Chùa Ba Vàng và sự can thiệp bất hợp lý của nhà nước

Chùa Ba Vàng và sự can thiệp bất hợp lý của nhà nước
Sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh của chùa Ba Vàng trong một buổi giảng cho các tín đồ. Ảnh: Ngọc Tân/Báo Giáo dục Việt Nam.

Chỉ cần tìm hiểu một chút về giáo lý Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo Bắc tông vốn thịnh hành ở Việt Nam, ta sẽ thấy những điều được truyền giảng ở chùa Ba Vàng có vẻ không giống với giáo lý Phật giáo, vốn nhấn mạnh sự tu tập của mỗi bản thân Phật tử. Tuy vậy, liệu “tôn giáo Ba Vàng” – theo cách người viết tạm đặt, có phải là “mê tín dị đoan” như báo chí vẫn đang mô tả và như thế, không nên được cho phép hoạt động ở Việt Nam?

Tôn giáo dưới góc nhìn pháp luật

Tôn giáo từ lâu luôn là mối bận tâm của các nhà nước và vì vậy, cũng sớm được điều chỉnh với các quy định pháp luật. Dưới góc độ công pháp quốc tế,  Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị của Liên hợp quốc 1966 (ICCPR) mà Việt Nam cũng là thành viên, quy định quyền tự do tôn giáo như sau:

Điều 18.

1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo.

[…]

3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác.”

Tại Việt Nam, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 (LTNTG) về cơ bản ghi nhận giống với ICCPR. Tuy nhiên, LTNTG yêu cầu tất cả các tổ chức tôn giáo phải được nhà nước “công nhận” trước khi hoạt động. Trong quá trình hoạt động của mình, các tổ chức tôn giáo đã đăng ký phải đăng ký hoặc thông báo cho cơ quan nhà nước khi có sự thay đổi về trụ sở, chia, tách, sáp nhập, giải thể… hệt như một doanh nghiệp. Quy định này được đánh giá là chưa phù hợp với ICCPR và là phương tiện để nhà nước kiểm soát các nhóm tôn giáo mà nhà nước không có thiện cảm qua việc từ chối đăng ký.

Hiện tại, chính phủ Việt Nam chỉ công nhận 37 tổ chức tôn giáo và một pháp môn tu hành. Trong quá khứ, những tôn giáo không được nhà nước có cảm tình đều bị dán mác “mê tín dị đoan” và hạn chế thực hành, thậm chí là cấm đoán bằng bạo lực. Điển hình là trường hợp đạo Dừa của ông Nguyễn Thành Nam sáng lập tại Bến Tre, một tôn giáo bản địa mang màu sắc thần bí vốn có lúc đã thu hút rất đông tín đồ tại miền Tây Nam Bộ.

Người viết cho rằng để đảm bảo tối đa quyền tự do tôn giáo theo ICCPR, nhà nước cần hạn chế tối thiểu can thiệp vào việc thực hành tôn giáo của nhân dân. Pháp luật điều chỉnh về tôn giáo, nếu có chỉ nên tập trung vào hai nội dung : (i) bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người dân và (ii) điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Nhà nước không nên đặt ra các quy định nhằm can thiệp vào mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo và tín đồ của họ.

Dưới góc độ lý luận về pháp luật, các tổ chức tôn giáo, mặc dù có những đặc trưng riêng, song trên một phương diện căn bản vận hành giống với xã hội dân sự. Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo và tín đồ, vì vậy, phải được xem là các quan hệ dân sự, là việc riêng của đôi bên. Theo đó, các tổ chức tôn giáo tạo ra không gian cho các tín đồ thực hành tôn giáo.

Các quy định của LTNTG cũng gián tiếp thừa nhận các tổ chức tôn giáo như các pháp nhân và có thể đầy đủ khả năng tham gia các quan hệ dân sự bình thường. Như vậy, người viết cho rằng dân sự hóa các hoạt động của các tổ chức tôn giáo là điều kiện không thể thiếu cho việc tạo ra nền tảng cho một xã hội tôn trọng tự do tôn giáo.

Hoa Kỳ được xem là một trong những quốc gia khoan dung về mặt tôn giáo. Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định “Quốc hội Mỹ sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”. Thực tế phát triển đa dạng của các tôn giáo ở Hoa Kỳ là minh chứng sống động cho điều này.

Chùa Ba Vàng toạ lạc giữa núi rừng Uông Bí, Quảng Ninh, có tốc độ mở rộng nhanh chóng từ 2006 đến 2016. Ảnh: Tuổi Trẻ/Google Maps.

Hành xử thế nào với “tôn giáo Ba Vàng”?

Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận, Công an TP. Uông Bí đã ra quyết định xử phạt hành chính bà Phạm Thị Yến với mức phạt 5.000.000 đồng cho hành vi “Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi” theo Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Người viết không có cơ hội được tiếp cận biên bản xử phạt để xem cơ quan chức năng có chứng minh được là bà Yến thật sự trục lợi từ hoạt động của mình, hay chỉ đơn giản là bà đang truyền giảng những gì bà tin là thật. Dù sao đi nữa thì cách hành xử của nhà nước trong trường hợp chùa Ba Vàng là sự hành chính hóa mối quan hệ dân sự và có phần khiên cưỡng dưới sức ép dư luận. Lẽ ra, nhà nước nên tách mình ra khỏi những tranh cãi vô ích về tôn giáo. Nhà nước cần khuyến khích một xã hội khoan dung tôn giáo, nơi người dân có thể tự do thực hành tôn giáo của mình mà không sợ dán mác “mê tín dị đoan”.

Về phần chúng ta, người viết cho rằng chúng ta nên có cách hành xử khoan dung hơn với hoạt động tôn giáo của chùa Ba Vàng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay vì kỷ luật vị sư trụ trì có thể lên tiếng rằng loại tôn giáo đang thực hành tại chùa Ba Vàng không phải là Phật giáo, còn việc các tín đồ có tiếp tục tin theo hay không là việc của họ.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh thay vì xác minh các hoạt động được gán cho là “mê tín dị đoan” có thể tập trung xác minh về việc ngôi chùa đã ngốn hàng chục nghìn m2 đất rừng để trở thành ngôi chùa trên núi lớn nhất Việt Nam. Hay với hành vi xúc phạm cô nữ sinh bị sát hại của một nữ tu sĩ của chùa, gia đình bị hại có thể khởi kiện người này ra tòa về việc xúc phạm nhân phẩm người thân mình.

Dẫu sao câu chuyện giữa chùa Ba Vàng và những người tin theo tôn giáo Ba Vàng là chuyện riêng của họ. Chúng ta không có quyền và cũng không có nghĩa vụ can thiệp vào việc đó. Bởi lẽ, có thể một ngày nào đó, tôn giáo hay tín ngưỡng của chúng ta có thể lại bị người khác dán nhãn là “tà giáo”, là “mê tín dị đoan” như chính tôn giáo Ba Vàng.

Giữa cơn bão thù ghét và bài xích những tôn giáo “lạ”, thực hành khoan dung tôn giáo và tôn trọng tự do tôn giáo của người khác chính là con đường duy nhất giúp ta ra khỏi vòng tranh cãi hàng nghìn năm này.

Từ khoá:

tôn giáo: religion (n)
có tính tôn giáo: religious (adj)
tự do tôn giáo: freedom of religion (np)
khoan dung tôn giáo: religious tolerance (np)
Phật giáo: Buddhism (n)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.