Quốc gia đáng sống: Khi người dân không còn tâm niệm “phi thương bất phú”

Khi một đất nước mà tất cả cùng khắc cốt ghi tâm rằng không giàu thì không ai lo cho mình, đất nước ấy đang thể hiện cả một vùng trời hoang vu chính sách công.

Quốc gia đáng sống: Khi người dân không còn tâm niệm “phi thương bất phú”

Người Việt từ xưa đến giờ vẫn thường có một câu cửa miệng, rằng “phi thương bất phú”, nôm na là không buôn bán thì không giàu nổi đâu. 

Đại đa số người dân tin vào điều này, và tình hình xã hội lẫn kinh tế cổ súy cho quan điểm này. Câu nói đó đề cao vị trí ngành thương mại trong xã hội, và nó cắm rễ trong tâm thức nhiều người dân Việt Nam đến mức khi thấy ai phát tài phát lộc trong kinh doanh, chúng ta dễ dàng buột miệng “phi thương bất phú mà”.

Vậy, vì cớ gì mà một quốc gia có thể chưa thực sự đáng sống khi tư tưởng này ngự trị? Chúng ta sẽ xem xét điều này khi tách câu ngạn ngữ này thành hai phần “phi thương” và “bất phú”.

Xét vế đầu, câu nói đề cao tính ưu việt của ngành thương mại. Nói theo cách học thuật trong ngữ cảnh kinh tế ngày nay, “thương” là ngành trung gian, cung cấp giá trị cho chuỗi cung ứng từ lúc hàng hóa bước ra khỏi cửa nhà máy cho đến khi bước vào cửa nhà người tiêu dùng. Còn gọi theo cách bình dân thì đây là một dạng “cò” giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ cuối.

Cứ mỗi khi hàng hóa qua một cửa “cò” thì giá trị lại tăng thêm, tức là giá mắc lên thêm một chút để có biên độ lợi nhuận cho anh chàng “thương nhân” này. Không đâu xa, báo chí lúc nào cũng đề ra rồi… để đó bài toán giải hoài không xong giữa bộ ba nông dân – thương lái – bà nội trợ: nông dân vẫn nghèo rớt mồng tơi bởi phải hạ giá đến mức bán lỗ, nhưng giá ngoài chợ chẳng hề giảm theo mà thậm chí còn tăng lên khiến cho bà nội trợ tối ngủ không ngon.

Đi xuống miệt vườn miền Tây, không khó để nhận ra những ngôi nhà khang trang bề thế của các chủ vựa gạo với tên chủ nhà lẫn năm xây khắc lên tường, và những mái tranh hay căn nhà cấp bốn loàng xoàng của nông dân. Việc “chủ vựa” giàu lên từ việc thu mua rồi bán lại đã thành chuyện thường đến mức không ai buồn thắc mắc. Nhưng nó nên là chuyện thường của thế kỷ trước, khi cơ cấu kinh tế và mạng lưới thông tin cũng như chính sách vĩ mô còn sơ khai.

Bước vào thời đại thế giới phẳng, lợi thế thông tin bất đối xứng không còn là đặc quyền của thương lái nữa. Chính nhà sản xuất, mà lấy ví dụ dễ hiểu nhất là người nông dân, biết hàng hóa mình được mua vào và bán ra với giá bao nhiêu, và bản thân họ có thể tự rút ngắn giai đoạn trung gian này bằng cách tự cung ứng đến nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng.

Minh bạch thông tin cũng sẽ giúp nhiều “cò có tâm” tham gia vào đàn, và cạnh tranh với các “cò cơ hội” giúp tăng lợi ích cho cả chuỗi, đồng thời tạo ra nhiều sáng kiến cho toàn nền kinh tế.

Việc mù mờ thông tin vừa gây hại vô biên cho nhà sản xuất, vừa lừa phỉnh người tiêu dùng. Cò hô cái gì thì nuôi trồng, xây nhà máy làm cái đó, rồi đến lúc cò “hô biến” thì ôm sô khóc ròng không biết cả đống “của nợ” ấy giờ đem bán đi đâu. Ra tới chợ, dân lại chặc lưỡi “mua nhầm chứ bán không nhầm”, bởi có biết chính xác mình đang mua hàng xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào đâu.

Đã ngót 20 năm đầu của thế kỷ 21, “thương lái” không nên chỉ làm hoài công việc sơ đẳng nhất là thu vô rồi bán ra cho được giá, mà nên là nguồn lực giúp điều tiết nền kinh tế. Có làm được việc này hay không phụ thuộc rất lớn từ một kế hoạch vĩ mô sáng suốt và công tâm, nhìn ra được cái hay – dở ở từng vùng mà định hướng phát triển cho hợp tình hợp lý. Việc này không những giúp nước đó có những thứ “độc nhất vô nhị” mà còn giúp người dân an tâm mà sản xuất, không lo “lướt sóng mùa vụ” nữa. Nói hoa mỹ hơn, khi “thương lái” được thị trường điều tiết hợp lý, thì nhà sản xuất sẽ nhìn xa hơn việc bán hàng chỉ để kiếm tiền, mà biết tầm quan trọng của mình trong chuỗi giá trị.

Nhưng cũng giống như cái máy tính, mấy chính sách vĩ mô rồi thông tin dào dạt mới là phần mềm thôi, phải có phần cứng tương thích thì mới chạy được. Để thương lái không phải lực lượng “độc cô cầu bại” thì đường sá cần đạt chất lượng tốt, phí cầu đường minh bạch và hợp lý, giá cả xe cộ phải chăng để người người nhà nhà có thể “thử” tự làm thương gia nếu muốn. Lúc đó, thương lái nào có lực có lời là do quy mô kinh tế, lấy khối lượng công việc lớn và uy tín mà thành công.

Vậy, nhìn lại, ở những nơi chưa thực gọi là đáng sống, thì những điều trên chưa đạt được. Thương lái giữ thế thượng phong cả thông tin lẫn thị trường, người bán thì u u minh minh, được gì bán nấy, người mua mơ mơ hồ hồ lấy tiền thật ra trả để nhận về niềm tin. Bởi vậy mới có những chuyện nuôi trâu chỉ để… chặt móng đem bán, hay nuôi đỉa cho được giá, rồi rần rần cứu chuối, cứu khoai, cứu heo. Tình đồng bào “lá lành đùm lá rách” nhiều phần cảm động, nhưng một nền kinh tế khỏe mạnh thì không thể cứu nhau mãi được, và nông dân nên được trọng vọng bởi họ tạo ra lương thực nuôi nấng một dân tộc hào kiệt, chứ không phải tầng lớp bần hàn mà suốt ngày hết nhận tài trợ rồi lại quyên góp.

Khi tinh thần “thương mại là vua” còn tồn tại, nền kinh tế chú trọng vào việc mua đi bán lại mà bỏ ngỏ nền tảng quan trọng: đầu tư chất xám vào phát triển sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát minh, cải tiến kỹ thuật. Lý do chính là nguồn lực chất xám từ lĩnh vực công nghệ cho đến sáng tạo vẫn đang bị định giá quá thấp, dẫn đến nguồn nhân sự quốc gia tự hình thành 2 dòng chảy: một là chảy ra nước ngoài, nơi nó được trọng dụng, và hai là chảy “ngoằn ngoèo” để tìm được chỗ đứng trong nền thương mại rầm rộ người mua kẻ bán.

Xét về phần “bất phú”, người ta nói “không phải cái gì tiền cũng mua được”, nhưng thực ra không có tiền thì chẳng thể mua được cái gì cả, cho nên ước mơ sung túc chưa bao giờ là sai.

Tuy nhiên, khi cả xã hội cùng đua nhau làm giàu, đó là tín hiệu bất thường của một chính thể. Tiền, bản chất chỉ là tờ giấy được thiết kế và in ấn đẹp đẽ, cốt lõi là công cụ giúp người ta đạt được những nhu cầu từ cơ bản như sống, ăn, ngủ, nghỉ, an toàn, học hành, đến cao cấp hơn như mong muốn được thể hiện cái tôi của mình, tính hào phóng và tầm vóc bản thân.

Vậy, con người sẽ bớt ám ảnh về tiền khi những nấc thang đầu tiên trong chuỗi nhu cầu của mình được đáp ứng đầy đủ. Nói cách khác, khi phúc lợi xã hội đạt tiêu chuẩn đảm bảo đời sống cơ bản cho con người, sẽ có nhiều người theo đuổi đam mê nghệ thuật, giáo dục, khám phá thiên nhiên hơn. Lý do là họ biết khi họ mất việc, họ không đói; khi có con, đứa trẻ sẽ được đến trường dù bố nó vẫn đang chờ bán được tranh; và khi bệnh, bảo hiểm sẽ đỡ đần trong lúc túng bấn.

Khi một đất nước mà tất cả cùng khắc cốt ghi tâm rằng không giàu thì không ai lo cho mình, đất nước ấy đang thể hiện cả một vùng trời hoang vu chính sách công. Bởi thế việc trở nên giàu có là bắt buộc để có thể tồn tại. Và khi làm giàu trở thành mục đích tối thượng, việc xâm phạm hệ thống pháp luật của nơi ấy là điều dễ hiểu. Điều này cũng phản ánh tính thô sơ trong cấu trúc quản lý từ cấp độ vĩ mô đến vi mô tại xứ sở ấy.

Nếu một đất nước mà kinh doanh luôn là kim chỉ nam cho cả xã hội, thì có nghĩa là đất nước đó còn quá nhiều lỗ hổng về mặt tri thức và phát triển. Hệ lụy của tư tưởng này là người người nhà nhà lái con theo ngành kế toán, tài chính, thương mại, quản trị kinh doanh, bất luận mong muốn và khả năng của đứa trẻ, và triệu triệu người hồ hởi khởi nghiệp.

Mặt sáng là kinh tế đi lên, nhưng phía tối là cách nhìn nhận lệch lạc của nhiều thế hệ và tình trạng phí phạm nhân tài.

Ở một nơi khi nghĩ đến nghề nghiệp, thiên hạ có cái nhìn trân trọng cả doanh nhân lẫn giáo sư, luật sư, bác sĩ, y tá, nghệ sĩ đường phố, họa sĩ, kỹ sư, sử gia, triết gia, khoa học gia, và những ngành học mà nhiều nơi khác thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến như chính trị học, chính sách công, lý luận triết học, nơi đó sẽ trở nên đáng sống hơn với những nhóm người đa dạng hơn, tài hoa hơn, và thú vị hơn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.