:

Chánh trị sự Nguyễn Hà và đạo hữu Nguyễn Văn Danh bị công an thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định mời làm việc vào ngày 21/8/2020 về “hoạt động tôn giáo của họ”.

Giấy mời làm việc của công an đối với hai ông Nguyễn Hà và Nguyễn Văn Danh. Ảnh: Cao Đài Bảo tồn Chánh Pháp.

Ngày 21/8/2020:

Theo tường thuật của ông Danh, ông đã bị hỏi về việc có cùng ông Hà đến Thánh thất Phú Lâm hay không. Ông Danh khẳng định không, và cuộc thẩm vấn chuyển sang việc ông Danh có nhận quà từ đoàn tiếp tế của ông Hứa Phi, tín đồ Cao Đài bị chính quyền cho là chống đối nhà nước đồng thời là đồng chủ tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam.

Theo tường thuật của ông Hà, công an đã cảnh cáo ông không được đến Thánh thất Phú Lâm trong lần tiếp quản thánh thất sắp tới của Chi phái 1997. Công an cũng đã hỏi mối quan hệ giữa ông Hà, ông Hứa Phi và hòa thượng Thích Không Tánh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và thành viên Hội đồng Liên Tôn Việt Nam.

Ngày 1/9/2020:

Ông Cao Văn Minh nhận được giấy mời làm việc tại UBND phường Phú Đông vào ngày 3/9/2020.

Giấy mời ông Cao Văn Minh làm việc của UBND phường Phú Đông để hỗ trợ Chi phái 1997 tiếp quản Thánh thất Phú Lâm. Ảnh: Cao Đài Bảo tồn Chánh Pháp.

Ngày 3/9/2020:

Ông Cao Văn Minh đến UBND phường Phú Đông làm việc với đại diện của thành phố Tuy Hòa (Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Phòng Nội vụ) và đại diện UBND phường Phú Đông.

Phía chính quyền cho rằng ông Minh nên chấp nhận lệnh tiếp quản của Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Ông Minh khẳng định là ông sẽ không tổ chức rước và chấp nhận huấn lệnh tiếp quản Thánh thất Phú Lâm của Chi phái 1997. Ông Minh cũng cho rằng đồng đạo của ông không gây rối trật tự vào ngày 18/6/2020, khi Chi phái 1997 đến tiếp quản thánh thất của họ.

Cuộc thẩm vấn

Dưới đây là một trích đoạn cuộc thẩm vấn ông Nguyễn Hà vào ngày 21/8/2020 do chính ông tường thuật lại .

Công an (CA) tỉnh Bình Định: Vừa rồi anh có đi vô Thánh thất Phú Lâm, tỉnh Phú Yên không?
Nguyễn Hà: Có.

CA tỉnh Bình Định: Vô đó làm chi?
Nguyễn Hà: Tôi vô để hỗ trợ tinh thần với đồng đạo Phú Yên bảo thủ chơn truyền của đạo đóng cổng không cho số người phản loạn chơn truyền vô thánh thất.

CA tỉnh Bình Định: Anh có biết Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh ra huấn lệnh bổ ông Phạm Xuân Thành đến Thánh thất Phú Lâm để làm cai quản không?
Nguyễn Hà: Biết, những chuyện đó là chuyện của ông Thành không liên quan gì đến chúng tôi.

CA tỉnh Bình Định: Ông Thành được nhà nước công nhận, còn việc làm của các anh không được nhà nước thừa nhận.

Nguyễn Hà: Nhà nước có thừa nhận hay không là chuyện của nhà nước, còn tôi và đồng đạo bảo thủ chơn truyền của Đức Thượng Đế lập ra từ ngày khai đến giờ. Còn cái tổ chức tôn giáo Cao Đài ngày nay do nhà nước can thiệp vào, làm cho chơn truyền của đạo bị tan nát.

CA tỉnh Bình Định: Nếu mai mốt Hội thánh không bổ ông Thành mà bổ người khác đến Thánh thất Phú Lâm, anh có vô hỗ trợ không?
Nguyễn Hà: Tôi vẫn vô hỗ trợ.

CA tỉnh Bình Định: Ông [Hứa] Phi là gì với anh?
Nguyễn Hà: Ông Phi và tôi là tình đồng đạo bảo thủ chơn truyền.

CA tỉnh Bình Định: Ông Phi và ông có lập một tổ chức gì không?

Nguyễn Hà: Không có lập một tổ chức nào khác mà chỉ lập Ban đại diện Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài để đi khắp miền Nam Bắc thăm viếng đồng đạo còn giữ gìn Luật Đạo, chia sẻ những khó khăn về tinh thần tu học. Đồng thời nhắc nhở đồng đạo nên bảo thủ chơn truyền chánh pháp của Đức Chí Tôn, không nên vì một thế lực nào.

CA tỉnh Bình Định: Anh có biết lý lịch của ông [Thích] Không Tánh không mà để ổng đến Thánh thất Nhơn Lý phát quà?
Nguyễn Hà: Tôi với ông hòa thượng Thích Không Tánh là chức sắc tôn giáo bạn, ông đến thánh thất của tôi, tôi phải tiếp là điều hiển nhiên.

CA tỉnh Bình Định: Anh có biết lý lịch ổng tốt hay xấu không?

Nguyễn Hà: Việc tốt hay xấu là chuyện của các anh đối với ổng. Còn tôi được biết chính ổng là người tốt nên tôi mới kết tình liên tôn, vì cứ mỗi lần ổng đến Thánh thất Nhơn Lý của tôi đều tỏ ý thăm chung đồng đạo. Bên cạnh đó cũng có tặng quà cho người già trong đạo và người già trong xóm, đó là một nghĩa cử cao đẹp chớ có gì xấu đâu mà các anh ngăn chặn.

CA tỉnh Bình Định: Vì ông Không Tánh chống nhà nước…

Nguyễn Hà: Hễ ai mà không nghe theo nhà nước, dù người đó, việc đó có tốt mấy cũng thành xấu, mà còn gán cho họ là chống nhà nước để dễ bề kết tội họ. Còn ai nghe theo nhà nước thì dù có xấu bao nhiêu vẫn là người tốt.

Chẳng hạn như ông Phạm Xuân Thành [theo như cuộc thẩm này thì ông Thành là người được bổ nhiệm đến tiếp quản Thánh thất Phú Lâm] các anh có biết ổng tu hành như thế nào không mà xét hồ sơ đi cầu phong, cầu thăng? Cũng chính vì vậy mà làm mất giá trị tôn giáo, rồi buộc chúng tôi phải tùng theo là có nghĩa gì.

CA tỉnh Bình Định: Anh có tham gia Hội đồng Liên Tôn hay không?
Nguyễn Hà: Không.

CA tỉnh Bình Định: Bây giờ anh không tham gia Hội đồng Liên Tôn nhưng mai mốt có tham gia không?
Nguyễn Hà: Tham gia hay không là chuyện của tôi.

CA tỉnh Bình Định: Chúng tôi cho anh biết, nếu anh còn vô Phú Lâm hỗ trợ vừa rồi thì công an Phú Yên người ta làm thẳng tay thì chúng tôi không giúp được gì cho anh, chừng đó anh đừng trách chúng tôi sao không nhắc nhở.

Nguyễn Hà: Từ trước đến giờ các anh chỉ giúp cho những ai biết tùng theo sự sai khiến của các anh, còn tôi thì đâu cần các anh giúp đỡ để làm gì?

Tham vọng xóa bỏ tất cả các thánh thất Cao Đài độc lập

Thánh thất Phú Lâm là một trong những ngôi thánh thất Cao Đài đang ly khai ra khỏi Chi phái 1997. Các ngôi thánh thất độc lập này cho rằng các hội thánh đã bị nhà nước làm ảnh hưởng về cách tu hành nên họ muốn tự hoạt động độc lập.

Khi mới thành lập vào năm 1926, các tín đồ Cao Đài quy phục dưới tổ chức có tên Tòa thánh Tây Ninh, nhưng sau đó vào những năm 1930, 1940 thì đạo Cao Đài đã tách ra thành các chi phái khác nhau.

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, trụ sở của Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh. Ảnh: Vashikaran Rajendrasingh.

Sau năm 1975, đạo Cao Đài bị cấm hoạt động cho đến cuối những năm 1980. Từ năm 1995, chính quyền bắt đầu công nhận các hội thánh Cao Đài là tổ chức tôn giáo. Đến nay, có khoảng 10 tổ chức Cao Đài được công nhận tư cách pháp nhân là hội thánh. Ngoài ra còn có khoảng 20 tổ chức Cao Đài khác hoạt động hợp pháp mà không thuộc các hội thánh Cao Đài.

Trong những năm qua, các ngôi thánh thất độc lập như Thánh thất Phú Lâm đã bị chính quyền và các hội thánh buộc phải “hoàn nguyên” tức là trở về chịu sự quản lý của hội thánh mà họ từng quy phục. Mục đích của hoạt động này là nhằm kiểm soát các hoạt động tôn giáo, mà nhà nước hay gọi là “chấn chỉnh, ổn định” các hoạt động tôn giáo.

Hiện nay chưa biết chính xác các hội thánh còn có bao nhiêu thánh thất chưa chịu “hoàn nguyên”. Năm 2007, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo có 40 thánh thất chưa chịu hoàn nguyên.

Theo ông Cẩm Sinh, tín đồ Cao Đài của Tòa thánh Tây Ninh Hải Ngoại, từ năm 2013 chính quyền Việt Nam đã thực thi Nghị định 92/2012/NĐ-CP về Thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng năm 2004 đã khiến nhiều thánh thất bị cưỡng chiếm, buộc quy phục các Hội thánh Cao Đài đã được nhà nước công nhận.

Vào năm 2012, bà Nguyễn Bạch Phụng, một tín đồ Cao Đài nổi tiếng tích cực tranh đấu cho sự độc lập của các thánh thất cho biết chính quyền đã can thiệp vào nội bộ đạo Cao Đài nên đã tạo ra những cuộc xung đột nội bộ tôn giáo này.

“Sự việc [tranh chấp đã] diễn ra các nơi như Thánh thất Long Bình ở Gò Công, Thánh Thất An Ninh Tây ở tỉnh Long An, Thánh thất Phù Mỹ ở tỉnh Bình Định, Thánh Thất An Nhơn; nhà nước gây khó khăn, đi từng nhà của đồng đạo để o ép theo Hội đồng Chưởng Quản, Thánh thất Tuy Phước ở Bình Định, Thánh Thất Phú Sương ở Phú Yên…”, bà Bạch Phụng cho biết một số nơi diễn ra tranh chấp giữa các hội thánh Cao Đài và các thánh thất độc lập.

Ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của tổ chức Boat People SOS, cho biết kể từ năm 1997 chính quyền Việt Nam đã hỗ trợ Chi phái 1997 “chiếm lĩnh” khoảng 300 thánh thất Cao Đài.

Việc thi hành các huấn lệnh tiếp quản các thánh thất độc lập của các hội thánh thường gặp phải sự phản đối của các tín đồ ở thánh thất đó. Các vụ việc từ trước đến nay về việc tiếp quản các thánh thất cho thấy nếu các tín đồ thực hiện các hành động phản đối thì dễ bị công an ghép vào tội gây rối trật tự công cộng.

Tôn giáo 306 độ

Tổng kết 25 năm quản lý nhà nước đối với đạo Cao Đài

Ngày 18/9/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức hội nghị để tổng kết 25 năm quản lý nhà nước đối với đạo Cao Đài.

Dự hội nghị này có các cán bộ từ các ban ngành trung ương và các cán bộ từ 35 tỉnh có đạo Cao Đài. Tổng cộng số cán bộ tham gia hội nghị này là khoảng 200 người.

Hội nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ về 25 năm quản lý đạo Cao Đài. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính Phủ.

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết thành tựu của nhà nước trong quản lý đạo Cao Đài là cấp phép để các cơ sở đạo Cao Đài phép sửa chữa, xây dựng, các tín đồ đạo Cao Đài tích cực tham gia hoạt động từ thiện, sinh hoạt tôn giáo thuần túy, và phần lớn các chức sắc, chức việc, tín đồ đạo Cao Đài chấp hành pháp luật.

Ban Tôn giáo Chính phủ thừa nhận rằng có một bộ phận chức sắc Cao Đài đang hoạt động ly khai khỏi các hội thánh và các họ đạo đã được nhà nước công nhận, trong các hội thánh còn xảy ra mâu thuẫn, và một số hoạt động tôn giáo vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Nguyên trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nay là thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Vũ Chiến Thắng, nói rằng trong tương lai chính quyền cần hướng dẫn các hội thánh công nhận chức sắc đạo Cao Đài ở nước ngoài, tăng cường nghiên cứu về cách thức quản lý đạo Cao Đài, và phối hợp các ngành như tuyên giáo, dân vận, mặt trận, quân đội, công an để xử lý các “vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động của đạo Cao Đài”.

Huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai “xử lý” 6 người phổ biến Pháp Luân Công

Trang tin tức của UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trong thời gian gần đây huyện Cẩm Mỹ đã xử lý 6 người phổ biến Pháp Luân Công trái phép.

Trang tin này cho biết những người này thường che kín mặt và vào nhà người dân trong huyện để phổ biến Pháp Luân Công. Những người này đã bị cảnh cáo không được tiếp tục phổ biến và lôi kéo người khác tập luyện Pháp Luân Công.

Chính quyền huyện Cẩm Mỹ cho rằng Pháp Luân Công chưa được công nhận là “tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo” nên việc phổ biến Pháp Luân Công là bất hợp pháp.

Thành phố Hải Phòng trấn áp các hoạt động phổ biến Pháp Luân Công

Theo báo Công an Nhân dân, chính quyền thành phố Hải Phòng đang giám sát chặt chẽ các hội nhóm tập luyện Pháp Luân Công. Bài báo cho biết công an thành phố Hải Phòng đã xác định có hơn 10 điểm nhóm tập luyện với khoảng 160 người “hoạt động Pháp Luân Công”.

Bài báo thông tin rằng từ đầu năm 2020 đến nay, công an thành phố Hải Phòng đã xử lý 7 trường hợp liên quan đến “vận động, truyền bá trái phép Pháp luân công”.

Bạn đọc có thể xem chi tiết những trường hợp phổ biến Pháp Luân Công bị công an Việt Nam bắt giữ, xử phạt qua dữ liệu về tự do tôn giáo của chúng tôi: https://airtable.com/shrYIDdMrohUbQztF

11 năm “đấu tranh” xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai

Tháng 9/2020, UBND huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã tổng kết kết quả 11 năm chống “tà đạo Hà Mòn” từ năm 2009.

Theo kết quả tổng kết, huyện này đã truy tố 10 người theo đạo Hà Mòn về tội phá hoại chính sách đại đoàn kết. Ngoài ra, chính quyền huyện đã bắt 71 người, “vận động trình diện” 55 người lẩn trốn trong rừng, xóa bỏ 15 nhóm theo đạo Hà Mòn với 242 người tham gia.

Theo chính quyền Việt Nam, đạo Hà Mòn hoạt động ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, huyện Mang Yang chỉ là một trong những địa bàn có đạo Hà Mòn hoạt động. Chính quyền cho rằng đạo Hà Mòn là tà đạo và bị các thành viên FULRO lợi dụng nhằm chống lại nhà nước Việt Nam.

“Cuộc chiến” chống tự do tôn giáo ở Tây Nguyên đối với người Thượng của chính quyền hiện nay nhằm vào ba nhóm hoạt động tôn giáo chính là Tin Lành Đề Ga, đạo Hà Mòn và Hội thánh Tin Lành Đấng Christ.

Mục sư A Đảo được tha tù trước thời hạn

Ngày 18/9/2020, chính quyền Việt Nam đã tha tù trước thời hạn cho Mục sư A Đảo sau bốn năm thụ bản án 5 năm tù giam vì tội tổ chức vượt biên trái phép.

Báo chí nhà nước không đưa tin về việc tha tù trước thời hạn đối với mục sư A Đảo.

Mục sư A Đảo. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Ông A Đảo, 39 tuổi, là mục sư quen thuộc đối với nhiều người Thượng tị nạn ở Thái Lan. Ông bị bắt ngày 18/8/2016 sau khi trở về từ hội nghị về tôn giáo ở Đông Timor. Sau khi bị bắt, ông bị cắt hoàn toàn liên lạc với gia đình trong năm ngày. Công an Việt Nam đã buộc tội ông tổ chức đưa nhiều người Thượng vượt biên trái phép sang Thái Lan. Công an cho rằng ông đã kết hợp cùng ông A Ga là một mục sư Tin Lành và lúc ấy đang tị nạn tại Thái Lan. Ông A Đảo không nhận các cáo buộc đó của chính quyền.

Ngày 28/8/2017, TAND tỉnh Gia Lai tuyên mục sư A Đảo 5 năm tù giam vì tội tổ chức vượt biên trái phép. Tháng 1/2018, ông A Ga bị bắt cảnh sát Thái Lan bắt giữ để trục xuất về Việt Nam nhưng được nước Mỹ can thiệp, và đưa ông và gia đình định cư tại Mỹ.

Ngày này năm xưa

Tín đồ Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ bị hành hung để chiếm thánh thất vào tháng 9/2012

Tín đồ thuộc thánh thất Cao Đài độc lập đã luôn sống trong lo sợ trong nhiều năm qua dưới áp lực buộc “hoàn nguyên” của chính quyền và các hội thánh.

Vào ngày 16/9/2012, các tín đồ Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ ở tỉnh Bình Định đã tố cáo với truyền thông rằng họ đã bị các tín đồ của Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh (Chi phái 1997) dùng côn đồ tấn công họ ngay tại thánh thất của họ.

Ông Nguyễn Hữu Khanh đã tường thuật với RFA rằng có tất cả 6 tín đồ của Thánh thất Phù Mỹ bị hành hung vào ngày hôm đó.

“Bởi các đồng đạo ở đây tu theo Luật Pháp Chơn Truyền, không theo Hội Đồng Chưởng Quản – tức không theo Cao Đài “quốc doanh” , nên họ đến họ chiếm tài sản, Thánh Thất của Hội Thánh Bảo Thủ Chơn Truyền. Họ lợi dụng Hội Đồng Chưởng Quản, được chính quyền hỗ trợ, để đánh vô”, ông Khanh cho biết lý do các tín đồ ở Thánh thất Phù Mỹ bị tấn công khi ấy.

Công an địa phương đã có mặt khi xảy ra xô xát nhưng họ không can thiệp,  không tiến hành điều tra và cũng không khởi tố vụ việc này.

Tín đồ Thánh thất Phù Mỹ bị Chi phái 1997 cho người đến hành hung. Ảnh: DVOV/BPSOS.

Ông Nguyễn Hà, một tín đồ Cao Đài độc lập và tích cực bảo vệ các hội thánh độc lập, cho biết trước kia Thánh thất Phù Mỹ từng quy phục Hội đồng Chưởng Quản của Chi phái 1997, nhưng sau đó nhận thấy chi phái này bị chính quyền kiểm soát nên họ đã tách ra và phải nhận lấy hậu quả của việc tách khỏi hội thánh.
Trong vụ việc xô xát này, người phụ trách đạo Cao Đài của Ban Tôn giáo Chính phủ nói với đài RFA rằng: “Chuyện nội bộ của họ phải do họ giải quyết thôi. Nhà Nước chỉ bảo đảm an ninh trật tự để bảo đảm cho họ việc thực hiện nghi thức tôn giáo thôi mà”.

Bạn có biết

Đạo Cao Đài ở Việt Nam có nhiều hội thánh khác nhau, và nhà nước vẫn công nhận các hội thánh này

Trong các tôn giáo ở Việt Nam, đạo Cao Đài gần như được hưởng đặc quyền không phải tổ chức bộ máy tôn giáo theo kiểu “tập trung” như các tôn giáo khác.

Hiện nay đạo Cao Đài có khoảng 10 hội thánh được nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo.

Trong khi đó, đạo Hòa Hảo tồn tại các giáo hội khác nhau thì nhà nước chỉ công nhận một giáo hội. Phật giáo có hai giáo hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập vào năm 1964 và vẫn hoạt động cho đến ngày nay nhưng chính quyền chỉ công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào năm 1981.

Chẳng những chính quyền công nhận 10 hội thánh này với tư cách giáo hội tôn giáo mà còn có khoảng 20 tổ chức Cao Đài khác được hoạt động tôn giáo hợp pháp mà không cần quy phục các hội thánh như: Cao đài Thượng đế, Cao Thượng Bửu Tòa, Nam Thành Thánh Thất, Cơ quan Phổ thông giáo lý Đại đạo, Liên Hoa Cửu Cung Thiên đạo học đường, Thánh tịnh Tân Minh Quang, Thánh tịnh Huỳnh Quang Sắc, Thánh tịnh Thiên Trước, Thánh thất Bàu Sen,…

Các hội thánh, tổ chức Cao Đài này trong lịch sử đã tách ra từ các hội thánh vì họ đã không đồng ý với cách tu hành của các hội thánh. Tuy nhiên cũng tách ra từ các hội thánh do bất đồng về cách tu hành nhưng các thánh thất hiện nay lại bị nhà nước cùng với các hội thánh buộc phải trở lại các hội thánh.

Dưới đây là thông tin về các hội thánh của đạo Cao Đài đã được chính quyền Việt Nam công nhận:

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, trụ sở của Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh. Ảnh: Vashikaran Rajendrasingh.

1/10

Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh

Năm thành lập: 1926
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Tây Ninh, Đại lộ Phạm Hộ pháp, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
Năm được công nhận sau 1975: 1997
Số tín đồ: 1.510.000 (2011)

Đây là tổ chức Cao Đài được thành lập sớm nhất và lớn nhất cho đến ngày hôm nay. Các tổ chức Cao Đài sau này được tách ra từ đây do mâu thuẫn trong nội bộ của Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh trong những năm 1930, 1940.

Sau năm 1975, Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh bị xem là “tà đạo”, và vì những hoạt động chống cộng sản trong quá khứ nên phải dừng hoạt động. Đến năm 1997, chính quyền mới chính thức công nhận tổ chức này. Đến nay, các tín đồ Cao Đài độc lập gọi tổ chức này là “Cao Đài quốc doanh” nhằm ám chỉ rằng tổ chức tôn giáo này đã bị nhà nước kiểm soát hoàn toàn bộ máy.

Tòa thánh Bến Tre của Cao Đài Ban Chỉnh Đạo. Ảnh: Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.

2/10

Cao Đài Ban Chỉnh Đạo

Năm thành lập: 1934
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Bến Tre, 100c Trương Định, Phường 6, tỉnh Bến Tre.
Năm được công nhận sau 1975: 1997
Số tín đồ: 971.000 (2011)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 258 (2011)

Cao Đài Ban Chỉnh Đạo tách ra từ Tòa thánh Tây Ninh vào năm 1934, rồi tiếp tục tách ra thành Cao Đài Ban chỉnh Bến Tre và Cao đài Ban chỉnh Đô Thành. Năm 1994, hai khối này hợp nhất lại thành Cao Đài Ban Chỉnh Đạo. Nhà nước Việt Nam công nhận tổ chức này vào năm 1997.

Tòa thánh Châu Minh của Cao Đài Tiên Thiên. Ảnh: hvcd thuongtaothanh/Youtube.

3/10

Cao Đài Tiên Thiên

Năm thành lập: sau 1930
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Châu Minh, ĐT884, Tiên Thuỷ, Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Năm được công nhận sau 1975: 1995
Số tín đồ: 79.000 (2011)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 132 (2011)

Cao Đài Tiên Thiên do hai vị chức sắc là ông Lê Văn Lịch và ông Nguyễn Hữu Chính thành lập tại Mỹ Tho sau khi bị trục xuất khỏi Cao Đài Tây Ninh. Qua một thời gian biến động, năm 1963, Cao Đài Tiên Thiên chia thành tách thành hai phái là Tiên Thiên Minh Đức và Tiên Thiên Châu Minh. Đến năm 1995, hai phái này “hoàn nguyên” với tên gọi là Cao Đài Tiên Thiên và được chính quyền Việt Nam công nhận.

Tòa thánh Cao Đài Chơn Lý. Ảnh: Cao Đài Chơn Lý.

4/10

Cao Đài Chơn Lý

Năm thành lập: 1931
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Cao Đài Chơn Lý, 193 Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Năm được công nhận sau 1975: 2000
Số tín đồ năm: 7.000 (2011), 14.000 (2017)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 33 (2011)

Đây là chi phái tách ra khỏi Cao Đài Tây Ninh sớm nhất trong các chi phái. Vì bất đồng với Cao Đài Tây Ninh nên ông Nguyễn Văn Ca khi ấy giữ chức phối sư (tương đương chức tổng giám mục trong Giáo hội Công giáo) đã về Mỹ Tho để hành đạo riêng rồi lập ra Cao Đài Minh Lý Đạo, và sau đó đổi tên thành Cao Đài Minh Chơn Lý hay Cao Đài Chơn Lý vào năm 1932.

Tòa thánh Ngọc Sắc của Cao Đài Minh Chơn Đạo. Ảnh: Huỳnh Lâm.

5/10

Cao Đài Minh Chơn Đạo

Năm thành lập: 1934
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Ngọc Sắc, ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Năm được công nhận sau 1975: 1996
Số tín đồ: 30.500 (2011)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 49 (2011)

Cao Đài Minh Chơn Đạo do ông Trần Đạo Quang thành lập sau khi tách ra khỏi Cao Đài Chơn Lý do bất đồng về cách tu hành. Ông Quang đã cùng những người khác hành đạo độc lập ở Bạc Liêu rồi thành lập Cao Đài Minh Chơn Đạo vào năm 1934.

Thánh tòa Ngọc Kinh của Cao Đài Bạch Y Liên đoàn Chơn Lý. Ảnh: Cao Đài Bạch Y Liên đoàn Chơn Lý.

6/10

Cao Đài Bạch Y Liên đoàn Chơn Lý

Năm thành lập: 1936
Trụ sở hiện tại: Thánh tòa Ngọc Kinh, số 675, ấp Hòa An, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Năm được công nhận sau 1975: 1998
Số tín đồ: 4.500 (2011)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 13 (2011)

Khi nhận thấy cách thức hành đạo không còn nguyên bản nữa, một số tín đồ quy phục Cao Đài Chơn Lý đã tách ra thành lập một chi phái riêng với tên gọi là Cao Đài Bạch Y Liên đoàn Chơn Lý. Từ “Bạch Y” xuất phát từ trang phục của các chức sắc chi phái này đều là màu trắng.

Thiên Tòa Hoàng Đạo của Cao Đài Việt Nam Bình Đức. Ảnh: Cao Đài Việt Nam/Youtube.

7/10

Cao Đài Việt Nam Bình Đức

Năm thành lập: 1960 (tiền thân là Cao Đài Việt Nam)
Trụ sở hiện tại: Thiên Tòa Hoàng Đạo, ấp Chợ, Khu 4, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Năm được công nhận sau 1975: 2011
Số tín đồ: 7.000
Số thánh thất trực thuộc: 9 (2011)

Cao Đài Việt Nam là tổ chức được tách ra từ Cao Đài Chơn Lý. Ban đầu, ông Nguyễn Văn Năm cùng những người khác tách khỏi Cao Đài Chơn Lý để hành đạo riêng ở một nơi gọi là Bến Tranh rồi về xã Bình Đức cùng thuộc tỉnh Mỹ Tho để lập ra Cao Đài Việt Nam – Giáo hội Trung ương vào năm 1960. Đa số các tín đồ ở cơ sở Bến Tranh chuyển về cơ sở ở Bình Đức nên sinh ra hai tên gọi là Cao Đài Việt Nam Bến Tranh và Cao Đài Việt Nam Bình Đức. Chính quyền Việt Nam công nhận Cao Đài Việt Nam Bình Đức vào năm 2011. Cao Đài Việt Nam đã soạn kinh sách riêng cho phái của mình.

Trung Hưng Bửu Tòa của Cao Đài Truyền Giáo. Ảnh: Daderot.

8/10

Truyền giáo Cao Đài

Năm thành lập: 1939
Trụ sở hiện tại: Trung Hưng Bửu Tòa, 63 Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Năm được công nhận sau 1975: 1996
Số tín đồ: 47.000 (2011)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 124 (2011)

Phạm vi hoạt động của Truyền giáo Cao Đài chủ yếu ở miền Trung, Việt Nam. Chi phái này có tiền thân là Quyền Hội thánh Trung Kỳ được thành lập sau các nỗ lực truyền giáo của Tòa thánh Tây Ninh ra các tỉnh miền Trung. Năm 1956, sau khi khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa thì chi phái này đổi tên thành Truyền giáo Cao Đài.

Tòa thánh Trung Ương của Cao Đài Cầu Kho Tam Quan. Ảnh: Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan/Facebook.

9/10

Cao Đài Cầu Kho Tam Quan

Năm thành lập: 1937
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Trung Ương, thôn An Thái, thị Trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Năm được công nhận sau 1975: 2000
Số tín đồ: 9.000 (2011)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 33 (2011)

Cao Đài Cầu Kho Tam Quan được hình thành bởi các tín đồ bất mãn với Cao Đài Tây Ninh đã về hành đạo ở Thánh thất Cao Đài Cầu Kho tại Sài Gòn. Năm 1937, chi phái Cao Đài Cầu Kho – Hội thánh Trung Tâm Việt Quang được thành lập, tên gọi quen thuộc là Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.

Tòa thánh Long Châu của Cao Đài Chiếu Minh Long Châu. Ảnh: Thanhthatcaodai.org.

10/10

Cao Đài Chiếu Minh Long Châu

Năm thành lập: 1956
Trụ sở hiện tại: Tòa thánh Long Châu, ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Hậu Giang.
Năm được công nhận sau 1975: 1996
Số tín đồ: 5.500 (2005)
Số thánh thất, điện thờ trực thuộc: 19

Cao Đài Chiếu Minh Long Châu được thành lập bởi những tín đồ có xuất thân từ Cao Đài Chiếu Minh, một phái do ông Ngô Văn Chiêu thành lập theo phái tu hành thoát ly khỏi đời sống trần tục. Cơ cấu tổ chức của Cao Đài Chiếu Minh Long Châu gọn nhẹ hơn các chi phái khác.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.