Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa: 10 bài học sau 10 năm làm báo0:00/907.
Tây Nguyên là vùng đất bị chính quyền ngăn cách với thế giới.
Vào ngày 6/11/2022, có hai người đàn ông người Thượng từ Đắk Lắk đến sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục bay thì bị cơ quan an ninh chặn lại.
Sau khi không thể lên máy bay, một trong hai người đã rời sân bay về nhà trên một chiếc xe khách. Khi chiếc xe sắp về đến tỉnh Đắk Lắk, anh bị công an chặn xe và còng tay dẫn về trụ sở Công an tỉnh Đắk Lắk mà không có lệnh bắt giữ nào.
Người còn lại bị an ninh sân bay bắt giữ khi đang chờ lên máy bay. Anh bị tạm giữ tại sân bay và sau cùng cũng bị dẫn giải về trụ sở Công an tỉnh Đắk Lắk.
Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban là hai người Thượng này. Họ được đề cập đến trong một bức thư, vừa được công bố, do các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc gửi cho Việt Nam, yêu cầu giải trình về các hành vi bị nghi ngờ là vi phạm quyền tự do tôn giáo, bắt giữ tùy tiện và trả thù nhà hoạt động nhân quyền đối với hai người này. [1]
Việc bắt giữ nói trên làm chúng ta ngỡ rằng họ là thành viên của một tổ chức khủng bố. Sự thật là hai người này chỉ muốn sang Thái Lan để dự một hội nghị hàng năm về tự do tôn giáo, có sự tham gia của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Lâu nay, chính quyền Việt Nam luôn hà khắc với người Thượng tại Tây Nguyên, xem họ là thành phần nguy hiểm, đặc biệt là những người liên quan đến các hoạt động tôn giáo.
Năm 2019, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thẳng thắn bày tỏ quan ngại về các cáo buộc chính quyền Việt Nam đã tra tấn, ngược đãi nghi phạm trước khi xét xử, bao gồm người của các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số. Tây Nguyên là một nơi được ngầm hiểu trong đề cập này. [2]
Năm 2022, các báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho biết Y Sĩ Êban đã bị đánh đập sau khi được thả ra, vùng mặt bị đánh liên tục. Anh và Y Khiu Niê cùng bị công an đe dọa phải ký vào biên bản cam kết từ bỏ hội thánh của họ, dừng truyền giảng đạo Tin Lành, và buộc cả hai phải nói trước ống kính rằng tổ chức nào đang phá hoại chính quyền.
Năm 2003, một người Thượng nói với tổ chức Human Rights Watch rằng anh bị công an đánh đập nặng nề, buộc anh tội đã truyền đạo Tin Lành và liên lạc với những người ở các làng khác: [3]
“Ba công an lấy gậy tre đánh khắp người tôi và cả trên đầu. Họ mang ủng đá thẳng vào tôi. Sau đó, tôi bị buộc ký vào một biên bản mà tôi không hiểu rõ lắm, cam kết tôi sẽ không tham gia chính trị, tôn giáo bất hợp pháp, và tuân thủ pháp luật. Khi tôi được thả ra, công an đã đe dọa ‘sẽ cho ăn đạn’ nếu còn đi biểu tình nữa”.
Từ đầu năm 2002, sau các cuộc biểu tình rầm rộ của người Thượng đòi tự do tôn giáo và trả lại đất đai, chính quyền bắt đầu truy quét ráo riết các nhà thờ Tin Lành ở Tây Nguyên.
Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam (ECVNS), được nhà nước công nhận năm 2001, cho biết có khoảng 400 nhà thờ tại Tây Nguyên đã bị chính quyền đóng cửa. [4]
Vào tháng 10/2022, Mục sư Dương Thạnh, Quyền hội trưởng của ECVNS, đã gửi thư lên thủ tướng và Ban Tôn giáo Chính phủ, nội dung thư có đoạn: [5]
“Bây giờ nhiều nhà nguyện đã bị đóng cửa, nhiều người đứng đầu các nhà thờ đã bị bắt giữ, bị khủng bố cả về thể xác lẫn tinh thần. Các tín đồ không được gặp gỡ và thông công với nhau. Số tiền phạt vì tụ tập thờ phượng Chúa đã vượt quá sức chịu đựng. Một số nơi, chính quyền đã buộc các tín đồ phủ nhận đức tin bằng nhiều cách ví dụ như uống máu dê, thành lập các làng kiểu mẫu với các hoạt động văn hóa nhưng không có hoạt động tôn giáo, cấm các tín đồ đi lễ hàng tuần, tịch thu kinh thánh, [...] sử dụng các đài truyền hình, các tờ báo để tuyên truyền và bôi nhọ những người theo đạo Tin Lành, xúi giục công chúng thù ghét chúng tôi” (bản dịch từ tiếng Anh).
Năm 2011, The New York Times cho biết chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp người Thượng theo đạo Tin Lành tại Tây Nguyên, đóng cửa các nhà nguyện, cưỡng ép từ bỏ đức tin. [6]
Năm 2014, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đã không thể đến tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Lý do là chính quyền Việt Nam can thiệp việc gặp gỡ giữa báo cáo viên và các tín đồ Tin Lành. Ông cũng cho biết mình đã được nghe về việc các nhà nguyện tiếp tục bị đóng cửa, mục sư bị bắt giam, tín đồ phải bỏ chạy sang các nước láng giềng. [7]
Sau các cuộc biểu tình từ đầu năm 2001, khoảng 1.500 người Thượng đã trốn sang Campuchia để xin tị nạn ở nước thứ ba.
Năm 2017, tờ Al Jazeera cho biết khoảng 150 gia đình người Thượng đang tị nạn tại Bangkok. Các gia đình này cáo buộc chính quyền Việt Nam tra tấn, cưỡng ép họ phải từ bỏ đạo Tin Lành, tước đoạt đất đai của tổ tiên họ. [8]
Cho đến nay, người Thượng vẫn rời bỏ Tây Nguyên một cách lén lút qua biên giới Campuchia hoặc Lào.
Nhiều người Thượng đã bị phạt án tù vì vượt biên hoặc tổ chức vượt biên. Năm 2016, hai người Thượng ở Đắk Lắk bị tuyên án 13 năm tù vì tổ chức đưa người vượt biên trái phép. [9] Và nhiều người Thượng vẫn đang nằm trong danh sách bị truy nã về tội danh này. [10]
Năm 2019, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam hình sự hóa việc rời bỏ đất nước, đặc biệt là việc ngăn cản người bản địa, người dân tộc thiểu số rời khỏi đất nước. [11]
Việc rời bỏ một đất nước là quyền tự do của con người được quy định trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã thông qua.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân quyền cũng quan ngại về việc chính quyền cấm xuất cảnh, tịch thu hoặc không cấp phát hộ chiếu đối với các nhà hoạt động nhân quyền.
Ngay cả khi người Thượng đã vượt biên thành công, chính quyền Việt Nam vẫn tìm cách gây áp lực lên người thân còn ở lại của họ, buộc phải cung cấp thông tin, kêu gọi họ trở về Việt Nam.
Những năm qua, chính quyền Việt Nam đã từ chối nhiều yêu cầu viếng thăm chính thức của các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Năm 2020, báo cáo viên đặc biệt về người bản địa yêu cầu được đến Việt Nam nhưng chính quyền vẫn chưa trả lời. [12]
Sau năm 1975, Tây Nguyên là vùng đất gần như đóng cửa với thế giới. Chính quyền kiên quyết không để các phóng viên quốc tế, tổ chức nhân quyền, kể cả chuyên gia Liên Hiệp Quốc trực tiếp đến khu vực này.
1. Viet Nam: Joint Allegation Letter (VNM 2.2023) on alleged arbitrary arrest, threats, surveillance, travel restrictions, and harassment of two Montagnard Protestants. (2023, April 28). OHCHR. https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=28006
2. Concluding observations on the third periodic report of Viet Nam. (2019, August 29). Human Rights Committee. https://docstore.ohchr.org/SelfServices/FilesHandler.ashx?enc=6QkG1d%2FPPRiCAqhKb7yhslrjZYHLHPYdqrup6FR%2FpxpoKD6CFGnGSaZiMZA5cstApQ4%2FLSGVGL6rHlXBfZYdGh1DO9LG7%2BM6pkcuSoJ7H38G4X1D4w%2B0PGGRuCuB0OLW
3. New Assault on Rights in Vietnam’s Central Highlands Crackdown on Indigenous Montagnards Intensifies. (2003). HRW. https://www.hrw.org/legacy/backgrounder/asia/vietnam/vietrights.pdf
4. Xem [3].
5. Xem [3].
6. Vietnam Persecutes Christian Minority, Report Says. (2011, March 31). The New York Times. https://www.nytimes.com/2011/04/01/world/asia/01vietnam.html
7. Báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt. (2014). OHCHR. https://www.ohchr.org/en/special-procedures/sr-religion-or-belief/country-visits-and-reports
8. Tacet, A. (2017, March 27). Montagnards: Escaping Vietnam, stateless in Thailand. Humanitarian Crises | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/features/2017/3/24/montagnards-escaping-vietnam-stateless-in-thailand
9. Bị phạt 13 năm tù vì tổ chức đưa người vượt biên trái phép. (2016, February 1). Báo Đắk Lắk. https://web.archive.org/web/20230630030008/https://admin.tuyenquangtv.vn/channel/3690/201602/bi-phat-13-nam-tu-vi-to-chuc-dua-nguoi-vuot-bien-trai-phep-2423350/
10. Tra cứu. (n.d.). http://vpcqcsdt.bocongan.gov.vn/Truy-n%C3%A3-TP/Tra-c%E1%BB%A9u
11. Xem [2].
12. View Country visits of Special Procedures of the Human Rights Council since 1998. (n.d.). OHCHR. https://spinternet.ohchr.org/ViewCountryvisits.aspx?visitType=pending&lang=en