Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Không phải để bảo vệ đảng và triệt tiêu tự do ngôn luận.
Đối với người Việt, “thanh kiếm và lá chắn” là một cụm từ quen thuộc mỗi khi nhắc đến lực lượng vũ trang và đảng.
Các lực lượng vũ trang, bao gồm quân đội và công an, được ví như thanh gươm và lá chắn để bảo vệ sự tồn vong của đảng, và từ đó là sự sống còn của chế độ.
Tư tưởng này được các thể chế độc tài chia sẻ xuyên suốt trong nhiều thập niên qua, và bạn sẽ khó thấy nó xuất hiện ở các mô hình dân chủ. [1]
Nhưng ở Mỹ, trong những năm gần đây, một “thanh kiếm và lá chắn” khác lại đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đó là cách người ta gọi tên “Section 230” (Mục 230), một đạo luật ra đời cách đây gần 30 năm. [2]
Đạo luật có vai trò quan trọng tới mức nhiều người tin rằng nó là thứ tạo nên thế giới Internet ngày nay.
Hay như tác giả Jeff Kosseff, [3] một giáo sư luật về an ninh mạng tại Đại học Hải quân Hoa Kỳ, đặt tiêu đề cho quyển sách của mình, đó là “The Twenty-Six Words That Created the Internet” (Hai mươi sáu từ đã tạo nên Internet). [4]
Hai mươi sáu từ mà tác giả nói đến là phần (c)(1) của Mục 230, trong đó quy định “không có đơn vị cung cấp hay sử dụng dịch vụ vi tính tương tác nào có thể bị xem như đơn vị xuất bản hay phát ngôn của bất kỳ thông tin nào do bên cung cấp nội dung thông tin tạo ra”. [5]
Điều luật này được diễn giải ra là các doanh nghiệp và những người sử dụng Internet không phải chịu trách nhiệm cho nội dung của bên thứ ba tạo ra trên nền tảng của mình.
Đây được ví như lá chắn pháp lý bảo vệ các công ty công nghệ vào thời kỳ Internet chỉ mới manh nha phát triển.
Vào lúc đạo luật được đề xuất, năm 1995, số lượng người dùng Internet trên toàn thế giới chỉ xấp xỉ 1/3 dân số của Việt Nam vào thời điểm hiện tại. [6] Google và Facebook đều chưa ra đời. Amazon mới chỉ là cửa hàng bán sách trên mạng, còn Microsoft vừa chập chững làm những trang web đầu tiên. [7] [8]
Lý do cho sự ra đời của Mục 230 đến từ các vụ kiện tụng nhắm đến những công ty công nghệ non trẻ vào thời điểm trên. Nổi bật trong đó là vụ một công ty tài chính kiện Prodigy vì nội dung của người dùng đăng tải trên diễn đàn của công ty này.
Tòa án kết luận Prodigy phải chịu trách nhiệm cho phát ngôn của người dùng trên diễn đàn của mình. [9]
Phán quyết này khiến giới công nghệ khi đó hoang mang. Để tránh hậu quả pháp lý, hoặc là các công ty Internet phải kiểm duyệt toàn bộ nội dung của người dùng trước khi đăng tải, hoặc là để an toàn, họ không cho người dùng đăng bất cứ thứ gì trên nền tảng của mình.
Ngành công nghiệp Internet có nguy cơ bị bẻ cánh trước khi kịp biết bay.
Mục 230, với tên gọi ban đầu là “Internet Freedom and Family Empowerment Act” (Đạo luật Tự do Internet và Tự chủ gia đình), được ra đời với mục tiêu bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ này. [10]
Ngoài lá chắn pháp lý giúp các công ty công nghệ không lo bị kiện vì các nội dung của người dùng đăng tải, đạo luật còn cung cấp “thanh kiếm”: trao quyền cho các nền tảng Internet chủ động kiểm soát nội dung của người dùng, loại bỏ các nội dung độc hại.
Nhờ thanh gươm và lá chắn này, thế giới Internet cất cánh với sự bùng nổ của hàng loạt công ty công nghệ.
Google có thể giới thiệu hàng tỷ trang web trên hệ thống tìm kiếm của mình. Facebook có thể cho phép hàng tỷ người dùng đăng nội dung lên mạng xã hội. Amazon có thể cung cấp hàng triệu sản phẩm đi kèm với đánh giá của người sử dụng để khách hàng tham khảo.
Những điều trên sẽ không thể thành hiện thực nếu ngay từ thời điểm ban đầu, các công ty trên phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện tụng vì tất cả những nội dung mà người dùng đăng tải trên nền tảng của họ.
Cuốn sách của Jeff Kosseff là một biên niên sử chi tiết về sự ra đời của Mục 230.
Nhưng tác giả không chỉ bắt đầu từ thời điểm đạo luật được biên soạn. Kosseff truy nguồn của nó từ giữa thế kỷ 20, với các án lệ xác lập ảnh hưởng sâu rộng đến tận thời điểm này.
Đó là vụ kiện của một tổ chức dân sự nhắm đến một đài phát thanh và truyền hình vì đã phát sóng diễn văn gây tranh cãi của một ứng viên thượng nghị sĩ (Farmers Educ. & Co-op. Union v. WDAY), [11] và vụ một chủ nhà sách kháng cáo vì bị chính quyền phạt với tội bán một quyển sách bị cho là có nội dung khiêu dâm (Smith v. California). [12] Điểm đặc biệt của các vụ kiện này là những đơn vị trung gian (intermediaries) bị buộc phải chịu trách nhiệm cho ngôn luận của các đối tượng phát ngôn.
Các phân tích chi tiết của tác giả về quá trình ra phán quyết giúp người đọc hiểu về vai trò đặc biệt của quyền tự do ngôn luận đối với người Mỹ.
Ngay cả khi ai cũng đồng tình rằng những phát ngôn của ứng viên thượng nghị sĩ trên phần lớn là phỉ báng vô căn cứ, và khi ngay chính các thẩm phán cũng chỉ trích quyển sách có nội dung khiêu dâm (và than phiền vì họ phải đọc tới mấy lần một thứ độc hại như vậy để xử kiện), các phán quyết vẫn được đưa ra theo hướng bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Đối với người Mỹ, tự do ngôn luận là nền tảng cho xã hội mà họ xây dựng, và những thứ hữu ích nó mang đến vượt xa những mặt trái mà nó gây ra.
Quyền này vì thế được xem là một ngoại lệ đặc biệt, như đã ghi trong Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. [13]
Khi Internet ra đời, người Mỹ nhận ra đây là thứ công cụ vô tiền khoáng hậu để khuếch trương quyền tự do biểu đạt, chia sẻ và học hỏi trong một không gian thông tin vô tận. Một cách tự nhiên, Internet từ đó cũng được xem là ngoại lệ.
Mục 230 được ra đời và xác lập cơ sở pháp lý cho ngoại lệ Internet (Internet exceptionalism).
Nhờ vậy, không gian ngôn luận của người Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung được mở rộng đến mức không ai có thể tưởng tượng.
Hiển nhiên, mọi thứ đều có mặt trái.
Vào thời điểm Mục 230 được thông qua, khó ai hình dung được Internet và công nghệ sẽ phát triển đến mức nào. Sự tập trung quyền lực quá lớn vào tay một số công ty công nghệ và tác động khuynh đảo của những nội dung độc hại trên mạng xã hội khiến ngày càng nhiều người lên tiếng về việc phải điều chỉnh, thậm chí loại bỏ “thanh kiếm và lá chắn” cho các nền tảng công nghệ.
Tác giả Jeff Kosseff thừa nhận rằng trong quá trình tìm hiểu về những vụ kiện tụng liên quan đến các công ty công nghệ, từ một người rất nhiệt thành với đạo luật bảo vệ Internet, ông cũng bắt đầu trăn trở suy nghĩ về cách thức thay đổi để giảm bớt các thiệt hại gây ra trên thế giới mạng.
Đó là suy nghĩ chung của nhiều người Mỹ.
Cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao nước này lần đầu tiên đã thụ lý hai vụ kiện có khả năng làm lung lay các nền tảng pháp lý bảo vệ các công ty công nghệ. [14]
Nhưng dù kết quả thế nào, có thể tin rằng bằng cách này hay cách khác, người Mỹ rồi cũng sẽ tìm được sự đồng thuận để dựng nên “thanh kiếm và lá chắn” mới nhằm tiếp tục bảo vệ quyền tự do ngôn luận, cả ngoài đời lẫn trên mạng.
Vì đối với họ, đó mới là thứ quyết định sự sống còn.
Bạn có thể mua quyển “The Twenty-Six Words That Created the Internet” tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Jason Nguyen. (2023, January 24). The Sword and Shield of the Party: How the Stasi Helped Build Vietnam’s Public Security Forces. The Vietnamese Magazine. https://www.thevietnamese.org/2023/01/the-sword-and-shield-of-the-party-how-the-stasi-helped-build-vietnams-public-security-forces/
2. Morrison, S. (2023, February 23). What is Section 230? The internet free speech law before the Supreme Court, explained. Vox. https://www.vox.com/recode/2020/5/28/21273241/section-230-explained-supreme-court-social-media
3. Jeff Kosseff. (n.d.). https://www.usna.edu/CyberCenter/People/Biographies/Kosseffbio.php
4. Amazon.com: The Twenty-Six Words That Created the Internet: 9781501714412: Kosseff, Jeff: Books. (n.d.). https://www.amazon.com/Twenty-Six-Words-That-Created-Internet/dp/1501714414
5. 47 U.S. Code § 230 - Protection for private blocking and screening of offensive material. (n.d.). LII / Legal Information Institute. https://www.law.cornell.edu/uscode/text/47/230
6. Reporter, G. S. (2022, November 29). From the archive, 19 May 1994: World wide web is the road to knowledge. The Guardian. https://www.theguardian.com/technology/2015/may/19/internet-world-wide-web-1994-archive
7. Hall, M. (2023, March 20). Amazon.com | History & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Amazoncom
8. Kooser, A. (2014, August 8). Nostalgia alert: Microsoft rebuilds original 1994 home page. CNET. https://www.cnet.com/culture/nostalgia-alert-microsoft-rebuilds-original-1994-home-page/
9. Stratton Oakmont, Inc. v. Prodigy Services Co. (n.d.). https://h2o.law.harvard.edu/cases/4540
10. H.R.1978 - 104th congress (1995-1996): Internet freedom and family ... (n.d.). Retrieved March 9, 2023, from https://www.congress.gov/bill/104th-congress/house-bill/1978
11. Farmers Educ. & Co-op. Union v. WDAY, Inc., 360 U.S. 525 (1959). (n.d.). Justia Law. https://supreme.justia.com/cases/federal/us/360/525/
12. Smith v. California, 361 U.S. 147 (1959). (n.d.). Justia Law. https://supreme.justia.com/cases/federal/us/361/147/
13. First Amendment. (n.d.). LII / Legal Information Institute. https://www.law.cornell.edu/constitution/first_amendment
14. Millhiser, I. (2023, February 21). In Gonzalez v. Google, the Supreme Court appears worried it could break the internet. Vox. https://www.vox.com/politics/2023/2/21/23608851/supreme-court-gonzalez-google-section-230-internet-twitter-facebook