Vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh không trở về Việt Nam sau gần 40 năm?

Chính quyền luôn nghi kỵ và không khoan dung.

Vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh không trở về Việt Nam sau gần 40 năm?
Chân dung Thích Nhất Hạnh chụp vào năm 2002. Ảnh: Cyrus McCrimmon/ Getty Images.

Năm 1997, chính quyền Việt Nam nhận được thư từ các chính trị gia trên thế giới gửi đến. Những bức thư này nhằm vận động để một nhà sư người Việt trở về quê hương của mình.

Vào lúc đó, nhà sư ấy đã giảng dạy Phật giáo ở hơn 30 quốc gia, đến đâu ông cũng được chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, ông lại bị chính quốc gia của mình từ chối. Pháp danh của ông là Thích Nhất Hạnh.

Phải mất đến tám năm sau, tức năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn của mình mới được phép trở về Việt Nam.

Vì sao một nhà sư bị cho là thân Việt Cộng lại bị chính quyền cộng sản cấm trở về quê hương trong nhiều thập kỷ?

Ra đi không có ngày về

Năm 1966, khối Ấn Quang, bao gồm các nhà sư có xu hướng đấu tranh chính trị, đã cử Thượng tọa Thích Nhất Hạnh sang Mỹ để kêu gọi Mỹ ngừng chiến. Khối Ấn Quang nổi tiếng với việc phản đối chính sách chống cộng của chính quyền miền Nam và kêu gọi tiến tới hòa bình đối với miền Bắc. [1]

Ông viết trong một cuốn hồi ký về chuyến đi này: “[...] tôi quyết định đi sang các nước Tây phương để nói cho thế giới biết những đau khổ của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.” [2]

Chỉ một năm sau, mục sư Martin Luther King đã đề cử Thích Nhất Hạnh cho Giải Nobel Hòa bình. Dù ông không được xướng tên nhưng đề cử đã giúp cho ông càng thêm rạng danh.

Từ đây, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấm ông trở về nước. Sau ngày 30/4/1975, khi đất nước thống nhất dưới chế độ cộng sản, Thích Nhất Hạnh vẫn không được phép trở về Việt Nam.

Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em tập đọc bằng một bài hát về Quán Thế Âm Bồ Tát, năm 1960. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism.

Bị cho là “biệt kích văn hóa”

Sau ngày chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, xã hội miền Nam trở nên tăm tối còn hơn bóng đêm. Chính quyền mới đã thủ tiêu toàn bộ nền kinh tế thị trường, kiểm soát nghiêm ngặt hầu hết các lĩnh vực, trong đó có ngành xuất bản.

Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo của miền Nam lâm vào cảnh khốn khó. Họ không được phép sáng tác và xuất bản, không có nguồn thu nhập, hồi hộp chờ ngày chính quyền mới đến bắt và nhốt họ vào nhà tù.

Trước năm 1975, ở miền Nam, ngoài vai trò là nhà sư, Thích Nhất Hạnh còn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Ông là người sáng lập nhà xuất bản Lá Bối. Năm 1979, người quản lý của nhà xuất bản này phải vượt biên sang Mỹ. [3]

Cho đến những năm 1980, cái tên Thích Nhất Hạnh vẫn bị các nhà văn của chính quyền khẳng định là một trong những tên “biệt kích văn hóa” hay “biệt kích cầm bút”. Danh sách này bao gồm nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Nhã Ca, v.v.

Trong cuốn sách “Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa - tư tưởng” xuất bản năm 1980, các tác giả (có Trần Văn Giàu) khẳng định tư tưởng, văn chương của Thích Nhất Hạnh cố tình chống Mặt trận Giải phóng, chống chủ nghĩa cộng sản, gây nguy hiểm cho kháng chiến, cản trở người dân đánh đuổi giặc Mỹ. [4] Dưới đây là một vài đoạn trích:

Nhưng có một cái cố chấp tai hại nhất trong mười mấy quyển sách của Nhất Hạnh và trong tư tưởng của một số người khác, ấy là tư tưởng chống kháng chiến, chống cộng sản.

Bản thân Thích Nhất Hạnh nhiều lần thừa nhận rằng nếu giáo hội Phật giáo không cố đi vào nông thôn làng mạc… thì nông dân sẽ theo Mặt trận Giải phóng hết.

Còn riêng cá nhân Nhất Hạnh thì các nhà phê bình tư tưởng chắc khỏi phải “đánh nhời” bởi vì sự tất yếu của thời cuộc và cái lô-gic của ý thức, như một nghiệp chướng của Nhất Hạnh tạo ra, sẽ đưa ông ta đến chỗ không còn là một Phật tử chân chính nữa. Tập thể Phật tử bây giờ mà mất Nhất Hạnh thì cũng như không mất gì. Nếu có mất thì chủ nghĩa thực dân mới mất một nhà sư “biết” đem giáo lý của nhà Phật làm lợi cho chủ nghĩa thực dân - biểu tượng của cái ác.

Trong một cuốn sách khác, Thích Nhất Hạnh được cho là: “[...] sát ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chạy theo chủ ra nước ngoài, vẫn không từ bỏ con đường cũ, cùng một số tên khác tổ chức những hoạt động, nhằm kích động, xúi giục người di tản bất hợp pháp, hòng gây thêm tình trạng khó khăn cho cách mạng.” [5]

Vào năm 1976, Thích Nhất Hạnh càng khó trở về nước hơn nữa vì ông và phụ tá là bà Cao Ngọc Phượng (sư cô Chân Không) đã tham gia cứu dòng thuyền nhân đầu tiên chạy khỏi Việt Nam. Khi đó, ông đã vận động thành công các đại biểu trong Hội nghị Á châu về Tôn giáo và Hòa bình được tổ chức tại Singapore đồng ý giúp đỡ thuyền nhân. Một dự án cứu vớt thuyền nhân đã được Hội đồng Tôn giáo Thế giới thành lập, và Thích Nhất Hạnh là giám đốc điều hành. [6] Một năm sau, vì nhiều mâu thuẫn, Thích Nhất Hạnh bị loại khỏi dự án này. [7]

Thích Nhất Hạnh cùng mục sư Martin Luther King trong một cuộc họp báo về chiến tranh Việt Nam ở Chicago, ngày 31/5/1966. Ảnh: Edward Kitch/AP.

Gian nan hành trình trở về

Năm 1982, sau khi thành lập Làng Mai, một trung tâm thực hành thiền Phật giáo tại miền Tây Nam nước Pháp, Thích Nhất Hạnh tập trung vào việc phát triển thực hành chánh niệm, và đem thực hành này đến gần hơn với công chúng phương Tây.

Cuối thập niên 1980, ông trở nên nổi tiếng về việc thực hành chánh niệm ở cả Mỹ và châu Âu. [8] Dưới vai trò là thiền sư, ông giúp mọi người tự xây dựng khả năng xoa dịu nỗi đau khổ của chính mình. Đồng thời, ông cũng lãnh đạo và phát triển tăng đoàn ngày càng hùng hậu.

Năm 1997, ông bắt đầu một cuộc vận động để được trở về quê nhà. Cuộc vận động này đã thu hút các chính trị gia nhiều nước gửi thư đến chính quyền Việt Nam kêu gọi cho ông được hồi hương. [9] Đây cũng là lúc Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam được hai năm.

Tuy nhiên, nỗ lực vận động âm thầm trong suốt khoảng thời gian này không mang lại kết quả như ý. Chính quyền nói rằng ông chỉ có thể trở về Việt Nam dưới danh nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vốn là tổ chức do nhà nước lập ra để kiểm soát Phật giáo vào năm 1981. [10]

Năm 1999, ông và tăng đoàn được chính thức mời đến giảng dạy ở nhiều nơi khác nhau tại Trung Quốc, đồng thời sách của ông được chính quyền Bắc Kinh cho phép xuất bản. [11] Vào lúc này, mặc dù sách của ông đã xuất bản hơn một triệu bản ở nước ngoài, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn cấm phổ biến sách và băng đĩa giảng dạy về Phật giáo của ông.

Tận dụng thành công từ chuyến đi Trung Quốc, cuối năm 1999, thiền sư Thích Nhất Hạnh, lúc này đã 73 tuổi, công khai trên báo chí quốc tế về việc ông yêu cầu chính quyền Việt Nam cho ông trở về quê hương. [12]

“Người dân trong nước không còn niềm tin nào cả”, ông nói với The Los Angeles Times về tình hình Việt Nam, đồng thời chất vấn rằng: “[...] tình hình kinh tế rất bi đát và xã hội ngày càng bệnh hoạn. Làm thế nào đất nước có cơ hội thành công nếu họ [chính quyền] không cho phép dựng lại đời sống tâm linh của người dân?” [13]

Ông khẳng định, đối với ông, việc có trở về Việt Nam hay không thì cũng không ảnh hưởng đến mình, chỉ có điều là người dân Việt Nam cần sự hiện diện của ông để đáp ứng nhu cầu rất lớn về tâm linh. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không được chính quyền Việt Nam đáp ứng.

Cho đến năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh mới được phép trở về Việt Nam theo cách mà ông mong muốn. Vào lúc này, chính quyền đang rất cần cải thiện tình hình tự do tôn giáo trước quốc tế. Sau chuyến đi về nước của ông, Mỹ đã cho phép Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Một số sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng được cấp phép xuất bản. [14]

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Từ Hiếu (Huế), năm 2005. Ảnh: Paul Davis/ Touching Peace Photography.

Trong lần đầu tiên trở về Việt Nam, trước sự phản đối của cộng đồng người Việt ở hải ngoại và các nhà sư độc lập trong nước, ông tuyên bố rằng: “Cách của tôi không phải tranh đấu, dọa nạt hay trừng phạt. Chúng tôi không xem bên nào là kẻ thù cả, kẻ thù là những nhận thức sai lầm, sự thù hằn, sự bạo lực. Cộng sản hay chống cộng, từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay các giáo hội khác, chúng tôi đều chấp nhận cả.” [15]

Cuộc trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã góp phần giúp Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo trong mắt cộng đồng quốc tế, mang lại một số lợi ích đáng kể khác. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, ông và các thiền sinh của mình bị đuổi khỏi Việt Nam vì vụ việc ở chùa Bát Nhã năm 2009.

Cách ứng xử của chính quyền là hoàn toàn thống nhất với thái độ chính trị của họ đối với Thích Nhất Hạnh và các nhà sư khối Ấn Quang ngay sau ngày Sài Gòn sụp đổ.

Dù các nhà sư nói trên được cho là thân Việt Cộng nhưng Thích Nhất Hạnh lại bị cấm về nước sau 30/4/1975 và chặng đường hồi hương bị cản trở, kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay cả người đứng đầu khối Ấn Quang là nhà sư Thích Trí Quang cũng không được trọng vọng.

Có lẽ, trong mắt chính quyền, Thích Nhất Hạnh và các nhà sư khối này dù có làm gì trước ngày hòa bình cũng không quan trọng bằng việc chính quyền có quan điểm như thế nào về họ hoặc họ có mang lại lợi ích đáng kể nào cho chính quyền hay không? Và một khi bị cho là đụng chạm đến nguyên tắc cốt lõi của chế độ thì chính quyền không lựa chọn thái độ khoan dung, dù đó có là nhà tu hành được thế giới trọng vọng đi nữa.

Làng Mai và ba rắc rối khi hoạt động tại Việt Nam
Làng Mai sẽ được hoạt động độc lập hay trở thành cánh tay nối dài khác của chính quyền?
Chánh trị Thích Nhất Hạnh – phản biện bài “Thích Nhất Hạnh: Chánh niệm hay Chánh trị”
Chánh niệm không phải là phi chánh trị.

Chú thích

1. Hoa sen trong biển lửa: Cuốn sách tiếng Anh đầu tiên của thiền sư Thích Nhất Hạnh. (2022, January 25). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/01/hoa-sen-trong-bien-lua-cuon-sach-tieng-anh-dau-tien-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/

2. Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. (2022, January 22). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/

3. Thầy Từ Mẫn và, nhà xuất bản Lá Bối. . .. (2020, August 9). Du Tử Lê. https://dutule.com/a9326/thay-tu-man-va-nha-xuat-ban-la-boi-

4. Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa - tư tưởng: Vol. Tập 1. (1980). Nhà xuất bản Văn hóa.

5. Hòa giải văn hóa. (2021, May 30). Tuan V.Nguyen. https://nguyenvantuan.info/2021/05/30/hoa-giai-van-hoa/

6. Chương 17: Thuyền nhân. (n.d.). Làng Mai. https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/tap-truyen/buoc-chan-ho-niem-hoi-tho-tu-bi/chuong-17-thuyen-nhan/

7. Refugees From Indochina Find Only Further Despair. (1977, June 17). The New York Times. https://www.nytimes.com/1977/06/17/archives/refugees-from-indochina-find-only-further-despair.html

8. Peace meets West. (1987, August 20). LA Weekly. https://www.newspapers.com/image/579021734/?terms=Thich%20Nhat%20Hanh&match=1

9. Lá thư Làng Mai số 28. (2005, January 3). Làng Mai. https://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai28-2005.pdf

10. Zen Master’s Quest for Home. (1999, September 11). The Los Angeles Times. https://www.newspapers.com/image/161455740/?terms=Thich%20Nhat%20Hanh%2C%20religious%20freedom&match=1

11. Thich Nhat Hanh: Extended Biography. (n.d.). Plum Village. https://plumvillage.org/thich-nhat-hanh/biography/thich-nhat-hanh-full-biography/ https://www.amazon.com/Stepping-into-Freedom-Introduction-Buddhist/dp/1888375027

12. Xem [10].

13. Xem [10].

14. Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. (2022, December 21). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/

15. Exiled Zen master goes home. (2005, April 2). The AP. https://www.newspapers.com/image/850548099/?terms=Thich%20Nhat%20Hanh%2C%20religious%20freedom&match=1

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.