Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Cho đến thời điểm này, người châu Á sinh sống ở phương Tây đang phải trải nghiệm những điều xấu xí nhất trong xã hội phương Tây – chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc.
Nhẹ nhàng và lịch sự thì người da trắng, người da đen tránh đến các cửa hiệu Tàu, cửa hiệu Việt hay Thái… vốn luôn là những địa điểm ẩm thực, mua sắm hút khách. Nặng nề hơn, người châu Á có thể bị la ó, bị tẩy chay và thậm chí bị hành hung giữa thanh thiên bạch nhật.
Jonathan Mok, một sinh viên người Singapore đang học tập tại London, bị một nhóm người vừa tấn công vừa hét: “Bọn tao không muốn ‘corona’ sống ở đây!”. Các vết thương ở mặt nặng đến nỗi bác sĩ đề nghị Mok nên phẫu thuật điều chỉnh lại cấu trúc xương và cơ mặt.
Các vụ việc dần trở nên nực cười đến mức nhiều người châu Á bị hành hung và kỳ thị bằng lời nói chỉ vì họ… mang khẩu trang. Đôi khi, một cái tằng hắng, một cái ho hay một cái nhảy mũi, người châu Á sẽ nhanh chóng bị gọi bằng những từ ngữ phân biệt chủng tộc nặng nề.
Bản thân người Việt Nam cũng không thoát khỏi những hành vi kỳ thị và phân biệt chủng tộc tương tự.
Tại Đức, một số người Việt đã kể lại việc họ bị gọi là “bọn corona” dẫn đến ẩu đả nghiêm trọng, dù trớ trêu thay cả hai bên liên quan đền là fan của đội bóng lâu đời tại quốc gia này – Bayern Munich.
Nhiều người ở Việt Nam đã bày tỏ sự thất vọng, mỉa mai gọi “bọn phương Tây thượng đẳng, dân chủ gì cũng chỉ đến thế thôi” và khen ngợi chính quyền Việt Nam nhân văn đến dường nào.
Kỳ thị chủng tộc (racism) và chủ nghĩa bài ngoại (xenophobia) luôn tận dụng rất tốt những thời điểm bệnh dịch hoảng loạn như thế này để bùng nổ. Lần theo lịch sử loài người, chúng ta có thể thấy bất kỳ loại bệnh dịch nào hoành hành cũng bị đổ là do một nhóm “bên ngoài” lây lan.
Đợt bùng nổ của căn bệnh dịch hạch (bubonic plague) vào giữa thế kỷ 14 tại châu Âu, xóa sổ 1/3 dân số của toàn lục địa với hơn 25 triệu người chết là một trong những minh chứng điển hình. Nguyên nhân của “Cái chết đen” (The Black Death), như người châu Âu vẫn thường gọi, được đổ lên đầu của người Do Thái (Jewish) và các nhóm gypsies (những người gốc Romania). Theo các tài liệu, dịch hạch có nguồn gốc từ Trung Quốc, và đi vào châu Âu qua các cảng biển Italy (nghe có vẻ khá giống với tình trạng của coronavirus hiện nay). Song vì phương tiện truyền thông và trình độ khoa học hạn chế, căn bệnh nhanh chóng được đổ lỗi là bắt nguồn từ các nhóm thiểu số. Nhóm gypsies và những người hành nghề phù thủy bị bắt và cách li trong điều kiện tồi tệ. Các nhóm dân theo đạo Do Thái, kinh hoàng hơn, bị tra tấn và thiêu sống vì dám mang bệnh dịch đi đến khắp nơi.
Đại dịch cúm (influenza) 1918 – 1920 cũng không ngoại lệ (thường được biết đến với tên gọi Cúm Tây Ban Nha vì các trường hợp đầu tiên xuất hiện tại đây). Trong thời điểm mà Hoa Kỳ chào đón nhiều di dân nhất trong suốt lịch sử tồn tại của họ, với hơn 20 triệu người nhập cư đến từ khắp Âu, Á, Mỹ Latin trong giai đoạn 1880 – 1920, hàng loạt các loại bệnh dịch nguy hiểm xuất hiện tại Hoa Kỳ mà không ai biết ai mang đến, gồm cả đậu mùa, bệnh lao, sốt phát ban, dịch tả hoặc bệnh mắt hột… Trước dịch cúm Tây Ban Nha, Hoa Kỳ vẫn còn được xem là điểm đến thân thiện của mọi sắc tộc, nên những cuộc săn lùng tìm kẻ “thủ ác” làm lây lan dịch bệnh vẫn chưa diễn ra.
Nhưng với sự xuất hiện và lớn mạnh của cộng đồng người Ý tại New York, họ bị cho là gắn liền với căn bệnh bại liệt nguy hiểm lấy đi sinh mạng của ba trẻ trên mỗi 1.000 trẻ. Vì người Ý có tính cộng đồng cao và sống chật cứng tại các khu vực trung tâm New York, trí tưởng tượng của công chúng về một nhóm nhỏ có cách sống khác biệt mang mầm bệnh đến cho các cư dân bản địa dần hình thành.
Cho đến khi dịch cúm influenza bùng nổ vào năm 1918 – 1920, các biện giải và đổ lỗi cho các nhóm yếu thế, thiểu số trong xã hội ngay lập tức phát huy vai trò của nó.
Y tá tại các bệnh viện khi đó có cái nhìn rất tiêu cực về người Ý, cũng vì các thực hành văn hóa, tôn giáo khác biệt của họ. Thói quen hôn người bệnh vừa mất để tỏ lòng thành kính của người Ý, theo các y tá này, chắc chắn là một trong những lý do khiến dịch cúm tiếp tục hoành hành.
Nhưng vì trong giai đoạn Đệ nhất Thế chiến (1914 – 1918) đang xảy ra, người Đức và các nhóm thế hệ tiếp nối của họ đang sống tại Hoa Kỳ mới là nhóm thiểu số chịu sự kỳ thị nặng nề nhất. Lối suy nghĩ này được ghi nhận là bắt đầu với Trung tá hải quân Philip S. Doane, theo đó, ông cho rằng căn bệnh cúm là một vũ khí sinh học vì nó xuất hiện quá trùng hợp với thời điểm hải quân Mỹ phát hiện tàu ngầm Đức ve vãn tại vùng biển của họ. Cộng với thực tế rằng bệnh cúm lấy đi hơn 10.000 sinh mạng quân Mỹ, nhiều hơn cả số lượng tử vong do thực chiến, người Đức nhanh chóng trở thành “kẻ tội đồ” của dịch cúm… “Tây Ban Nha”.
Phong trào bài Đức vì dịch cúm này ấu trĩ đến mức loại cải chua có nguồn gốc Đức thường gọi là Sauerkraut bị đổi tên thành “Bắp cải Tự do” (Liberty cabbage) để dân chúng không nghĩ rằng nó do người Đức làm ra và mang mầm bệnh. Các lớp tiếng Đức và giảng dạy bằng Đức ngữ đã bị loại khỏi chương trình giáo dục ở trường. Người nhập cư Đức buộc phải xóa bỏ hoặc làm mờ họ gốc Đức của mình trên thẻ căn cước…
Chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong mùa dịch, vì nhiều lý do, mang dáng dấp của tiềm thức “người địa phương – người di cư” hơn là các vấn đề liên quan đến sắc tộc hay màu da.
Phân tích như trên không phải nhằm “giải tội” hay “giải oan” gì cho các nhóm dân da trắng, da đen và kể cả da màu đang tiếp tục thực hiện những hành vi mang đậm tính chất phân biệt hay bài ngoại nhắm đến người châu Á; mà nhằm giúp chúng ta hiểu rằng dịch bệnh và sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm luôn có tác động thúc đẩy rất lớn lên sự phi lý tính và những hành vi bài ngoại đối với bất kỳ cộng đồng nào.
Thật ra chỉ mới mấy hôm trước đây thôi, chính người Việt cũng hô hào đóng cửa biên giới với người Trung Quốc. Các biển bảng cấm người Trung Quốc đến tham quan, mua sắm hay ở trọ… được dán một cách vô tội vạ, nhưng cũng được công luận ủng hộ rất nhiệt tình. Bản thân chúng ta xem việc ngăn chặn bất kỳ người Trung Quốc nào đến Việt Nam là cần thiết, là vì an toàn dịch tễ, dù họ có bệnh lý hay triệu chứng gì hay không. Chúng ta chưa từng xem đó là hành vi phân biệt chủng tộc. Song những người Trung Quốc bị áp dụng những biện pháp nói trên hoàn toàn có thể có suy nghĩ khác. Đó là chưa kể, thứ duy nhất ngăn cản việc có một nhóm người Việt Nam manh động tấn công người Trung Quốc có lẽ chỉ bởi vì họ không thể phân biệt giữa người Việt Nam và người Trung Quốc mà thôi.
Trong một nghiên cứu của Đại học Stanford, do hai giáo sư là Hayagreeva “Huggy” Rao và Sunasir Dutta thực hiện, chứng minh được rằng các thông tin dịch bệnh có thể khiến con người thay đổi hoàn toàn góc nhìn và quan điểm của mình.
Nghiên cứu lấy hai nhóm mẫu người tham gia có nền tảng văn hóa, học thuật, sắc tộc đa dạng, nhưng cho họ trả lời câu hỏi trong hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Nhóm thứ nhất được cho biết thông tin rằng một loại dịch bệnh lạ đang bùng phát ở Hoa Kỳ, sau đó những người tham gia mới được hỏi về việc có nên hợp pháp hóa việc định cư của những người di dân bất hợp pháp nhưng đã sinh sống đủ một khoảng thời gian nhất định tại Hoa Kỳ hay không. Nhóm thứ hai chỉ được hỏi có nên cho phép hợp pháp hóa việc định cư. Như dự đoán trước, nhóm đầu có xu hướng phản đối chính sách hợp pháp hóa.
Không chỉ vậy, nghiên cứu còn dẫn chứng đến một số hiện tượng lịch sử thú vị khác. Các quân đoàn người Ấn thuộc Công ty Đông Ấn (East India Company) lừng danh do người Anh sở hữu sẽ có xu hướng chống đối, thậm chí là đảo chính các sĩ quan nắm quyền người Anh, nếu trước đó vài tháng họ nghe thông tin về bệnh dịch tả.
Các nhà khoa học, trên các cơ sở xem xét, cho rằng các thông tin về dịch bệnh sẽ “đánh thức” xu hướng bài ngoại hay thậm chí phân biệt chủng tộc của các cộng đồng.
***
Sẽ là không công bằng nếu đổ lỗi cho những hiện tượng và hành vi bài ngoại nhắm vào người châu Á đang sinh sống tại các nước phương Tây là lỗi của “nền dân chủ của bọn thượng đẳng”, “nền dân chủ xấu xí”, như nhiều nhà cơ hội mỉa mai.
Dân chủ là một hình thức tổ chức và quản lý nhà nước, nơi người dân được quyền tự do lựa chọn các ứng cử viên đại diện cho mình trong hoạt động quản lý nhà nước và đưa ra các chính sách. Nó không thể dự đoán hay bắt buộc mỗi cá nhân hành động như ý của nhà cầm quyền, nhưng vì là đại diện cho những tiếng nói chung của toàn xã hội, một chính thể dân chủ luôn phải vận hành đúng với bản chất cấp tiến của nó. Thực tế hiện nay cho thấy ở phương Tây, báo chí và các tiếng nói kêu gọi phản đối và xử lý những hành vi bạo lực hay mang tính kỳ thị dành cho người châu Á chiếm hoàn toàn sóng tin tức quốc gia. Họ biết điều gì là đúng đắn phải làm. Cảnh sát tại London đã tạm giữ một số trẻ vị thành niên hành hung anh chàng sinh viên Mok khốn khổ. Những anh chàng da màu tấn công người đàn ông châu Á ở Hoa Kỳ trước đó cũng đã nhanh chóng bị bắt giữ.
Chúng ta không thể loại bỏ những điều xấu xí hoàn toàn khỏi xã hội loài người. Nhưng tôi tin rằng dân chủ, cũng như nhân quyền, giúp loài người tiến xa khỏi những điều kinh hoàng mà họ từng làm khi những đại dịch bùng phát.