‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Đã có lần anh hỏi em về nơi em muốn sống sau này, nó sẽ hoặc phải như thế nào.
Em chưa từng trả lời anh về nơi em muốn sống nó phải thế nào. Trên thực tế, hoặc là em, hoặc là anh, hoặc là cả hai chúng ta phải cùng nhau xây dựng. Muốn nơi mình sống thế nào chúng ta phải tự mình xây dựng, thậm chí phải đấu tranh để có nó.
Anh, sau này dù sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là chúng ta sẽ dạy con mình rằng khi con nhận được một cái gì đó, hoặc thứ gì đó miễn phí như y tế, giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hàng hóa công cộng miễn phí, thì thay vì tự hào, sung sướng, con hãy cảm thấy xấu hổ con ạ. Bởi con biết không, trên đời này không có thứ gì miễn phí cả. Khi con nhận được thứ gì đó miễn phí từ bất kỳ một ai đó, hay một tổ chức nào đó dù là của cá nhân hay từ chính phủ thì một ai đó khác, đang còng lưng, vật lộn làm việc kiếm tiền trả thay cho con.
Con hãy nhớ kỹ điều đó, đừng nghe người ta ca ngợi rằng ở đâu đó tận xứ Bắc Âu, Bắc Mỹ hay đâu đó cái gì cũng được miễn phí, là người ta chỉ nói cho con nghe cái ngọn. Không ai giải thích tường tận cho con cái gốc. Chúng ta không thể đòi hỏi chính phủ phải cung cấp cho ta cái này, cái kia. Một chính phủ mà đủ khả năng đem lại cho chúng ta những lợi ích, tiện nghi đó, thì cũng là một chính phủ có đủ quyền lực lấy đi những gì mà chúng ta đang có.
Chúng ta sẽ dạy cho con mình ăn cắp là xấu. Dĩ nhiên. Ăn cắp mà được “hợp pháp hóa”, nhân danh những thứ cao đẹp lại càng xấu xa hơn và bỉ ổi hơn nhiều. Đất nước nơi anh sống, em sống, chúng ta cùng sống, chính phủ không có quyền can thiệp hay nhúng tay quá sâu vào nền kinh tế, cản cái này, cấm cái kia. Chính phủ không cần thiết phải chọn cái nào là then chốt, là định hướng, là kim chỉ Nam hay kim chỉ Bắc. Ngược lại, người dân cũng không gào khóc đổ lỗi cho chính phủ phải trợ cấp giá sàn, giá trần hay giải cứu lợn, giải cứu dưa hấu, hay trách cứ truyền thông bỏ mặc người nông dân, hay chửi một thương lái Trung Quốc thâm độc nào đó.
Anh, từ lâu em vốn biết cuộc sống này có những thứ rất vô lý nhưng miễn là nó được nhân danh công lý, thì sẽ trở thành rất hợp lý.
Anh, con chúng ta sau này, dù là anh hay là em hay cả nền giáo dục sẽ không dạy con mình “lòng yêu nước”. Bởi anh biết không, đó là thứ vũ khí lợi hại nhất, ghê tởm nhất và dơ bẩn nhất để những kẻ đứng sau nó, hô hào nó và ca ngợi nó để biến con mình và con người khác thành tấm khiên, manh áo giáp cho họ thực hiện lý tưởng của họ dưới tên gọi “lợi ích quốc gia”, hay “bảo vệ đất nước”. Chúng ta chỉ cần dạy cho con yêu nơi nó được sinh ra và những giá trị truyền thống. Không có mục tiêu hay lợi ích quốc gia nào để cá nhân phải hy sinh và đánh đổi. Trong trường hợp phải “hy sinh, đánh đổi”, nó phải được chính cá nhân đó đồng ý, chứ không phải vì lợi ích của một ai khác hoặc một đám đông nào đó.
Anh, con mình sẽ được dạy rằng, chính nghĩa không phải lúc nào cũng chiến thắng, thậm chí nhiều khi chính nghĩa luôn thất bại trước đám đông nắm giữ quyền lực và công cụ bạo lực. Chỉ có những kẻ chiến thắng mới luôn nhận mình là chính nghĩa.
Anh, em sẽ dạy con rằng không nhất thiết “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chúng ta sẽ dạy cho con mình yêu đồng bào Ê-đê, H’mông, yêu người Dao cũng như yêu người Kinh, yêu lấy người Trung Quốc, người Nga, người Anh, người Pháp, người Mỹ, nếu họ là người tốt và họ yêu lấy con.
Con đừng nhân danh những thứ có ranh giới và khoảng cách như quốc gia và lãnh thổ để phân biệt đối xử giữa con người và con người với nhau. Con biết không, lãnh thổ bản chất nó chỉ là “biên giới địa lý”, còn quốc gia bản chất chỉ là “biên giới chính trị”. Những rào cản khác biệt vô hình như văn hóa và ngôn ngữ đã làm cho con người khó hiểu nhau, cớ làm sao con có thể đem những thứ như “biên giới địa lý” và “biên giới chính trị” ra để làm cho con người càng xa nhau hơn?
Và anh, em ước gì đất nước nơi mình sống, em được giáo dục rằng một người anh hùng thật sự không nhất thiết phải bước ra từ một cuộc chiến tranh, một cuộc chinh phục hay chinh phạt nào đó, cho dù đó có là Alexander Đại đế – người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà người châu Âu thời đó biết đến, hay một Napoleon – người đã từng làm rung chuyển cả châu Âu với thành tích gần như bất bại.
Một người anh hùng thật sự chỉ đơn giản là người vô danh biết yêu hòa bình, bảo vệ hòa bình và ngăn chặn loài người khỏi chiến tranh, chết chóc, tai họa, dịch bệnh, nạn khủng bố. Người anh hùng, là người đem lại nụ cười cho nhân loại, hạnh phúc cho loài người, chứ không phải là người bước ra từ máu, nước mắt và xác người, dẫm đạp lên nỗi đau của người khác bằng cách sử dụng các công cụ bạo lực và giết chóc.
Em biết, có thể anh sẽ đồng ý, không đồng ý, hoặc vừa đồng ý vừa không đồng ý với quan điểm của em. Nếu anh đồng ý thì em vui vì được lắng nghe. Nhưng nếu anh bất đồng quan điểm với em, thì cũng hãy để em được mở miệng nói ra quan điểm và chính kiến cá nhân, suy nghĩ và khát vọng của mình. Anh không thể nhân danh tự do để hủy diệt tự do, chà đạp lên tự do bằng cụm từ “tự do trong khuôn khổ”, rồi cấm đoán quan điểm của em vì em khác anh. Em không theo chuẩn mực giá trị chung của đám đông.
Và rằng anh có thể không đồng ý với những điều em nói, nhưng anh có thể chết để bảo vệ quyền em được nói những điều đó. Có như vậy mới là đất nước của em, do em và vì em, phải không anh?
Anh à, nơi anh sống, nó có khác gì nơi em sống không? Còn nơi em sống, có nhiều anh hùng bước ra từ những cuộc chiến tranh lắm, nên lịch sử bốn nghìn năm, em lật mãi, lật mãi không thấy trang nào vui hết.
Anh của em biết không, trên đời này không có điều gì là không thay đổi, chỉ có một điều không thay đổi là: tất cả mọi thứ luôn thay đổi. Ý em là, không có triều đại nào tồn tại vĩnh cửu, vậy mà hà cớ gì người ta cứ lừa mị em cái gọi là “muôn năm”?
Anh, con mình sau này, em sẽ dạy nó biết lễ phép, biết vâng, dạ, ạ, ơi. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, em sẽ dạy cho con biết văng tục, chửi thề. Hãy chửi thề khi một ai đó cố tình hãm hại con, hãy chửi thề khi một gã nào đó cố tình vỗ vào mông con hay sàm sỡ con chốn đông người và trong bất kỳ tình huống nào con cần tự vệ. Một xã hội luôn đề cao một mớ văn hóa trừu tượng như văn hóa, đạo đức, chuẩn mực, nơi chỉ chấp nhận mở miệng ra nói phải thánh thót như chim hót, có văn có vần, đôi khi lại làm hại cuộc đời con khi chống lại kẻ xấu.
Nhưng con cũng đừng hiểu nhầm ý mẹ, mẹ muốn dạy con kỹ năng sống với người tốt, người không tốt, người chưa được tốt và cả bọn xấu. Một xã hội chỉ truyền dạy cho con những điều tốt đẹp và có chọn lọc, đôi khi vô tình hãm hại con khi sống với những kẻ xấu mà không có kỹ năng để tự bảo vệ mình. Và như thế, họ, những người tốt đó, mới là kẻ hại con.
Anh, hãy để em giáo dục con mình rằng: Giáo dục không phải là dạy cho trẻ con biết thưởng thức Mozart để về nhà chửi nhau với bác hàng xóm đang nghe Ưng Hoàng Phúc. Người ta nói hậu hiện đại là phá vỡ các ranh giới, nhưng không phải để người ta mặc bà ba, quấn khăn rằn, ôm súng AK múa ba-lê. Đạo đức không phải là khúm núm rụt rè trước mặt thầy giáo hay không được chửi thề. Văn hoá cũng không phải là một mớ những bản sắc tưởng tượng.
Thách thức của giáo dục nằm ở chỗ làm sao cho người học biết chửi thề đúng lúc đúng chỗ, biết phân biệt giữa Facebook và đơn xin nghỉ việc, biết bàn luận về Mozart nhưng hiểu vì sao Đàm Vĩnh Hưng đắt show, biết ngất xỉu trước Bi Rain nhưng cũng để ở đầu giường một quyển sách về Einstein. Giáo dục không phải là dạy người ta cách loại trừ và phân biệt, mà dạy cách mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm, dạy người ta biết đón nhận cuộc sống như một nguồn tư liệu vô tận.
Có lẽ con sẽ sốc ít nhiều vì những thứ mẹ viết, sao nó không giống sách giáo khoa con được học, không giống báo chí tuyên truyền, lại càng không giống truyền thông với cả truyền hình. Không sao đâu con ạ, vì giữa lý thuyết và thực tế luôn có khoảng cách, và khoảng cách ấy nhiều khi sẽ tát vào mặt con không thương tiếc. Nhưng rồi con sẽ trưởng thành hơn từ những “cái tát” đó, hoặc chí ít, con sẽ biết thích nghi với những cú tát đó.
Anh, em muốn viết cho anh thật nhiều, cũng như dạy con thật nhiều, nhưng tư duy và kiến thức của em lại vốn rất hạn hẹp, và nó không đủ làm hành trang cho con vào đời đâu. Một ngày nào đó lớn lên con hãy đi xa, đi thật xa. Thế giới bao la bên ngoài, thế giới quan rộng lớn sẽ thay đổi tư duy của con. Đừng ngồi đó bẻ cong cả thế giới theo suy nghĩ của mình.
Nhớ là hãy mặc kệ lũ người ngoài kia đang gào thét những thứ cao siêu ở tầm vĩ mô như “về để cống hiến, về để xây dựng Tổ quốc”. Hãy đi và tìm nơi con thực sự muốn sống, muốn cống hiến và muốn thuộc về, miễn là nó thỏa mãn các giá trị con cần. Nơi đó có thể là nơi con được sinh ra, hay kể cả là một nơi xa xôi nào đó chưa xuất hiện trên bản đồ, mẹ đều ủng hộ con hết.
—
Bạn có thể gửi bài tham gia diễn đàn “Quốc gia đáng sống” qua địa chỉ editor@luatkhoa.org đến hết ngày 31/8/2017. Thông tin chi tiết tại đây.