Thư cuối tuần - 14/9/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Joseph Stalin từng nói một câu đại ý rằng: Vấn đề không phải là những người đi bầu, vấn đề là ai đếm phiếu.
Thật vậy, tại Liên Xô, và tại nhiều quốc gia cùng dòng máu, bầu cử phổ thông thật ra chỉ được sử dụng để hợp pháp hóa, hay chính danh hóa các quyết định nhân sự do nội bộ đảng cộng sản đưa ra. Thậm chí, ngay cả khi đại đa số cử tri không ủng hộ một ứng cử viên nào đó, các đảng độc quyền vẫn tìm cách để bảo đảm vị trí nhân sự như đã định.
Nhưng còn sự tình ở Hoa Kỳ thì sao? Với chế độ bầu cử phổ thông tại 50 tiểu bang, rồi lại kèm với quá trình bỏ phiếu đại cử tri; ai bỏ phiếu, ai đếm phiếu, cơ chế bầu cử do ai quyết định… đều là những câu hỏi đáng giá ngàn vàng trong thời buổi dân chủ thế giới đi xuống như hiện nay.
Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, có nền kinh tế lớn nhất và sở hữu quân đội đông đảo, thiện chiến nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này không nên khiến bạn đọc hiểu nhầm rằng Hoa Kỳ là một quốc gia thống nhất, được tập trung quản lý từ trên xuống bởi một chính quyền liên bang có sức mạnh áp đảo.
Bạn nên kỳ vọng điều hoàn toàn ngược lại.
Do cấu trúc nhà nước liên bang, kèm theo đó nỗi lo ngại của các nhà lập quốc về một chính quyền trung ương quá mạnh, gần như bất kỳ vấn đề gì bạn nghĩ rằng sẽ được áp dụng, vận hành một cách hoàn toàn thống nhất trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, đều không đúng.
Luật Thương mại? Thuộc thẩm quyền tiểu bang.
Trợ cấp và các chương trình y tế? Thuộc thẩm quyền tiểu bang.
Kể cả Luật Hình sự? Thuộc thẩm quyền tiểu bang.
Và điều tương tự diễn ra trong vấn đề bầu cử tổng thống.
Dù là cuộc bầu cử quan trọng nhất và được quan tâm theo dõi nhiều nhất trên thế giới, mỗi tiểu bang sẽ “mạnh ai nấy lo” trong quy chuẩn hay cách thức bỏ phiếu, bảo vệ phiếu và đếm phiếu.
Trong thực tế, các nhà lập quốc Hoa Kỳ chỉ trao phạm vi thẩm quyền rất giới hạn cho chính quyền liên bang khi tổ chức bầu cử. Tổ hợp của Điều khoản bầu cử (Elections Clause) trong Hiến pháp Hoa Kỳ, Tu chính án thứ 12 và Tu chính án thứ 20, giới hạn quyền lực của chính quyền liên bang chỉ trong vài công đoạn bầu cử cuối cùng (như quy trình bầu của chế định đại cử tri). Vì vậy, chính quyền các tiểu bang vẫn toàn quyền định đoạt thời điểm, quy trình và phương pháp bầu cử phổ thông đối với cả cuộc bầu cử tổng thống – phó tổng thống lẫn nhị viện.
Nói không ngoa, Hoa Kỳ có 50 tiểu bang thì có đến 50 quy trình và phương pháp bầu cử phổ thông khác nhau.
Như vậy đến đây, nếu nhìn kỹ vào bản chất, bạn đọc có thể biết quá trình bầu cử tổng thống tại từng tiểu bang thật ra là quá trình tiểu bang đó bầu chọn ra các vị đại cử tri của mình mà thôi. Và pháp luật của từng bang cũng có quy định riêng về việc đề cử và sau đó là bầu đại cử tri.
Về việc đề cử đại cử tri thì hầu hết các bang đều giống nhau. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Các Ngoại trưởng cấp tiểu bang Hoa kỳ (National Association of Secretaries of State), đề cử đại cử tri cho mỗi ứng cử viên đảng nào sẽ do đại hội đảng đó quyết định. Ví dụ, tại Floria, pháp luật liên bang cho phép tiểu bang này sở hữu 25 phiếu đại cử tri. Do đó, đại hội của Đảng Cộng hòa Floria sẽ đề xuất 25 đại cử tri để ủng hộ cho ứng viên của đảng mình; và đại hội của Đảng Dân chủ Floria cũng sẽ làm điều tương tự.
Thủ tục và quy trình đăng ký bầu cử cũng là câu chuyện riêng của từng bang. Về mặt đăng ký bầu cử, bang North Dakota là bang duy nhất không yêu cầu công dân của mình phải đăng ký mới có quyền bầu.
Nhiều bang trong lịch sử cũng từng lợi dụng thẩm quyền này của mình để phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số. Trong đó, khét tiếng nhất có thể kể đến “thuế đi bầu” (poll taxes) hay bài kiểm tra mù chữ (literacy tests)… thường được dùng để loại trừ cử tri da đen có xuất phát điểm thấp về kinh tế và học vấn.
Hay thủ tục để bầu cử vắng mặt (absentee voting), bầu cử sớm (early voting)… cũng rất khác nhau tại các tiểu bang.
Để được bầu cử vắng mặt, một số tiểu bang sẽ yêu cầu cử tri cung cấp lý do và chứng cứ, trong khi một số tiểu bang khác lại cho rằng đây là quyền đương nhiên của cử tri mà không cần phải chứng minh. Riêng năm tiểu bang gồm Colorado, Hawaii, Oregon, Washington và Utah lại có quy định pháp lý cho phép việc sử dụng hệ thống bầu cử bằng thư tín rộng rãi cho mọi cuộc bầu cử liên bang hay tiểu bang. Những cử tri đã đăng ký chỉ cần chờ tại nhà. Phiếu bầu, thông tin bầu cử sẽ được gửi đến tận cửa.
Ngay cả phương pháp đếm phiếu bầu cũng không thống nhất ở các tiểu bang. Từ đếm tay, đến quét quang học (optical scan), đến hệ thống ghi nhận phiếu bầu điện tử (Direct Recording Electronic – DRE), nhiều người cho rằng mô hình bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ không đơn giản là đa dạng, mà phải gọi là hỗn loạn mới đúng.
Tại Việt Nam, có lẽ bạn đọc đã quá quen với hình ảnh các Sở Nội vụ hướng dẫn quy trình bầu cử, các ủy ban nhân dân địa phương tổ chức và vận hành quá trình bầu cử, cùng theo đó là sự “giám sát” của Mặt trận Tổ quốc… Dù các ủy ban bầu cử từ trung ương đến địa phương được Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trao quyền, đây đều là những cá nhân, cơ quan do Đảng Cộng sản Việt Nam triệt để lãnh đạo. Hiển nhiên, câu hỏi về độ tin cậy của quá trình bầu phiếu, kiểm phiếu, đếm phiếu… dành cho các ứng viên ngoài đảng, trong trường hợp họ vượt qua được các vòng hiệp thương lằng nhằng, vô cùng đáng suy ngẫm.
Ở Hoa Kỳ, cách tiếp cận về tiến trình bầu cử rất khác.
Không có bất kỳ một tổ chức nhà nước trung ương nào đứng ra tổ chức và giám sát nguồn nhân lực phục vụ quá trình bầu cử. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức nhà nước tiểu bang cũng thiếu vắng mô hình quản lý bầu cử.
Điều này dẫn đến một thực tiễn vô cùng thú vị tại Hoa Kỳ: Những cá nhân trực tiếp tổ chức, quan sát, hỗ trợ xuyên suốt hóa trình bầu cử, hoặc thậm chí là đếm phiếu, đa phần lại là… những tình nguyện viên.
Được gọi dưới nhiều tên gọi như “poll worker”, “election official”, “election officer”, “election judge”, “election clerk” và nhiều tên gọi khác (mà người viết tạm gọi ở đây là các nhân viên bầu cử); những thành viên của cộng đồng được lựa chọn sẽ có nhiệm vụ giải thích về quyền bầu cử, tiếp nhận và xử lý thông tin đăng ký bầu cử, trao phiếu bầu và hướng dẫn quy trình, hướng dẫn sử dụng các công cụ bỏ phiếu, tập hợp phiếu, thống kê hay kiểm đếm phiếu…
Vì là thành viên của các cộng đồng dân cư khác nhau, họ có thể là y tá, điều dưỡng, nhân viên dịch vụ ăn uống, kỹ thuật viên máy tính, và thậm chí là sinh viên, học sinh trung học phổ thông. Trước khi bắt tay vận hành cuộc bầu cử, họ sẽ được đào tạo sơ lược về pháp luật Hoa Kỳ nói chung và pháp luật bầu cử Hoa Kỳ nói riêng, tinh thần cũng như thủ tục cần tuân thủ và thao tác sử dụng những công cụ kỹ thuật nếu có.
Do đó, các cuộc bầu cử trở thành một điểm đến tốt cho những công dân mong muốn học hỏi thêm về nền chính trị Hoa Kỳ, cũng như đóng góp sức mình cho lợi ích chung. Nhưng điều này cũng gây ra căn bệnh khá hy hữu cho hoạt động bầu cử của Hoa Kỳ là đôi khi chính quyền tiểu bang không tìm ra đủ các cá nhân nhiệt huyết, đủ sức khỏe và mong muốn tình nguyện làm công tác vận hành quá trình bầu cử.
Một cuộc bầu cử minh bạch là một cuộc bầu cử mà cá nhân nào, tổ chức độc lập nào cũng có không gian và cơ hội giám sát tiến trình mà cuộc bầu cử đó diễn ra. Bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ luôn mở cửa cho các hoạt động quan sát, đánh giá và bình luận.
Tuy nhiên, do tính phân quyền cao độ mà chúng ta nhắc đến ở trên, quy định pháp luật về số lượng người quan sát, vị trí quan sát các hoạt động bỏ phiếu hay kiểm phiếu, nhóm và loại quan sát viên nào được phép tiếp cận tiến trình bầu cử thì vẫn tùy vào lựa chọn của từng tiểu bang.
Theo đánh giá của người viết, nghiên cứu của Trung tâm Carter (do cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter sáng lập) tổng hợp và tối giản hóa quy định pháp lý liên quan của từng tiểu bang một cách dễ tiếp cận nhất cho bạn đọc phổ thông và bạn đọc bên ngoài nước Mỹ.
Theo đó, có ba nhóm quan sát chính được ghi nhận trong pháp luật bầu cử của các tiểu bang, gồm: nhóm quan sát viên công dân theo đảng phái (partisan citizen observers); nhóm quan sát viên công dân phi đảng phái (non-partisan citizen observers) và nhóm quan sát viên quốc tế (international nonpartisan observers).
Pháp luật của hầu như tất cả các tiểu bang đều cho phép quan sát viên công dân theo đảng phái tham gia quan sát tiến trình bầu cử tổng thống (cũng như các cuộc tổng tuyển cử khác). Mục đích của các quan sát viên theo đảng phái là nhằm đảm bảo rằng quy trình và các bước tiến hành bầu cử không có khúc mắc hay vấn đề gì đáng ngại cho quyền và lợi ích hợp pháp của chính đảng của mình. Tập quán hiện nay của các đảng chính trị Hoa Kỳ là cử các “poll watchers/ challengers” đến quan sát quá trình bỏ phiếu tại một địa điểm nhất định, từ đó ghi nhận và thậm chí là khiếu nại tại chỗ nếu họ cho rằng có những hành vi mờ ám có thể làm sai lệch quá trình bầu cử. Nhìn chung đây là nhóm xuất hiện thường xuyên nhất, sôi động nhất, và ở góc độ nào đó là hiệu quả nhất ở các điểm bỏ phiếu, đếm phiếu.
Nhóm quan sát viên công dân phi đảng phái lại ít phổ biến trong pháp luật tiểu bang hơn.
Thường là thành viên của các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, hoặc là những công dân nhiệt huyết, mục tiêu của nhóm quan sát viên này là nhằm phát hiện các thiếu sót, sai phạm, từ đó bảo vệ sự công minh nói chung của tiến trình bầu cử tại Hoa Kỳ. Hiện có 35 tiểu bang và Quận Columbia tạo điều kiện thời gian và không gian để các quan sát viên công dân phi đảng phái có thể tiếp cận và kiểm tra tiến trình bầu cử.
Nhóm quan trọng cuối cùng là nhóm quan sát viên quốc tế, với 33 tiểu bang và Quận Columbia có quy định pháp luật tiếp nhận họ.
Các nhóm quan sát viên quốc tế tiếp cận với tiến trình bầu cử với mục tiêu sản xuất ra các báo cáo chuyên nghiệp và đáng tin cậy nhằm đánh giá sự chính trực và minh bạch của hệ thống bầu cử quốc gia. Trong một số trường hợp khác, các nhóm quan sát đại diện quốc gia cũng có thể tham gia. Năm 1990, Hoa Kỳ tham gia vào Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và cam kết mở rộng khả năng tham gia quan sát bầu cử Hoa Kỳ của các quốc gia thành viên. Từ năm 2002 đến nay, OSCE đã quan sát ngẫu nhiên tổng cộng sáu cuộc bầu cử phổ thông ở Hoa Kỳ với kết quả tốt.
Nhìn người nghĩ ta, hiện Việt Nam không là thành viên của các tổ chức minh bạch bầu cử nào. Việc cho phép một tổ chức nước ngoài vào quan sát bầu cử tại Việt Nam sẽ không phải là một chuyện đơn giản, trừ khi tổ chức đó thân với chính quyền.
Với các thông tin bài viết cố gắng truyền tải, có thể thấy quy trình bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ có điểm mạnh và điểm yếu, cùng những đặc trưng không phải quốc gia nào cũng có thể học tập theo.
Một trong những điểm yếu rõ ràng, nhưng cũng là đặc trưng không đâu có, chính là tính phân quyền rất cao của việc vận hành quá trình bầu cử nói chung và bầu cử tổng thống – phó tổng thống nói riêng.
Trên mặt giấy tờ, sự phân quyền này đảm bảo tự do nhất định cho người dân và tiểu bang trong việc lựa chọn phương thức bầu cử của họ, từ đó tách bạch quyền lực địa phương – trung ương, tránh việc hình thành một chính quyền toàn trị.
Song với thực tế hiện nay, với sự can thiệp đã được chứng minh của người Nga vào các cuộc bầu cử địa phương cùng những rủi ro công nghệ thông tin quá lớn, rất nhiều cử tri Hoa Kỳ đang tự đặt câu hỏi rằng liệu thiếu vắng sự hỗ trợ kỹ thuật an ninh bầu cử liên bang có thật sự là một lựa chọn chính sách sáng suốt.
Không chỉ vậy, việc vận hành các công đoạn bầu cử bằng tình nguyện viên cũng là một canh bạc lớn. Nó chỉ có thể thực hiện tại một quốc gia mà văn hóa chính trị vừa chủ động, vừa cởi mở như Hoa Kỳ.
Học tập để nắm bắt và công nhận sự độc đáo của hệ thống bầu cử chính trị Mỹ là vô cùng cần thiết, nhưng chúng ta sẽ cần đầu tư nhiều hơn để biến sự độc đáo đó trở thành một công cụ hữu dụng cho các cuộc bầu cử tại Việt Nam.