Mạng xã hội Facebook đã và đang lưu hành một danh sách nội bộ gồm các quan chức “bất khả xâm phạm” của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo tờ Washington Post trong một bài báo đăng hôm 19/6. [1] Điều này có thể được hiểu là những nội dung chỉ trích các quan chức này bị cấm trên Facebook.
- Danh sách này nằm trong các quy trình kiểm duyệt nội dung của Facebook và hầu như đều do chính quyền Việt Nam tác động.
- Bản danh sách mật trên chỉ được lưu hành hạn chế ngay cả bên trong nội bộ công ty.
- Đây là danh sách có một không hai ở khu vực Đông Á. Nghĩa là Facebook không có danh sách tương tự cho các nước khác trong khu vực, kể cả các nước có xu hướng độc đoán như Myanmar, Thái Lan, Campuchia (Facebook không hoạt động ở Trung Quốc).
- Thông tin trên do hai cựu nhân viên giấu tên của Facebook cung cấp cho Washington Post.
Vậy những quan chức nào có thể nằm trong danh sách “bất khả xâm phạm” này? Danh sách Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng có thể là một tham chiếu tốt. [2]
Bài báo còn trích dẫn một số nguồn tin doanh nghiệp cho hay chính quyền Việt Nam đang gây sức ép ngày càng lớn lên Facebook, buộc mạng xã hội này phải kiểm duyệt nhiều hơn. Nếu Facebook không tuân thủ, hậu quả sẽ là bị buộc phải lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc trang mạng này có nguy cơ bị chính quyền truy xuất dữ liệu lớn hơn nhiều so với đặt máy chủ ở nước ngoài.
- Theo Luật An ninh mạng năm 2018, các hãng công nghệ nước ngoài như Facebook và Google bị buộc phải lưu dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước, đồng thời phải mở văn phòng ở Việt Nam. [3]
- Tuy nhiên, Nghị định 53/2022/NĐ-CP - có hiệu lực từ tháng Mười năm ngoái - đã hạ thấp yêu cầu này. [4] Theo đó, các công ty nước ngoài sẽ phải tuân thủ yêu cầu kiểm duyệt và cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Việt Nam, nếu không, bộ trưởng Bộ Công an sẽ có quyền yêu cầu các công ty này lưu dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam.
- Quy định mềm này đồng nghĩa với việc chính phủ Việt Nam giờ đây có nhiều công cụ pháp lý hơn để đàm phán với các công ty nước ngoài, chứ không chỉ có cách dọa chặn truy cập hay gây sức ép với các khách hàng quảng cáo của họ ở Việt Nam.
Một dự thảo nghị định khác cũng đang được soạn thảo để yêu cầu các mạng xã hội - bất kể trong hay ngoài nước - phải xác thực danh tính người dùng. [5] Nhiều khả năng đây sẽ là nghị định sửa đổi hoặc thay thế cho Nghị định 72/2013/NĐ-CP. [6]
Chú thích
1. Tan, R. (2023, June 19). Facebook helped bring free speech to Vietnam. Now it’s helping stifle it. Washington Post; The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2023/06/19/facebook-meta-vietnam-government-censorship
2. VnExpress. (2021, January 30). Danh sách uỷ viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương đảng khoá 13. Tin Nhanh VnExpress; VnExpress. https://vnexpress.net/interactive/2021/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-13
3. Luật an ninh mạng 2018 số 24/2018/QH14 mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Luat-an-ninh-mang-2018-351416.aspx
4. Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-53-2022-ND-CP-huong-dan-Luat-An-ninh-mang-398695.aspx
5. Lê Hiệp. (2023, May 8). Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội Facebook, TikTok… sẽ phải xác thực danh tính. Thanhnien.vn; https://thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/tat-ca-chu-tai-khoan-mang-xa-hoi-facebook-tiktok-se-phai-xac-thuc-danh-tinh-185230508154407045.htm
6. Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-72-2013-ND-CP-quan-ly-cung-cap-su-dung-dich-vu-Internet-va-thong-tin-tren-mang-201110.aspx