LIV ra mắt cơ sở dữ liệu về tự do tôn giáo tại Việt Nam

Ảnh: Luật Khoa.
Ảnh: Luật Khoa.

Hôm nay, 17/7, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiatives for Vietnam – LIV) ra mắt cơ sở dữ liệu về tự do tôn giáo tại Việt Nam.

LIV là một tổ chức phi lợi nhuận đăng ký tại bang California (Hoa Kỳ), cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese. Bạn có thể tìm hiểu về LIV và lý do tổ chức này được đăng ký tại Hoa Kỳ (mà không phải Việt Nam) tại đây.

Với dữ liệu được cập nhật thường xuyên này, LIV kỳ vọng có thể bắt đầu tài liệu hóa các vụ việc liên quan đến quyền tự do tôn giáo đã xảy ra trong thời gian gần đây cũng như trong quá khứ.

Đó có thể là một vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai giữa Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa và chính quyền tỉnh Phú Yên.

Đó có thể là một vụ án xét xử một người dân tộc ở Tây Nguyên vì theo đạo Tin Lành Đề Ga hay những người phổ biến Pháp Luân Công.

Đó cũng có thể là mâu thuẫn giữa các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang về việc sửa chữa An Hòa Tự hay những cuộc ẩu đả của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập với công an địa phương.

Hiện tại, khi truy cập vào dữ liệu này bạn sẽ thấy có 19 vụ việc (trong đó có hơn 20 vụ liên quan đến các học viên của Pháp Luân Công được tính chung là một vụ việc), với hơn 91 người là các nạn nhân hoặc những người có liên quan trực tiếp. Các vụ việc khác vẫn đang được cập nhật.

Để mở rộng diện độc giả, nội dung của dữ liệu này được trình bày bằng tiếng Anh.

Sau khi tham khảo thông tin trong phần hỏi & đáp bên dưới, bạn có thể truy cập dữ liệu về tự do tôn giáo tại đây: www.liv.ngo/data

Vì sao LIV xây dựng cơ sở dữ liệu này?

Tôn giáo và tín ngưỡng đa dạng của Việt Nam là một niềm tự hào lớn của đất nước. Sức mạnh của tôn giáo và tín ngưỡng đã góp phần đưa người dân vượt qua những thời kỳ khó khăn trong lịch sử.

Tuy nhiên, sau 30/4/1975, rất nhiều người trở thành nạn nhân của chính sách tôn giáo khắc nghiệt của nhà nước Việt Nam.

Mức độ khắc nghiệt về quản lý tôn giáo của nhà nước Việt Nam đã giảm dần theo thời gian. Tuy vậy, nhà nước vẫn duy trì tinh thần siết chặt các quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Những hoạt động nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền hoặc không hỗ trợ chính quyền xây dựng “đoàn kết dân tộc” thì đều bị xem là hoạt động bất hợp pháp.

Là một tổ chức có hoạt động chính là báo chí, LIV đã gặp không ít khó khăn trong việc đánh giá về tình hình tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Khác với các vụ việc liên quan đến tự do ngôn luận hay các vụ án chính trị khác, các vụ việc liên quan đến tôn giáo thường không được biết đến hoặc rơi vào quên lãng, nếu có được để ý tới thì thông tin cũng rất ít ỏi và rời rạc. Chúng tôi tin rằng, các tổ chức báo chí, nhân quyền khác cũng gặp vấn đề tương tự.

Do đó, dữ liệu này được lập ra nhằm bước đầu bắt đầu việc thu thập những thông tin về các vụ việc liên quan đến tự do tôn giáo một cách có hệ thống. Chúng tôi hy vọng dữ liệu này sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho nhà báo, nhà hoạt động cũng như độc giả quan tâm về quyền tự do tôn giáo.

Dữ liệu này được thu thập như thế nào?

Dữ liệu này được thu thập dựa trên các nguồn thông tin của báo chí trong nước và ngoài nước, cũng như từ các tổ chức nhân quyền.

Ngoài ra, trong điều kiện có thể thu xếp được, LIV sẽ trực tiếp thu thập thông tin từ những người có liên quan.

Các thông tin trong bảng dữ liệu này chỉ bao gồm các sự việc được báo chí tường thuật hoặc lời tường thuật của những người trực tiếp có liên quan. Chúng tôi không đưa ra quan điểm của mình về vụ việc.

Chúng tôi hy vọng độc giả sẽ đóng góp thông tin về các vụ việc. Mời xem thông tin hướng dẫn ở mục “Làm thế nào để cung cấp thông tin”.

Làm thế nào để đọc thông tin từ bảng dữ liệu?

Bạn đọc sẽ xem dữ liệu này qua công cụ Air Table. Đây là một công cụ trình bày bảng biểu sinh động, dễ dàng truy xuất các thông tin mà không cần chuyển sang một bảng biểu khác.

Khi mở dữ liệu này tại đường dẫn www.liv.ngo/data, bạn sẽ thấy bốn bảng: 1. Case (Vụ việc), 2. People (Người liên quan hay các nạn nhân), 3. Case Timeline (Các mốc thời gian của vụ việc) 4. Supporting documents (Các tài liệu của vụ việc).

Ảnh: Luật Khoa.

Để đọc thông tin về từng vụ việc, bạn chỉ cần đọc thông tin ở bảng số 1. Thông tin ở các bảng còn lại đều đã liên kết với bảng này.

Trong bảng số 1, bạn sẽ thấy tên các vụ việc ở cột đầu tiên và các ô thông tin liên quan của mỗi vụ việc được nhập theo hàng ngang.

Với bốn cột tiếp theo sau cột đầu tiên, bạn có thể lọc các vụ việc theo thông tin chi tiết trong các mục: Related religion (Tôn giáo); Issues (Vấn đề); Location (Tỉnh thành xảy ra vụ việc); Status (Tình trạng) bằng cách nhấn vào nút “Filter” và nhập thông tin cần lọc.

Ví dụ: Bạn muốn tìm những vụ việc xảy ra ở An Giang, nhấn vào nút “Filter” chọn “Location” và chọn thêm tỉnh “An Giang”.

Trong ba cột ở gần cuối bảng số 1, bao gồm People (Người liên quan hay các nạn nhân), Case Timeline (Các mốc thời gian của vụ việc)Supporting documents (Các tài liệu của vụ việc), bạn có thể thấy các thông tin trong ba cột này được tô màu xanh dương. Với ba cột này, bạn có thể nhấn vào mỗi thông tin trong từng ô để xem thông tin chi tiết.

Ví dụ bạn muốn đọc thông tin về người có liên quan trong vụ việc Rlan Hip, một người dân tộc Jrai, bị tuyên án bảy năm tù vì tội phá hoại đại đoàn kết dân tộc, bạn có thể nhấn vào tên của anh trong mục People (Người liên quan hay nạn nhân) ở bảng số 1. Thông tin của Rlan Hip sẽ xuất hiện như sau:

Mục People (Người liên quan hay các nạn nhân) bao gồm các thông tin nhân thân của người có liên quan như năm sinh, dân tộc, hình ảnh, giới tính, lịch sử hoạt động…

Mục Case Timeline (Các mốc thời gian của vụ việc) là thông tóm tắt theo các mốc thời gian của vụ việc dựa trên các nguồn thông tin mà chúng tôi có trích dẫn ở cột áp chót của bảng số 1.

Mục Supporting documents (Các tài liệu của vụ việc) có thể là các video, hình ảnh hay các tài liệu liên quan của từng vụ việc.

Tương tự, bạn cũng có thể lọc dữ liệu trong bảng 2. People (Victims) để xem các thông tin theo mong muốn như giới tính, sắc tộc, tôn giáo, truy tố hình sự…

Làm thế nào để cung cấp thông tin

Chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể đóng góp cho cơ sở dữ liệu về tự do tôn giáo này nhiều nhất có thể. Hãy cho chúng tôi biết những vụ việc nào liên quan đến tự do tôn giáo mà bạn biết hoặc xảy ra đối với chính bản thân bạn.

Bạn đọc có thể gửi thông tin cho chúng tôi qua đường link: bit.ly/vuviectongiao. Chúng tôi sẽ liên lạc với bạn trong thời gian sớm nhất để bổ sung thêm thông tin. Bạn cũng có thể cung cấp thông tin ẩn danh.  Các thông tin được cung cấp chỉ sử dụng cho dữ liệu về tự do tôn giáo, và không cung cấp cho bên thứ ba.

Trong khi thu thập và trình bày dữ liệu, chúng tôi khó tránh khỏi sai sót. Chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể dành chút thời gian góp ý qua địa chỉ email: tongiao@luatkhoa.org hoặc religion@liv.ngo.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.