Karl Marx, chủ nghĩa tư bản, và cách người Đức hiểu về luật pháp

Karl Marx, chủ nghĩa tư bản, và cách người Đức hiểu về luật pháp
Nhà triết học KarlMarx không phải là người nghĩa ra từ “capitalism”? – Ảnh: imgur.com/user/ChubbyElvis

Ngày này cách đây 200 năm, tại Trier, một thành phố cổ kính nằm ở cực Tây Đế quốc Phổ, ông luật sư trung lưu Heinrich Marx mừng đón đứa con thứ ba của mình chào đời.

Cậu bé có cặp lông mày đen đậm và đôi mắt luôn mở to nhìn thẳng vào người đối diện.

Đôi mắt đấy rồi một ngày vài chục năm sau sẽ giúp cậu “cưa đổ” một cô nàng xinh đẹp lớn hơn cậu bốn tuổi, để rồi cô nàng bỏ ngang hôn ước với một anh chàng khác để đi theo cậu, và đi cả đời bất chấp gian khổ, nghèo khó.

Ông Heinrich tự mình dạy học cho cậu bé tại nhà cho đến khi cậu 12 tuổi. Là một người ủng hộ nhiệt thành tư tưởng triết học Khai sáng và cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, Heinrich dành mỗi tối để đọc cho cậu bé các tác phẩm của Voltaire – nhà triết học Khai sáng nổi tiếng chuyên cổ xúy tự do cá nhân và tự do tôn giáo.

Cậu bé ấy lớn lên. Cũng học luật giống bố mình, nhưng rồi tìm thấy niềm đam mê của cuộc đời trong bộ môn triết học. Cậu bỏ ngang ngành luật, khiến bố Heinrich buồn phát bệnh.

Sẵn có những tư tưởng cấp tiến về chính trị đã được chăm bón từ tấm bé, cậu bé ấy trở thành một nhà triết học chính trị vừa nổi tiếng, vừa tai tiếng, cả khi còn sống lẫn sau qua đời: Karl Marx.

Vô số người căm thù Karl Marx. Bởi vì những gì họ cho là thảm cảnh gây ra bởi tư tưởng của ông (bao gồm những thảm họa khi thực hành chủ nghĩa cộng sản, và cả những tiết học chán-không-thể-chịu-được cùng các bài thi “cúng cụ” sau đấy).

Số người căm ghét Marx đó có lẽ cũng nhiều tương đương số người ngưỡng mộ Marx, nhưng chắc chắn không bao giờ nhiều bằng số người chưa hiểu rõ triết học của ông.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx – một trong những người Đức có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới – Anh Cả Lý bèn tìm hiểu về Karl Marx và phát hiện ra hai câu chuyện thú vị có liên quan đến Marx và tiếng Đức.

Jenny von Westphalen (vợ Marx), Karl Marx, và anh bạn trung thành Friedrich Engels trong bộ phim “Karl Marx trẻ” của Pháp mới ra rạp năm ngoái – Ảnh: rogerebert.com

“Capitalism”

Không hiểu nhờ đâu mà có khá nhiều người (đặc biệt ở các xứ cộng sản) thường có niềm tin rằng Karl Marx chính là người đã sáng tạo ra cụm từ “tư bản chủ nghĩa” (capitalism).

Chắc có lẽ bởi vì magnum opus của Marx, hay kiệt tác nổi tiếng nhất của ông là một tác phẩm thường được biết đến với cái tên Tư Bản Luận. Tên nguyên văn tiếng Đức là Das Kapital. Kritik der politischen Ökonomie, nôm na là “Tư bản, Phê bình Kinh tế Chính trị”.

Kiệt tác dài đến hơn ngàn trang này Marx viết bằng tiếng Đức, “nhây” từ năm 1861 đến năm 1867 mới hoàn thành tập đầu tiên. Các tập tiếp theo được viết đều là nhờ công “wingman” vĩ đại nhất trong lịch sử triết học, Friedrich Engels, đi gom góp sàng lọc các ghi chép nghiên cứu mà Marx để lại sau khi qua đời.

Ừ nhỉ, cái ông râu rậm này dành bao năm trời kỳ công viết một cuốn sách nói về “tư bản” như thế thì chắc phải là người nghĩ ra cụm từ “tư bản chủ nghĩa” chứ?

Thực ra, Marx đặt các nền móng lý thuyết cơ bản nhất cho việc quan sát, phân tích, và phê bình “cách mà tư bản và những người sở hữu tư bản vận hành” trong đời sống kinh tế công nghiệp hiện đại, nhưng ông chưa bao giờ chỉ mặt gọi tên một thứ chủ nghĩa có tên là tư bản, tức là capitalism hay kapitalismus trong tiếng mẹ đẻ của Marx.

Marx làm cách nào để có thể viết từng này về chủ nghĩa tư bản mà không hề dùng đến từ “capitalism”? – Ảnh: learncafe.co

Theo nhà “Marx học” kỳ cựu, giáo sư lịch sử tư tưởng chính trị Gareth Stedman Jones, khi phê phán “cách mà tư bản và những người sở hữu tư bản vận hành“ trong các tác phẩm của ông, Marx không dùng kapitalismus, mà dùng cụm từ bürgerliche Gesellschaft, đều có thể được dịch là “kinh tế tiểu tư sản” (bourgeois economy) hay “xã hội tiểu tư sản” (bourgeois society). Từ kapitalismus phải đến năm 1900 mới bắt đầu xuất hiện ở Đức và được cho là nhờ Georg Simmel, một nhà xã hội học người Đức.

Trên trang blog chính trị cánh tả Daily Kos của Mỹ, một blogger cũng chỉ ra rằng Marx dùng cụm từ “the capitalist mode of production“ – “phương thức sản xuất kiểu tư bản“ trong các tác phẩm của mình chứ không dùng capitalism.

Blogger này cũng trích dẫn một cuốn sách của nhà sử học Fernand Braudel mà trong đó Braudel xác nhận rằng kapitalismus phải sang đầu thế kỷ 20 mới “nổi” ở Đức trong vai trò danh từ dùng miêu tả cái khái niệm đối địch với khái niệm “chủ nghĩa xã hội” – socialism.

Braudel cũng cho rằng việc xuất hiện từ kapitalismus hay capitalism để trình bày các tư tưởng và triết lý của Marx sau này đều là do các trí thức thế hệ đàn em chứ không phải xuất phát từ Marx.

Một blogger khác chuyên nghiên cứu về nhà kinh tế học Adam Smith thì còn nhận xét “động trời” hơn rằng, chính các biên tập viên Mác-xít của Liên Xô đã “luồn” các từ capitalism vào các tác phẩm của Marx và làm như thể chính Marx đã dùng các từ này!

Vậy hóa ra là Marx đã dành cả đời để nghiền ngẫm và phê phán một thứ, và đã viết hàng nghìn trang sách về nó, cho dù ông chả bao giờ màng đặt cho nó một cái tên cụ thể. Ngược lại, nhiều người trong chúng ta có thể biết gọi tên một số thứ nhưng khi bị kêu giải thích nó là cái gì thì lại muốn… kiếm “phao” ngay!

Mà cái vụ trí thức đời sau “gắn chữ” vào tư tưởng triết lý trí thức đời trước này cũng gợi lên nhiều nguy nan lắm à nha: nhiều khi ta đọc trí thức A nói về tư tưởng triết học của trí thức B, làm sao mà biết chắc đâu chính là tư tưởng triết học của trí thức B và đâu là “tư tưởng triết học trí thức B qua cách hiểu riêng của trí thức A”?

Nhiều khi giới trí thức tốn thời gian cãi lộn với nhau, lôi cả mấy ông bà “chết hết nói nữa rồi” dzô, cuối cùng hầm bà lằng ra chỉ vì mấy ông bà thời nay hơi “sáng tạo” quá đà so với chính các tác phẩm của mấy ông bà thời trước.

Thế danh sách những ứng cử viên sáng tạo ra từ capitalism, kapitalismus, “chủ nghĩa tư bản” của chúng ta bây giờ gồm những ai?

Chúng ta đã có nhà xã hội học Georg Simmel đối với phiên bản Đức kapitalismus.

Blogger trên Daily Kos kia cho rằng người sáng tạo ra từ capitalism là nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa Pierre-Joseph Proudhon.

Blogger chuyên gia về Adam Smith còn có một đề cử thú vị hơn nữa.

Tham khảo từ điển Oxford, blogger này chỉ ra rằng capitalism được dùng lần đầu tiên trong tiếng Anh vào năm 1854 bởi nhà văn người Anh William Makepeace Thackeray, tác giả của các tác phẩm nổi tiếng châm biếm xã hội Anh thời thế kỷ  19, như Hội Chợ Phù Hoa.

Nhà văn người Anh William Thackeray và nhà triết học Đức Karl Marx hóa ra đều có liên quan đến “capitalism” – Ảnh: Wikimedia, pinterest.com

Hai từ tiếng Đức cùng chỉ “luật pháp”

“Cúng” cụ Marx dzậy thôi hen. Giờ cho Anh Cả Lý lạc đề hết phần bài còn lại. Ấy ấy, yên tâm, chuyện vui không kém chuyện cụ Marx đâu!

Bạn có biết người Đức đồng hương cụ Marx dùng đến hai từ để cùng chỉ luật pháp (law) không?

Trong bài báo “đọc nổ não” “Hai phương thức tư duy luật” (Two Modes of Legal Thought) trên tờ tạp chí Luật học của trường Đại học Yale, giáo sư luật George Fletcher phân tích rằng, người Đức, giống với nhiều dân tộc Châu Âu khác, dùng hai từ khác nhau để diễn tả law:

  • Gesetz: chỉ luật thành văn, quy định luật lệ nói chung; khi nói về luật phong tục (customary laws), người Đức cũng dùng gesetz; khi nói về các quy luật khoa học (scientific laws), gesetz cũng được xài.

Một ví dụ gesetz thú vị: Rindfleischetikettierungsueberwachungsaufgabenuebertragungsgesetz.

Cả cái từ dài ngoằng này là một ví dụ cho thói quen ghép liên tù tì nhiều từ lại với nhau thành từ mới trong thói quen ngôn ngữ của người Đức. Anh Cả Lý đố bạn đọc không google mà biết từ này là từ gì! (Bật mí: gesetz cuối tức là luật rồi đó, còn lại thì phải…bò)

  • Recht: từ này theo giáo sư Fletcher thì khó diễn tả (elusive) hơn gesetz.

Đầu tiên, toàn bộ luật pháp trong một nền văn hóa (the entire law of a culture) chính là Recht của nền văn hóa đó.

Thứ hai, một số ngành luật riêng biệt có thể được xác định bằng recht, như Strafrecht (luật hình sự), hay Verfassungsrecht (luật hiến pháp).

Thứ ba, recht được dùng để diễn tả các thuật ngữ luật học như “sources of law” (nguồn luật pháp) và “the rule of law” (olala, “pháp quyền”). Rechtstaat, như chúng ta đã biết, chính là phiên bản “pháp quyền” của người Đức.

Thứ tư, các tác phẩm triết học về luật pháp luôn xoay quanh khái niệm Recht. Ví dụ, nhà triết học Immamuel Kant bàn về triết học pháp lý của ông ta trong tác phẩm Recthslehre.

Theo Fletcher, trong cả bốn trường hợp trên, cách dùng từ recht đều khác cách người dùng tiếng Anh dùng từ law của họ. Chỉ có một từ tiếng Anh có thể xem là tương đương với recht, đó là right.

Bởi vì bên trong recht vừa bao hàm law hiểu theo nghĩa rộng, vừa bao hàm individual rights – tức là các quyền riêng biệt của con người.

Lạ ghê hen, hôm bữa chúng ta đã được biết law khi dịch sang Hán ngữ có đến bốn cách dịch, hóa ra có “trùm cuối” còn bá đạo hơn law, là recht!

Fletcher giải thích rằng Recht/Right bao hàm không chỉ luật viết và luật phong tục gesetz. Recht/Right bao gồm cả những nguyên tắc không thành văn, và những chính sách chỉ có được thông qua đánh giá (assessment), phán xét (judgement), và khẳng định tư pháp (judicial assertion).

Recht/Right bao gồm cả các quyền cá nhân (personal rights), tính cả quyền trên luật thành văn và quyền “phải có về nguyên tắc” (as a matter of principle). Không như law, bản thân Recht/Right đã luôn bao hàm nghĩa vụ (duties).

Recht – một khái niệm “bá đạo” của người Đức – Ảnh: unternehmerweb.at

Làm sao để biết khi nào nên dùng gesetz và khi nào nên dùng recht? Fletcher cho rằng phải dựa vào tính khả tri tương đối (relative knowability).

Gesetz có thể được biết một cách đầy đủ (fully knowable). Gesetz hữu hạn (finite) nên có thể xác định đầy đủ (fully determinable).

Có thể hiểu đây là phiên bản “luật pháp” dành cho những con người tư duy kiểu giấy-trắng-mực-đen về luật pháp: “Luật là gì á? Giở mấy bộ luật với văn bản dưới luật ra mà đọc! Lên mạng mà check! Không cãi làm chi cho thừa lời!”

Recht thì trái lại, nó mang tính mở (open-ended), siêu nghiệm (transcendent), không được đoán định (undetermined). Recht hông thể được biết đầy đủ (never fully known).

Fletcher giải thích rằng trong khi gesetz có thể được tuyên/công bố (declared), recht lại không thể được tuyên/công bố. Recht chỉ có thể được thử thách/xét nghiệm (assayed), cân nhắc (pondered) và khẳng định (asserted).

Các thẩm phán Đức khi phân xử không chỉ áp dụng gesetz mà còn phải tính cả tới những nguyên tắc và yếu tố vốn được xem là thuộc về recht. Các nguyên tắc và yếu tố đó cho dù khó đoán định, nhưng lại có sức nặng (weight) trong tư duy các thẩm phán.

Chúng ta thường nghĩ dân Tây nói chung và người Đức nói riêng có tiếng là “chính xác”, “tư duy logic”, “rõ ràng”, “lạnh lùng”, không “đại khái” hay “duy tình” như dân Châu Á.

Nhưng hóa ra ngay trong khái niệm “luật pháp”, cách hiểu hai-chiều Recht-Gesetz nói trên của người Đức đã nhìn nhận rằng “luật pháp” không thể “chính xác, lạnh lùng” và không chỉ bao gồm những thứ có thể được tìm thấy trên các văn bản luật do nhà nước ban hành.

Những luật gia trong hệ thống dân luật (civil system) của Đức hóa ra cũng khá giống các luật gia trong hệ thống thông luật (common law) của Anh-Mỹ trong việc nhìn nhận được mức độ bao la của “luật pháp”.

Cách hiểu hai chiều này của người Đức liệu có nghĩa là bản thân tư duy người Đức đã không chấp nhận thuyết pháp luật thực chứng (legal positivism) hay không?

Và phải chăng “Luật pháp” luôn nên là cái gì đó cao siêu hơn những con chữ trắng đen?

Đó có lẽ là những câu hỏi chúng ta nên suy ngẫm thêm.

Vì lẽ đơn giản, chúng ta có thể không còn cơ hội được sinh đã làm người Đức như Karl Marx, nhưng chúng ta luôn có cơ hội được lựa chọn: giữa việc làm những con người tư duy, hay làm những cỗ máy check luật thành văn.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.