Tín ngưỡng dân gian, thờ phụng theo nghi thức nhà nước: Tập hợp!

Nhân dân được theo tín ngưỡng dân gian, miễn là đúng chủ trương.

Tín ngưỡng dân gian, thờ phụng theo nghi thức nhà nước: Tập hợp!
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

Gần đây có nhiều nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam vào thời kỳ sau Đổi mới, từ đó chỉ ra mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng các hoạt động mang tính nghi lễ. Tuy vậy, các nghiên cứu này thường gắn liền với khu vực địa lý nông thôn và ít dựa trên lý thuyết đô thị.

Người viết xin giới thiệu đến bạn đọc nghiên cứu “Religious Reassemblage and Late Socialist Planning in Urban Vietnam” (tạm dịch: “Tái tập hợp tôn giáo và Hoạch định hậu kỳ chủ nghĩa xã hội tại đô thị Việt Nam”) của tác giả Christina Schwenkel.

Trong nghiên cứu này tác giả đưa ra thuật ngữ “tái tập hợp tôn giáo” để xem xét mối liên hệ giữa phát triển đô thị và việc thực hành nghi lễ, nhằm thách thức ý kiến cho rằng các thành phố được xây dựng theo định hướng chủ nghĩa xã hội là những không gian được hợp lý hóa của tính hiện đại thế tục.

Địa điểm tập trung nghiên cứu của tác giả là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, thuộc Bắc Trung Bộ. Trong đó, tác giả cho thấy sự vướng mắc giữa việc mở rộng đô thị ở thành phố Vinh với thế giới tâm linh trong việc định hình lại mô hình quy hoạch đô thị chức năng được phát triển trong suốt quá trình tái cấu trúc xã hội chủ nghĩa. 

Mối liên hệ thú vị giữa phát triển đô thị và việc thực hành nghi lễ được tác giả hướng đến để thấy rằng các tín ngưỡng dân gian vùng ven thành phố Vinh đã kiến tạo đô thị giai đoạn hậu kỳ chủ nghĩa xã hội như thế nào.

Đưa ra bối cảnh và thảo luận liên quan đến đền thờ Quang Trung và đền Ông Hoàng Mười vào phân tích, tác giả cho thấy sự nhập nhằng giữa hình thức tưởng niệm nhà nước và hình thức biểu hiện tôn giáo dân gian, từ đó cho thấy việc tranh giành kiểm soát khoảng không đô thị thời hậu kỳ chủ nghĩa xã hội diễn ra tại và thông qua các địa điểm tôn giáo.

*** 

Kiểm soát tôn giáo từ lâu đã trở thành trọng tâm trong hoạt động quyền lực của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, khi việc tái thiết chủ nghĩa xã hội được đặt làm ưu tiên, vai trò của tôn giáo trong quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng trở nên cực kỳ phức tạp. Những gì nhà nước đặt ra như việc cho phép hay hỗ trợ, cấm đoán hay không khuyến khích, đều thiếu sự nhất quán theo thời gian và không gian. 

Trong chiến tranh, người Việt Nam vẫn không ngừng thực hành tâm linh dù mức độ lên hay xuống tùy theo tình hình, vì đây là nhu cầu luôn có trong quan niệm của người Việt Nam. Những năm 1980 - 1990, chính trị và kinh tế của Việt Nam có nhiều biến động, nhu cầu giao tiếp với linh hồn người đã khuất để được sự phù hộ, ban phước cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Các không gian đô thị thế tục sung túc, gồm cả những khu được quy hoạch chủ nghĩa xã hội, chưa bao giờ là ngoại lệ. 

Biết rằng không thể cản trở xu hướng này, nhà nước Việt Nam dần có thái độ khoan dung hơn đối với các tín ngưỡng dân gian, giúp chúng phát triển trở lại nhanh chóng. Điều này lại càng đặc biệt đúng nếu các tín ngưỡng tự phát thể hiện rõ chuyện xây dựng chính quyền, củng cố hình ảnh đất nước. Các nghi lễ dân gian phù hợp với chủ trương của đảng và nhà nước, theo mục tiêu được quy hoạch, thì có khả năng được nhà nước ủng hộ dù trước đó bị xem là tín mê tín dị đoan.

Từ đó cho thấy, thực hành tín ngưỡng dân gian thuộc khu vực đô thị không thể nào tách rời khỏi lĩnh vực chính trị, mà chúng gắn bó mật thiết với nhau. Những hoạt động thực hành nghi lễ đôi khi vẫn được chấp thuận hoặc được quảng bá như là “di sản” vì chúng vô tình giúp nhà nước khẳng định tính hợp pháp, tính kế thừa của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử dân tộc, mà đồng thời cũng được xem là cách làm mới để xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam trong giai đoạn toàn cầu hóa.

Trong số đó, việc thờ phụng các vị anh hùng dân tộc được ưu ái bởi các chính sách của nhà nước dưới nhiều góc độ. Một mặt, chính quyền Việt Nam sẽ tài trợ cho những dự án mang tính tương tự như tôn giáo, có tính chất tưởng niệm, chú trọng đến các vị anh hùng dân tộc đã được xác định bởi lịch sử chính thống. Mặt khác, những nghi lễ địa phương mang tính tự phát này đã giúp định hình cảnh quan đô thị trên khắp Việt Nam, đặc biệt là các khu vực ngoại biên thành phố nơi còn nhiều khoảng trống đất đai để xây dựng không gian tín ngưỡng. 

Việc so sánh ngôi đền của vua Quang Trung và của ông Hoàng Mười giúp thấy rõ sự mơ hồ giữa tín ngưỡng dân gian và nghi thức kiểu nhà nước. Điều này làm cơ sở cho việc tái tập hợp tôn giáo của thành phố Vinh và vùng ngoại biên thành phố, từ đó thách thức tầm với của nhà nước và sự kiểm soát không gian thông qua quy hoạch trung tâm. 

*** 

Thành phố Vinh được lịch sử chính thống ca ngợi là trung tâm của cách mạng và là nơi sản sinh ra một loạt anh hùng chống giặc ngoại xâm. Việc một trong những vùng đất nghèo khó nhất của đất nước lại là cái nôi sinh ra những nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, và nhà hoạt động nhiệt thành nhất là niềm tự hào của dân địa phương, cũng như là nguồn cảm hứng để người dân tích cực tham gia các nghi lễ.

Đền thờ Quang Trung là địa điểm nổi tiếng thuộc một phần kế hoạch phát triển đô thị của thành phố, giúp làm mờ ranh giới giữa việc thực hành thế tục và thực hành tâm linh dân gian, giữa việc tưởng niệm nhà nước đối với anh hùng dân tộc để thể hiện lòng biết ơn và việc thờ cúng dân gian đối với một vị thần để khẩn cầu những điều tốt lành. Điều này cũng trở thành đặc điểm đáng chú ý thuộc cảnh quan đô thị thời hậu kỳ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cái mà tác giả gọi là tái tập hợp tôn giáo.

Đối với đền thờ Quang Trung, thiết kế không gian và chất liệu của đền thờ gần như tương tự với các công trình kiến trúc tín ngưỡng khác được tìm thấy trên khắp miền Bắc Việt Nam. Phong cách của đền thờ có thể thấy rõ là chịu ảnh hưởng từ lối kiến trúc Trung Quốc.

Việc kết hợp các diễn ngôn thế tục và tôn giáo tại đền thờ Quang Trung cũng thể hiện ranh giới mơ hồ giữa việc tưởng niệm và thờ cúng, khắc họa không gian vừa mang tính tâm linh, vừa có sự điều tiết của nhà nước. Theo truyền thông nhà nước, Đền thờ Quang Trung là một quần thể văn hóa, tâm linh, và du lịch dành cho du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh, tưởng nhớ công lao của vị vua. Việc mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong một địa điểm cho thấy cách tôn giáo và không gian đô thị luôn thỏa hiệp với lĩnh vực chính trị của nhà nước.

Đối với đền Ông Hoàng Mười, đền cũng nằm ở vị trí địa lý linh thiêng thuộc khu vực ngoại biên thành phố và có không gian kiến trúc tương tự đền Quang Trung.

Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ đền Ông Hoàng Mười không nhận được hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Đền phải dùng các khoản đóng góp của cá nhân, bao gồm khách du lịch và những người hành hương để tân trang. Điều này không quá khó hiểu khi câu chuyện của nhân vật này chỉ là sự tích tương truyền về một vị thần giúp đỡ người dân địa phương.

Tuy vậy, ngay khi chính quyền công nhận đền Ông Hoàng Mười là di tích lịch sử văn hóa chính thức vào năm 2002, tín ngưỡng và niềm tin dân gian có cơ hội phát triển, từ đó địa điểm này được tái sinh thành một nơi thu hút du khách. Đền Ông Hoàng Mười ngày càng được nhiều người tìm đến, đặc biệt là vào lễ hội hàng năm.

Sự khác biệt giữa hai ngôi đền tiếp tục diễn ra. Nếu mỗi năm, lãnh đạo chính quyền Nghệ An thường xuyên đến viếng thăm, cúng bái đền Quang Trung, thì không gian của đền ông Hoàng Mười gần như là của công chúng. 

Tác giả từ đó quan sát và cho rằng, mối liên hệ trong lịch sử giữa ngôi đền với dân địa phương, các nghi thức thờ cúng phù hợp với chủ trương, v.v. thúc đẩy mạnh những giá trị giao thoa với lợi ích nhà nước, từ đó củng cố quyền lực và vai trò của chính quyền hơn là thách thức nó. 

*** 

Chuyện tái tập hợp tôn giáo đã dẫn đến việc hình thành các địa điểm sùng bái ở đô thị, trong đó các tín ngưỡng dân gian, nghi thức nhà nước, và phong cách truyền thống được kết hợp lại thành một khối. Tập hợp mọi thứ lại như vậy có thể giúp nuôi dưỡng tinh thần chủ nghĩa dân tộc, nhưng sẽ gây ra những tranh cãi.

Sự tái tập hợp tôn giáo đánh dấu thay đổi đáng kể trong chính sách đô thị, mà chính sách này từng phản đối mạnh mẽ đối với các thực hành có tính lãng phí, phong kiến, hoặc mê tín dị đoan. Các thay đổi có thể thấy qua việc thỏa hiệp hoặc thu nạp các tín ngưỡng dân gian, miễn là chúng được kìm kẹp phần nào đó trong quy hoạch tổng thể của thành phố và chiến lược quản lý đô thị.

Ở thành phố chủ nghĩa xã hội kiểu mẫu như thành phố Vinh, thay vì thể hiện sự đối lập đối với quy hoạch đô thị và các chiến lược tiếp thị của thành phố thì các tín ngưỡng dân gian nổi lên như là một phần không thể thiếu của quy hoạch. 

Bối cảnh linh thiêng giao thoa giữa tưởng niệm kiểu nhà nước và thờ cúng thần linh như một lời nhắc về cách các thành phố như Vinh không chỉ bảo tồn và phát huy quá khứ, mà còn hình dung về tương lai thông qua các địa điểm thực hành tôn giáo vẫn đang tiếp tục được tái tạo và tân tạo.



Ủy ban Đoàn kết Công giáo: Khi nhà tu không theo nhà Chúa
Cây Thánh giá mà giáo hội Công giáo Việt Nam phải vác.
Kinh tế thị trường và tôn giáo ở miền Bắc: Từ cấm đoán đến buôn lậu tượng thần
Khi mở cửa thị trường cũng là lúc bùng nổ “buôn thần, bán thánh”.
“Tiêu chuẩn kép” khi ứng xử với nghề bói toán?
Chính quyền vừa công nhận vừa xử phạt người hành nghề vì mê tín dị đoan.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.