Cấm cản tôn giáo: Đâu chính, đâu tà?

Cấm cản tôn giáo: Đâu chính, đâu tà?

“Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa nếu không kính thần minh, không thờ tiên tổ thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy là tà đạo hơn đạo nào hết.” [1]

Thoạt nghe, ta tưởng như mình là đám con dân đang chịu lời giáo huấn của giới chức chính quyền trước chuyện lùm xùm về Hội Thánh Đức Chúa Trời đang gây ồn ào dư luận mấy ngày nay.

Nhưng xin thưa quý bạn đọc, kỳ thực mấy lời lẽ trên chính là chiếu dụ của vua Minh Mạng, khi thẳng thừng cự tuyệt những nhà truyền đạo của Công giáo trong thời du nhập vào Việt Nam ta hồi thế kỷ 19.

Chính vậy, đã có một thời, ở xứ ta, Công giáo bị coi là tà đạo.

Sử sách ghi chép rằng trong hơn 20 năm trị vì, vua Minh Mạng đã cho xử trảm trên dưới 30 linh mục và hàng trăm giáo dân. [2] Thậm chí dưới triều Tự Đức, giáo dân Gia Tô (Công giáo) nào bị bắt được, bất kể người lớn trẻ con, đều bị thích hai chữ “tà đạo” lên má trái để dễ bề cai quản. [3]

Cảnh hành hình giáo sĩ Pierre Borie năm 1838 dưới thời Minh Mạng. Tranh: Wikipedia.

Nhập nhằng phân định chính tà

Đọc lịch sử Đông Tây kim cổ, phải thừa nhận rằng nước Pháp là xứ đã oằn mình gánh chịu những cuộc bức hại đức tin man rợ nhất, và cũng là quốc gia ghim giữ trong mình những ẩn ức tôn giáo nặng nề nhất.

Gần nửa thiên niên kỷ trước ở nước này, vào năm 1572, công chúa Marguerite de Valois đã được thu xếp kết hôn với chàng hoàng tử Henry de Bourbon xứ Navare, nhằm hòa giải mối xung đột giữa tín đồ hai phái Công giáo và Tin Lành Kháng Cách.

Ít ai ngờ rằng chính buổi tề tựu trong tiệc cưới đã khuấy động mối căm thù vốn đang sôi sục giữa giáo chúng hai bên. Cuộc hôn nhân bùng phát thành cơn động loạn, áng chừng có đến vài chục ngàn người Kháng Cách đã bị tàn sát ngay trên đường phố Paris.

Cuộc thảm sát người Tin Lành Kháng Cách ở Pháp vào thế kỷ 16. Tranh: Édouard Débat-Ponsan.

Cho tới thế kỷ 21, nhắc tới xung đột tôn giáo, người ta không khỏi rùng mình khi nghĩ tới cuộc tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo năm 2015 cũng ở Pháp. Những vụ giết chóc đẫm máu làm dấy lên nỗi sợ tới mức mà, mới hồi hai năm trước, giới chức một vài thành phố duyên hải nước Pháp còn han hành một lệnh (nghe có vẻ trào phúng) rằng phụ nữ Hồi giáo bị cấm mặc đồ bơi burkini ra biển “vì lý do an ninh”.

Bởi khởi thủy từ bao trận cãi vã tôn giáo chính tà như vậy (ai cũng cho mình là chính và phe còn lại là tà), mà nước Pháp trở thành cái nôi cho những cuộc bút chiến về tự do tôn giáo.

Trong lá thư số Sáu trích từ tuyển tập Những lá thư triết học được viết lúc đang bị đày ở Anh, triết gia người Pháp Voltaire quan sát xã hội đương thời mà tuyên bố rằng: “Nếu chỉ có một tôn giáo, nó sẽ có nguy cơ biến thành bạo ngược; nếu có hai tôn giáo, họ sẽ cắt cổ họng nhau; nhưng khi có ba mươi tôn giáo, người ta sẽ sống hạnh phúc bên nhau trong hòa bình.”

Nói vậy chẳng khác nào chọc giận hai kẻ hùm beo dữ tợn nhất: chính quyền và “chính đạo”.

Thời của Voltaire vào thế kỷ 18, các nhà nước Âu châu hãy còn gắn kết mật thiết với giáo hội. Công giáo là tôn giáo thống lãnh các quốc gia. Theo đó, các chính quyền đồng nhất người dân vào trong một đức tin chung như một chất keo gắn kết nhằm tạo dựng xã hội hài hòa.

Bởi tấn công kiểu áp đặt tôn giáo của chính quyền hiện thời, thành thử sách của Voltaire bị tịch thu hết thảy rồi đem ra trước tòa án đốt sạch.

Vậy ra, trong khi các vua triều Nguyễn nước ta liệt Công giáo vào hạng tà đạo, thì tôn giáo này lại được các nước phương Tây tôn thành chính đạo!

Cũng là con người cả, cũng ở cùng một thời điểm đấy, thứ gì làm cho một tôn giáo thành chính, mà thứ gì khiến nó thành tà? Quan trọng hơn nữa: Ai là kẻ có thẩm quyền phân minh đâu tà đâu chính?

Triết gia người pháp Voltaire (1694-1778). Tranh: Catherine Lusurier.

Tinh thần tự do tôn giáo

Nhắc tới hai vị triết gia thời Khai Sáng bên châu Âu là Thomas Hobbes (1588 – 1679) và John Locke (1632 – 1704), hẳn là ta chưa lúc nào thấy họ đồng tình với nhau được chuyện gì.

Kể cả trong vấn đề tôn giáo cũng vậy.

Trong cuốn Thủy quái Leviathan, Hobbes nêu rõ quan điểm hà khắc của mình. Ông cho rằng cá nhân chỉ nên được phép giữ niềm tin tôn giáo của riêng họ, chừng nào tôn giáo ấy còn thuận theo nhà nước. Tính đồng nhất về niềm tin tôn giáo, theo Hobbes, là chìa khóa để giữ gìn trật tự xã hội, là cốt lõi của một xã hội dân sự hoàn hảo.

Phản bác Hobbes bằng cuốn Một lá thư về lòng khoan dung, Locke khẳng định rằng tình trạng bất ổn trước nay đều do giới chức chính quyền cấm cản việc thực hành các tôn giáo khác, chứ nào phải là do các tôn giáo bỗng dưng xung đột.

Theo Locke, chính quyền được thành lập nhằm thúc đẩy những lợi ích bên ngoài của người dân, như là bảo vệ tự do, chăm sóc phúc lợi, trong khi giáo hội tồn tại để chăm lo cho đời sống nội tâm, như là cứu chuộc về mặt tinh thần. Mỗi bên có một chức năng riêng, không thể nào lấy bạo lực để mà áp đặt việc thực hành tôn giáo.

Locke coi việc chính quyền chăm bẵm cho đời sống tinh thần người dân không chỉ là một điều ngớ ngẩn, mà còn phi chính danh, vì Thượng Đế không hề chỉ định họ làm chuyện này.

Trong một lần ghé thăm nước Pháp năm 1676, Locke còn chỉ ra, cái thái độ khăng khăng của những người Công giáo rằng “đức tin không thể nằm trong tay những kẻ tà giáo” chính là sự bất dung đã dẫn tới cuộc thảm sát những người Kháng Cách năm xưa.

Đến nỗi, trong Những lá thư Ba Tư, triết gia người Pháp Montesquieu cũng mỉa mai rằng “không có vương quốc nào có nhiều cuộc nội chiến bằng vương quốc của Chúa”.

Chân dung Vua Henry IV Đại đế (1553-1610) nước Pháp. Tranh Palatine Gallery/DeAgostini/Getty Images.

Chàng hoàng tử Kháng Cách trong tiệc cưới năm nào đã lên ngôi vua, Henry IV Đại đế, vào năm 1589. Ông cải đạo sang Công giáo với câu nói trứ danh rằng “Paris xứng đáng cho một lễ Misa” nhằm được lòng số đông dân chúng, song vào năm 1598 ông cũng ban hành Sắc lệnh Nantes về quyền tự do dân sự cho các tôn giáo khác.

Đó là một trong những bước đầu tiên mở màn cho tinh thần khoan dung tôn giáo ở Tây phương, về sau được tiếp nối bởi sắc lệnh Potsdam năm 1685 dưới thời thống soái Friedrich Wilhelm I (1620 – 1688).

Kinh qua nhiều bài học lịch sử đẫm máu như vậy, đồng thời trải qua những cuộc luận chiến tư tưởng mà phần thắng luôn nghiêng về phía những triết gia theo khuynh hướng tự do như Locke, như Voltaire, dần dà các nhà nước tôn giáo đã chuyển mình thành nhà nước thế tục.

Giờ đây, nhà nước tách rời với giáo hội, theo đúng lời của John Locke, mỗi bên tự gánh lấy phận sự của riêng mình.

Và như vậy, chính quyền ở các nước văn minh hầu như không còn can thiệp vào đức tin của người dân nữa.

Giới hạn của tự do không cấu thành nhà nước gia trưởng

Tất nhiên, sự tự do thực hành tôn giáo buộc phải có giới hạn của nó.

Với tư cách một con người với đầy đủ các quyền và phẩm giá, hẳn ai trong chúng ta cũng không thể chấp nhận được một tôn giáo hiến tế trẻ em cho thánh thần.

Ta cũng khó lòng chấp nhận một giáo phái lọc lừa và giả trá.

Và đôi khi có những tôn giáo chỉ đơn thuần khiến ta thấy… khó ưa.

Vậy chính quyền được phép can thiệp trong phạm vi nào và ở chừng mực nào? Ranh giới này luôn gây tranh cãi và hàm chứa những điều bất dung. Song, một lần nữa, chúng ta có thể tạm trích dẫn lời của John Locke trong cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền, rằng chính quyền phải “không hướng đến mục đích nào khác ngoài hòa bình, an ninh và sự tốt lành chung của mọi người”.

Chân dung triết gia người Anh John Locke (1632-1704). Tranh: Sir Godfrey Kneller/Culture Club/Getty Images.

Trong thời hiện đại, các nhà nước pháp quyền thu gọn vai trò của mình thông qua Hiến pháp. Chẳng hạn, điều 24 Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi rằng “nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” song không ai được “lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Như vậy, đối với việc xác định việc thực hành một tôn giáo có phạm pháp hay không, thẩm quyền kết luận phải thuộc về một tòa án độc lập chứ không phải là những tờ báo. Và quy trình này buộc phải tuân theo những thủ tục pháp lý nghiêm ngặt, thay vì dựa trên cơn giận dữ nhất thời của cộng đồng.

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, sẽ không bao giờ có chỗ cho một chính quyền o bế cảm xúc của người dân. Và càng không có chỗ cho một nhà nước gia trưởng, nơi chính quyền coi các công dân trưởng thành như những đứa trẻ cần được giáo huấn.

Khoan dung tôn giáo

Cảm giác xung khắc trước cái mới, cái khác biệt với mình, là một lẽ tất yếu. Điều đó lại càng dễ xảy ra khi con người quen sống trong một xã hội thuần nhất, chịu nhiều kềm tỏa về mặt tinh thần.

Đó là khi những người Công giáo Paris đã sục sôi săn đuổi khi thấy hàng ngàn giáo dân Tin Lành kéo về thành phố vốn đang yên ổn.

Và nó cũng thể hiện trong thái độ nửa e dè nửa kinh sợ của vua quan triều Nguyễn, trước cảnh các giáo sỹ Tây phương nườm nượp theo những con thuyền của Công ty Đông Ấn mà du nhập vào Việt Nam, mang theo những lời truyền đạo về một vị Chúa lạ lùng.

Năm 1763, triết gia Voltaire xuất bản cuốn Luận về khoan dung, đúc kết lại những quan sát thực trạng xã hội trong suốt cuộc đời mình.

Voltaire nghiệm thấy rằng quá trình áp đặt các giá trị đồng nhất chỉ dẫn đến xung đột và chiến tranh tôn giáo. Kết quả là nó tạo ra một xã hội trì trệ về mặt trí tuệ và suy đồi về mặt đạo đức, bởi người ta đã đàn áp hết thảy mọi hoài nghi và ý kiến bất đồng. Hành động ấy đã tiêu diệt sự đa dạng và tự do, vốn là nền tảng cho một xã hội hòa bình và thịnh vượng.

Dưới triều Nguyễn, chỉ có vua Gia Long không bức hại Công giáo. Mặc dầu cho rằng “địa ngục, thiên đàng của luận thuyết Thiên chúa giáo là sự dị đoan chỉ làm mê hoặc, quyến rũ những người thiếu hiểu biết”, song vua Gia Long vẫn không ban hành một chiếu dụ cấm đoán nào, bởi “người theo Thiên chúa giáo cũng là công dân, nếu họ không tin tưởng vào thờ cúng tổ tiên và các thần linh thì cũng không nên cấm đoán họ.” [4]

Tinh thần khoan dung tôn giáo ấy, cho tới ngày nay, vẫn còn vẹn nguyên giá trị và đáng được xiển dương.

Chú thích:

  1. Quốc Sử quán triều Nguyễn; 1960; Đại Nam thực lục chính biên; Tập XI; NXB Khoa học; trang 235.
  2. Xem thêm Đỗ Bang; Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo; Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010.
  3. Sắc lệnh “Phân tháp giáo dân” của vua Tự Đức ban hành tháng 7 năm 1861, khoản 5 có ghi: “Trước khi đưa đi, tất cả giáo dân đàn ông, đàn bà, trẻ con đều phải thích chữ vào mặt: Ở má trái là hai chữ tà đạo, ở má phải là tên tổng, huyện gửi tới, để chúng không thể chạy trốn.”
  4. Nguyễn Văn Kiệm; 2001; Sự du nhập của Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX; Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; trang 198. Phan Phát Huồn; 1958; Việt Nam giáo sử; tập I; Sài Gòn; trang 191.

Tài liệu tham khảo:

  1. Geoffrey Adams; 1991; The Huguenots and French Opinion; Wilfrid Laurier University Press.
  2. David Garrioch; 2014; The Huguenots of Paris and the Coming of Religious Freedom, 1685-1789; Cambridge University Press.
  3. John Locke; 1689; A Letter Concerning Toleration.
  4. Voltaire; 1733; Philosophical Letters.
  5. Voltaire; 1763; Treatise on Tolerance.
  6. Đỗ Bang; Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo; Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010.
  7. Nguyễn Hải; 1968; Việt Nam và các Đông Ấn công ty; Tập san sử địa số 11; Viện Đại học Sài Gòn; Nhà sách Khai Trí.
  8. Quốc Sử quán triều Nguyễn; 1960; Đại Nam thực lục chính biên; Tập XI; NXB Khoa học.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.