Đài Loan 1947: Bà bán rong nằm xuống, phong trào dân chủ nổi lên

Đài Loan 1947: Bà bán rong nằm xuống, phong trào dân chủ nổi lên

Kể từ năm 1995, ngày 28 tháng 2 hằng năm là một trong những ngày lễ chính thức ở Đài Loan. Đây là ngày tưởng niệm những nạn nhân đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) đàn áp và giết chết trong một cuộc tổng nổi dậy toàn quốc năm 1947.

Sự kiện này thường được biết đến với tên gọi “Thảm sát 228” (228 Massacre) vì nó đã bắt đầu vào ngày 28/2/1947.

Trên 1.000 người xếp tưởng niệm nạn nhân của thảm sát 228 tại Đài Bắc vào tháng 2/2015. Ảnh: AP/newlense.com.

Sau khi xảy ra cuộc thảm sát 228 vào năm 1947, Tưởng Giới Thạch tuyên bố tiến hành thiết quân luật (martial law) trên toàn bộ đảo quốc Đài Loan. Kể từ đó, Quốc dân đảng (Chinese Nationalist Party – Kuomintang – KMT) dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, đã áp dụng chế độ cai trị độc tài, độc đảng, cũng như tiến hành sử dụng nhiều biện pháp đàn áp dã man đối với phe đối lập.

Giai đoạn này còn được gọi là thời kỳ “khủng bố trắng” (White Terror) trong lịch sử Đài Loan.

Thế nhưng, song song với việc bắt đầu giai đoạn đàn áp từ phía chính quyền, ngày 28/2/1947 còn mang một ý nghĩa khác đối với quá trình chuyển đổi dân chủ ở Đài Loan. Vì cũng bắt đầu từ ngày 28/2/1947, người dân Đài Loan đã từng bước đứng lên đấu tranh đòi tự do dân chủ trong suốt 40 năm, cho đến khi chế độ thiết quân luật chấm dứt vào ngày 15/7/1987.

Bối cảnh kinh tế, xã hội của Đài Loan sau Thế chiến thứ 2

Sau khi Thế chiến thứ 2 chấm dứt, Nhật Bản thua trận và đã trao trả Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc (The Republic of China) và chính quyền đương thời của Quốc dân đảng vào năm 1945, chấm dứt 50 năm cai trị của Đế quốc Nhật Bản tại đây.

Sau khi tiếp quản Đài Loan, chính quyền Quốc dân đảng đã thu tóm và “quốc doanh hóa” tất cả các ngành kinh tế mũi nhọn của đảo quốc, kể cả các ngành kinh doanh vốn thuộc về tư nhân lúc trước. Các mặt hàng nhu yếu phẩm như cà phê, trà, thuốc lá, v.v. trở thành kinh doanh đặc quyền của chính phủ mới.

Đời sống của người dân Đài Loan trở nên thiếu thốn hơn rất nhiều so với thời bảo hộ của Nhật Bản (1895-1945) khi các mặt hàng thiết yếu đều bị nhà nước quản lý chặt chẽ.

Cùng lúc, cuộc nội chiến tại Trung Hoa lục địa giữa Quốc dân đảng và người cộng sản còn đòi hỏi tài nguyên của Đài Loan phải được ưu tiên sử dụng cho quân đội tại lục địa. Vào năm 1947, giá gạo tại Đài Loan đắt gấp 400 lần so với Thượng Hải trong khi Đài Loan là nơi sản xuất ra gạo.

Ngoài ra, chính quyền mới bài xích và kỳ thị người Đài Loan qua việc chỉ sử dụng nhân viên công quyền từ những người mới đến từ Trung Hoa và biết sử dụng tiếng “quốc ngữ” Quan thoại (Mandarin), vốn là ngôn ngữ chỉ phổ thông ở Bắc Kinh chứ không phải ở Đài Loan.

Triển lãm tại Bảo tàng lịch sử Đài Loan về thời kỳ Nhật chiếm đóng. Ảnh: scmp.com.

Về mặt xã hội, sau 50 năm là thuộc địa của Nhật, người Đài Loan đã tiếp nhận nền văn hóa Đông Kinh, sử dụng tiếng Nhật và có cách cư xử với nhau như người Nhật.

Điều này tạo ra mâu thuẫn giữa người Đài Loan và những người Trung Hoa mới nhập cư, vì những người mới thì không thể chấp nhận văn hóa Nhật và cho rằng Nhật Bản là kẻ thù của họ.

Thế nên, ngay cả giới trí thức tại Đài Loan cũng bị chính quyền mới coi thường chỉ vì họ đã được đào tạo bởi người Nhật Bản.

Việc chỉ sử dụng người mới đến từ Trung Hoa và kỳ thị giới tinh hoa Đài Loan đã tạo ra một sự “độc quyền về chính trị” tại đây, dẫn đến tình trạng tham nhũng xảy ra một cách thường xuyên và tràn lan.

Những xáo trộn về kinh tế, xã hội và chính trị tại thời điểm ấy đã dần dần tạo nên một sự bất ổn âm ỉ trong xã hội Đài Loan mà chỉ cần một mồi lửa nhỏ là sẽ bùng cháy. (1)

Mồi lửa đó đã xuất hiện vào đêm 27/2/1947 ở thành phố Đài Bắc.

Gánh hàng rong làm bùng nổ xung đột giữa người dân và chính quyền

Đêm 27/2/1947, các nhân viên của Cục quản lý thuốc lá độc quyền (Tobacco Monopoly Office) và cảnh sát Đài Bắc phát hiện một phụ nữ trung niên là bà Lin Jiang-mai bán thuốc lá dạo trên đường phố.

Bán thuốc lá lẻ bị xem là hành vi buôn lậu vào thời điểm ấy, vì đó là mặt hàng kinh doanh độc quyền của chính phủ.

Các nhân viên của Cục quản lý thuốc lá và cảnh sát lập tức tiến hành tịch thu giỏ hàng của bà Lin và hai bên xảy ra tranh chấp. Cảnh sát đã dùng báng súng đánh vào đầu của bà và có tài liệu ghi là bà đã tử vong tại chỗ.

Những người dân xung quanh vì cảm thấy bất bình với hành vi sử dụng bạo lực của các nhân viên chính phủ nên đã lên tiếng phản đối. Một viên cảnh sát đã nổ súng vào đám đông và bắn chết một người.

Từ đêm đó cho đến ngày hôm sau, 28/2/1947, người dân đã tập trung tại cổng trụ sở của Cục quản lý thuốc lá ở thủ đô Đài Bắc và biểu tình yêu cầu chính phủ phải xử lý hình sự nhân viên cảnh sát đã gây ra án mạng.

Thế nhưng, chính quyền Đài Loan lúc đó lại quyết định sử dụng bạo lực để trấn áp. Quân đội và cảnh sát đã dẹp tan người biểu tình bằng cách bắn trực tiếp vào đám đông đang tụ tập.

Việc làm này đã dẫn đến tình trạng bạo động dâng cao hơn và có nhiều người tham gia vào đoàn người biểu tình hơn.

Biểu tình ngày 28/2/1947 trước cửa Cục quản lý thuốc lá độc quyền ở Đài Bắc. Ảnh: qulishi.com.

Toàn quốc nổi dậy phản đối chính quyền Quốc dân đảng

Một số người biểu tình ở Đài Bắc đã chiếm được đài phát thanh và phát ra lời kêu gọi trên toàn quốc. Một cuộc nổi dậy của người Đài Loan phản đối chính quyền Quốc dân đảng đã bùng nổ vào ngày 28/2/1947.

Trong những tuần tiếp sau đó, xung đột liên tục xảy ra giữa người biểu tình và chính quyền, cũng như giữa người Đài Loan và những người Trung Hoa mới đến từ lục địa.

Một Ủy ban hòa giải (Committee on Settlement) được giới trí thức Đài Loan thành lập để đàm phán với phe chính phủ. Đồng thời, họ cũng kêu gọi người dân không sử dụng bạo lực, đặc biệt là với những người Trung Hoa mới đến từ lục địa để giảm bớt căng thẳng.

Một bản kiến nghị gồm 32 điều, trong đó có những đòi hỏi về sự tự chủ cũng như quyền được tham gia vào các ban ngành chính phủ, được tranh cử vào Quốc Hội và các quyền chính trị khác của người Đài Loan, đã được ủy ban này đề ra với chính phủ Quốc dân đảng.

Thống đốc Đài Loan lúc đó, Chen Yin, đã dùng kế sách hòa hoãn với Ủy ban hòa giải nhằm có thể nhanh chóng ổn định an ninh trật tự, và đã tỏ vẻ đồng ý với bản kiến nghị.

Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng quân đội của Quốc dân đảng tại Phúc Kiến đã được huy động, và vào ngày 8/3/1947 đã tấn công vào Đài Loan để trấn áp cuộc nổi dậy. Hàng nghìn người đã bị xử tử tại chỗ mà không cần thông qua xét xử.

Cuộc nổi dậy kéo dài gần 1 tháng trên toàn Đài Loan cuối cùng đã chấm dứt bằng máu và sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội. Theo một số tài liệu, con số nạn nhân thiệt mạng trong cuộc thảm sát ngày 28/2/1947 có thể lên đến gần 30.000 người. (2) & (3)

Ông Pan Hsin-hsing và hình người thân bị giết trong cuộc thảm sát 228. Khi đó ông mới 6 tuổi. Ảnh: SCMP.

Có rất nhiều nạn nhân của cuộc thảm sát 228 thuộc về tầng lớp tinh hoa của Đài Loan thời ấy.

Trong số đó, có các ông Wu Kim-Lian – biên tập viên của báo Đời sống mới Đài Loan (Taiwan New Life); ông Lin Mao-Sheng – Trưởng khoa Mỹ thuật (Dean of Arts) của trường Đại học Đài Loan (Taiwan University) và là giáo sư tiến sỹ đầu tiên của Đài Loan tốt nghiệp tại Mỹ; bác sỹ Gwo Zhon-Tan – Giám đốc Bệnh viện I-Lun của Đài Bắc; và họa sỹ nổi tiếng Tan Ting-pho. (4)

Thảm sát 228 đã góp phần mở đầu cho cuộc đấu tranh chuyển đổi dân chủ tại Đài Loan

Từ vụ việc xử lý không thỏa đáng một người bán thuốc lá dạo của chính quyền, người dân đã nhìn thấy được sự bất cập của một nhà nước độc tài không có pháp trị, và họ quyết tâm phải thay đổi điều đó.

Sau khi quân đội Quốc dân đảng khống chế được toàn bộ tình hình Đài Loan vào tháng 3 năm 1947, rất nhiều người vẫn tiếp tục bị bắt giữ và giam cầm nhiều năm sau đó, thậm chí một số còn bị thủ tiêu trong thời kỳ “khủng bố trắng.”

Thế nhưng, những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Đài Loan không hề chùn bước.

Quá trình dân chủ hóa của Đài Loan kéo dài trên dưới 40 năm, từ tháng 2/1947 đến tháng 7/1987, và gặp sự đàn áp rất khốc liệt từ phía chính quyền. Trong suốt 40 năm đó, các nạn nhân của cuộc thảm sát 228 không hề được nhắc đến và cũng không có ai đòi công lý cho họ.

Tuy nhiên, sau khi Đài Loan chuyển đổi thành công sang thể chế dân chủ vào năm 1987, công cuộc đòi hỏi minh bạch hóa sự kiện 228 bắt đầu có những chuyển biến tích cực.

Năm 1995, Tổng thống Đài Loan Lee Teng-hui – một người từng là nạn nhân của “khủng bố trắng” trong thời kỳ thiết quân luật – đã công bố ngày 28/2 hằng năm là ngày tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát 228, cũng như đại diện cho chính phủ Quốc dân đảng chính thức xin lỗi họ. Công viên Tân Đài Bắc cũng được đổi tên thành công viên Hòa Bình 228.

Công viên Hòa Bình 228 ở Đài Bắc là nơi tưởng niệm các nạn nhân của thảm sát 228. Ảnh: outreachfortaiwan.org.

Từ đó cho đến nay, ngày càng có nhiều tài liệu về thảm sát 228 và các nạn nhân được xuất bản. Nhiều cuộc vận động đòi hỏi công lý cho các nạn nhân (transitional justice) đã được thực hiện và hiện tại, đã có những dự thảo luật về vấn đề này đang được đề ra và thảo luận tại Quốc hội Đài Loan.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm cuộc thảm sát 228 vào tháng 2/2017, chính phủ Đài Loan công bố sẽ bạch hóa tất cả hồ sơ mật liên quan đến sự kiện lịch sử này để mọi người dân đều có thể hiểu rõ hơn về một giai đoạn, tuy đau thương nhưng lại rất quan trọng trong quá trình dân chủ hóa đất nước.

Tài liệu tham khảo:

(1) Research report on Responsibility for 228 Massacre

(2) Taiwan Commemorates a Violent Nationalist Episode, 70 Years Later

(3) Những bài báo nước ngoài đưa tin về Thảm sát 228 vào năm 1947

(4) The Innocent Faces of the 228 Massacre

(5) 228 Incident animation by Taiwan Bar

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.