8 Ưu nhược điểm cơ bản của hệ thống lưỡng đảng

8 Ưu nhược điểm cơ bản của hệ thống lưỡng đảng

Trần Lam Phương (tổng hợp)

Dạng thức chính thể nào là dạng thức hiệu quả nhất? Khi trả lời cho câu hỏi này, chính thể đại diện thường nổi lên như là một trong những câu trả lời ưu tú nhất thể hiện tiềm năng một chính thể phải làm được. Theo đó, khi người dân càng được đại diện tốt hơn bao nhiêu, thì nhu cầu của họ càng được phản ánh trong chính phủ, và chính phủ đó càng hoạt động hiệu quả bấy nhiêu.

Ở Mỹ, bất kỳ ai cũng có thể thành lập đảng phái chính trị và phấn đấu để có vị trí đại diện lớn hơn trong chính phủ. Thế nhưng, tại sao đất nước này chỉ có hai đảng chính, và tất cả các đảng còn lại đều được gọi chung là “đảng thứ ba”?

two-party-system-3

Bài viết sau đây sẽ tìm hiểu những ưu nhược điểm của hệ thống lưỡng đảng với Mỹ là ví dụ minh họa.

Ưu điểm

1. Dễ nắm bắt

Nói một cách đơn giản, hệ thống lưỡng đảng giúp người dân dễ nắm bắt vấn đề. Khi chỉ có hai đảng lớn có quan điểm mâu thuẫn, việc chọn bên này hay bên kia sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, vì đường lối của các đảng đi theo những ý thức hệ tương ứng, nên mọi người có thể dễ dàng đồng tình và đứng về một trong hai đảng.

2. Lập trường phổ biến

Với hệ thống lưỡng đảng, mỗi đảng phải tìm ra những lập trường phổ biến, nói thay cho mong muốn của đông đảo người dân. Do đó, các đảng sẽ có nhiều khả năng định hướng mình theo quan điểm trung lập – thể hiện phổ quan điểm chung và được nhiều người dân đồng tình, thay vì những quan điểm cực đoan có thể đẩy đảng vào thế nguy xa rời quần chúng. Khi một đảng trở nên cực đoan trong một vấn đề, nhiều người sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho đảng còn lại, gửi đi thông điệp rõ ràng rằng những quan điểm như vậy không được lòng người. Nói cách khác, hệ thống lưỡng đảng đã tự điều chỉnh và cho phép các hệ thống chủ động chống lại những quan điểm cực đoan.

3. Thuận tiện cho hoạt động tổ chức bầu cử

Khi chỉ có hai đảng hoạt động nhận được sự quan tâm của phần đông dân chúng, việc tổ chức các cuộc tranh luận và các sự kiện bầu cử trở nên dễ dàng hơn nhiều. Các sự kiện có thể được lên lịch từ sớm, và người dân cũng có thể nhận được những cảnh báo chính trị sớm hơn. Ngoài ra, việc có ít đảng cũng mở ra khả năng có nhiều cuộc tranh luận trực tiếp, từ đó giúp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề chính trị.

4. Những đảng phái thành công đại diện cho số lượng lớn cử tri tại một địa phương

Trong 50 bang của Mỹ thì có 48 bang, các cuộc bỏ phiếu bầu cử được tiến hành dựa trên cơ sở “được ăn cả ngã về không” (“Winner takes it all”). Chẳng hạn, nếu bạn giành được 51% phiếu bầu của bang Florida, thì coi như bạn đã nắm toàn bộ số phiếu của bang này. Như vậy, một chính đảng chỉ có thể chiến thắng tại một khu vực địa lý nếu họ thật sự có đủ sức mạnh chính trị và nhận được sự ủng hộ áp đảo từ quần chúng so với các đảng phái còn lại. Hệ thống này giúp xác định một cách dễ dàng và nhanh chóng xu hướng chính yếu của phần đông cử tri.

Nhược điểm

1. Khó thay thế quyền lực lưỡng đảng

Tuy nhiên, ưu điểm số bốn cũng có những nhược điểm nhất định. Như đã nói ở trên, với cơ chế “được ăn cả”, đảng muốn chiến thắng cần một sức mạnh tập trung tại bất kỳ một khu vực địa lý bầu cử nào. Điều này không phản ánh được cơ sở ủng hộ của một số đảng phái rải rác trên toàn quốc gia. Ít được biết đến trong cuộc bầu cử, các ứng viên đảng thứ ba có thể chẳng bao giờ nhận được sự chú ý cần thiết để chạy đua với ứng viên của hai đảng chính.

2. Hạn chế bản chất tranh luận

Với một sự việc, luôn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, với hệ thống lưỡng đảng, một số chi tiết nhỏ trong các chủ đề sẽ bị che lấp bởi sự đồng thuận của số đông trong đảng. Điều này làm hạn chế bản chất tự nhiên của các cuộc tranh luận, tập trung hoàn toàn vào ý kiến của đúng hai người. Những hệ thống cho phép nhiều hơn hai đảng phái tồn tại sẽ có nhiều ý kiến về các chủ đề hơn, từ đó cho phép người bỏ phiếu bầu có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

3. Tư duy phân biệt đảng phái

Ở Mỹ, rất hiếm có chuyện chính phủ liên minh. Lý do là vì với hệ thống lưỡng đảng, người thắng và kẻ thua rất rõ ràng. Với những hệ thống có nhiều đảng phái hơn, người giành chiến thắng sẽ phải liên minh với các đối thủ để điều hành đất nước hiệu quả hơn (hoặc cũng có thể gây ra tình trạng hỗn loạn hơn). Đảng thắng cử phải làm việc với đảng đối lập để phê duyệt những điều luật hay chương trình cải cách có ý nghĩa. Trong khi đó, với hệ thống lưỡng đảng, các đảng không phải lo làm sao làm việc được với nhau. Phần lớn thời gian sẽ được họ dùng để tìm cách đấu đá nhau. Hệ lụy đáng buồn đôi khi xảy ra do sự ganh đua này là những điều luật không cần thiết lắm lại được thông qua, trong khi chính phủ làm việc kém hiệu quả.

4. Cảm giác không có lựa chọn

Lần cuối bạn bỏ phiếu cho một đảng thuộc bên thứ ba là khi nào? Bạn có tin rằng khi bạn bỏ phiếu cho một bên thứ ba tức là bạn đang ném đi lá phiếu của mình không? Đây không phải là cảm giác hiếm gặp với những hệ thống lưỡng đảng. Ở Mỹ, bỏ phiếu cho bên thứ ba, người không thể chiến thắng, thường được cho là hành động tách mình ra khỏi hoạt động chính trị. Với hệ thống lưỡng đảng, người ta không hy vọng một đảng bất kỳ nào khác có thể nổi lên soán vị trí nổi bật và quan trọng của hai đảng hiện tại.

Nguồn tham khảo: 7 Major Pros and Cons of Two Party System

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.