Bầu cử Mỹ 2020 – Kỳ 3: Cuộc đua vào viện lập pháp tiểu bang

Bản đồ thể hiện quyền kiểm soát của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở các tiểu bang. Ảnh: atr.org.
Bản đồ thể hiện quyền kiểm soát của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở các tiểu bang. Ảnh: atr.org.

Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden chắc chắn là cuộc đua sôi động nhất, được dõi theo hàng ngày ở Hoa Kỳ lẫn trên toàn thế giới. Tuy vậy, đó không phải là cuộc bầu cử duy nhất tại Hoa Kỳ trong năm nay.

Nếu bạn là một trong những người quan tâm đến chính trị Hoa Kỳ, muốn có một bức tranh hoàn chỉnh hơn thì từ giờ đến cuối năm nay, nước Mỹ sẽ còn có nhiều cuộc đua khác quan trọng không kém, thậm chí có mối quan hệ tương quan sâu sắc với cuộc đua của ông Trump và Biden cũng như ảnh hưởng lớn tới cán cân quyền lực của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Dưới đây, Luật Khoa sẽ giới thiệu về các cuộc bầu cử quan trọng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/11 sắp tới tại Hoa Kỳ, kèm theo thông tin về đảng nào đang chiếm đa số, đảng nào đang có lợi thế, điều đó có ý nghĩa gì.

***

Kỳ 1: Cuộc đua Quốc hội liên bang
Kỳ 2: Cuộc đua giành ghế thống đốc các tiểu bang

Cuộc đua vào viện lập pháp tiểu bang

Đây có lẽ các cuộc bầu cử thường bị bỏ quên nhất, nhưng sẽ có hệ lụy và tác động lâu dài nhất đến chính trị Hoa Kỳ, không chỉ ở tiểu bang mà toàn liên bang.

Như đã đề cập trong phần bầu cử Hạ viện, cứ 10 năm một lần, Hoa Kỳ sẽ tiến hành điều tra dân số (census), sau đó họ sẽ điều chỉnh, vẽ lại khu vực bầu cử (redistricting). Phương án lý tưởng là để mỗi khu vực địa hạt có dân số tương đương, và đa dạng sắc tộc, giới tính, tầng lớp.

Nhưng việc phân bổ lại khu vực bầu cử hay bị chính trị hóa, và trở thành cái gọi là gerrymandering, tức phân bổ khu vực bầu cử một cách vô cùng quái dị, méo mó để tạo lợi thế chính trị cho đảng mình.

Ví dụ, một khu vực bầu cử có 80% là cử tri ủng hộ phe Dân chủ, thì một viện lập pháp có đa số là chính trị gia phe Cộng hoà có thể tách khu vực này ra, xé lẻ thành bốn phần để gộp với các khu vực khác. Khi đó số cử tri Dân chủ là 20%, và thành thiểu số ở bốn khu vực này.

Lấy ví dụ theo trang Fulcrum, khu vực bầu cử số 3 ở Baltimore, thuộc Maryland, trông vô cùng quái dị, có người còn gọi nó là “vết máu loang ở một vụ giết người” hoặc “một con khủng long thằn lằn nằm dạng háng”. Mục đích là tạo ra một khu vực bầu cử có lợi cho Đảng Dân chủ, dù nó rất bất tiện cho người dân ở khu vực này.

Đây là một ví dụ khá điển hình của gerrymandering nhưng thực tế Đảng Cộng hòa là đảng bị tố vẽ khu vực bầu cử kiểu gerrymandering nhiều hơn.

Thế thì sao?

Năm 2020 là năm điều tra dân số. Vì vậy, các nhà lập pháp tiểu bang dự kiến được bầu trong năm nay, sẽ có quyền tham gia việc “vẽ” lại các khu vực bầu cử, để làm tăng hoặc giảm số dân biểu Quốc hội và thậm chí quyết định vị dân biểu đó thuộc đảng nào.

Tiếp tục với ví dụ ở Khu vực bầu cử số 3 ở Baltimore, Maryland. Nếu dân số ở khu vực này đông lên gấp đôi, thì có nghĩa số dân biểu Quốc hội cho khu vực này sẽ tăng gấp đôi, và tùy thuộc vào cách nó được phân chia, mà nó sẽ có lợi cho ứng cử viên của một trong hai đảng.

Hệ thống lập pháp của tiểu bang cũng tương tự như chính quyền liên bang, thường có hai viện là Hạ viện và Thượng viện, chỉ trừ Nebraska là có một viện duy nhất.

Vì vậy, có tổng cộng 99 viện lập pháp tiểu bang trên 50 bang, và năm nay, 86 viện lập pháp sẽ tiến hành bầu cử cho hơn 5.800 vị trí dân biểu và thượng nghị sĩ tiểu bang.

Cũng khá giống chính quyền liên bang, dân biểu ở Hạ viện tiểu bang thường có nhiệm kỳ ngắn là hai năm, trong khi đó thượng nghị sĩ tiểu bang thường có bốn năm. Các cuộc bầu cử thường được tổ chức vào các năm chẵn.

Bối cảnh: Từ năm 2012, Đảng Cộng hòa đã bắt đầu chiếm ưu thế khi có đa số ghế tại phần lớn viện lập pháp trên toàn quốc. Ngoại trừ Alaska, nơi hai đảng đạt một thỏa thuận chia đều quyền lực.

Những bang mà cả ba nhánh của chính quyền bang đều bị một đảng thống trị, thì thường được gọi là trifecta. Đảng Cộng hòa hiện có 21 trifecta, trong khi đó Dân chủ chỉ có 15.

Kể từ năm 2018 đến nay, Đảng Dân chủ chiếm lại được đa số ở viện lập pháp ở 5 bang và cả bang Alaska, và 6 chính quyền trifecta ở 6 bang.

Theo Ballotpedia, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đa số ở các bang là:

  • Đảng Cộng hòa chiếm 52% số ghế lập pháp, giữ đa số ở 59 viện.
  • Đảng Dân chủ chiếm 46.78% số ghế lập pháp, giữ đa số ở 37 viện.

Dự báo: Đảng Cộng hòa đã lật ngược tình thế vào nhiệm kỳ thứ hai của Obama, thì có khả năng Đảng Dân chủ cũng có thể làm thế nếu như ông Trump có nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng hiện tại kết quả vẫn tương đối khó đoán.

Theo AP, Đảng Dân chủ đang tăng cường đổ tiền vào các chiến dịch cho các ứng viên lập pháp địa phương, từ 10 triệu đô trong kỳ bầu cử 2009-2010 lên 50 triệu đô trong kỳ 2019-2020.

Tuy nhiên, có bốn bang lớn gồm Texas, Florida, North Carolina và Georgia, cộng lại chiếm đến 90 ghế trong Hạ viện Quốc hội. Và bốn bang này đều do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Chưa kể bốn bang này dự kiến sẽ tăng số dân biểu vì dân số tăng.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ cần phải chiếm đa số ở Thượng viện ở 5 bang và Hạ viện ở 6 bang để chiếm lại quyền kiểm soát các viện lập pháp trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nhiều bang đang ngày càng tiến hành áp dụng sử dụng một ủy ban thứ ba độc lập, như California, có một ủy ban 14 người để tiến hành chia khu vực bầu cử một cách công bằng.

Điều đó có nghĩa là gì: Như đã nói, các cuộc bầu cử này quy mô nhỏ, trải rộng trên toàn quốc, lên đến hơn chục ngàn ứng viên cho gần 6.000 vị trí, cho nên việc dự báo không được phổ biến và khó cập nhật.

Đơn giản là đảng nào chiếm đa số trong viện lập pháp thì sẽ dễ dàng hơn trong việc phân bổ lại khu vực bầu cử.

Nếu là Đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số, thì trong vòng 10 năm tới, Đảng Cộng hòa sẽ chiếm lợi thế lớn, đưa nhiều người của đảng họ vào Hạ viện Hoa Kỳ, và ngược lại.

***
Kỳ tới: Cuộc đua vào Nhà Trắng

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.