Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Vì một Chủ nghĩa dân tộc ‘hiền hậu’ hơn
Khi bị tấn công, người ta thường tự vệ, tấn công lại. Ngay cả có là học trò số một của Jesus, bị tát vào má bên này quay bên còn lại ra để người ta tát tiếp, sẽ phải đến một lúc nào đó người bị tát phản kích, nếu tát-nhân cứ liên tục ra tay không ngừng nghỉ.
Đó là hiện tượng diễn ra phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Câu chuyện về tương quan giữa chủ nghĩa dân tộc và các tư duy (có vẻ) đối nghịch của nó, qua lời của Yael Tamir là một ví dụ như vậy.
***
Yael Tamir là một học giả và một chính trị gia người Israel. Từng là Giáo sư tại Oxford, nghiên cứu viên từ Princeton cho đến Harvard, và cũng từng là một Bộ trưởng của nhà nước Israel, góc nhìn của bà về chủ nghĩa dân tộc rất đáng được quan tâm. Bài viết Building a Better Nationalism, nhằm bình luận và phản biện quyển The Virtue of Nationalism của Yoram Hazony, được đăng tải bởi Foreign Affairs cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về nó.
Phần dưới đây là bài lược dịch từ bài gốc tiếng Anh. Bài lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng Việt.
***
Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) trong nhiều thập kỷ gần đây đã bị xem là một thứ tư duy lạc loài, nguy hiểm, gây chia rẽ và phản tự do. Người ta không những luôn phải dò xét, mà còn nên chỉ thẳng tay chửi thẳng mặt mỗi khi nó ló dạng.
Các học giả cùng “giới tinh hoa” ở những nước phát triển phương Tây tin rằng nền dân chủ sâu sắc của họ đã “qua rồi xa lắm” giai đoạn nông nổi lẫn nông cạn của chủ nghĩa dân tộc. Ở những nơi mà thứ tư duy dân tộc này còn quẫy vùng, họ nhìn thấy ở đó nhiều vấn đề hơn là tìm được các giải pháp.
Ngày nay, nhiều giả định, hay ảo tưởng của giới tinh hoa bắt đầu lung lay, trong đó có cách nhìn của họ về chủ nghĩa dân tộc. Nó không những không “xa lắm”, mà còn đang hừng hực trỗi mình trước mặt họ. Những người như Donald Trump tự hào nhận mình là “người của dân tộc” (nationalist). Một nhóm các học giả ở Mỹ và châu Âu, số lượng tuy nhỏ nhưng càng lúc càng sôi sục, bắt đầu lên tiếng bảo vệ chủ nghĩa dân tộc, và phản kích trước những mũi dùi chĩa vào nó.
Một trong những đại diện tiêu biểu là Yoram Hazony, triết gia và nhà lý thuyết chính trị người Israel. Trong quyển sách “Đức hạnh của chủ nghĩa dân tộc” (The Virtue of Nationalism), Hazony không phớt lờ những nhược điểm của tư duy dân tộc, nhưng đồng thời cũng chỉ ra một cách hợp lý sự dễ dãi vội vã của các học giả phương Tây trong việc gạt bỏ nó. Ông cho rằng chủ đề này xứng đáng được phân tích kỹ càng, nhiều góc cạnh và cân bằng.
Ngoài việc bảo vệ chủ nghĩa dân tộc, Hazony còn phản kích mạnh mẽ chủ nghĩa tự do (liberalism) đương thời cùng những sản phẩm của nó, đặc biệt là EU (Liên minh châu Âu) và “trật tự thế giới toàn cầu” mà Mỹ dẫn đầu sau Chiến tranh lạnh. Ông gọi chúng là các “dự án đế quốc”. Ông kêu oan cho chủ nghĩa dân tộc, vốn bị đổ cho những tội gây hấn, nhỏ nhen, kích động thù hằn, trong khi thứ tư duy đế quốc – tự do (liberal imperialist) mới là một trong những tội đồ lớn nhất cho văn hóa thù ghét, hẹp hòi ở phương Tây ngày nay.
Những người theo chủ nghĩa tự do (liberals) cố áp đặt tiêu chuẩn giá trị chung cho mọi quốc gia, phớt lờ và muốn thay đổi những quan điểm, niềm tin, đặc điểm tính cách riêng của mỗi khu vực, Hazony tố cáo.
Khi hăng say phản kích, người ta thường vượt quá mức cần thiết, đôi khi đánh nhầm cả chính mình.
Sự thật là rất ít những người tự do tìm kiếm áp đặt sự thống trị trên cả thế giới hoặc đàn áp những cộng đồng và nền văn hóa “kém tự do” hơn. Thay vào đó, họ tìm cách gây dựng một trật tự thế giới đa phương dựa trên các thể chế quốc tế, trên tinh thần hợp tác, đảm bảo nguyên tắc tự do về thị trường, tự do thương mại, và tự do đi lại.
Chủ nghĩa tự do mà Hazony cùng những người khác chỉ trích trên thực tế chia sẻ nhiều điểm chung với chủ nghĩa dân tộc. Chính xác thì chủ nghĩa tự do hiện đại (modern liberalism) được khai sinh từ cái khung thể chế dân tộc. Còn hình thái quốc gia dân tộc (nation-state) mà Hazony trân trọng bảo vệ là sản phẩm từ cuộc hôn nhân giữa các giá trị dân chủ tự do và dân tộc.
Việc những “người của tự do” và những “người của dân tộc” thường xuyên giấu nhẹm quá khứ hôn nhân của họ không có nghĩa rằng mối quan hệ này không tồn tại, lại càng không có nghĩa họ là những kẻ thù không thể sống chung dưới một mái nhà.
Ý thức tự do hay áp đặt kiểu đế quốc?
Trong quyển sách của mình, Hazony định nghĩa dân tộc là “một tập hợp những nhóm người có cùng ngôn ngữ hoặc tôn giáo, trải qua một lịch sử sát cánh bên nhau”. Dân tộc (nation) là cơ sở hợp lý và tốt nhất để hình thành nên quốc gia (state) vì qua đó, nó thỏa mãn đầy đủ nhất ước muốn tự chủ và tự do của những nhóm người trên.
Hình thái quốc gia dân tộc giúp những cộng đồng riêng lẻ có được tiếng nói mạnh mẽ cho mình. Được tự chủ, các cộng đồng này sẽ phát triển, tự tạo cơ hội cất cánh thăng hoa, và kéo theo cả những cộng đồng quốc gia dân tộc khác.
Phân tích của Hazony rõ ràng và có sức thuyết phục. Nhưng ông đã nhập nhằng và bó hẹp góc nhìn của mình trong hai điểm.
Thứ nhất, Hazony dùng Israel và nhà nước Do Thái làm ví dụ trung tâm minh họa cho các luận điểm của mình, tạo cho người đọc cảm giác bó hẹp trong khi tư duy về một vấn đề rộng lớn, liên quan và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. (Câu chuyện của người Palestine, một dân tộc bị bức bách không thể hình thành nên quốc gia của riêng mình trong xung đột với người Israel, gần như không được Hazony đề cập đến lại càng khiến người đọc khó nghĩ.)
Điểm nhập nhằng thứ hai của Hazony nằm ở việc ông cho rằng thế giới phải đối mặt với chỉ hai lựa chọn đối nghịch: hoặc quốc gia dân tộc, hình thái “khuyến khích nhân loại khám phá chinh phục các vùng đất xa xôi”, hoặc đế quốc, hình thái “tìm cách đặt cả thế giới dưới sự cai trị độc tôn và một ý thức hệ đơn nhất”.
Tuyệt đại đa số những trường hợp khi có người khẳng định rằng lựa chọn của bản thân hay người khác chỉ có một (theo tôi) hoặc hai (theo tôi hay theo ả, theo A hoặc theo B), logic của họ đều có vấn đề.
Lựa chọn giản lược cùng với những định nghĩa bó hẹp cắt xén của Hazony không phải là ngoại lệ.
Trong khi vạch ra những điểm tồi tệ của chủ nghĩa đế quốc (imperialism), qua những tư duy cực đoan từ những người cộng sản, phát xít đến cả tự do, với các tội ác hủy diệt do những đại diện như Napoleon, Hitler và Stalin gây nên, Hazony lại làm lơ cũng những tội ác tương tự từ các hành động mang tính chất đế quốc áp bức xuất phát từ những quốc gia dân tộc như Bỉ, Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nếu theo kiến giải của Hazony, lẽ ra những quốc gia dân tộc phải sống hạnh phúc trong biên giới của mình, không bao giờ ngó ngàng đến việc đi mở rộng hay chinh phạt vùng đất khác. Thực tế rõ ràng “hơi khác”, nếu không người ta đã không phải mất nhiều công sức đến vậy để bảo vệ cho chủ nghĩa dân tộc.
Bằng cách, vô tình hay cố ý, nhập nhằng giữa niềm tin của những người tự do vào các giá trị nhân văn phổ quát với tham vọng tạo lập đế chế chính trị, Hazony chụp chung chiếc mũ “chủ nghĩa đế quốc tự do” (liberal imperialist) lên tất cả. Ông buộc tội những người tự do, giống như các đế quốc vào thế kỷ 19 và 20, gieo thù ghét đến những cộng đồng riêng lẻ, tìm cách “đàn áp những người trái ý mình, bất kể là cá nhân hay cả dân tộc, buộc họ phải tuân theo lý thuyết chung, cho lợi ích của riêng mình.”
Đây là ví dụ của “ngụy biện bù nhìn” (ngụy biện rơm – straw man fallacy), hay “gắp lửa bỏ tay người”.
Không có thể chế hay phong trào chính trị tự do nào tìm kiếm sự thống trị như Hazony mô tả. Họ không có ý muốn ép buộc, nắm đầu quản lý và đàn áp những người bất đồng trên khắp thế giới. Ngay cả siêu cường Mỹ hay trật tự thế giới tự do mà họ tạo ra thời hậu Chiến tranh lạnh cũng khó được gắn với định nghĩa đế quốc, và cả hai thứ đó, sức mạnh của Mỹ lẫn trật tự thế giới này đều đang ở chiều hướng đi xuống. Liên minh châu Âu (EU) lại chưa bao giờ có ý định mở rộng bờ cõi ra bên ngoài châu Âu, và bản thân họ còn đang phải loay hoay giữ mình.
Nếu có đế quốc nào thực sự vào thời điểm hiện tại, người ta có thể tìm thấy nó ở thung lũng Silicon hoặc phố Wall, nơi đóng đô của các tập đoàn công nghệ và tài chính. Chỉ có điều họ tìm kiếm sự thống trị trong thương mại thay vì chính trị.
Trên thực tế, thể chế quốc gia dân tộc hiện đang vô đối. Các tổ chức quốc tế yếu kém và thiếu hiệu quả, còn những tập đoàn đa quốc gia có sức mạnh và hiệu quả nhưng không có hứng thú tiêu tốn nguồn lực của mình để làm thay vai trò của nhà nước.
Cuộc chiến khốc liệt giữa ‘những người đáng kính’ theo chủ nghĩa dân tộc và ‘những kẻ đáng khinh’ theo chủ nghĩa đế quốc hầu như chỉ nằm trong trí tưởng tượng của Hazony và những người như ông.
Thứ có thực là sự ganh đua giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu tự do kiểu mới (neoliberal globalism). Trong sự ganh đua này, chủ nghĩa dân tộc ngoài việc đề cao tính tự chủ còn cho phép (và có lẽ đòi hỏi) nhà nước can thiệp vào thị trường để bảo vệ công dân của mình, kiểm soát những hệ quả xấu của việc toàn cầu hóa quá mức: trả lại công ăn việc làm cho người trong nước, ủng hộ hàng nội địa, hạn chế nhập cư và tăng hàng rào thuế nhập khẩu. Những chính sách này xung đột với các giá trị tự do như tự do thương mại và tự do đi lại.
Cuộc tranh luận thật sự giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu nằm ở các yếu tố kinh tế nhiều hơn là ý thức hệ.
Trong nhiều thập niên qua, toàn cầu hóa có vẻ thắng thế. Nhưng những năm gần đây, gia tăng bất bình đẳng, xung đột văn hóa, các hệ quả xấu của thương mại toàn cầu đến những người dân địa phương đã thổi bùng sự giận dữ, tạo ra làn sóng chống lại chủ nghĩa toàn cầu tự do mới và ngả về hướng chủ nghĩa dân tộc. Các chính trị gia thi nhau tranh thủ sự ủng hộ của cử tri bằng cách khoác tấm áo choàng “đại diện cho nhân dân” lên mình, cùng chống lại “giới tinh hoa” cùng những chính sách chỉ đem lại đặc quyền đặc lợi cho họ.
Những người chỉ trích thường lên án các biểu hiện thù ghét, các chiêu trò kích động sợ hãi của những người theo chủ nghĩa dân tộc, như các chiến dịch và thông điệp bài trừ người Hồi giáo, Do Thái, người nhập cư ở Anh, Pháp, Mỹ. Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào đó để xem nhẹ chủ nghĩa dân tộc, người ta sẽ phạm cùng sai lầm như những người nhìn vào các mặt xấu của chủ nghĩa tự do và đòi gạt bỏ nó.
Không phải ai theo chủ nghĩa dân tộc cũng là những kẻ hẹp hòi, kích động thù hằn. Nhiều người đơn giản chán ghét những lãnh đạo, giới tinh hoa, công dân toàn cầu (cosmopolitan), những kẻ chia sẻ nhiều điểm chung với tầng lớp giàu có đặc quyền đặc lợi giống mình ở bên kia trái đất hơn là với những hàng xóm ngay sát bên cạnh. Họ muốn tìm những người lãnh đạo mới, những người lắng nghe nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi, ưu tiên cho mình.
Làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc này không bó buộc trong phe cánh hữu hay cánh tả nào. Các chính trị gia thức thời đều muốn cưỡi lên con sóng này, tô điểm mình là “người của dân tộc”.
Những người khác, lỡ đội chiếc mũ “tự do”, lại ngại ngần chạm đến chiếc mũ “dân tộc”.
Vào tháng 11/2018, trong lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I tại Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài diễn văn trong đó cố gắng quảng cáo cho một loại mũ khác, đối lập với chiếc mũ “chủ nghĩa dân tộc”.
Macron ca ngợi “chủ nghĩa yêu nước” (patriotism), gọi đó là lòng yêu nước thật sự. Chủ nghĩa yêu nước của Pháp theo lời ông là thứ xuất phát từ tầm nhìn về nước Pháp như một “dân tộc hào hiệp, một dự án luôn hướng tới tương lai, một đất nước gìn giữ những giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại.”
Thật khó nhìn thấy sự khác biệt giữa chiếc mũ “yêu nước” của Macron và chiếc mũ “dân tộc” của những người khác, khi cả hai đều đội trên những giá trị của dân tộc mình. Điểm khác biệt chỉ nằm ở giá trị nào mà dân tộc đó muốn theo đuổi. Chủ nghĩa yêu nước của Macron vì vậy chỉ là cùng một chiếc mũ với màu khác: chủ nghĩa dân tộc truyền thống của người Pháp.
Chủ nghĩa dân tộc tử tế hơn, hiền hậu hơn
Thay vì gắng sức làm xiếc với ngôn từ, tìm cách tạo ra những lựa chọn khác-mà-không-hề-khác, người ta hoàn toàn có thể chấp nhận sự tồn tại và ý nghĩa của chủ nghĩa dân tộc, hoặc một số dạng thức của nó.
Rốt cục thì tư duy đề cao dân tộc là một thứ hoàn toàn tự nhiên.
Macron, cùng với thủ tướng Đức Angela Merkel, ủng hộ và bảo vệ sự tồn tại của Liên minh châu Âu (EU) vì trong suy nghĩ của họ, điều đó có lợi cho nước Pháp và nước Đức.
Ở thái cực ngược lại, thủ tướng Anh Theresa May cùng những chính khách bảo thủ ủng hộ cho việc rời khỏi EU vì họ tin điều đó đem lại lợi ích tốt nhất cho người Anh.
Tương tự, Donald Trump muốn hủy bỏ các thỏa thuận đa phương, thoát khỏi những ràng buộc từ các thể chế quốc tế, đàm phán lại với tất cả vì ông tin rằng, hoặc ít nhất phát biểu rằng, điều đó là tốt nhất cho nước Mỹ.
Tập Cận Bình với dự án toàn cầu “Một vành đai, một con đường”, kết nối hàng chục quốc gia từ Đông sang Tây, tạo ra mạng lưới hạ tầng và cung ứng rộng khắp, cũng là để phục vụ cho “giấc mơ Trung Hoa”, một tư duy suy tôn dân tộc trên cái nền chủ nghĩa toàn cầu.
Bất chấp những lập luận của Hazony, sân khấu hôm nay không diễn ra cuộc chiến sống còn giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc. Vở diễn chính ở đây là các xung đột cùng với cách mà người ta có thể cân bằng lợi ích giữa quốc gia và nền kinh tế toàn cầu hóa.
Khi những người theo chủ nghĩa tự do nhập nhằng tấn công tất cả những ai theo chủ nghĩa dân tộc, và ngược lại, tất cả đều là những kẻ thua cuộc. Khi hăng hái tấn công (hay tự vệ, vì ai cũng nghĩ mình là nạn nhân), thay vì tìm cách đối thoại, hợp tác, rất nhiều trường hợp, người ta tự đánh chính mình.
Người ta không cần phải mang tâm thế hẹp hòi, kích động sự thù ghét mới cảm nhận được những đòi hỏi chính đáng của “phe kia”. Những người tự do hoàn toàn có thể và nên quan tâm tới những đồng bào gần nhất của mình, vốn chịu thiệt hại từ các hệ quả của thương mại toàn cầu. Những người dân tộc cũng hoàn toàn có thể vừa điều chỉnh chính sách bảo vệ bản thân, vừa chia sẻ được những lợi ích tốt đẹp của chủ nghĩa tự do đến các dân tộc khác.
Cuộc hôn nhân giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân tộc có thể không phải là mối tình luôn ngọt ngào êm đềm, chỉ có hoa thơm trái ngọt. Nhưng cho dù có bao nhiêu khác biệt, xung đột, họ ít nhất đã từng tay trong tay, và nếu muốn, vẫn luôn có thể tiếp tục cùng nhau chung sống bình yên dưới một mái nhà.
***
Từ khóa:
ngụy biện: fallacy (n)
chủ nghĩa đế quốc: imperialism (n)
trí thức: intellectual(s) (n)
chủ nghĩa bảo hộ thương mại: protectionism (n)