Tin về tôn giáo tháng 3/2024: Nhiều tín đồ Tin Lành, Phật giáo bị bắt, bỏ tù

Tháng 3, gia tăng số vụ bắt giữ, bỏ tù các tín đồ Tin lành, Phật giáo.

Tin về tôn giáo tháng 3/2024: Nhiều tín đồ Tin Lành, Phật giáo bị bắt, bỏ tù
Đồ họa: Shiv/Luật Khoa

[Bàn tay chính quyền]

Đắk Lắk bắt giữ ba tín đồ của Hội thánh Tin Lành độc lập

Ngày 6/3/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước bắt giữ ba tín đồ sắc tộc Ê-đê thuộc Hội thánh Tin Lành độc lập khi những người này đang làm việc ở một công ty tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. [1]

Những tín đồ bị bắt giữ gồm ông Y Quí Bdap, Y Nam Bkrông (con trai ông Bdap) và Y Kič Bkrông (cháu trai ông Bdap).

Trước đó, đêm 5/3/2024, chính quyền đến phòng trọ của những tín đồ này để kiểm tra hành chính và lục soát chỗ ở. Chính quyền đến nay chưa đưa ra bất kỳ lý do nào về cuộc bắt giữ này. Theo RFA, cả ba người từng tham gia nhiều sự kiện liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền mà không được sự cho phép của chính quyền.

Các tín đồ bị chính quyền tỉnh Đắk Lắk kiểm tra hành chính đêm 5/3/2024 (ảnh trái) và hình ảnh họ đang cầm biểu ngữ nhân ngày Quốc tế Nhân quyền. Ảnh: Người Thượng Vì Công Lý.

Vào tháng 10/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng bắt bốn tín đồ của Tin Lành độc lập vì những người này mời chính quyền và ông Võ Văn Thưởng (thời điểm đó là Chủ tịch nước) sinh hoạt tôn giáo. [2]

Việc chính quyền sách nhiễu các tín đồ Tin Lành độc lập xảy ra thường xuyên tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung.

Xem thêm: Bốn điều có thể bạn chưa biết về đạo Tin Lành ở Việt Nam

Đắk Lắk lần hai xử tù một tín đồ theo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên 

Ngày 28/3/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt ông Y Krếc Byă, một tín đồ theo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên mức án 13 năm tù giam và năm năm quản chế về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo điều 116 của Bộ luật Hình sự” [3].

Trước đó, ông Y Krếc Byă bị bắt giữ và khởi tố với tội danh này hồi tháng 4/2023 tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. [4] 

Theo chính quyền, từ năm 2012 đến 2023, ông Y Krếc Byă lôi kéo một số người tham gia vào Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên nhằm phá hoại chính sách đoàn kết. Đây là lần thứ hai Đắk Lắk bỏ tù ông Y Krếc Byă. Vào năm 2004, ông Byă từng bị xử phạt 8 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết".

Ông Y Krếc Byă tại phiên toà. Ảnh: Bộ Công An

Ngoài ông Y Krếc Byă, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng khởi tố ông Aga cùng với tội danh trên. Chính quyền cho rằng hai người này tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến tôn giáo, tổ chức và tham gia các buổi hội họp trực tuyến về nhân quyền mà không xin phép địa phương.

Kể từ sau vụ tấn công vào trụ sở công an và chính quyền của huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, chính quyền thường xuyên cáo buộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là phản động, chống phá nhà nước. Nhiều tín đồ theo hội thánh này liên tục bị bắt và xét xử.

Đọc thêm phóng sự về các nhóm Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên: Khi Tây Nguyên không còn là nhà

Vĩnh Long bắt tám tín đồ theo Phật giáo Khmer

Từ ngày 26 đến ngày 28/3/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long liên tiếp bắt giữ tám tín đồ theo Phật giáo Khmer về tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật". [5] [6]

Cụ thể, ngày 26/3/2024, chính quyền đã bắt giữ ba tín đồ gồm ông Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa Đại Thọ và ông Kim Khiêm về tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", ông Thạch Ve Sanal về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật".

Đến ngày 28/3/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tiếp tục bắt giữ ông Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp và Thạch Nha về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật".

Được biết chính quyền tỉnh Vĩnh Long từng xô xát với một số tín đồ Phật giáo Khmer được cho là tại chùa Đại Thọ. Vài người liên tục ném đá và tấn công vào chùa trước sự chứng kiến của nhiều công an. Hậu quả là một nhà sư và hai người Khmer Krom bị thương trong vụ xô xát này. [7]

Nhưng theo chính quyền, khi tổ công tác đến làm việc tại chùa Đại Thọ, thì trụ trì Thạch Chanh Đa Ra cùng các tín đồ đã hành hung gây thương tích, khống chế, khóa cửa, canh giữ không cho các thành viên ra ngoài.

Tám tín đồ Phật giáo Khmer bị chính quyền tỉnh Vĩnh Long bắt trong tháng 3/2024. Ảnh: RFA.

Thời gian gần đây, chính quyền liên tục bắt giữ và đưa ra xét xử nhiều tín đồ theo Phật giáo Khmer. 

Trước đó, tháng 2/2024, Sóc Trăng tuyên phạt ông Danh Minh Quang mức án 3 năm 6 tháng tù cũng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo chính quyền, ông Quang dùng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung liên quan đến nhân quyền và Phật giáo Khmer. [8]

Ngoài ra, một địa phương khác là tỉnh Vĩnh Long, vào ngày 20/3/2024, chính quyền tuyên phạt ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù giam cũng về tội tương tự như trên. [9]

Đến nay, một số người Khmer tại Việt Nam và ở Campuchia thường có các cuộc biểu tình đòi lại đất cũng như tranh đấu quyền của người bản địa. Do vậy, chính quyền Việt Nam có những chính sách đặc biệt đối với cộng đồng người Khmer. Nhiều tín đồ Phật giáo Khmer đã vượt biên qua Campuchia vì họ cho rằng bị đàn áp và phân biệt đối xử từ các chính sách này. [10]

Đọc thêm: Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam

Bà Rịa - Vũng Tàu ngăn tu sửa chùa

Ngày 18/3/2024, chính quyền xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngăn cấm trụ trì chùa Phước Bửu sửa chữa cơ sở thờ phượng trong khuôn viên nhà chùa. [11]

Một đoàn cán bộ gồm bảy người đã bất ngờ kiểm tra và yêu cầu dừng công việc tu sửa trong khi công nhân đang trám, sơn lại vách tường bị nứt và thay ngói vỡ.

Theo chính quyền, nhà chùa tự ý tu sửa mà không xin phép Ủy ban Nhân dân xã. Tuy nhiên trụ trì khẳng định nhà chùa làm đúng Luật Tôn giáo 2016 và Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

Vào năm 2023, chính quyền xã này đã buộc nhà chùa phải làm bản tường trình do chùa tự ý xây một nhà kho chứa củi.

Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu và Biên bản của xã Phước Thuận. Ảnh: RFA.

Được biết, chùa Phước Bửu là một cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức độc lập với chính quyền.

Tại địa phận huyện Xuyên Mộc, hồi tháng 7/2022, chính quyền huyện cũng yêu cầu giải tỏa đất của chùa Thiên Quang để làm kênh mương nước mà không có bất kỳ chính sách bồi thường nào. [12]

Khác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền thành lập năm 1981, chính quyền thường xuyên sách nhiễu các tăng lữ và cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nghị định thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới có hiệu lực

Vào ngày 30/3/2024, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế cho Nghị định số 162/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực.

Nghị định số 95 có một số quy định mới cho phép chính quyền gia tăng kiểm soát và trấn áp các hoạt động tôn giáo. Cụ thể:

  • Chính quyền trung ương, cấp tỉnh có quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và cả các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Điều 12 của Nghị định số 95 cho phép ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc cơ quan quản lý tôn giáo trung ương ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của tổ chức tôn giáo nếu vi phạm nghiêm trọng khoản 4 hoặc khoản 5 của điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

Riêng đối với các cơ sở đào tạo tôn giáo, điều 16 của Nghị định số 95 chỉ cho phép cơ quan quản lý tôn giáo trung ương (như Ban Tôn giáo Chính phủ) ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của các cơ sở đào tạo tôn giáo nếu vi phạm nghiêm trọng Khoản 4 hoặc khoản 5 của điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

Tuy nhiên, phạm vi các điều khoản của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 vừa rộng, mơ hồ, thiếu tính rõ ràng.

Nghị định số 95 cũng không định nghĩa như thế nào được gọi là “vi phạm nghiêm trọng”. Điều này có thể tạo điều kiện chính quyền tùy tiện diễn giải để trấn áp các tổ chức tôn giáo hay đình chỉ hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo.

  • Sinh hoạt tôn giáo trực tuyến phải xin phép chính quyền

Theo điều 27 của Nghị định số 95, các hoạt động tôn giáo đã thông báo hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì khi chuyển sang hình thức sinh hoạt trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến thì cần gửi văn bản thông báo cho chính quyền.

Nếu các hoạt động tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận mà chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến thì phải thực hiện các thủ tục xin cấp phép hoạt động theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định số 95.

Tuy nhiên, nghị định này không quy định cụ thể nội dung cần thông báo cho chính quyền khi các hoạt động tôn giáo chuyển sang hình thức trực tuyến.

Điều này có thể tạo điều kiện cho chính quyền địa phương cản trở các sinh hoạt tôn giáo, dù đó là hoạt động mang tính thuần tuý.

Đáng chú ý, Nghị định số 95 có một điểm sáng tại mục 1, điều 4 là người bị giam giữ được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Thế nhưng các hoạt động này sẽ do từng cơ quan bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nội quy, quy chế tại các cơ sở quản lý, giam giữ thuộc phạm vi quản lý của mỗi bộ.

Đến nay, chính quyền vẫn chưa thông qua quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo do sợ tạo ra dư luận xấu trong xã hội. [13]

[Tôn giáo 360]

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh hiện nay dưới mức Sứ thần nhưng trên Khâm sứ

Trong một bài viết đăng trên trang điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Vũ Chiến Thắng khẳng định mức quan hệ của Việt Nam với Toà Thánh Vatican hiện nay dưới mức Sứ thần nhưng trên Khâm sứ [14]. Hai bên sẽ cùng tiến hơn nữa nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt.

Theo nội dung của bài viết này, Việt Nam là một trong các quốc gia có nhiều vấn đề nhất định. Vì thế, để giải quyết các vấn đề này, Vatican đã cử Đặc phái viên của Giáo hoàng và chức danh này không có tư cách ngoại giao chính thức.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cũng từng phát ngôn trước đây, khẳng định việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Giáo hoàng sang thăm là thiện chí của Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Việt Nam rất mong chờ chuyến thăm của Giáo hoàng. [15]

Sau năm 1975, chính quyền cộng sản đã yêu cầu khâm sứ Tòa Thánh Vatican rời khỏi Sài Gòn, chấm dứt sự đại diện của Tòa Thánh tại Việt Nam. Đến năm 2011, chính quyền mới cho phép Tòa thánh bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú tại Việt Nam là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.

Đến tháng 7/2023, ông Võ Văn Thưởng hội kiến với Giáo hoàng Francis và hai bên lần đầu tiên thông qua "Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam".

Xem thêm: Trăm năm quan hệ Việt Nam - Vatican và những vấn đề bạn nên biết

[Tôn giáo mới]

Bắc Giang cho rằng các tôn giáo mới ảnh hưởng xấu xã hội

Một bài viết đăng báo Lao Động cho biết, chính quyền tỉnh Bắc Giang cảnh báo các hiện tượng tôn giáo mới đang tác động tiêu cực và ảnh hưởng xấu đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, sự ổn định của xã hội cũng như tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự.

Chính quyền cũng cáo buộc một số tôn giáo mới đã lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào sắc tộc thiểu số tham gia hoạt động chống phá chính quyền. Ngoài ra bài viết cũng cho biết, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có khoảng 100 hiện tượng tôn giáo mới và đa phần trong số đó chính quyền coi là tà đạo.

Trong khi đó, nội dung trong một tài liệu bồi dưỡng về tôn giáo vào tháng 11/2021 cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận năm mặt tích cực của phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và chính Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tuyên bố Việt Nam sẽ chào đón tất cả các tôn giáo, kể cả các tôn giáo mới. Tuy nhiên đến nay, chính quyền lại đi ngược với những gì tuyên bố trước đó. [16]

Xem thêm: Vì sao chính quyền Việt Nam không chấp nhận các tôn giáo mới?

Thanh Hóa nói nhóm "Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam" có dấu hiệu phản động

Một đoạn clip của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Thanh Hóa cho biết nhóm “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” hay “Năng lượng gốc linh quang vũ trụ kỷ nguyên mới” có dấu hiệu phản động, tà đạo dị giáo.

Theo đoạn clip, người đứng đầu nhóm này lý giải ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ theo thuyết âm - dương xung khắc, bất hòa nên ông đã xoay ngược ngôi sao vàng năm cánh và in lên logo của nhóm. [17] [18]

Ông Lê Văn Phúc, người sáng lập nhóm Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam. Ảnh: Công an Nhân dân.

Chính quyền cho rằng nhóm “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” truyền bá nhiều nội dung liên quan đến tâm linh đi ngược lại với truyền thống tín ngưỡng và có dấu hiệu tà giáo, mê tín dị đoan. Chính quyền cũng khẳng định nhóm này có tư tưởng phản động.

Nhóm “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” do ông Lê Văn Phúc sáng lập vào năm 2016 tại Mỹ, cho rằng được lập ra nhằm giải quyết các vấn đề về sức khỏe, nghèo đói, sự bất ổn trong mọi lĩnh vực bằng việc thực hành năm yếu tố tình thương thần diệu.

Chú thích

[1] Đắk Lắk: Ba tín đồ Hội thánh Tin Lành tư gia độc lập bị tạm giữ không rõ nguyên nhân. (2024, March 8). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/three-protestant-followers-detained-by-dak-lak-police-in-unclear-circumstance-03082024030111.html

[2] Đắk Lắk: Bốn tín đồ Tin Lành độc lập bị giam giữ sau khi mời Chủ tịch nước sinh hoạt tôn giáo. (2023, November 2). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-protestant-followers-in-dak-lak-province-detained-after-inviting-vietnamese-president-to-attend-their-gathering-11022023061829.html?fbclid=IwAR2Q-kpyTpCvga2TCv49Bb7evBavTNSwQS9tVrrhnJkFNiL2z-f1oSvugrA

[3] Xét xử bị cáo Y Krếc Byă về tội phá hoại chính sách đoàn kết. (2024, March 28). Bộ Công An. https://bocongan.gov.vn/tin-an-ninh-trat-tu/xet-xu-bi-cao-y-krec-bya-ve-toi-pha-hoai-chinh-sach-doan-ket-d22-t38329.html

[4] Khởi tố bị can Y Krếc Byă về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết. (2023, April 9). Công an tỉnh Đắk Lắk. https://congan.daklak.gov.vn/-/khoi-to-bi-can-y-krec-bya-ve-hanh-vi-pha-hoai-chinh-sach-oan-ket

[5] Công an Vĩnh Long khởi tố, bắt giam 2 bị can Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm. (2024, March 26). Vietnamnet. https://web.archive.org/web/20240411020357/https://vietnamnet.vn/cong-an-vinh-long-khoi-to-bat-giam-2-bi-can-thach-chanh-da-ra-va-kim-khiem-2263982.html

[6] Bắt thêm 5 bị can liên quan vụ án Thạch Chanh Đa Ra. (2024, March 28). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20240329020213/https://tuoitre.vn/bat-them-5-bi-can-lien-quan-vu-an-thach-chanh-da-ra-20240328182359739.htm

[7] Tôn giáo tháng 11/2023: Hòa thượng Tuệ Sỹ qua đời; chính quyền xem tôn giáo là công cụ thi hành chính sách. (2023, December 11). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2023/12/hoa-thuong-tue-sy-qua-doi-chinh-quyen-xem-ton-giao-la-cong-cu-thi-hanh-chinh-sach/

[8] HRW: Chính quyền Sóc Trăng bỏ tù Danh Minh Quang để trả thù vì bày tỏ quan điểm chính trị. (2024, February 12). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/hrw-says-vietnam-imprisons-danh-minh-quang-for-his-political-expression-02122024022112.html

[9] Hai bị cáo lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước lãnh án. (2024, March 20). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20240320094032/https://tuoitre.vn/hai-bi-cao-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-xam-pham-loi-ich-cua-nha-nuoc-lanh-an-20240320151531882.htm

[10] Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam. (2023, November 20). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2023/11/manh-toi-tren-chiec-ao-mau-nghe-tay-cua-phat-giao-khmer-tai-viet-nam/

[11] Chính quyền cấm sửa chữa chùa Phước Bửu của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. (2024, March 19). RFA. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/authorities-of-ba-ria-vung-tau-not-allow-phuoc-buu-pagoda-carry-out-building-maintenance-03192024054655.html

[12] Tôn giáo tháng 7/2022: Chính quyền gia tăng trấn áp các nhóm Tin Lành độc lập, xét xử vụ án Tịnh Thất Bồng Lai. (2022, August 18). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/08/ton-giao-thang-7-2022-chinh-quyen-gia-tang-tran-ap-cac-nhom-tin-lanh-doc-lap-xet-xu-vu-an-tinh-that-bong-lai/

[13] Vì sao chưa có nghị định xử phạt vi phạm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo?. (2024, January 1). Báo Dân Trí. https://web.archive.org/web/20240103134840/https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-chua-co-nghi-dinh-xu-phat-vi-pham-linh-vuc-tin-nguong-ton-giao-20240103195807863.htm

[14] Quan hệ Việt Nam - Vatican ngày càng đi vào chiều sâu, mở ra tương quan mới. (2024, March 6). Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://web.archive.org/web/20240413143226/https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/quan-he-viet-nam-vatican-ngay-cang-di-vao-chieu-sau-mo-ra-tuong-quan-moi-660535.html

[15] Bổ nhiệm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam đã mở ra một chương mới trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican. (2023, December 25). Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước. https://web.archive.org/web/20240413143220/https://tcnn.vn/news/detail/63054/Bo-nhiem-Dai-dien-Toa-Thanh-Vatican-thuong-tru-tai-Viet-Nam-da-mo-ra-mot-chuong-moi-trong-quan-he-ngoai-giao-giua-Viet-Nam-va-Vatican.html

[16] Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. (2021, June 14). Sở Nội vụ Tỉnh Nam Định. https://web.archive.org/web/20231207070752/https:/sonoivu2.namdinh.gov.vn/qlnn-ve-ton-giao/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-1656

[17] [18] “Năng lượng gốc Trống Đồng” - Từ bí thuật chữa bách bệnh đến tư tưởng phản động, tà giáo. (2024, March 13). Đài PTTH Thanh Hóa. https://web.archive.org/web/20240324142144/https://truyenhinhthanhhoa.vn/nang-luong-goc-trong-dong-tu-bi-thuat-chua-bach-benh-den-tu-tuong-phan-dong-ta-giao-180240313192813891.htm

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.