Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Tìm đến Chúa không dễ dàng, ở lại với Chúa cũng khó khăn chẳng kém.
Cuốn sách “The New Way: Protestantism and the Hmong in Vietnam” (tạm dịch: Con đường mới: Đạo Tin Lành và người H'Mông ở Việt Nam) của tác giả Ngô Thị Thanh Tâm phát hành năm 2016 kể về hành trình tìm đến, tiếp nhận, và phát triển đạo Tin Lành của một bộ phận người H'Mông ở Việt Nam, qua đó thấy được bức tranh sống động của phong trào Tin Lành liên quốc gia, mối quan hệ giữa nhóm đa số và thiểu số, cùng những nét ít biết về đời sống văn hóa của người H'Mông tại Việt Nam.
Cuốn sách khoa học súc tích và hấp dẫn này cũng nêu bật sự đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trong mỗi cá nhân, trong từng gia đình, và cả cộng đồng dân tộc thiểu số khi tìm đến tâm linh như một lối thoát vốn đã và đang gặp vô vàn trắc trở. Con đường mới hay tân đạo cũng là cách người H'Mông gọi đạo Tin Lành.
Từ khoảng bốn thế kỷ trước, người H'Mông đến vùng lãnh thổ mà ngày nay là Việt Nam từ những miền sơn cước Tây Nam của Trung Quốc. Những người này thuộc nhóm người Mèo. Người H'Mông ở Việt Nam không đơn nhất mà là tập hợp của nhiều nhóm đa dạng.
Nói đến dân tộc H'Mông cũng không thể không nhắc tới lịch sử di cư xuyên quốc gia và xuyên lục địa của họ từ những biến cố lịch sử: Cuộc nổi dậy của người Mèo và Thái Bình Thiên Quốc vào từ giữa cho đến cuối thế kỷ 19 khiến người H'Mông phải bỏ trốn sang phía Bắc Việt Nam, Lào, và Thái Lan; người H'Mông ồ ạt rời khỏi Lào để tị nạn đến các nước phương Tây sau năm 1975; người H'Mông ở Campuchia chạy khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot vào thập niên 1980.
Tuy vậy, sự kiên cường và đoàn kết của những người H'Mông bất chấp rào cản địa lý giúp ngôn ngữ của họ vẫn luôn được bảo tồn. Chẳng hạn, những người H'Mông ở Việt Nam hoàn toàn có thể trao đổi, hiểu lẫn nhau, tìm sự trợ giúp của người H'Mông tại Lào. Chính sự gắn kết này là một phần để tác giả lý giải tác động to lớn của cộng đồng người H'Mông ở Mỹ tới những người cùng sắc tộc với họ ở Việt Nam kể từ những thập niên 1980.
Mối quan hệ của những người H'Mông Việt và người H'Mông trên thế giới cũng gặp không ít trở ngại vì các lý do về lịch sử. Chẳng hạn, quân đội Việt Nam từng chiếm đóng những ngôi làng H'Mông tại miền Bắc Lào gây tổn thương cho những người H'Mông ở Lào, nhiều người trong số họ sau này khi di cư sang Mỹ vẫn còn ám ảnh bởi quá khứ, thậm chí họ còn xem người Việt là kẻ thù của mình.
Tác giả đã chỉ ra những chính sách ở trung ương đã đẩy cuộc sống của người H'Mông vào tình cảnh khắc nghiệt, mặc dù Việt Minh đã lợi dụng rất nhiều người trong số họ để giành lợi thế từ hai cuộc chiến tranh.
Đầu thập niên 1950, chính quyền thực hiện các chính sách như cải cách dân chủ, cải cách ruộng đất, cải cách vùng cao, xây dựng đời sống văn hóa chủ nghĩa xã hội, v.v. khiến rất nhiều người H'Mông bị bắt giữ và xét xử bởi chính quyền người Kinh.
Chiến dịch Tiễu Phỉ (diệt trừ thổ phỉ) diễn ra trong gần 30 năm (1950 - 1978) là một trong những chương trình gây tổn thương kinh hoàng nhất cho người H'Mông. Kể từ khi chính quyền Việt Minh nắm quyền năm 1945, ý nghĩa của từ thổ phỉ đã thay đổi. Từ này không còn giới hạn chỉ đến hoạt động cướp bóc mà giờ đây được sử dụng để chỉ các hoạt động chống cách mạng hoặc đơn giản chỉ là không ủng hộ VIệt Minh. Bất kỳ người H'Mông hay các nhóm dân tộc thiểu số nào tán thành các phong trào “phỉ” đều được coi là những kẻ nổi dậy, phản động. Ước tính có gần 9.000 “phỉ” bị tiêu diệt trong chiến dịch này.
Vào những năm 1980, Chiến dịch Hạ Sơn buộc những người H'Mông ở các vùng nhạy cảm (khu vực gần biên giới hay khu vực đồi núi cao, thưa thớt dân) đi đến các vùng tập trung đông dân cư, nhưng không hề có chủ trương phân bổ hợp lý đất nông nghiệp cho họ. Lúc bấy giờ, phần lớn ruộng đất đã thuộc về người Kinh, người H'Mông khó thích ứng với cách làm nông mới, cũng như họ bị tước đoạt nguồn thu nhập lớn kiếm được từ thuốc phiện. Nhưng trớ trêu thay, chính vì bị buộc phải xuống vùng đất thấp hơn nên họ cũng bị tước đoạt luôn những chính sách hỗ trợ cho người dân ở vùng cao.
Chính sách định canh định cư nghiễm nhiên cho rằng lối canh tác của người H'Mông lạc hậu, cần phải sửa đổi. Đồng thời, chiến dịch khai hoang đã đem người Kinh từ những vùng đông dân tới vùng núi cao là một dạng chính sách đồng hóa người H'Mông của chính quyền cộng sản. Việc luân canh dường như không thể thực hiện trên mảnh đất mới. Hơn nữa, do người Kinh có tiềm lực kinh tế và có khả năng đầu cơ tích luỹ, giá đất bị đẩy lên khiến người H'Mông không có cơ hội và khả năng để mua. Do vậy những người H'Mông luôn tìm kiếm những vùng đất mới, tránh xa những nơi mà chính quyền chỉ định cho họ định cư.
Những tập quán tự cung tự cấp cố hữu khiến người H'Mông không chịu bán sản phẩm của họ. Hành động từ chối bán đi vật nuôi bị người Kinh coi là ngu dốt, không có đầu óc kinh tế. Họ từ chối không chỉ bởi giá bán rẻ mạt mà còn bởi thái độ khinh thường của khách hàng người Kinh: vừa muốn mua với giá rẻ, vừa muốn có được những sản phẩm bản địa có chất lượng tốt. Đôi khi chính những người Kinh không nhận ra sự trịch thượng của họ với đồng bào người H'Mông. Câu chuyện của chính tác giả rằng khi còn nhỏ đã trêu bạn bè người H'Mông là con mèo, trong khi người lớn không hề nhắc nhở hay chỉ bảo, là một ví dụ vô cùng chân thực.
Tác giả còn phân tích thêm, trong thực tế nhà nước cộng sản cũng thực hiện chính sách chia để trị giống như chính quyền thực dân. Người H'Mông không thích mang ơn và cũng không thích được ban ơn. Chính quyền tước đoạt rất nhiều điều từ họ nhưng lại muốn họ mang ơn đảng và nhà nước. Đó là lý do mà chính sách xóa đói giảm nghèo không đạt được hiệu quả, một nguyên nhân mà không có báo cáo nhà nước nào nói đến. Các báo cáo nhà nước chỉ đơn thuần mang tính đổ lỗi: tại họ lười biếng, nay đây mai đó, ngựa quen đường cũ, không chịu văn minh, hiện đại, không chịu tiến bộ, hòa nhập như người Kinh.
Những kết luận mang tính đổ lỗi tràn ngập trên truyền thông đại chúng khiến cho thành kiến của người Kinh về người H'Mông ngày càng bị khắc sâu. Nhà nước để người Kinh hiện đại hóa với kinh tế thị trường, còn người H'Mông chưa bao giờ sẵn sàng đón nhận chủ nghĩa tiêu dùng ồ ạt. Trong tuyên truyền chính thống, “cái lý anh Mèo” khiến cho cái nghèo tiếp diễn, bất chấp chính sách quan tâm của đảng và nhà nước. Hậu quả của nó là sự ngờ vực của đôi bên tăng cao, khiến rất nhiều H'Mông luôn ở trạng thái sẵn sàng chạy trốn.
Tác giả đã mô tả sinh động yếu tố truyền thông xuyên quốc gia khiến người H'Mông vốn có ít phương tiện giải trí và hiếm có cơ hội học hành bằng tiếng mẹ đẻ đã tìm đến con đường mới. Đài phát thanh FEBC của Mỹ phát từ Philippines bằng tiếng H'Mông đã cảm hóa những người dân nghèo bị cô lập. Những người truyền giáo cùng sắc tộc định cư ở Mỹ mong muốn truyền giáo ở châu Á, như một cách tìm về nguồn cội. Việc truyền giáo từ đài lại hoàn toàn đúng với nhu cầu của phần lớn bộ phận người H'Mông đều không biết chữ.
Những người H'Mông không kết nối với các nhóm đa số khác trong đất nước họ, mà kết nối với thế giới bên ngoài nhờ nghe đài phát thanh. Việc người H'Mông tìm đến với Chúa nhờ sóng radio không phải là chuyện ở riêng Việt Nam. Đó là một cách truyền đạo của Mỹ từ những thập niên 1970 với chi phí thấp nhưng hiệu quả cao. Những mục sư truyền thông tin từ Mỹ, rồi gửi tới trạm phát sóng ở thủ đô Manila của Philippines.
Những câu chuyện dân gian của người H'Mông cũng được sử dụng để lý giải Kinh Thánh. Chính quyền không hài lòng khi thấy đông đảo người H'Mông - ước tính lên tới 250.000 người - đã theo đạo vào thập niên 1990. Bởi những điều này, chính quyền ngày càng can thiệp thô bạo nhằm mục đích ngăn cản những tín đồ Tin Lành người H'Mông lập nên một cộng đồng riêng.
Sự cải đạo không diễn ra nhanh chóng mà là cả một quá trình tự vấn phức tạp và kéo dài, bởi lẽ việc này không chỉ có những điều hứa hẹn mà còn ở đó là những mặt bất cập.
Với một bộ phần người H'Mông, theo con đường mới chưa chắc là do sự gắn kết hay thấy thu hút bởi cái mới, mà là vì quá khó để theo đuổi cái cũ. Họ luôn xem xét tội lỗi của bản thân, thuyết phục và thương lượng với gia đình, điều hòa các mối quan hệ họ hàng, đặc biệt là với những người không chọn con đường mới như họ.
Tác giả viết: “Việc nội tâm hóa những thành kiến (của người Kinh đối với người Mông) đã gây ra những tổn thất lớn không thể khắc phục được với lòng tự tôn và lòng tin của họ với nhà nước do người Kinh chiếm ưu thế.”
Người H'Mông bị tước đoạt khả năng theo học giáo dục bậc cao vì niềm tin của họ. Họ là những người vốn đã chịu thiệt thòi vì không được đi học bằng tiếng mẹ đẻ. Khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) mở kênh tiếng H'Mông, những chương trình phát sóng lại là những bản tin tuyên truyền cho đảng và nhà nước. Như vậy, càng có hiểu biết, họ lại càng nhận ra những kỳ thị rõ rệt. Càng bị kỳ thị, họ lại càng muốn theo đạo.
Người H'Mông chọn đạo Tin Lành vì tín ngưỡng truyền thống của họ có những hoạt động rất tốn kém về cả vật chất lẫn thời gian. Hơn nữa, các lễ nghi của Tin Lành đơn giản, đề cao sự tha thứ, lại bỏ việc giết động vật và tục thách cưới. Nhờ đạo mà nhiều người H'Mông được đi học, được biết chữ, được tiếp cận với ngôn ngữ của chính mình, được mở mang thế giới quan của bản thân, được kết nối với nhiều cộng đồng trong và ngoài nước.
Thế nhưng, theo như tác giả lập luận, việc họ mơ thoát nghèo khi đến với đạo Tin Lành không đồng nghĩa với việc coi đạo này ưu việt hơn tín ngưỡng bản địa của người H'Mông. Việc theo đạo cũng mang đến cho người dân những gánh nặng nhất định. Người H'Mông mạo nhận rằng những phong tục cũ không còn phù hợp với mình, họ không ngừng đối mặt với những lời than phiền rằng chính họ đã gây chia rẽ cộng đồng, quên tổ tiên gốc gác.
Nhưng như tác giả đề cập, chọn theo Chúa chỉ phần nào hóa giải vết thương lòng ám ảnh những người dân tộc H'Mông: chiến tranh, tị nạn, tẩu tán khắp nơi. Mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi tôn giáo hàn gắn người H'Mông với những người lạ, có được những người anh em xuyên biên giới, nhưng lại khiến họ xa cách với chính gia đình, hàng xóm của mình. Tác giả nhấn mạnh vấn đề phân biệt chủng tộc, kỳ thị tín ngưỡng bản địa của người Mỹ khiến người H'Mông trên đất Mỹ thất vọng. Họ muốn theo Chúa, nhưng cũng muốn bảo vệ và bảo tồn những tín ngưỡng đặc trưng cho vùng văn hóa đã cùng họ trưởng thành.
Cuốn sách hấp dẫn bởi sự nghiên cứu công phu đan cài lối kể chuyện tự nhiên của tác giả, một người Việt hiện tại đang làm nghiên cứu ở châu Âu và có những nghiên cứu thực địa về người H'Mông ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù đưa ra một bức tranh tương đối toàn diện về cộng đồng người H'mông Việt Nam và cả những người H'Mông ở nhiều nơi thế giới, tác giả không quên nhắc nhở người đọc cần thận trọng khi khái quát hóa câu chuyện về niềm tin, vì mỗi người có lý do riêng để chọn theo hoặc không. Nhưng tiếc thay, dù về lối cũ hay đi theo con đường mới, cho đến thời điểm này, những người H’Mông vẫn bị coi là lạc hậu và lạc lõng giữa xã hội được quản trị bởi bộ máy nhà nước của người Kinh.
Bạn có thể mua quyển “The New Way: Protestantism and the Hmong in Vietnam” tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.