Học tiếng Anh: ‘Rubber stamp’ qua cuộc bầu cử của ông Nguyễn Phú Trọng

Học tiếng Anh: ‘Rubber stamp’ qua cuộc bầu cử của ông Nguyễn Phú Trọng
Ảnh: VnExpress.

Nhân việc Quốc hội chính thức bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, ta hãy tìm hiểu về một khái niệm liên quan khá quen thuộc trong tiếng Anh: rubber stamp.

Rubber stamp hiểu theo nghĩa đen là con dấu cao su, hay là con dấu nói chung, được dùng để đóng vào những văn bản để chính thức hóa hiệu lực của chúng.

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, theo The American Heritage Dictionary of Idioms, văn hóa chính trị Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng thuật ngữ rubber stamp để công kích những cá nhân thiếu chính kiến, chỉ lặp đi lặp lại những nội dung, tuyên bố mà họ được cho phép, khá tương đồng với việc một con dấu chỉ có thể thể hiện một nội dung duy nhất trên mọi văn bản, giấy tờ mà nó góp mặt.

Ngày nay, rubber stamp thường dùng để chỉ các cá nhân hoặc tổ chức chính trị mặc nhiên chấp thuận hay ủng hộ một chính sách, một quyết định mà không hề cân nhắc đến (hoặc giả không có đủ thẩm quyền thực tế để cân nhắc) nội dung, tác động của chính sách – quyết định đó.

Ví dụ, chúng ta có một số cách sử dụng của rubber stamp trong tiếng Anh như:

“The nominating committee is merely a rubber stamp; they approve anyone the chairman names.” (Ủy ban đề cử thuần tuý là một con dấu mộc, họ sẽ phê chuẩn bất kỳ ai vào ghế chủ tịch.)

Hay là:

“The dean gave his rubber stamp to the recommendations of the tenure committee.” (Ngài Hiệu trưởng sẽ đóng con dấu của mình cho bất kỳ khuyến nghị nào từ Ủy ban Đề bạt.)

Nếu cần so sánh với ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng “bù nhìn” (scarecrow) hay “con rối” (puppet) có nghĩa gần giống với rubber stamp và cũng được sử dụng khá phổ biến để chỉ những cá nhân, tổ chức, hội nhóm không nắm thực quyền mà chỉ là công cụ trang trí, làm theo sự chỉ đạo của một cá nhân, tổ chức phía sau.

Tuy nhiên, do bản chất của rubber stamp là một tiêu chí hình thức không thể thiếu trong việc hình thành các văn bản và hợp thức hóa chúng, khái niệm này thường được gắn liền với các định chế mà đáng lẽ phải mang tính dân chủ (quốc hội, nghị viện, ủy ban…) trong nhiều mô hình nhà nước. Vì vậy, người sử dụng cũng cần chú ý chỉ nên sử dụng rubber stamp để mô tả những tổ chức có nhiều thành viên, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, dân chủ tập trung; hoặc chỉ nên sử dụng chúng để nói về hành vi cá nhân khi các từ như scarecrow, puppet không phù hợp trong ngữ cảnh lịch sự hoặc khi cần nói giảm nói tránh.

Trong một bài phân tích của Carnegie Moscow Center về Quốc hội (Duma) đương đại của Nga có tựa đề “Another Rubber Stamp Duma?” (Lại một Quốc hội bù nhìn nữa?), rubber stamp có vẻ cũng có thể được sử dụng như tính từ bổ trợ. Theo đó, tác giả Kolesnikov và Makarenko cho rằng nhà nước Nga hiện nay gần như cạn kiệt nguồn bảo trợ khi mà tính chính danh của nó chỉ dựa vào tính cách, sức hút cá nhân và sự nổi tiếng của Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, công chúng Nga chưa hề xem Duma là một cơ quan quyền lực thật sự, dù Nga xây dựng mô hình nhà nước dân chủ đại nghị. Đây là một truyền thống hình thành từ thời Soviet, được khẳng định lại một lần nữa trong Hiến pháp Liên bang Nga 1993 và gần 900 lần sửa đổi pháp luật bầu cử của Duma.

Ngay cả Nghị viện Westminster nằm cạnh bờ sông Thames của London, Vương Quốc Anh cũng không tránh khỏi việc bị chỉ trích là một rubber stamp chỉ vì nhiều người cho rằng Hạ viện (House Commons), với vai trò vượt trội của mình so với Thượng viện (House of Lords), đang thông qua quá nhiều đề xuất lập pháp từ chính phủ mà không hề tự mình xây dựng pháp luật, như vai trò hiến định của nó. Tuy nhiên, nghiên cứu của Susanna Kalitowski được đăng tải trên tạp chí Parliamentary Affairs cho thấy sự tham gia tích cực ngay từ đầu của các dân biểu (Members of Parliament – MPs). Hầu hết các sáng kiến lập pháp của chính phủ Anh đều được xây dựng từ sự ủng hộ, áp đặt, sức ép lẫn phản kháng của các MPs và thể hiện được ý chí thỏa hiệp chung giữa chính phủ và Nghị viện.

Học giả Rory Truex thuộc Đại học Yale cũng từng viết về một Quốc hội rubber stamp của Trung Quốc. Trong bài viết này, Rory xem xét các thông tin chính thức về thân thế, thái độ, quan hệ tài chính của gần 3.000 đại biểu của Quốc hội Nhân dân Trung Hoa và phát hiện có hơn 500 đại biểu là chủ tịch, giám đốc điều hành hay ở vị trí lãnh đạo toàn thời gian của nhiều công ty khác nhau. Số còn lại, tương tự, cũng có một công việc toàn thời gian khác tại địa phương và chỉ họp hội khi được triệu tập.

Trong một phát biểu nổi tiếng của Hu Xiaoyan, một đại biểu Quốc hội và cũng là một công nhân nhập cư của tỉnh Quảng Đông, ông cảm thán: “Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi có cảm giác mình không hề có quyền lực gì cả”. Thật vậy, không có người cố vấn, không có nhân viên dưới quyền, không có kiến thức về kinh tế – xã hội – chính trị, những người đại biểu của “giai cấp lãnh đạo” này hầu như chỉ biểu quyết và hành động theo đúng chỉ đạo.

Điều này cũng khá tương đồng với nhận định của tờ Financial Times. Với câu hỏi “Liệu Quốc hội Nhân dân Trung Hoa có phải chỉ là một quốc hội “rubber stamp?”, câu trả lời của FT là chắc chắn phải. Tất cả các luật được đệ trình đều được thông qua, tất cả những bổ nhiệm, đề cử chức danh lãnh đạo đều được chấp thuận. Trong khi đó, tiến trình thảo luận, tranh chấp, phản ứng về những quyết sách này cũng chỉ là chuyện nội bộ của cánh vận động hành lang và các thành viên đảng.

Nhìn chung, rubber stamp là một thuật ngữ khá hoàn hảo để mô tả những quốc hội chấp nhận việc bầu chọn một chức danh của  nhà nước với chỉ một ứng cử viên được “quán triệt trúng cử” như trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.