Bản tin Tôn giáo tháng 5/2020: Kiểm soát xuất bản ảnh hưởng đến tự do tôn giáo ra sao

Bản tin Tôn giáo tháng 5/2020: Kiểm soát xuất bản ảnh hưởng đến tự do tôn giáo ra sao
Ảnh: Báo Người Phật Tử.

Không chỉ có Luật tôn giáo, tín ngưỡng mới giới hạn tự do tôn giáo, các quy định về xuất bản cũng ảnh hưởng không ít, xem mục [Bàn tay của chính quyền].

Như thường lệ là các tin tức nổi bật về tôn giáo trong mục [Tôn giáo 360 độ], trong đó có vụ nhiều học viên Pháp Luân Công bị phạt vì phát tờ rơi trái phép. Đọc lại vụ nhiều người Thượng cùng vượt biên đến Campuchia vào năm 2015 trong mục [Tháng này năm xưa].

Tình trạng suy giảm nghiêm trọng số lượng tín đồ của đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo trong 10 năm qua sẽ có trong mục [Bạn có biết].

Độc giả có thể góp ý và tham gia viết báo cáo qua email: tongiao@luatkhoa.org.


Bàn tay của chính quyền

Hãy thử tưởng tượng bạn đang ở một tiệm photocopy để in những tờ rơi về tôn giáo, đó có thể là những gì bạn muốn người khác tin vào Chúa hay chỉ đơn thuần là khuyến khích người khác ăn chay và ngồi thiền để tu tập theo một giáo phái mà bạn tin tưởng.

Bạn in xong và đem những tờ rơi này tặng cho những người thân, hàng xóm, bạn bè của mình hay những người không quen biết đang ngồi ở công viên. Ít phút sau bạn bị công an bắt và đưa về trụ sở làm việc, nếu công việc bạn làm là hoàn toàn tự nguyện bạn sẽ bị tịch thu toàn bộ tài liệu và bị phạt hành chính.

Đó là những gì đang xảy ra đối với học viên Pháp Luân Công, những người đang bị bắt và chịu phạt vì phân phát những tờ rơi chưa được cấp phép. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, có ít nhất 22 học viên Pháp Luân Công bị bắt vì phân phát, lưu giữ những tờ rơi về bộ môn này (đọc chi tiết trong mục Tôn giáo 360 độ).

Đó cũng là cách Việt Nam dùng các quy định về xuất bản để kiểm soát các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng.

Quy định xuất bản của chính quyền Việt Nam siết chặt tự do tôn giáo và tín ngưỡng

Theo Luật Xuất bản 2012, Việt Nam chưa cho phép nhà xuất bản tư nhân được đăng ký hoạt động. Hoạt động xuất bản được cấp phép bởi các nhà xuất bản do các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn hội của đảng cộng sản kiểm soát.

Trong thực tế, các nhà xuất bản thường làm công việc bán giấy phép xuất bản cho các nhà sách, công ty sách. Mặc dù hoạt động xuất bản ngày càng dễ dàng ở Việt Nam nhưng điều này không xảy ra đối với những chủ đề bị cho là nhạy cảm như chính trị và tôn giáo.

Luật Xuất bản 2012 đã cố gắng mở rộng quy định cấp phép xuất bản đối với các tài liệu “tặng, cho, cho mượn” (điều 4) , vốn không được quy định rõ trong luật xuất bản trước đó vào năm 2004.

Các tài liệu “tặng, cho, cho mượn” đều phải là những tài liệu đã được cấp phép xuất bản, nếu không thì có thể bị phạt vì vi phạm Điều 27 khi xuất bản, phát hành những sản phẩm chưa được cấp phép của Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Luật Xuất bản 2012 cũng quy định rằng cấm “xuất bản, in, phát hành”  các tài liệu “mê tín dị đoan” (Điều 10). Trong khi đó, việc xác định một hoạt động có phải là “mê tín dị đoan” hay không thường đánh giá chủ quan bởi các cơ quan văn hóa, tôn giáo ở địa phương. Nhãn “mê tín dị đoan” đang được áp dụng hầu hết cho các hoạt động tâm linh mới nổi ở Việt Nam.

Đồng thời, chính phủ cũng quy định rằng Ban Tôn giáo Chính phủ có quyền trong việc thống nhất “xuất bản các loại sách kinh, các tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hoá phẩm thuần túy tôn giáo của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.

Cá nhân không được tự phát hành các ấn phẩm

Những vụ bắt giữ và phạt hành chính các học viên Pháp Luân Công gần đây đã được báo chí đưa tin rộng rãi nhầm cảnh cáo các cá nhân về việc phổ biến các tài liệu chưa được chính quyền cấp phép, đặc biệt là các tài liệu liên quan tôn giáo.

Mặt khác, theo Luật Xuất bản 2012, ngoài các tổ chức thuộc cơ quan nhà nước, đảng Cộng sản thì chỉ có doanh nghiệp và hộ kinh doanh mới được xem xét cấp phép phát hành các sản phẩm (Điều 36). Phát hành bao gồm các hoạt động “tặng, cho, cho mượn”. Điều này có nghĩa là chính quyền có quyền phạt hành chính những cá nhân phát hành các sản phẩm dù là ấn phẩm đã được nhà nước cấp phép.

Như vậy, cá nhân nếu muốn in ấn, bán hoặc phát miễn phí một tài liệu nào đó thì hoàn toàn có thể bị hành chính hoặc áp dụng các điều luật trong Bộ Luật hình sự, ví dụ như nếu đó là tờ rơi có nội dung chống chính quyền.

Bên cạnh đó, dường như có sự hạn chế phát hành các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo. Những ấn phẩm liên quan đến tôn giáo thường chiếm số lượng rất ít và ít hiện diện trong các nhà sách thông thường.

Đối diện với các quy định nghiêm khắc của chính quyền về xuất bản , các giáo phái mới vẫn đang tìm mọi cách vượt qua các quy định khắc nghiệt của chính quyền về phổ biến các động tâm linh bị chính quyền cho là “tà đạo”.

Bị cấm đoán phổ biến tài liệu, những nhóm tâm linh mới nổi đã dùng nhiều cách truyền giáo vào Việt Nam, phổ biến nhất hiện nay là sử dụng mạng xã hội.

Pháp Môn Diệu Âm, một giáo phái mới nổi trong những năm gần đây đã bị chính quyền Việt Nam cấm hoạt động, có kênh Youtube với khoảng hơn 24 nghìn người theo dõi và hơn 9 triệu lượt xem. Người muốn theo Pháp môn Diệu Âm có thể điền vào một mẫu đơn trên mạng và đợi những “sứ giả” của pháp môn này đang hoạt động âm thầm ở Việt Nam gặp trực tiếp để hướng dẫn cách tu hành.

Tôn giáo 360 độ

Ít nhất 22 người phổ biến Pháp Luân Công bị bắt


Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, có ít nhất 22 người đã bị bắt và phạt hành chính vì phổ biến Pháp Luân Công ở 12 tỉnh, thành ở Việt Nam.

Những người bị bắt này đã mang theo hay phát các tờ rơi có chứa nội dung khuyến khích mọi người tập Pháp Luân Công và lên án về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp bộ môn này.

Những vụ bắt giữ này gia tăng nhanh chóng sau khi Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo đến các tỉnh thành về việc lợi dụng dịch Covid-19 để tuyên truyền, quyên góp trái phép của “các tà đạo, tôn giáo cực đoan”.

Một số người tập Pháp Luân Công nói với chúng tôi rằng rằng việc phổ biến Pháp Luân Công là việc làm hoàn toàn tự nguyện.

Theo báo chí trong nước tường thuật về các vụ bắt giữ này, những người phổ biến bộ môn này bị phạt vì vi phạm nghị định về báo chí, xuất bản khi phát tờ rơi mà chưa được chính quyền cấp phép.

Những người bị bắt có lẽ đã phải chịu các mức hình phạt khác nhau dựa trên số lượng tờ rơi và các vật dụng dùng để tuyên truyền. Tại tỉnh Hà Tĩnh, một người đàn ông vận chuyển nhiều thùng xốp chứa tài liệu Pháp Luân Công đã bị phạt 25 triệu đồng. Ở tỉnh Vĩnh Long, một người phụ nữ 41 tuổi bị phạt 4 triệu đồng sau khi phát bốn quyển tài liệu Pháp Luân Công trong một ngân hàng.

Công an Nghệ An thu giữ các khẩu trang được dùng để tặng cho người dân kèm theo tài liệu Pháp Luân Công vào tháng 3/2020. Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp Luật.

Chính quyền trung ương vẫn chưa xác nhận Pháp Luân Công có phải là tôn giáo hay không. Tuy nhiên, một số tỉnh thành đã cho rằng Pháp Luân Công là một “tà đạo”, chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về số người tập Pháp Luân Công ở Việt Nam, tuy nhiên, một số học viên của bộ môn này cho rằng lượng người gia nhập đang ngày càng gia tăng, ví dụ các tỉnh như

Dù vậy, báo chí trong nước luôn khắc họa hình ảnh của bộ môn này với nhiều nghi ngờ, “hoạt động bất hợp pháp”, “phản khoa học”,… nhằm tuyên truyền để cảnh cáo người dân không nên thực hành.

Danh sách số người bị bắt theo tỉnh thành

Số thứ tựTên, tỉnh thànhSố người bị bắt
1Điện Biên1
2Quảng Ninh1
3Thái Bình1
4Nghệ An4
5Hà Tĩnh5
6Quảng Ngãi2
7Bình Thuận1
8Thành phố Hồ Chí Minh1
9Bình Phước2
10Đồng Nai2
11Bà Rịa – Vũng Tàu1
12Vĩnh Long1
Tổng cộng (ít nhất)22

Một linh mục bị từ chối cấp hộ chiếu

Vào ngày 29/05/2020, Linh mục Nguyễn Văn Toản viết trên Facebook của mình là ông nhận được thông báo từ chối cấp mới hộ chiếu.

Linh mục Nguyễn Văn Toản nói là ông tình cờ thấy một tờ giấy ghi lý do mình không được cấp hộ chiếu là do “Công an Hà Nội yêu cầu không cấp hộ chiếu vì hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Linh mục Nguyễn Văn Toản, 40 tuổi, thuộc Dòng chúa cứu thế ở Nhà thờ Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội. Ông là người thường xuyên chỉ trích công khai chính quyền Việt Nam trong các bài giảng của mình cho công chúng. Ông cũng đã nhiều lần bị bắt trong các cuộc biểu tình tại Hà Nội.

Gia đình tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa: Trại giam Nam Hà giảm số lần đọc kinh xuống còn mỗi tuần một lần

Theo Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo, ngày 25/05/2020, gia đình tù nhân lương tâm Hồ Đức Hòa thông báo rằng ông Hòa đã gọi điện về nhà và nói rằng trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam đã giảm số lần ông được đọc Kinh Thánh xuống còn mỗi tuần một lần.

Trước kia, ông Hòa nói trại giam cho anh đọc Kinh Thánh gần như hàng ngày.

Ông Hồ Đức Hòa, 46 tuổi, bị xét xử vào đầu năm 2013 cùng với 13 người thanh niên theo đạo Công giáo và Tin Lành khác vì tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi những người khác bị tuyên án từ 2 đến bốn năm tù giam, thì ông là phải gánh chịu bản án nặng nề nhất là 13 năm tù giam.

Ông Hồ Đức Hòa trong phiên tòa ngày 9/1/2013. Ảnh: Báo Công an Nghệ An.

Theo RFA, vào tháng 08/2019, gia đình Hồ Đức Hòa nhận được thư của ông gửi ra từ trại giam nói rằng sức khỏe của ông đang giảm sút nghiêm trọng vì mắc phải các bệnh về dạ dày, đại tràng, huyết áp, trĩ nội và cột sống. Từ tháng 5 đến tháng 8/2019, trại giam Nam Hà đã từ chối yêu cầu được đến bệnh viện khám bệnh của ông.

Việc từ chối hoặc giảm số lần đọc Kinh Thánh cũng như các sách liên quan đến tôn giáo thường được các tù nhân lương tâm báo với gia đình trong nhiều năm qua. Mặt khác, các điều kiện trong trại giam rất khắc nghiệt nhất về khẩu phần ăn, vệ sinh, y tế như một cách trừng phạt những tù nhân. Các trại tạm giam, trại giam thường không trang thiết bị đầy đủ cho các buồng giam khi thời tiết thay đổi quá nóng hoặc quá lạnh.

Ngày này năm xưa

Một số người Thượng vượt biên đến Campuchia bị từ chối công nhận tị nạn vào tháng 5/2015

Vào tháng 5/2015, đại diện Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk xác nhận có nhiều người Thượng đã vượt biên từ các tỉnh Tây Nguyên sang Campuchia để xin tị nạn.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa, Chính ủy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Đắk Lắk, cho rằng người Thượng bị lôi kéo sang Campuchia để hoạt động chống chính quyền Việt Nam.

Theo tổ chức nhân quyền LICADHO và Human Rights Watch, vào tháng 3/2015, chính quyền Campuchia đã công nhận tị nạn cho 13 người Thượng đến nước này vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, có khoảng 100 người Thượng khác bị chính quyền Campuchia từ chối công nhận tị nạn vì vượt biên vào nước này, trong đó có 54 người đã bị cưỡng bức hồi hương trong bốn tháng đầu năm 2015.

Vào tháng 1/2015, đại diện của một tổ chức nhân quyền địa phương tại Campuchia nói với AFP rằng có khoảng 13 người Thượng vượt biên từ Việt Nam. Những người này đã nói rằng họ chạy sang Campuchia để tránh cuộc đàn áp đang diễn ra ở quê nhà.

Đến giữa tháng 5/2015, một phái đoàn của tỉnh Ratanakiri của Campuchia có biên giới giáp với tỉnh Gia Lai của Việt Nam đã sang làm việc với Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, có nhắc đến việc hạn chế người Thượng vượt biên sang Campuchia.

Ảnh chụp những người Thượng tị nạn ở Campuchia vào năm 2015. Ảnh: The Phnom Penh Post.

Người Thượng là người bản địa sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, bao gồm hơn 20 sắc tộc khác nhau. Từ những năm 2000, người Thượng đã liên tục vượt biên sang Campuchia và Thái Lan để tị nạn.

Những người vượt biên này nói rằng họ phải chịu quá nhiều áp bức của chính quyền về tôn giáo, đất đai, nghèo đói và kỳ thị chủng tộc, và kết thúc bằng những án tù nếu họ lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam cho rằng những người vượt biên là do bị dụ dỗ chống chính quyền hoặc vì lý do kinh tế.

Khu vực Tây Nguyên là nơi đồi núi khá hiểm trở, gần như bị chính quyền cô lập với các vùng miền khác. Cho đến nay, rất ít nhà báo độc lập, nhà hoạt động nhân quyền có thể tiếp cận được khu vực này.

Bạn có biết

Số lượng tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài đang sụt giảm nghiêm trọng

Cả hai tôn giáo đều được sáng lập trong thời kỳ người Pháp cai trị đất Nam Kỳ và hấp dẫn một số lượng lớn tín đồ trong hàng thập kỷ cho đến năm 1975.

Đạo Cao Đài giảm 76% số lượng tín đồ trong 10 năm

Năm 1930, số lượng tín đồ đạo Cao Đài vào khoảng năm trăm ngàn tới một triệu tín đồ vào năm 1930, lúc đó tổng dân số Nam Kỳ khoảng bốn đến bốn triệu rưỡi người, theo tài liệu do Jayne Susan Werner gửi cho Toàn quyền Đông Dương ngày 14/12/1934.

Theo Ban tôn giáo Chính phủ, từ năm 1930 đến năm 1975, số lượng tín đồ đạo Cao Đài đã phát triển nhanh đạt số lượng khoảng 2 triệu tín đồ.

Tuy nhiên, một bài báo khác trên Los Angeles Times, có lẽ căn cứ vào con số trước năm 1975, có khoảng 4 triệu tín đồ của đạo Cao Đài ở Việt Nam. Con số này có vẻ phù hợp với số lượng các nhà thờ của đạo này trải dài từ miền Nam ra tận miền Trung Việt Nam.

Theo Ban tôn giáo Chính phủ, năm 2009 số lượng tín đồ Cao Đài trên cả nước chỉ còn khoảng 2,4 triệu người.

Kết quả điều tra tổng dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng tín đồ của Cao Đài giảm chỉ còn 556,234 người, giảm khoảng 76% so với năm 2009.

Phật giáo Hòa Hảo giảm 31% số lượng tín đồ trong 10 năm

Số lượng tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo cũng đã giảm sút nghiêm trọng trong 10 năm qua.

Năm 2009, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ xác nhận toàn quốc có khoảng 1,433,252 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, đến năm 2019, số lượng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo giảm còn 983,079 người, giảm khoảng 31% so với năm 2009.

Trước năm 1975, có khoảng 2 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là hai tỉnh An Giang và Châu Đốc.

Những nguyên nhân nào khiến số lượng tín đồ sụt giảm

Chưa có báo cáo nào liên quan đến việc sụt giảm lớn số lượng tín đồ của hai đạo này.

Theo chúng tôi, những nguyên nhân sau đây có thể đã làm suy giảm số lượng tín đồ:

1. Sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền

Sau năm 1975, chính quyền đã cố gắng xóa bỏ hai tôn giáo này và chỉ công nhận khi nỗ lực xóa bỏ không thành công. Đạo Cao Đài được công nhận vào năm 1997 và Phật giáo Hòa Hảo được công nhận vào năm 1999.

Những thành viên ly khai của hai tôn giáo này thường cho rằng chính quyền đã để những người chịu lắng nghe sự kiểm soát của nhà nước vào ban lãnh đạo của hai tôn giáo này.

Sau năm 1975, sức sống của hai tôn giáo này đã bị hạn chế rất nhiều, các hoạt động từ thiện, giáo dục, truyền giáo đã không còn được tự do như trước nữa.

Mặt khác, chính quyền đã kiên quyết trừng phạt những tín đồ bị cho là chống đối chính sách tôn giáo của nhà nước bằng nhiều cách khác nhau, như sử dụng các điều luật trong Bộ Luật hình sự hoặc áp dụng những cách đàn áp, sách nhiễu lên cuộc sống hàng ngày của họ.

Từ lúc công nhận hai đạo này vào cuối những năm 1990, chính quyền rõ ràng để thể hiện quan điểm hạn chế quy mô phát triển của hai tôn giáo này. Các hoạt động truyền thông, lễ hội của hai tôn giáo từng phát triển rộng khắp Nam Bộ nay hầu như được giữ ở mức độ địa phương với sự kiểm soát chặt chẽ.

2. Người trẻ xa rời các hoạt động tôn giáo

Giáo dục phổ thông ở Việt Nam dường như xa lánh các chủ đề về tôn giáo, không nhắc đến đời sống tôn giáo đang xảy ra trong xã hội.

Sách giáo khoa thường giáo dục trẻ em lòng ơn về cách mạng, tuân thủ pháp luật hơn là những giá trị truyền thống tôn giáo trong cộng đồng của mình.

Các phương tiện truyền thông đại chúng do nhà nước kiểm soát như báo chí, truyền hình, đài phát thanh thường hạn chế các chủ đề về tôn giáo, tín ngưỡng.

Tuy chưa có các số liệu về số lượng tín đồ của hai đạo này theo nhóm tuổi trong từng thời kỳ, nhưng thật sự chính sách của nhà nước Việt Nam trong bao năm qua là ngăn cản quy mô của các tổ chức tôn giáo dù được công nhận hay không công nhận qua hàng loạt các quy định về tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các văn bản luật khác.

Số lượng người trẻ thiếu ý thức về tôn giáo có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm số lượng tín đồ của hai tôn giáo này.

3. Phương pháp thống kê có thể chỉ dựa vào thông tin tôn giáo trên chứng minh nhân dân

Tất cả chứng minh nhân dân của người Việt Nam đều có mục tôn giáo để biết người đó đang theo tôn giáo nào.

Trong thực tế, để hạn chế các rắc rối liên quan đến tôn giáo vì có thể bị kỳ thị ví dụ xin làm việc trong các cơ quan nhà nước, gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam, các gia đình dù đang theo một tôn giáo nào đó vẫn ghi tôn giáo của mình hay của con mình là “không”.

Mặt khác, cũng có hiện tượng phổ biến là cán bộ công an thường tự ý khai tôn giáo là “không” cho những người đi làm hoặc làm lại chứng minh nhân dân. Nguyên nhân này có thể là chủ ý làm giảm số lượng tín đồ của các tôn giáo để giảm sức ảnh hưởng của tôn giáo đó.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.