“Thẩm phán công dân” – bước tiến mới của nền tư pháp Đài Loan?

Các nghị sĩ Đảng Dân Tiến cầm quyền ăn mừng sau khi Đạo luật Thẩm phán Công dân được thông qua tại Lập pháp viện ngày...
Các nghị sĩ Đảng Dân Tiến cầm quyền ăn mừng sau khi Đạo luật Thẩm phán Công dân được thông qua tại Lập pháp viện ngày 22/7/2020. Ảnh: CNA.

Pháp luật xưa nay luôn là một món khiến nhiều người e dè.

Ngày xưa, những đạo luật là đặc quyền sáng tạo của các vua chúa, kẻ có quyền thế, hoặc những bậc tự cho mình là thánh nhân thông thái hơn người. Không khó hiểu khi thời ấy, luật pháp với dân đen là một thứ vừa xa lạ vừa dễ sợ.

Ngày nay, khi nhân loại đều nhận ra mình bình đẳng, pháp luật không còn là công cụ đặc dụng của một nhóm người (ở đây tất nhiên đang nói đến đa số các nước văn minh), dân thường lại gặp phải một vấn đề khác: sự phức tạp và chồng chéo của các loại luật.

Nhưng nếu người dân sợ hãi né tránh hệ thống, bản chất và ý nghĩa của “dân chủ” sẽ không tồn tại. Khi đó, “tam quyền phân lập” hay “tư pháp độc lập” cũng sẽ chỉ là cái vỏ, trở thành công cụ thao túng riêng của một nhóm người.

Để giải quyết vấn đề này, hệ thống tư pháp của nhiều nước đã áp dụng các hình thức khác nhau khuyến khích sự tham gia của người dân thuộc mọi tầng lớp trong quá trình xét xử.

“Bồi thẩm đoàn” (jury) là một trong những hình thức đó. Và Đài Loan là nước mới nhất gia nhập xu hướng này.

Thẩm phán công dân của Đài Loan

Vào ngày 22/7/2020 vừa qua, Lập pháp viện (Quốc hội) của Đài Loan đã thông qua Đạo luật Thẩm phán Công dân (Citizen Judges Act), dọn đường để người dân tham gia định đoạt kết quả các vụ án.

Theo đó, kể từ năm 2023, các vụ án hình sự nghiêm trọng, với khung hình phạt từ 10 năm trở lên hoặc liên quan đến tội cố ý giết người, sẽ có sự tham gia của bồi thẩm viên (hay thẩm phán công dân) thay vì chỉ do thẩm phán chuyên nghiệp định đoạt như trước nay (không tính các vụ án có bị cáo là thanh thiếu niên và những vụ án buôn ma túy).

Hội đồng xét xử này có số lượng là chín thành viên, với sáu người là dân thường (laypersons) được lựa chọn ngẫu nhiên, và ba người là các thẩm phán chuyên nghiệp (professional judges).

Những dân thường được lựa chọn phải là công dân Đài Loan, trình độ học vấn tốt nghiệp cấp ba trở lên, có ít nhất bốn tháng sinh sống tại khu vực thuộc thẩm quyền xét xử của phiên tòa mà họ sẽ tham dự.

Các ngoại lệ không được làm bồi thẩm viên là những ai đang bị tước quyền công dân, đang thụ lý án hình sự, những người có liên quan đến vụ án được xét xử, các nhân viên công vụ, cảnh sát, quân đội…

Những trường hợp còn lại, nếu trên 70 tuổi, hay đang là học sinh, giáo viên, hoặc tình trạng sức khỏe không cho phép, hay có lý do gia đình chính đáng có thể xin miễn nghĩa vụ làm bồi thẩm viên.

Kể từ năm 2023, thường dân Đài Loan sẽ bắt đầu tham gia xét xử các vụ án hình sự với tư cách bồi thẩm viên. Ảnh: Shutterstock.
Kể từ năm 2023, thường dân Đài Loan sẽ bắt đầu tham gia xét xử các vụ án hình sự với tư cách bồi thẩm viên. Ảnh: Shutterstock.

Danh sách những người đủ tiêu chuẩn được chính quyền sở tại tập hợp, gửi lên các tòa án địa phương, lưu trữ thành cơ sở dữ liệu các “bồi thẩm viên dự bị” (potential jurors).

Khi có vụ án cần xét xử, những người này sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên, sau đó, thông qua quá trình phỏng vấn xét duyệt của thẩm phán, công tố viên và luật sư biện hộ, lọc lại thành sáu người cuối cùng tham gia hội đồng xét xử.

Những ai làm bồi thẩm viên đều được tính ngày nghỉ phép có lương, được hỗ trợ trợ cấp đi lại, và trả phí 3.000 Đài tệ (khoảng 100 USD) một ngày.

Các bồi thẩm viên đều được bảo vệ quyền riêng tư, và ngược lại đều phải chấp hành quy định bảo mật, không được công khai thông tin vụ án ra bên ngoài, nếu không sẽ bị phạt tiền lẫn phạt tù.

Các thẩm phán công dân, cùng với thẩm phán chuyên nghiệp, sẽ tham dự toàn bộ quá trình xét xử từ đầu đến cuối, tiếp cận với tất cả hồ sơ vụ án, được quyền đặt câu hỏi chất vấn tại tòa.

Phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử dựa trên nguyên tắc 2/3: phải có ít nhất 2/3 phiếu kết luận có tội, trong đó phải có ít nhất một phiếu của thẩm phán chuyên nghiệp (phán quyết án tử đối với bị cáo cũng theo nguyên tắc này).

Nghĩa là cho dù sáu thẩm phán công dân kết luận có tội, nhưng không thẩm phán chuyên nghiệp nào đồng ý, bị cáo vẫn được tuyên vô tội.

Ngược lại, cho dù ba thẩm phán chuyên nghiệp kết luận có tội, nhưng nếu họ không thuyết phục được ít nhất ba người dân thường còn lại trong hội đồng xét xử, bị cáo vẫn được tuyên vô tội.

Các phán quyết về hình phạt áp dụng sau khi tuyên có tội được dựa trên nguyên tắc đa số quá bán (5/9).

Bước tiến về cải cách tư pháp?

Những cuộc thảo luận về cải cách tư pháp tại Đài Loan đã xuất hiện từ ít nhất hơn 30 năm trước.

Chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã xem đây là một trong những mục tiêu trọng tâm phải đạt được kể từ khi tái đắc cử hồi tháng 1/2020.

Kết quả là từ lúc đệ trình dự luật ra Lập pháp viện, Đảng Dân tiến cầm quyền đã dựa vào ưu thế đa số tuyệt đối của mình để chạy marathon hoàn thành việc thông qua chỉ trong ba ngày.

Điều này vấp phải sự phản đối đến từ không ít thành viên các đảng đối lập lẫn những tổ chức dân sự.

Sự phản đối lớn nhất nằm ở việc đảng cầm quyền đã bỏ qua không xem xét các phương án áp dụng mô hình bồi thẩm đoàn truyền thống (hội đồng xét xử hoàn toàn chỉ có dân thường), hoặc áp dụng song song cả hai mô hình truyền thống lẫn hỗn hợp để sau một thời gian sẽ đánh giá hiệu quả.

Những người ủng hộ đạo luật trong khi đó cho rằng mô hình bồi thẩm đoàn truyền thống không thích hợp với hiện trạng của Đài Loan. Với mô hình này, việc kết tội phải đồng thuận (unanimity), chỉ cần một ý kiến khác biệt là phán quyết vô hiệu, toàn bộ quá trình xét xử của vụ án sẽ phải thực hiện lại từ đầu, gây hao tổn nguồn lực của xã hội. Ngoài ra, bồi thẩm đoàn truyền thống chỉ cần đưa ra kết luận, không cần giải thích (do họ vốn dĩ là dân thường không có kiến thức về pháp luật), khó có thể khiến dư luận đồng tình, nhất là trong tình cảnh niềm tin dành cho hệ thống tư pháp của Đài Loan đang ở mức thấp như hiện tại.

Với mô hình hỗn hợp như trong đạo luật, phán quyết chỉ cần đạt 2/3 là có hiệu lực, và phải có phần giải thích chi tiết về kết luận của bồi thẩm đoàn (do thẩm phán chuyên nghiệp phụ trách).

Ý kiến chất vấn ngược lại cho rằng các thẩm phán công dân trong mô hình hỗn hợp sẽ chỉ đóng vai trò là bình hoa di động, chịu ảnh hưởng chi phối lớn của các thẩm phán chuyên nghiệp. Họ cho rằng chính quyền không thật sự muốn cải cách tư pháp, vẫn còn nghi ngờ trình độ của người dân nên không áp dụng mô hình bồi thẩm đoàn truyền thống.

Bà Thái Anh Văn trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/5/2020. Ảnh: AFP.
Bà Thái Anh Văn trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/5/2020. Ảnh: AFP.

Hiệu quả của mô hình hỗn hợp tại Đài Loan như thế nào, người ta sẽ phải chờ xem trên thực tế.

Không thể phủ nhận đây là một nỗ lực cải cách tư pháp, giảm thiểu các “thẩm phán khủng long”, những người đưa ra các phán quyết gây ức chế dư luận, xa rời thực tế, trao quyền cho người dân chủ động tham gia vào hệ thống xét xử, tăng thêm mức độ minh bạch và thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với dân.

Theo các nghiên cứu nhiều năm qua, đa phần người dân ở các nước áp dụng bồi thẩm đoàn đều có phản ứng tích cực với mô hình này. Tại Mỹ, nó còn được xem như một quyền hiến định.

Đa số những ai phải “đáo tụng đình” cũng muốn được bồi thẩm đoàn xét xử hơn là để số phận của mình nằm dưới tay một người.

Mặt khác, những tiêu cực từ mô hình bồi thẩm đoàn truyền thống lẫn hỗn hợp đều là những thứ có thực.

Mô hình hỗn hợp của Đài Loan thực chất là bê gần như y nguyên từ Nhật Bản, vốn áp dụng nó từ năm 2009.

Hệ thống tư pháp của Nhật Bản trong khi đó nhiều năm qua đã bị chỉ trích với việc để xảy ra nhiều án oan, với các vụ án đưa ra xét xử đều có tỷ lệ định tội cao ngút hơn 99%.

Cải cách tư pháp không chỉ là chuyện có hay không có bồi thẩm đoàn, hay bồi thẩm đoàn loại gì. Nó còn là quy trình điều tra, giam giữ, thẩm vấn, ghi hình, hay việc đảm bảo những quyền cơ bản của công dân trong quy trình đó như quyền im lặng, quyền được trao đổi với luật sư…

Đạo luật Thẩm phán Công dân dù vậy vẫn là một bước đáng kể của nền tư pháp Đài Loan trên con đường dân chủ hóa thể chế của đảo quốc.

Như người ta vẫn thường nói, dân chủ không phải là đích đến, nó là con đường không có điểm dừng.

Mọi bước đi, miễn là tiến lên phía trước thay vì đạp lùi, vẫn luôn đáng được ghi nhận và cổ vũ.

***

TÌM HIỂU THÊM VỀ BỒI THẨM ĐOÀN

Các trường phái luật pháp

Trước khi tìm hiểu thêm về bồi thẩm đoàn, ta cần phải biết qua một chút về các hệ thống pháp luật hiện có.

Có thể nói trong số hàng trăm quốc gia, không nước nào có hệ thống pháp luật hoàn toàn giống nhau. Sự phát triển của luật pháp ở mỗi nước cũng đa dạng không kém sự phát triển của ngôn ngữ.

Giống như mọi thứ phức tạp trên đời, để dễ hình dung về nó, người ta thường tìm cách phân loại. Các ngôn ngữ tuy khác biệt là vậy cũng có thể quy về những phả hệ chính. Các hệ thống luật pháp cũng tương tự, thường được quy về những trường phái lớn.

Như Luật Khoa từng có bài viết giới thiệu, hai trường phái luật nổi bật nhất hiện tại là La Mã – Đức (Romano – Germanic) và thông luật (common Law).

Trường phái luật La Mã – Đức còn được gọi là hệ thống dân luật (civil law), luật quy phạm (code law) hay luật lục địa (continental law), cách gọi nhắc nhở về nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu lục địa của nó. Trong hệ thống này, luật pháp chủ yếu là những quy định được lập ra và ghi lại thành văn bản, bắt nguồn từ các bộ luật của La Mã vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, điều chỉnh mọi hành vi quan hệ trong xã hội.

Hệ thống thông luật thì được xây dựng chủ yếu dựa trên các án lệ, những vụ việc được tòa xử trước đó, đem làm cơ sở tham khảo cho mọi sự vụ tương tự sau này.

Trước thập niên 1990, khi khối xã hội chủ nghĩa vẫn còn tồn tại, người ta còn chia ra một trường phái khác: hệ thống luật xã hội chủ nghĩa.

Hệ thống này phát triển từ Liên bang Xô Viết từ năm 1917, dựa trên nền tảng luật La Mã – Đức, thêm vào đặc tính đảng cộng sản kiểm soát toàn bộ hệ thống vận hành của xã hội, với các quy định pháp luật xoay quanh sự thống trị kiểm soát đó, bao gồm cả việc công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất.

Một trường phái luật nữa vẫn còn tồn tại đến nay là hệ thống luật dựa trên tôn giáo (theocratic law), nơi các điều luật được trích dẫn dựa trên các văn bản và tập quán tôn giáo. Hệ thống này hiện vẫn được áp dụng ở một số quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông.

Ngày nay, trên thực tế, đa phần các quốc gia đều ứng dụng một phần của mỗi trường phái để tổng hợp ra hệ thống pháp luật cho riêng mình.

Bồi thẩm đoàn (trái) đang nghe luật sư trình bày trong một phiên tòa ở Mỹ. Ảnh: sfexaminer.com
Bồi thẩm đoàn (trái) đang nghe luật sư trình bày trong một phiên tòa ở Mỹ. Ảnh: sfexaminer.com

Dân làm trọng tài

Bồi thẩm đoàn là hình thức trọng tài cho những vụ xét xử, trong đó dân thường (laypersons) tham gia vào quá trình định đoạt kết quả của một vụ kiện tụng.

Đây là hình thức đặc trưng của những nước theo hệ thống Thông luật, được áp dụng phổ biến nhất ở Mỹ. Trong các vụ xét xử có sử dụng bồi thẩm đoàn trên thế giới, hơn 90% diễn ra tại Hoa Kỳ.

Được cho là khởi nguồn từ nước Anh vào thế kỷ 11, nhưng trên thực tế hình thức dân thường tham gia xét xử đã tồn tại ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Phiên tòa xét xử triết gia Socrates với bồi thẩm đoàn gồm 500 người tham dự là một trong những vụ án nổi tiếng được ghi lại trong lịch sử.

Hình thức bồi thẩm đoàn xuất hiện gần như cùng lúc với chế độ dân chủ của Athens (Athenian democracy).

Tại Anh, các bồi thẩm viên (jurors) ban đầu chỉ là những nhân chứng. Họ chủ yếu là các hàng xóm, có thông tin liên quan, được mời để đưa ra nhận định về vụ việc.

Với sự tan rã của chế độ phong kiến, nhà thờ và các hoàng tộc không còn nắm giữ quyền lực tối thượng, vai trò của bồi thẩm đoàn được nâng cao: họ trở thành những người xét đoán kết luận vụ án thông qua những chứng cứ được các bên trình bày.

Bồi thẩm đoàn vì vậy có thể xem là một hình thức đối trọng quyền lực của người dân so với chính quyền.

Mỗi hệ thống pháp luật của các quốc gia có quy định khác nhau về hình thức, vai trò, hoạt động và việc lựa chọn các bồi thẩm viên.

Tuy nhiên đa số đều có những điểm chung: bồi thẩm viên đều được lựa chọn ngẫu nhiên, loại trừ những ai có liên quan đến vụ án hoặc có thể đưa ra phán xét thiên lệch (ví dụ cảnh sát, luật sư không được tham dự trong bồi thẩm đoàn), phán quyết được đưa ra phải đồng thuận, không phải giải thích về phán quyết của mình…

Trong suốt lịch sử, hình thức bồi thẩm đoàn không thiếu người ủng hộ, nhưng cũng không ít người phản đối.

Những người ủng hộ cho rằng bồi thẩm đoàn giúp người dân có được trải nghiệm và hiểu biết hơn về hệ thống luật pháp, góp phần củng cố uy tín và niềm tin của công chúng vào hệ thống, đồng thời giảm bớt áp lực dư luận cho những phán quyết quan trọng, thay vì tất cả tập trung mũi dùi vào thẩm phán. Ý kiến phản đối cho rằng việc bắt người dân tham gia vào quá trình xét xử, nhiều khi kéo dài do bản chất phức tạp của vụ án, đẩy gánh nặng lên họ, khiến nhiều người chịu phiền toái cho công việc riêng, làm họ mất hứng thú tham gia vào những hoạt động của nhà nước.

Những người phản đối cho rằng các thẩm phán được đào tạo bài bản về luật pháp, có tri thức và thông tuệ, thích hợp hơn người thường trong việc xét đoán định đoạt những vụ án. Ý kiến ủng hộ ngược lại cho rằng 12 cái đầu (số lượng bồi thẩm viên phổ biến trong một phiên xử) vẫn tốt hơn một, và rằng dân thường không có kiến thức pháp luật nhưng có thể bù lại bằng hiểu biết đa dạng về cuộc sống, đủ khả năng đưa ra nhận định và cũng không bị thiên kiến áp đặt nhiều như các thẩm phán.

Ý kiến phản đối bồi thẩm đoàn cho rằng dân thường tham gia xét xử không dựa trên luật mà phần nhiều là cảm tính, nhiều khi còn đưa ra phán quyết trái với luật (nếu họ không chấp nhận điều luật đó). Điều này, theo những người phản đối, trái với tinh thần pháp quyền (rule of law).

Những người ủng hộ lại cho rằng chính việc người dân tham gia xét xử mới thể hiện đúng bản chất dân chủ của thể chế, cho phép việc linh hoạt ứng dụng luật, theo tinh thần của pháp luật (spirit of the law) thay vì chỉ chăm chăm dựa vào những con chữ vô hồn trên các văn bản (letters of the law).

Các tranh cãi mãi không ngớt này có lẽ là một phần lý do mô hình bồi thẩm đoàn không được trọng dụng ở những nước nằm ngoài hệ thống thông luật, sau một giai đoạn lịch sử được truyền bá ra bên ngoài cùng với ảnh hưởng của Đế quốc Anh lên toàn thế giới.

Nhưng trong vài thập niên gần đây, người ta chứng kiến nhiều quốc gia với hệ thống luật La Mã – Đức đã thử nghiệm áp dụng mô hình bồi thẩm đoàn trong thể chế của mình, hoặc dùng bồi thẩm đoàn như truyền thống chỉ gồm toàn dân thường, hoặc kết hợp giữa dân thường với các thẩm phán chuyên nghiệp để ra một bồi thẩm đoàn hỗn hợp (mixed jury).

Hình thức hội đồng xét xử gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Việt Nam có thể được xem là một dạng bồi thẩm đoàn hỗn hợp. Các hội thẩm nhân dân được lựa chọn phân công làm việc trong nhiều vụ án trong một khoảng thời gian công tác nhất định. Nhưng tòa án ở Việt Nam là một câu chuyện hoàn toàn khác với tòa án ở các nước dân chủ.

Đọc thêm:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.